‘Tiệc trăng máu’ giống và khác phiên bản Hàn Quốc ra sao?
“ Tiệc trăng máu” bám sát “Intimate Strangers” (2018) – phiên bản Hàn Quốc của “ Perfect Strangers” (2016). Nhân vật chính trong hai bộ phim cũng có nhiều nét tương đồng.
Trailer phim
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ trước một phần nội dung bộ phim
Perfect Strangers (2016) là bộ phim của điện ảnh Italy. Tác phẩm xoay quanh cuộc hội ngộ của một nhóm bạn thân thiết. Tại buổi liên hoan, một trong số họ khởi xướng trò chơi liên quan đến những chiếc điện thoại. Theo đó, mỗi cá nhân phải công khai với sáu người còn lại nội dung mọi tin nhắn, hình ảnh hay e-mail mà mình nhận được trong buổi tối hôm ấy.
Trò chơi nhanh chóng trở thành cuộc công khai luận tội, nơi những bí mật sâu kín mà mỗi người muốn che giấu bị phơi bày thông qua thiết bị liên lạc thông minh. Bảy con người, mới đây còn tự tin đã hiểu nhau tới từng đường đi nước bước, bỗng chốc trở thành những “người quen xa lạ”, tràn đầy u buồn, giận dữ, ghen tị, phẫn uất…
Tiệc trăng máu của Việt Nam là bản làm lại thứ 19 của Perfect Strangers.
Năm 2018, điện ảnh Hàn Quốc thực hiện phiên bản làm lại Perfect Strangers với tên gọi Intimate Strangers. Mới đây, bản làm lại của Việt Nam mang tựa đề Tiệc trăng máu đã ra mắt. Bộ phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng mang nhiều điểm tương đồng so với Intimate Strangers.
Bản Hàn, bản Việt – “giống mà không giống”
Nhóm bạn bảy người trong Tiệc trăng máu gồm bác sĩ thẩm mỹ Ngọc Quang ( Hứa Vỹ Văn) và vợ là chuyên gia tâm lý Nguyệt Ánh (Hồng Ánh), thư ký tòa soạn báo Bất Bình (Thái Hòa) và người vợ yêu thơ văn Thu Quỳnh ( Thu Trang), tay chơi Linh ( Kiều Minh Tuấn) và cô vợ sắp cưới là bác sĩ thú y Kathy (Kaity Nguyễn), cùng anh giáo bỏ nghề Mạnh (Đức Thịnh).
Ngoại trừ nghề nghiệp của nhân vật do Thái Hòa thể hiện được thay đổi thành nhà báo thay vì luật sư như bản Hàn, nhân vật trong Tiệc trăng máu và Intimate Strangers về cơ bản đều tương đồng về công việc, tính cách, cũng như tình trạng quan hệ.
Quang và Ánh là đôi vợ chồng đang ở bên bờ vực ly hôn. Bình và Quỳnh là hình mẫu điển hình của ông chồng gia trưởng và người vợ nhịn nhục kế bên.
Linh và Kathy chưa đủ chín chắn trong tình yêu, nhưng đã vội vã tiến tới hôn nhân. Cuối cùng, Mạnh là anh chàng từng trải qua hôn nhân đổ vỡ, chưa sẵn sàng gặp lại các bạn, nhưng cũng quá yêu quý họ để có thể chối từ.
Bản phim Việt có một số biến tấu nhỏ để trở nên khác biệt so với bản Hàn.
So với bản Hàn, Tiệc trăng máu vẫn có những biến tấu đáng ghi nhận, giúp phim “hòa hợp” tốt hơn với bối cảnh văn hóa Việt Nam. Ví như chi tiết bác sĩ thẩm mỹ Seok Ho (Jo Jin Woong) bị lừa tiền khi đầu tư vào dự án bất động sản ma trong bản Hàn được thay đổi thành Quang cùng người thứ năm trong nhóm bạn thân hùn tiền mở chuỗi cửa hàng thuốc. Rồi khi việc kinh doanh thất bại, người kia ôm tiền bỏ trốn, còn Quang phải gánh khoản nợ khổng lồ.
