Thuyết âm mưu khét lẹt ở Tiệc Trăng Máu: Tất cả chỉ là trò chơi “thử thách người tình” của Nguyệt Ánh?
Một pha sắp xếp quá tài tình đến từ vị trí chủ nhà Nguyệt Ánh trong Tiệc Trăng Máu, lừa dối cả bạn bè lẫn chồng con.
(Bài viết có tiết lộ nội dung phim, độc giả cân nhắc trước khi theo dõi)
Trò chơi “Bí mật đổi bí mật” của Tiệc Trăng Máu vạch trần những mối quan hệ giữa một nhóm “bạn thân” từ khi còn bé đến lúc đã lập gia đình. Bối cảnh của trò chơi diễn ra tại nhà của Quang ( Hứa Vĩ Văn) và vợ là Nguyệt Ánh (Hồng Ánh). Mọi người đang vui thì Ánh bày ra trò giải trí “oái oăm” rằng mỗi khi ai có điện thoại, tin nhắn thì đều sẽ phải công khai với mọi người. Động cơ của Ánh có thể không đơn thuần là giải trí mà còn nhiều hơn, sâu xa hơn. Xét cho cùng, trò chơi Trăng Máu mang lại quá nhiều lợi ích cho Ánh. Chỉ cần ngồi không, cô chẳng phải làm gì mà bạn bè tự giác vạch trần chính họ.
Xem ngay trailer chính thức của Tiệc Trăng Máu
Đối với một bác sĩ tâm lý mà nói, trò chơi Trăng Máu là một phép thao túng tâm lý quá thành công. Chỉ cần ngồi im, dùng vài câu dẫn chuyện là Ánh đã có một vở kịch hấp dẫn để xem. Thế nên, giả thuyết rằng chính vị nữ chủ này đã cố tình sắp đặt mọi điều kiện để trò chơi vạch trần được diễn ra là hoàn toàn khả thi.
Đầu tiên, manh mối hiển nhiên nhất dẫn chúng ta đi theo giả thuyết này đến từ tên phim và tên của Hồng Ánh trong phim. Nữ chủ nhà tên là Nguyệt Ánh, tiếng Hán là Ánh Trăng. Cô lại còn mặc chiếc áo đỏ rực như máu. Tiệc Trăng Máu diễn giải nôm na ra thì chẳng khác nào: “Nguyệt Ánh mở tiệc và mặc áo đỏ”. Để bổ trợ cho manh mối này, chồng của Ánh tên là Quang, tức là ánh sáng, giống như đang nhấn mạnh vào ánh sáng của mặt trăng (Nguyệt Ánh). Hình ảnh hai vợ chồng Ánh – Quang ngồi cạnh nhau và tên phim Tiệc Trăng Máu kết hợp lại giống như một thông điệp ngầm nói rằng: “Hãy theo dõi Hồng Ánh đi! Tên của cô ấy ở ngay trong tên phim luôn kìa”.
Hình ảnh hai vợ chồng Ánh – Quang ngồi cạnh nhau và tên phim Tiệc Trăng Máu kết hợp lại giống như một thông điệp ngầm nói rằng: “Hãy theo dõi Hồng Ánh đi! Tên của cô ấy ở ngay trong tên phim luôn kìa”.
Theo chân lời nhắn ấy, hãy cùng đi qua một vài manh mối rải rác trong suốt thời lượng 2 tiếng của Tiệc… “Nguyệt Ánh mặc áo đỏ”.
Nên nhớ Nguyệt Ánh là một bác sĩ tâm lý, một chuyên gia thao túng cảm xúc
Nếu dựa trên thông điệp nói trên để suy diễn, thì dường như diễn xuất của Hồng Ánh lại vô cùng mờ nhạt, cứ như đang muốn lẩn trốn. Dù chuyện gì xảy ra, Nguyệt Ánh cũng không bao giờ bộc lộ quá nhiều cảm xúc hay hành động. Trong khi mọi người đang chơi và tương tác với nhau, Ánh chỉ im lặng quan sát, lâu lâu lại phát biểu 1 – 2 câu “chĩa mũi dùi” về một nhân vật bất kỳ, giữ cho cuộc nói chuyện không bị lạc đề.
Ánh luôn chỉ im lặng quan sát vấn đề
Điều bất thường là cho dù bị người tưởng như “thân tín” đâm sau lưng, Nguyệt Ánh vẫn kiên quyết giữ thái độ bình tĩnh. Cũng đâu phải là bệnh nhân, Ánh không nhất quyết phải duy trì sự lạnh lẽo chuyên nghiệp với ai cả. Cô bình tĩnh là vì biết, mình phải giữ cái đầu lạnh để phân tích, tiếp tục trò thí nghiệm.
