Tiền gửi không kỳ hạn của người dân trong tài khoản ngân hàng tăng mạnh trở lại
Lượng tiền gửi thanh toán (hay tiền gửi không kỳ hạn) của cá nhân tăng mạnh trở lại trong quý II là chỉ báo cho thấy mức độ sẵn sàng chi tiêu đã phục hồi rõ rệt sau “làn sóng” dịch bệnh lần thứ nhất. Diễn biến này cũng có lợi cho hệ thống ngân hàng bởi tiền gửi thanh toán có lãi suất rất thấp.
Tiền gửi không kỳ hạn của người dân trong tài khoản ngân hàng tăng mạnh trở lại
Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy đến cuối quý II/2020, toàn hệ thống ngân hàng có gần 524.000 tỷ đồng tiền gửi thanh toán của cá nhân trong tài khoản ngân hàng.
Đây là tiền gửi không kỳ hạn đang hoạt động của cá nhân tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng (như dịch vụ thẻ, dịch vụ thanh toán bằng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ngoài thẻ).
Tính toán cho thấy, trong quý II/2020, tổng tiền gửi thanh toán của cá nhân đã tăng tới gần 47.300 tỷ đồng.
Trước đó, trong quý I/2020, tổng tiền gửi thanh toán của cá nhân đã giảm gần 23.300 tỷ đồng. Mức suy giảm mạnh khá bất ngờ này được cho là có liên quan đến dịch Covid-19, khi cuối quý I là cao điểm dịch bệnh bùng phát lần đầu tại Việt Nam gây tâm lý hoang mang toàn xã hội. Trong bối cảnh đó, cá nhân có xu hướng hạn chế chi tiêu, gia tăng tích lũy.
Video đang HOT
Lượng tiền gửi thanh toán của cá nhân tăng mạnh trở lại trong quý II là chỉ báo cho thấy mức độ sẵn sàng chi tiêu đã phục hồi rõ rệt.
Diễn biến này cũng có lợi cho hệ thống ngân hàng bởi tiền gửi thanh toán có lãi suất rất thấp. Càng nhiều tiền gửi thanh toán, chi phí vốn của ngân hàng càng thấp.
Tiền gửi thanh toán của cá nhân tăng mạnh trở lại trong quý II/2020. Nguồn: Ngân hàng Nhà nước
Xu hướng chi tiêu tăng trở lại thể hiện khá rõ khi nhìn vào số liệu giao dịch thanh toán nội địa. Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, trong quý II/2020, số lượng giao dịch được thanh toán bằng thẻ ngân hàng là hơn 171 triệu món với giá trị giao dịch trên 399.000 tỷ đồng.
Trước đó, trong quý I/2020, số lượng giao dịch thanh toán bằng thẻ ngân hàng là gần 86 triệu món với giá trị giao dịch gần 206.000 tỷ đồng, thấp hơn rõ rệt so với quý II.
Thậm chí, nếu so với mức giao dịch qua thẻ ngân hàng trong quý IV/2019 – thời điểm trước dịch – là gần 97 triệu món với giá trị giao dịch trên 222.000 tỷ đồng thì mức giao dịch trong quý II/2020 vẫn ấn tượng hơn rất nhiều.
Cũng theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, số lượng thẻ ngân hàng tăng lên trong quý II/2020 là hơn 2,9 triệu thẻ, lũy kế đạt 90,69 triệu thẻ, sau khi giảm trong 2 quý trước đó.
Xu hướng tất yếu
Tại Việt Nam, các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKTM) đang có sự phát triển mạnh mẽ, hình thành nhu cầu cấp thiết về xây dựng hệ sinh thái không dùng tiền mặt hay hệ sinh thái thanh toán điện tử.
Rất nhiều con số ấn tượng cho thấy người Việt Nam đang dần quen với TTKTM. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, giá trị giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2020 tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng số lượng giao dịch qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử trong 3 tháng đầu năm 2020 tăng 81,32% về số lượng và tăng 145,32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Tỷ trọng giao dịch tại ATM giảm từ 62% của năm 2018 xuống còn 42% vào cuối năm 2019, cho thấy sự thay đổi thói quen từ việc rút tiền mặt phục vụ chi tiêu hằng ngày sang các kênh ngân hàng điện tử. Đến nay, 50 ngân hàng đã kết nối thanh toán điện tử với hải quan, thuế; hơn 95% số thu của hải quan, 90% tiền điện và 35% viện phí được giao dịch không tiền mặt...
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh về thanh toán điện tử. TTKTM đang được nhiều người dân hưởng ứng nhờ tiện ích và bảo mật cao hơn do không phải phiền phức với việc nắm giữ, xử lý tiền mặt.
TTKTM còn hỗ trợ tăng cường tính minh bạch của nền kinh tế và thu hẹp nền kinh tế ngầm với những giao dịch tiền mặt không được báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ, cùng với đó là mở rộng tài chính toàn diện đến khu vực dân chúng chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa được tiếp cận đầy đủ dịch vụ ngân hàng.
Năm 2020 là năm cuối triển khai Đề án phát triển TTKTM tại Việt Nam, với mục tiêu giảm tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%, đến cuối năm 2025 ở mức dưới 8%.
Tuy nhiên, tỷ lệ giao dịch sử dụng tiền mặt ở nước ta còn cao, khi gần 40% người dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng, nhưng 80% trong số này chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt, 98% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100 nghìn đồng và 85% giao dịch tại ATM là giao dịch rút tiền.
Theo các chuyên gia tài chính, thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, cùng với đó là tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới, cũng như lo ngại về an ninh, an toàn và chi phí khi sử dụng các phương thức thanh toán điện tử đang khiến TTKTM còn ở mức thấp.
Mặt khác, hạ tầng TTKTM chưa đồng bộ giữa các tổ chức tài chính gồm ngân hàng, trung gian thanh toán và ví điện tử; các hình thức thanh toán mới như QR Code, sinh trắc học... chưa được triển khai diện rộng, nên chưa khai thác hết tiềm năng thanh toán điện tử.
Do vậy, để thúc đẩy TTKTM, Chính phủ cần có các giải pháp đồng bộ từ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hạ tầng tài chính, truyền thông, đến sự nhập cuộc của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty công nghệ tài chính cũng như thay đổi thói quen và nâng cao niềm tin cho người dân để xây dựng một xã hội TTKTM.
Khi TTKTM được khuyến khích và đưa vào như một phương thức thanh toán chính yếu trong xã hội sẽ đem lại nhiều lợi ích cho tất cả người dân và doanh nghiệp, để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu và giao dịch, giúp dòng chảy tiền tệ được lưu thông rõ ràng và trơn tru hơn.
Điều này có ý nghĩa lớn về mặt phát triển kinh tế - xã hội trước những tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và những biến cố khó lường như dịch Covid-19.
Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP): Quý II/2020 khả quan nhờ lãi tiền gửi và hoàn nhập dự phòng đầu tư chứng khoán Quý II/2020, CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (Mã chứng khoán SIP - UPCoM) ghi nhận doanh thu 1.092,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 370,6 tỷ đồng, giảm 2,5% và tăng 151,6% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ từ 12,6% về còn 11,5% và biên lợi nhuận ròng tăng mạnh từ 13,1% lên 33,9%. Đầu tư...