Thay đổi này vừa giải thích hợp lý cho sự biến mất của người bạn thứ năm, vừa phản ánh một thực trạng có thật trong xã hội, nhưng vẫn nhất quán với tính cách nhân vật.
Từ đầu phim, nhân vật của Hứa Vỹ Văn được giới thiệu là người giỏi chuyên môn, lại luôn biết hài lòng với những gì đang có. Thế nên, việc anh cùng bạn mở hiệu thuốc, rồi tin tưởng trao cho họ toàn bộ việc kinh doanh còn mình lo mảng chuyên môn, dẫn tới việc phải thay bạn gánh nợ, là diễn biến hợp logic.
Những phiên bản nhân vật với nhiều sắc thái đối lập
Hạn chế về không gian, thời gian, cũng như tình tiết khiến diễn xuất của bảy diễn viên chính trở thành yếu tố quan trọng đưa đẩy bộ phim phát triển. Dù kể lại cùng một câu chuyện, dàn diễn viên trong Tiệc trăng máu và Intimate Strangers đã mang đến cho hai tác phẩm nhiều sắc thái khác biệt.
Dàn nhân vật trong bản Hàn có nhiều nét “giống mà không giống” với bản Việt.
Trong cả hai phiên bản, các diễn viên đều vào vai tròn trịa. Bảy nhân vật mang bảy tính cách khác nhau, không khiến khán giả nhầm lẫn. Quang của Hứa Vỹ Văn là mẫu đàn ông dịu dàng, tỉ mẩn, trong khi Bình của Thái Hòa lại gia trưởng, nóng nảy. Linh của Kiều Minh Tuấn là tay chơi lông bông, dễ tự ái, còn Mạnh của Đức Thịnh lại là kiểu người sống nguyên tắc.
Về phía các nhân vật nữ, Ánh của Hồng Ánh là phụ nữ sắc sảo, khéo léo, nhưng có phần tự phụ. Quỳnh của Thu Trang luôn mang mặc cảm thua kém chị em. Kathy của Kaity Nguyễn là người nhỏ tuổi nhất trong nhóm. Cô gái trẻ thông minh, tự lập, nhưng luôn phải giả ngốc để nhường nhịn chàng người yêu có lớn nhưng không có khôn.
Tương tự, trong bản Hàn, khán giả cảm nhận được sự cộc cằn, gia trưởng của luật sư Tae Soo (Yu Hae Jin) lấn át người vợ cam chịu do Yum Jung Ah thủ vai, hay những khoảnh khắc bẽ bàng cố giấu của cô bác sĩ thú y trẻ Se Kyung (Song Ha Yoon) khi những bằng chứng ngoại tình của người chồng chưa cưới Joon Mo (Lee Seo Jin) ngày càng rõ ràng…
Nếu nhân vật bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Seok Ho có phần mờ nhạt trong nhóm bảy người ở bản Hàn, thì Quang của Hứa Vỹ Văn trong Tiệc trăng máu cũng là một mắt xích yếu. Nhân vật được xây dựng với câu chuyện nhiều chi tiết hơn phiên bản Hàn, nhưng có lẽ do chưa trải nghiệm làm chồng, làm cha, nam diễn viên có vài phân đoạn diễn chưa “tới”.
Cảnh Quang trò chuyện với con gái qua điện thoại khi cô bé xin đi chơi qua đêm với bạn trai, Hứa Vỹ Văn mới chỉ thể hiện được phần trách nhiệm của một người đi trước giàu kinh nghiệm, mà chưa lột tả được tình yêu và sự lo lắng của một người cha. Tương tự, anh dễ dàng hòa mình vào nhân vật Quang – bạn chí cốt của Bình, Linh và Mạnh, nhưng lại chưa thuyết phục khán giả rằng mình là chồng của Nguyệt Ánh.
Nhân vật Mạnh của Đức Thịnh và Young Bae của Yoon Kyung Ho mang đến cho khán giả những ấn tượng khác biệt. Trong Intimate Strangers, Young Bae được nhóm bạn mô tả là gã háo thắng, sẽ không bỏ cuộc nếu chưa thành công. Tới Tiệc trăng máu, Đức Thịnh không chỉ mang đến cho nhân vật ngoại hình mềm mại hơn, mà nhân vật cũng được mô tả là một người không có tinh thần cạnh tranh.
Đức Thịnh và Thái Hòa có một vài pha tung hứng trong phim.
Mô tả nhân vật Mạnh nhiều phần giống với hình ảnh người đàn ông chấp nhận bỏ việc, sống đời bấp bênh để bảo vệ tình yêu với người bạn đời đồng giới, nhưng lại mâu thuẫn với màn tranh luận “một chấp sáu” của anh ở đầu bữa ăn. Điều này tạo ra ấn tượng nhân vật của anh chỉ đang cố kiếm chuyện với những người bạn cũ để giải tỏa những bức xúc mà trận cãi vã với bạn trai để lại trong lòng.
Ngược lại, trong bản Hàn, sự háo thắng của Young Bae phù hợp với thái độ của nhân vật ở đầu phim. Tới nửa giữa về cuối, khi nhân vật chấp nhận đổi điện thoại, hay tiết lộ việc mình chấp nhận bị đuổi việc, đó lại là biểu hiện của sự yêu mến dành cho bạn cũ, cũng như hy sinh lớn lao dành cho tình yêu. Young Bae có thể háo thắng, nhưng anh cũng là một người đàn ông rộng lượng và vị tha.
Trung tâm của Tiệc trăng máu là cặp vợ chồng Quỳnh và Bình. Trong bản Hàn, họ là Tae Soo và Soo Hyun. Trong số ba cặp, câu chuyện của họ phản ánh sinh động và đầy đủ nhất đời sống vợ chồng gia đình Á Đông. Người chồng là trụ cột kinh tế trong gia đình, người vợ lo chuyện chăm sóc con cái, phụng dưỡng mẹ già. Tiếng nói của người chồng là tuyệt đối, người vợ phải im lặng nghe theo…
Cả Thu Trang và Thái Hòa đều thể hiện tốt trên màn ảnh. Hai diễn viên nổi danh với thể loại hài chứng minh họ hoàn toàn có khả năng đảm nhận vai chính kịch.
Cặp vợ chồng Thu Quỳnh và Bất Bình là trung tâm của bản phim Việt, tương tự Tae Soo và Soo Hyun trong bản Hàn.
Tương tự, trong bản Hàn, Yoo Hae Jin và Yum Jung Ah đã vào vai vợ chồng một cách thuyết phục. Nếu hình ảnh của Thái Hòa và Yoo Hae Jin gần như tương đồng, thì Thu Trang và Yum Jung Ah lại mang đến cho nhân vật người vợ cảm giác “giống mà không giống”.
Họ đều là những người vợ hy sinh sự nghiệp để chu toàn việc gia đình, đều có những ông chồng gia trưởng, đều mơ mộng, đều nuối tiếc về những ngọt ngào đã xa.
Nhưng nếu nhân vật của Yum Jung Ah mệt mỏi, chán chường, thì thái độ của Quỳnh trước chồng lại bộc lộ thành nỗi sợ hãi xen lẫn tủi hờn, đau đớn. Nhân vật của Jung Ah đơn thuần chính kịch, trong khi nhân vật của Thu Trang lại gây cười bằng sự tôn thờ các giá trị phù phiếm.
Khó có thể nói Tiệc trăng máu hay hơn Intimate Strangers hay bộ bảy của bản phim Hàn mang đến cho khán giả trọn vẹn cảm xúc hơn những gương mặt ăn khách hàng đầu màn ảnh rộng Việt Nam. Mỗi bản phim đều được đong đếm, cân nhắc cho vừa vặn với thị hiếu khản giả tại quê hương.
Do đó, sẽ công bằng khi nói, cả hai tác phẩm đều là những bộ phim tròn trịa, với dàn diễn viên tài năng đã cống hiến cho khán giả màn trình diễn đầy cảm xúc.
'Tiệc trăng máu' - trò chơi bóc trần bản chất con người
Phiên bản Việt hóa của "Perfect Strangers" thực chất được làm lại trực tiếp từ bộ phim Hàn Quốc "Intimate Strangers", với yếu tố hài hước lẫn cường điệu cảm xúc tăng cao.