Trong hai lần bạn bè muốn từ bỏ, Ánh là người duy nhất luôn khẳng định trò chơi công khai thông tin này là “vui”. Trong khi ai nấy đều khổ sở, chỉ có người phụ nữ áo đỏ là tìm thấy niềm vui trong sự ly gián. Niềm vui mà Ánh ám chỉ, có lẽ là lợi ích cô thu được nhờ vở kịch của mình.
Chỉ có Nguyệt Ánh là thấy trò chơi trao đổi bí mật này là… vui
Thủ đoạn “quản trò” của Nguyệt Ánh
Nếu quan sát hành động của Nguyệt Ánh sẽ thấy, cô liên tục đề cập đến “bí mật” dù không ai muốn nói tới. Thậm chí, Ánh áp dụng chiêu khích tướng để lôi kéo những người hiếu thắng, hoặc muốn ra vẻ ta đây trong sạch. Chỉ sau câu nói: “Em dám cá là mọi người trong nhóm này không dám cho nhau xem điện thoại đâu”. Đã có hai người đồng ý tham gia. Đầu tiên là Kathy và Bình (Thái Hoà). Kéo theo là “đối tác” của họ là Quỳnh ( Thu Trang) và Linh ( Kiều Minh Tuấn). Có thể Linh và Quỳnh không hề muốn tham gia nhưng vì người yêu/ chồng mình đã chơi, họ không thể đứng ngoài. Vậy trong cả nhóm, chỉ còn Mạnh (Đức Thịnh) và Quang là chưa quyết định. Số thành viên bỏ phiếu thuận đã là 5/7, chiếm đa số. Chiêu thao túng đầu tiên của Ánh thành công.
Chỉ bằng một câu khích tướng đơn giản, Ánh đã lôi kéo được khá nhiều người tham gia vào trò chơi
Cách sắp xếp thực đơn của chủ nhà cũng đầy mưu tính. Món ăn thì có: Ốc hương XXL, lẩu nấm ngọt, đùi heo muối Iberico, hàu Pháp, cua Alaska, bánh khọt, tráng miệng là rau câu, bánh chuối. Thức uống gồm: Rượu chát, vang trắng và nước cam. Đây là một thực đơn chứa rất nhiều protein sẽ khiến thực khách bị mất nước. Chưa kể thu nạp lượng lớn protein, chất đạm sẽ gây ra cảm giác bối rối, mệt mỏi. Nhưng thức uống lại toàn đồ có cồn và nước ngọt, cơ bản là không hề có tính giải khát. Trường hợp điển hình là Linh, vừa ngồi xuống ăn là anh chàng đã bắt đầu đổ mồ hôi. Theo ngôn ngữ cơ thể, cứ hễ ai nói dối, người đó sẽ vô thức nuốt nước bọt, hoặc tìm gì đó để uống. Ánh dùng thực đơn để khiến quá trình mất nước được rõ hơn, thái độ cuống cuồng tìm cách giải khát sẽ tố cáo kẻ không thật thà. Kathy – người đơn giản nhất, uống ít rượu nhất.
Đĩa thức ăn thừa đạm thiếu rau của “Tiệc Trăng Máu”
Xuyên suốt bữa ăn, lần lượt các nhân vật thường xuyên tìm đến các loại chất lỏng để giải khát, nhưng họ đâu biết rằng rượu và nước ngọt chỉ khiến mất nước nhanh hơn. Kết quả tạo nên một vòng lặp tâm lý chèn ép. Ăn càng nhiều, khách của Nguyệt Ánh càng khát. Nói dối càng nhiều, càng nốc thêm rượu. Mất quá nhiều nước, họ lại càng uống thêm nhưng lại càng khát khô cổ. Điều này khiến tâm trạng trở nên rối loạn, bối rối và không kiểm soát hành vi được nữa, đẩy diễn biến lên đỉnh cao.
Là một bác sĩ tâm lý, có lẽ Nguyệt Ánh biết rõ chi tiết này và đã âm thầm tác động đến chồng để chuẩn bị những món ăn kể trên. Cô cũng là một trong số ít nhân vật động đến cốc nước trên bàn trong khi người khác toàn uống rượu và nước cam.
Các khách mời uống rất nhiều rượu
Biểu hiện đáng ngờ của nữ chủ nhân bữa tiệc
Biểu hiện của Ánh rất có vấn đề. Cô không bao giờ nói quá nhiều mà luôn khoanh tay theo dõi, hoặc nhìn người khác đầy ẩn ý. Ngoài những câu bình luận ít ỏi, cách Ánh tương tác cũng không thể tiết kiệm hơn. Người phụ nữ này không bao giờ cười thật tình mà chỉ cười bằng miệng. Cách nhoẻn miệng của vị gia chủ thân thiện lại quá khiên cưