Tiền Giang: Khi tổ chức công đoàn lo chuyện bảo hộ lao động
Ngày 22.11, LĐLĐ tỉnh Tiền Giang đã làm lễ ra mắt Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và dịch vụ bảo hộ lao động (gọi tắt Trung tâm BHLĐ). Đây là trung tâm BHLĐ thứ 2 trên cả nước, sau tỉnh Đồng Tháp.
Tham quan phòng trưng bày trang thiết bị phòng cháy chữa cháy.
Với việc ra đời Trung tâm BHLĐ Tiền Giang, công tác an toàn – vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được nâng lên, bài bản và chuyên nghiệp hơn.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tiền Giang – ông Trương Văn Hiền – chia sẻ: Kinh tế xã hội tỉnh nhà phát triển nhanh, đến nay đã có hơn 4.000 doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực, lực lượng công nhân tăng nhanh, yêu cầu thực hiện ATVSLĐ ngày càng bức thiết. Trước đây công tác này được nhiều ngành tham gia thực hiện, mang tính phong trào, manh mún, không chuyên nghiệp, không có tổ chức đủ tư cách. Xuất phát từ thực tế đó, LĐLĐ tỉnh đã làm đề án và được UBND tỉnh ủng hộ, đưa đến sự ra đời Trung tâm BHLĐ trực thuộc LĐLĐ tỉnh. Mục tiêu cuối cùng của Trung tâm BHLĐ là bảo đảm sức khỏe cho NLĐ; tránh rủi ro cho doanh nghiệp; bảo vệ môi trường làm việc.
Tại lễ ra mắt, Giám đốc Trung tâm BHLĐ Tiền Giang – ông Đỗ Minh Hồng – đã vạch ra kế hoạch khá bài bản và chi tiết. Đối tượng đầu tiên được nhắm đến là đông đảo NLĐ. Công nhân ở Tiền Giang (và các tỉnh miền Tây nói chung) vốn xuất thân từ đồng ruộng, tác phong công nghiệp, ý thức BHLĐ còn rất hạn chế. Bằng những phương pháp huấn luyện trực quan, dễ nhớ sẽ giúp cho NLĐ tiếp cận với công tác BHLĐ một cách tự nhiên, như: Làm sổ tay ngắn gọn BHLĐ phát cho NLĐ; soạn quy trình kỹ thuật cho từng loại máy móc, thiết bị v.v… Công tác huấn luyện BHLĐ sẽ không còn mang tính “giúp đỡ” như trước, mà là hợp đồng trách nhiệm, có cho ra sản phẩm, có nghiệm thu, bàn giao, bảo hành… Chủ doanh nghiệp sẽ an tâm hơn với dịch vụ BHLĐ được trung tâm cung cấp, NLĐ sẽ được bảo vệ tốt hơn, môi trường lao động, sản xuất của tỉnh nói chung sẽ được cải thiện…
Theo ông Trương Văn Hiền, với nhân lực hạn chế hiện nay của trung tâm (5 người, trong đó có 1 kỹ sư BHLĐ, 1 kỹ sư điện…), việc tổ chức các chuyên gia kỹ thuật chuyên ngành hợp tác là yếu tố quyết định sự thành công của trung tâm. Với tư cách pháp nhân rõ ràng, với mục tiêu đầy tính nhân bản, gắn với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, Trung tâm BHLĐ Tiền Giang sẽ góp tiếng nói thuyết phục của tổ chức công đoàn vào đời sống của địa phương.
Theo laodong
"Giải mã" nhà cho công nhân nghèo
Là một tỉnh thuần nông, không có nhiều nguồn thu từ các nhà máy, khu công nghiệp, nhưng nhờ linh động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, LĐLĐ An Giang không chỉ lập kỷ lục về huy động Quỹ "Mái ấm công đoàn" (MACĐ) với số tiền trên 22 tỉ đồng, cất mới, sửa chữa 870 căn nhà cho công nhân nghèo mà còn mở ra lối thoát về nhà ở cho những công nhân "không đất chọi chim".
Chủ tịch LĐLĐ An Giang Võ Văn Khanh tặng quà cho công nhân nghèo vùng dân tộc Khmer.
Kỷ lục mái ấm...
Theo tính toán chưa đầy đủ, tính từ 2007 đến 11.2012, tổ chức công đoàn An Giang đã huy động Quỹ MACĐ được 22,34 tỉ đồng. Qua đó đã cất mới, sửa chữa cho công nhân nghèo 870 căn nhà. Đây được xem là kỷ lục trong hệ thống công đoàn vùng ĐBSCL. Điều đặc biệt hơn ở đây là giá trị MACĐ luôn được điều chỉnh sát theo giá thị trường.
Nếu như năm 2007, mức hỗ trợ tối đa cất mới chỉ là 10 triệu đồng/căn, thì từng năm sau được nâng dần lên và đến năm 2011 lên đến 30 triệu đồng. Theo đó mức sửa chữa cũng tăng từ 5 lên 15 triệu đồng/căn. Điều gì đã tạo nên thành công vượt bậc cho địa phương không có quá nhiều nguồn thu từ các nhà máy lớn, các khu công nghiệp đông công nhân như An Giang?
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Quốc Trí, Chánh văn phòng LĐLĐ An Giang cho biết: "Trước hết là sự linh động của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh trong điều chỉnh, nâng mức vận động từ 5.000đ/người/tháng (năm 2007) lên 10.000đ/người/ tháng (năm 2011), nhưng quan trọng hơn là việc bình xét hỗ trợ được thực hiện một cách công khai, dân chủ".
Ngoài ra, theo lời anh Trí, quan điểm của LĐLĐ An Giang là không sử dụng, không chi từ nguồn quỹ vào bất cứ mục đích nào ngoài MACĐ. Theo đó, tất cả các hoạt động hỗ trợ như: Sơ kết tổng kết, chi phí gắn biển, chi phí khảo sát... đều được LĐLĐ An Giang sử dụng từ nguồn tiết kiệm chi hoạt động thường xuyên của đơn vị.
Chính sự minh bạch này đã khiến nhiều tổ chức công đoàn tích cực đóng đủ mà còn sáng tạo để hoàn thành chỉ tiêu đóng góp một cách sớm nhất. Điển hình như LĐLĐ Châu Đốc đã phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện thu quỹ theo hình thức đóng góp cả năm ngay từ đầu năm... Ngoài ra một số doanh nghiệp cũng tự nguyện "hưởng ứng" bằng cách trích từ quỹ phúc lợi của đơn vị để đóng góp.
Nhà cho người "không đất"
Tuy nhiên "dấu ấn" của LĐLĐ An Giang chính là việc "giải mã" thành công việc xây nhà cho công nhân nghèo không đất, công nhân thường xuyên phải luân chuyển địa bàn làm việc.
Anh Trí chia sẻ: "Sau thời gian thực hiện, chúng tôi phát hiện có đối tượng cần hỗ trợ nhà nhiều nhất nhưng lại cũng rất khó có thể tiếp cận được chính sách do không có tài sản đất nền nhà theo quy định của chương trình MACĐ".
Sau nhiều lần tính toán, năm 2012 LĐLĐ An Giang thực hiện thí điểm phương án liên kết cùng huyện Tịnh Biên xây "MACĐ tập thể" cho giáo viên ở xã Vĩnh Trung, địa phương khó khăn, có đông người Khmer.
Theo đó huyện lo mặt bằng, LĐLĐ chịu toàn bộ phí xây dựng nhà tập thể 100m2, gồm 3 phòng (12 người) ở và 1 phòng sinh hoạt tập thể. Người được bình xét, vào ở miễn phí, khi chuyển công tác, sẽ xét cho đối tượng khác. Điều này không chỉ giúp địa phương tháo gỡ gánh nặng về nhà cho công nhân nghèo mà còn làm giáo viên nghèo an tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thầy Hà Văn Thừa, Chủ tịch CĐCS Trường THCS Phan Bội Châu (xã Vĩnh Trung) phấn khởi: "Nhà tập thể đã xuống cấp nặng, nhưng giáo viên vẫn phải bám trụ vì không có khả năng cất nhà riêng. Vì thế có được MACĐ tập thể sẽ là nguồn động viên to lớn để các cô thầy làm tốt nhiệm vụ chuyên môn trong thời gian tới".
Thành công của mô hình này đã thu hút huyện Thoại Sơn hưởng ứng với động thái tích cực hơn: Ngoài mặt bằng còn lo thêm các chi phí tư vấn, thiết kế, giám sát. Nhờ vậy mà nguồn chi MACĐ cũng giảm tương đương 40% (350/600 triệu đồng/căn) nên LĐLĐ An Giang đã mạnh dạn mở rộng mô hình nhà cho công nhân nghèo không đất trên phạm vi toàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2013, ít nhất mỗi huyện, thị có 1 MACĐ tập thể.
Theo laodong
Hội thảo Đối thoại xã hội và hoạt động CĐ ở các Cty đa quốc gia Trong hai ngày 16 -17.11, tại BRVT, Ban Đối ngoại Tổng LĐLĐVN phối hợp với LĐLĐ tỉnh BRVT tổ chức hội thảo đối thoại xã hội và hoạt động công đoàn ở các Cty đa quốc gia của Công đoàn ngành Công nghiệp và sản xuất quốc tế (IndustriALL) khu vực Châu Á. Gần 30 cán bộ công đoàn các tỉnh BRVT, Bình...