Trailer Tiệc trăng máu
Tiệc trăng máu là phiên bản Việt hóa của tác phẩm tâm lý Perfect Strangers (2016) do đạo diễn Paolo Genovese người Italy thực hiện. Ngay từ khi ra mắt, nguyên tác đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ cả khán giả lẫn giới phê bình nhờ đề tài độc đáo, kịch bản hấp dẫn, cùng diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên.
Không dừng lại ở đó, Perfect Strangers còn vươn tầm thế giới và thu hút các nhà làm phim toàn cầu nhờ đề tài mang tính đại chúng, phù hợp với mọi nền văn hóa. Tới nay, đã có khoảng 20 bộ phim làm lại từ nguyên tác của Italy, đến từ nhiều nền điện ảnh lớn như Trung Quốc, Nga, Đức, Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc, Tây Ban Nha..., và sắp tới là các dự án của Mỹ, Nhật Bản, Thụy Điển hay Qatar.
Tiệc trăng máu là cái tên mới nhất góp mặt vào danh sách kể trên và do đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thực hiện.
Học tập và phát huy tối đa tính giải trí từ phiên bản Hàn Quốc
Tuy được coi là bản remake từ nguyên tác của Italy, nhưng Tiệc trăng máu thực tế được Việt hóa trực tiếp từ phiên bản Hàn Quốc Intimate Strangers (2018) với sự tham gia của các diễn viên nổi tiếng như Yoo Hae-jin, Cho Jin-woong, Lee Seo-jin, Yum Jung-ah, Kim Ji-soo...
Nội dung phim xoay quanh bữa tiệc tân gia của một nhóm bạn thân chơi cùng nhau từ nhỏ. Giữa bữa tiệc, họ khởi xướng một trò chơi khi tất cả phải công khai toàn bộ nội dung liên lạc trong điện thoại cá nhân mà mình nhận được trong buổi tối: tin nhắn, cuộc gọi đến, e-mail, thông báo ứng dụng... Từ đây, những bí mật hé lộ mặt tối bên trong mỗi cá nhân bắt đầu được phơi bày.
Tiệc trăng máu gần như trung thành tuyệt đối với phiên bản Hàn, với các yếu tố cốt lõi của kịch bản như diễn biến, lời thoại, nhân vật... được lặp lại gần như toàn bộ. Những điểm nhấn sáng tạo khác biệt của bản Hàn so với nguyên tác Italy cũng được tái sử dụng trong bản Việt, do cả hai cùng được đầu tư sản xuất bởi Lotte.
Tiệc trăng máu thực tế bám sát phiên bản Hàn Quốc mang tên Intimate Strangers.
Điều này có thể khiến các khán giả đã theo dõi bộ phim Hàn Quốc cảm thấy có chút thất vọng, khi bản Việt đã học tập bản Hàn hơi máy móc, thiếu đi sự sáng tạo cần thiết như chính cách bản Hàn từng làm được so với nguyên tác Italy dù không phải điều gì cũng tích cực.
Công bằng mà nói, chỉ riêng ý tưởng độc đáo cùng phần kịch bản hấp dẫn, nhiều nút thắt bất ngờ thừa hưởng từ nguyên tác cũng đủ giúp bất cứ bản remake nào từ Perfect Strangers thu hút khán giả từ đầu đến cuối. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng các nhà làm phim chỉ nên làm lại nguyên tác một cách đơn điệu, mà thiếu đi điểm nhấn của riêng mình.
Với khán giả đại chúng, Tiệc trăng máu về cơ bản vẫn là một tác phẩm tâm lý, hài hước hấp dẫn, bất ngờ, nhờ thừa hưởng những đặc điểm cơ bản của nguyên tác. Phim mở màn và dẫn dắt khán giả vào câu chuyện một cách tự nhiên theo phong cách một phim hài gia đình, tạo cảm giác thoải mái cho người xem.
Tiếp sau đó, khi trò chơi bắt đầu, nhịp điệu của bộ phim liên tục thay đổi. Tác phẩm căng thẳng, kịch tính, nhưng cũng không thiếu những chi tiết hài hước, trầm lắng. Khán giả bị cuốn theo diễn biến bất ngờ không ngừng nghỉ cho đến phút chót, cùng các nhân vật trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau đầy biến động.
