Tiêm kích NATO đánh chặn oanh tạc cơ kỳ lạ của Nga
Máy bay chiến đấu thuộc khối quân sự NATO đã buộc phải xuất kích để đánh chặn một máy bay ném bom “khác thường” của Nga.
Tại biên giới của NATO với Nga, các tiêm kích của khối quân sự này đã được lệnh cất cánh để đánh chặn một máy bay ném bom “bất thường” nhất từ trước tới nay bay ra khỏi lãnh thổ nước Nga. Thông tin về chủ đề này được cả phương tiện truyền thông Nga và phương Tây xác nhận.
Tuy nhiên sau đó khi được biết đối tượng đánh chặn là một chiếc Su-2 đã 80 tuổi thì chỉ huy của lực lượng không quân Liên minh Bắc Đại Tây Dương cho rằng vì một lý do không rõ, họ đã tưởng rằng đây là một mối đe dọa nguy hiểm.
“Theo Bộ Quốc phòng Litva, máy bay ném bom Su-2 huyền thoại bị phát hiện đã cất cánh từ vùng Kaliningrad buộc họ phải cho tiêm kích lên đánh chặn. Đây là chiếc Su-2 – một cựu chiến binh của Chiến tranh Vệ quốc, thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1937, nó đã chứng tỏ là một máy bay ném bom hạng nhẹ và trinh sát hiệu quả vào thời điểm đó”, báo cáo của Regnum.
Rõ ràng liên minh quân sự NATO không thể cảm thấy vui mừng khi đánh chặn một máy bay ném bom cổ lỗ và vô hại cất cánh từ lãnh thổ Nga, tiêu tốn tài nguyên đáng kể vào việc này.
NATO đã phải huy động tiêm kích để đánh chặn một máy bay ném bom đồ cổ vô hại
Sukhoi Su-2 là một máy bay trinh sát và ném bom hạng nhẹ được sử dụng sớm trong chiến tranh thế giới II. Đây là chiếc máy bay đầu tiên được thiết kế bởi Pavel Sukhoi.
Năm 1936, Joseph Stalin đồng ý phát triển một loại máy bay đa chức năng có tên mật là Ivanov, chiếc máy bay này có thể dùng để trinh sát và tấn công mục tiêu. P.O. Sukhoi lúc này đang làm việc tại Tupolev OKB và thực hiện thiết kế “Ivanov” dưới sự giám sát của Andrei Tupolev.
Thành quả của công trinh trên là chiếc ANT-51, nó bay lần đầu vào 25/8/1937. Động cơ Shvetsov M-62 công suất 820 mã lực (610 kW) cho tốc độ tối đa 403 km/h. Sau đó nó được thay thế động cơ Tumansky M-87 công suất 1.000 mã lực (745 kW), đẩy vận tốc tối đa lên 468 km/h.
Chiếc ANT-51 được sản xuất với tên gọi BB-1 (máy bay ném bom tầm ngắn). Năm 1940, nó lại được đổi tên thành Su-2 và động cơ M-87 được thay thế bằng động cơ Tumansky M-88.
Máy bay trinh sát – ném bom Su-2 của Liên Xô
Su-2 có thiết kế pha trộn, thân máy bay làm bằng gỗ và gỗ dán ngoài. Cánh cấu tạo từ nhôm và thép. Phi công và xạ thủ được bảo vệ với vỏ giáp bao bọc dày 9 mm. Bánh sau của máy bay có thể thu vào được.
Video đang HOT
Su-2 có phi hành đoàn 2 người; chiều dài: 10,46 m; sải cánh: 14,3 m; chiều cao: 3,75 m; trọng lượng rỗng: 3.220 kg; trọng lượng cất cánh: 4.700 kg; động cơ: 1 Shvetsov M-82, công suất 1.044 kW (1.400 mã lực)
Su-2 có vận tốc cực đại: 485 km/h; tầm bay: 1.100 km; trần bay: 8.400 m; vận tốc lên cao: 9,8 phút/5.000 m.
Vũ khí của chiếc Su-2 bao gồm 6 súng máy ShKAS 7,62 mm (4 trong cánh, 2 trên buồng lái) và mang được 400 kg bom hoặc mang 10 rocket RS-82 hoặc 8 rocket RS-132.
Tùng Dương
Theo baodatviet.vn
Nga khuyên Mỹ-NATO đọc thêm sách nếu đối đầu
Chuyên gia quân sự Nga chỉ ra thực lực không đáng ngại của NATO nếu muốn đánh chiếm Kaliningrad.
Sức mạnh trên giấy
Phản ứng trước "kế hoạch" của Mỹ và NATO nhằm đánh chiếm Kaliningrad của Nga, chuyên gia quân sự Nga Alexandr Tikhansky cho rằng đây chỉ là ý đồ trên giấy mà thôi.
Trước đó, chuyên gia Richard Hooker thuộc tổ chức phi chính phủ The Jamestown Foundation đã công bố một báo cáo How To Defend The Baltic States (Làm thế nào để bảo vệ các nước Baltic).
Báo cáo này tuyên bố NATO sẽ chiếm Kaliningrad của Nga trong trường hợp xảy ra cuộc xâm lược các nước Baltic.
Chuyên gia Hooker tin rằng Nga không có khả năng đối phó với sức mạnh vượt trội của NATO và sẽ mất Kaliningrad. Bằng chứng cho sức mạnh của NATO được nêu ra là các kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ và đồng minh ở Ba Lan.
Lực lượng NATO tập trận tại Ba Lan
Chuyên gia Tikhansky thuộc Viện hàn lâm khoa học quân sự Nga cho rằng "tính toán của người Mỹ" xuất phát từ ưu thế vượt trội về quân số của NATO so với Nga ở khu vực Đông Âu, trong đó có khu vực biên giới với tỉnh Kaliningrad của Nga.
So sánh thuần túy từ con số thống kê thì tại Kaliningrad, Nga chỉ có khoảng 250 xe tăng so với 1.000 chiếc của NATO.
Tuy nhiên, chuyên gia Nga cho rằng trên thực tế NATO cũng chỉ có từ 200-250 chiếc xe tăng sẵn sàng chiến đấu. Do đó, "kế hoạch đánh chiếm" Kaliningrad của NATO thực ra chỉ nằm trên giấy. Nga tổ chức phòng thủ cho khu vực này một cách rất chắc chắn.
Theo ông Tikhansky, các loại vũ khí chiến lược của Nga sẽ tước đi mọi cơ hội để các lực lượng của NATO có thể xâm nhập vào Kaliningrad. Chuyên gia Nga nói:
"Ông Hooker chỉ làm nóng tình hình. Không gì có thể chọc thủng Kaliningrad. Ở đó đã có hành lang Suwalki để quân đội xuất kích từ Belarus và đánh tan bất kỳ cuộc tấn công nào. Một cuộc tấn công đánh chiếm chớp nhoáng (Kaliningrad) là không thể".
Trên thực tế, chính bản thân NATO mới là bên lo lắng về khả năng bị đột kích và cũng chính hành lang Suwalki được coi là điểm yếu chết người để Nga có thể tận dụng chia cắt các lực lượng NATO.
Hàng lang Suwalki thuộc Ba Lan, kéo dài khoảng 65 km, sát với Litva. Giới phân tích phương Tây cho rằng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, NATO lo ngại Moscow có thể sử dụng hàng lang Suwalki để chia cắt 3 nước Baltic với NATO, và dùng địa bàn này làm bàn đạp tấn công.
Trong thế đối đầu với Nga hiện nay, hành lang Suwalki được so sánh với hành lang Fulda nằm ở miền trung nước Đức trước năm 1989, nơi hàng ngàn binh sĩ Mỹ luôn ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, trước nguy cơ quân đội Liên Xô từ Đông Đức tràn sang.
Các chuyên gia quân sự cho rằng kịch bản trên được thể hiện trong cuộc tập trận của Nga mang tên Zapad-2017 (Phương Tây-2017). Sự kiện chủ yếu diễn ra ở Belarus nhưng lại có sự tham gia đông đảo của binh lính và khí tài quân sự Nga gồm cả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Cuộc tập trận giả định vào các khu vực trận địa được cho là trùng khớp với Ba Lan, Latvia và Litva.
Khuyên người Mỹ đọc thêm sách
Mặc dù chuyên gia quân sự Nga chỉ ra thực lực không đáng ngại của NATO một khi quyết tâm đánh chiếm Kaliningrad, song ở Nga cũng có không ít ý kiến lo ngại.
Điển hình là ý kiến của thành viên Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện Nga), ông Alexei Kondratyev khi bày tỏ lo ngại NATO có thể đánh chiếm Kaliningrad nhằm trả đũa việc Nga sáp nhập Crimea.
Theo ông, các cuộc tập trận liên tiếp của NATO quanh Kaliningrad cùng việc tăng cường binh lực tới đây không phải là hành động răn đe thông thường. NATO còn tiến hành các hoạt động chiến tranh tâm lý nhằm thổi phồng mối đe dọa từ Nga để chuẩn bị cho một hành động quân sự có thể xảy ra trong tương lai.
Xe tăng M1A2 Abram của Mỹ bắn đạn thật trong một cuộc tập trận ở châu Âu
Tuy nhiên, đa số các ý kiến khác đều coi báo cáo kiểu như của chuyên gia Hooker là một dạng chiến tranh thông tin. Thành viên Duma Quốc gia (tức Hạ viện Nga), ông Alexandr Sherin coi báo cáo này là một đòn thông tin như thường lệ của phương Tây với mục tiêu hướng tới là tăng ngân sách quốc phòng.
Trên cương vị là Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng của Duma, ông Sherin nói: "Những báo cáo như vậy được công bố chỉ nhằm nói về một chủ đề là điều gì sẽ xảy ra nếu chiến đấu với Nga".
Theo ông, mục tiêu duy nhất của phương Tây là tăng ngân sách quốc phòng và tăng cường sự hiện diện quân sự của NATO gần biên giới Nga. Nghị sĩ Nga nhấn mạnh nước này không có ý định tấn công các nước Baltic hay bất kỳ quốc gia châu Âu nào.
Không chỉ có giới phân tích Mỹ mà ngay cả giới chức quân sự nước này thời gian gần đây cũng liên tiếp "dọa nạt" Nga. Trước khi báo cáo của chuyên gia Hooker được công bố, máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ đã ném bom huấn luyện tại một trường bắn của Litva, cách Kaliningrad 60 km.
Tư lệnh không quân Mỹ tại châu Âu Jeffrey Lee Harrigyan tuyên bố rằng Mỹ đã lên kế hoạch chọc thủng các hệ thống phòng không của Nga ở Kaliningrad. Ông cho biết các công việc cần thiết đang được thực hiện.
Vị tướng Mỹ không tiết lộ kế hoạch cụ thể nhưng cảnh báo trong trường hợp Nga tấn công các nước vùng Baltic, phản ứng của Mỹ sẽ toàn diện, nhanh chóng và hiệu quả.
Mỹ và NATO đánh giá thấp sức mạnh và quyết tâm của Nga
Theo Breaking Defense, nếu Mỹ thực sự quyết định tấn công, thì một cuộc tấn công toàn diện sẽ được thực hiện, bao gồm cuộc tấn công từ trên không, trên bộ, trên biển, tấn công không gian mạng và chiến tranh điện tử.
Theo ông Alexander Bartosh, thành viên của Viện hàn lâm khoa học quân sự Nga, đây là một sự khiêu khích rõ ràng, trong đó Litva trở thành con tin để người Mỹ nhận ra lợi ích của họ ở Đông Âu.
Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova tuyên bố, Moscow coi những lời của chỉ huy quân đội Mỹ là mối đe dọa. Bà Zakharova gọi tuyên bố này là vô trách nhiệm, gây thiệt hại đáng kể cho hình ảnh của Washington.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thì mỉa mai tuyên bố này có vẻ kỳ lạ trong bối cảnh phòng không của Mỹ thất bại hoàn toàn ở Saudi Arabia, trong khi tỉnh trưởng Kaliningrad của Nga, ông Anton Alikhanov nói rằng vị tướng Mỹ nên đọc lại lịch sử.
Quan chức Nga nói rằng ngoài việc lập kế hoạch và nghiên cứu bản đồ, người Mỹ nên đọc sách về kết cục của các nỗ lực chống lại Nga.
Thành Minh
Theo baodatviet
Mỹ xây dựng kế hoạch phá vỡ tuyến phòng không Nga ở Kaliningrad Bộ Quốc phòng Mỹ đã xây dựng một kế hoạch đánh bại hệ thống phòng không của Nga bố trí tại vùng lãnh thổ cực tây Kaliningrad. Tư lệnh Không quân Mỹ phụ trách Châu Âu và Châu Phi, Tướng Jeffrey Lee Harrigian vừa qua cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đã xây dựng một kế hoạch đánh bại hệ thống phòng không...