Dù không có điểm nhấn sáng tạo về mặt kịch bản so với bản Hàn, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và ê-kíp vẫn cố gắng tạo ra nét riêng cho tác phẩm thông qua việc tăng cường yếu tố giải trí. Phim nâng cao tính hài hước lẫn kịch tính thông qua lối diễn xuất của các nhân vật, đặc biệt là đôi vợ chồng Thu Quỳnh (Thu Trang) - Bất Bình (Thái Hòa).
Hai nhân vật được ưu tiên đất diễn, với lối diễn xuất, biểu cảm được cường điệu hóa một cách mạnh mẽ. Họ giúp nhiều tình huống trong phim trở nên hài hước, giàu tiếng cười hơn, đồng thời khiến xung đột trở nên kịch tính hơn, khơi gợi cảm xúc bi kịch mạnh hơn. Tiệc trăng máu nhờ đó thúc đẩy cảm xúc của khán giả mạnh mẽ hơn, dễ duy trì sự hứng thú và được nâng cao tính giải trí.
Một số trường đoạn nhờ sự diễn xuất nhập tâm của Thu Trang và Thái Hòa mà cảm xúc của tác phẩm được đẩy lên cao một cách tự nhiên, gây ấn tượng mạnh cho khán giả, thậm chí còn vượt qua cả nguyên tác lẫn bản Hàn, như trường đoạn cả nhóm tranh luận về việc có nên đưa mẹ của Bình vào viện dưỡng lão hay không. Đó là những điểm nhấn đáng khen của tác phẩm và ê-kíp sản xuất.
Diễn xuất đa sắc thái từ dàn diễn viên thực lực
Điểm nhấn của Perfect Strangers cũng như các phiên bản làm lại không chỉ đến ý tưởng kịch bản, mà còn từ dàn diễn viên - những người tạo nên sự hấp dẫn, thuyết phục cho khán giả khi tham gia trò chơi cân não, để rồi lần lượt bị bóc trần từng phần bí mật và sự thật.
Tiệc trăng máu sở hữu dàn diễn viên thực lực, có kinh nghiệm diễn xuất dày dặn, với sự phân cực về đất diễn, nét diễn khá rõ nét. Nổi bật nhất phải kể đến màn trình diễn của Thu Trang và Thái Hòa.
Thu Trang và Thái Hòa tỏ ra nổi bật trong dàn diễn viên của bộ phim.
Bản thân hai nhân vật của họ đều được xây dựng có phần kỹ lưỡng, chi tiết hơn so với các gương mặt khác. Thu Trang đem đến cho khán giả nhân vật Thu Quỳnh chân thực và đáng nhớ, với tính cách gần gũi, đời thường, cùng nét diễn tự nhiên, linh hoạt. Nhân vật vừa giúp tạo tiếng cười sảng khoái, vừa đem đến những phút giây lắng đọng cảm xúc với nội tâm phiền muộn ẩn giấu bên trong, dù đôi lúc còn có phần cường điệu.
Nhân vật người chồng khó tính của Thái Hòa ít có cơ hội thể hiện hơn, nhưng vẫn ghi dấu ấn nhờ nét biểu cảm biến hóa đầy linh hoạt của một diễn viên kỳ cựu. Chỉ thông qua vài cái ngước mắt, nhíu mày, vài câu thoại ngắn gọn cụt lủn cũng đủ để anh thể hiện thành công cá tính, cảm xúc của nhân vật.
Các diễn viên còn lại về cơ bản đều đóng tròn vai, tạo dấu ấn riêng cho nhân vật của mình với những sắc thái khác nhau. Kaity Nguyễn đánh dấu sự tiến bộ trong diễn xuất khi thể hiện nhân vật bác sĩ thú y Kathy ăn nhập với các đàn anh đàn chị. Trong khi đó, Kiều Minh Tuấn lặp lại hình tượng các nhân vật trước đây một cách đơn điệu. Đồng thời, nét diễn hơi lố của anh có phần chưa phù hợp với tác phẩm.
Đôi của Hứa Vĩ Văn - Hồng Ánh có phần đuối nhất nếu so với các cặp nhân vật khác do tương tác giữa hai nhân vật chưa đủ thuyết phục. Trong khi Nguyệt Ánh của Hồng Ánh có nhiều đất diễn hơn, nét diễn cũng sâu sắc, đa chiều, thì Ngọc Quang của Hứa Vĩ Văn lại mờ nhạt và một chiều hơn hẳn - cả về diễn xuất lẫn xây dựng nhân vật.
Chi tiết đắt giá nhất của vị bác sĩ phẫu thuật trong nguyên tác - khi anh đưa ra lời khuyên cho con gái nhằm hóa giải mâu thuẫn giữa vợ và con - chưa được Hứa Vĩ Văn tái hiện thành công.
Những điểm trừ không đáng có lặp lại từ bản Hàn
Phiên bản Hàn Quốc Intimate Strangers có nhiều điểm mới sáng tạo so với nguyên tác Italy, nhưng không phải điều gì cũng tích cực. Không ít trong số đó là điểm trừ khiến chất lượng tổng thể của tác phẩm bị sụt giảm. Bản Việt hóa gần như trung thành tuyệt đối với bản Hàn, nên những điểm trừ cũng bị lặp lại một cách đáng tiếc.
Bộ phim bổ sung nhiều chi tiết, câu thoại nhằm làm rõ thêm mối quan hệ giữa các nhân vật, như trường đoạn thời thơ ấu mở đầu phim, hay các câu thoại chào hỏi, bông đùa giữa nhóm người ở nửa đầu bữa tiệc. Các chi tiết này thực tế không thực sự cần thiết và khiến mạch phim trở nên có phần lê thê, bởi mối quan hệ giữa các nhân vật sẽ dần được hé lộ sau đó thông qua phần lời thoại.
Bởi theo sát bản Hàn, những điểm yếu của Intimate Strangers cũng bị lặp lại.
Phim lạm dụng nhiều chi tiết hài hước thái quá, khiến cho tiết tấu phim trở nên thiếu ổn định, ảnh hưởng đến mạch cảm xúc người xem. Không ít lần, trải nghiệm cảm xúc kịch tính, bất ngờ còn chưa trôi qua đã bị gãy mạch bằng một chi tiết hài hước.
Nhiều chi tiết hài được thêm thắt thậm chí còn vô tình khiến tính logic trong kịch bản bị ảnh hưởng. Có thể kể đến việc nhân vật Bình của Thái Hòa có quan hệ ngoài luồng, nhưng biên kịch cố tình biến đối tượng của anh thành "gái già" để bộ phim trở nên hài hước hơn.
Song, tình huống cũng vì thế mà đánh mất sức nặng. Điều này còn vô tình khiến những gì Bất Bình phải trải qua sau đó trở nên không còn hợp lý và thuyết phục nữa khi so sánh với những gì mà nhân vật gây ra trước đó.
Một số tuyến truyện chưa được xây dựng hợp lý, đúng mực, như của đôi nhân vật do Kaity Nguyễn - Kiều Minh Tuấn thể hiện. Cao trào xung đột của bộ đôi diễn ra còn vội vàng và chóng vánh, chưa tạo được điểm nhấn xứng tầm với nút thắt bí mật mà họ gặp phải.
Nhìn chung, Tiệc trăng máu là bộ phim tâm lý, hài hước hấp dẫn, kịch tính nhờ thừa hưởng ý tưởng và kịch bản xuất sắc của nguyên tác. Dù còn những điểm trừ về mặt kịch bản, đây vẫn là một bộ phim Việt hóa chỉn chu, đáp ứng tốt nhu cầu giải trí của số đông khán giả.
"Tiệc trăng máu" có tạo sự bùng nổ cho điện ảnh Việt? Nếu "Ròm" (đạo diễn Trần Thanh Huy) thắng thế ở phòng vé Việt vì yếu tố kịch bản thì "Tiệc trăng máu" (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) là bộ phim quy tụ nhiều "ngôi sao màn ảnh" và sự đầu tư, nghiêm túc sáng tạo của ê-kíp trong mỗi khung hình. Ngay từ thời điểm công bố dự án "Tiệc trăng máu" được...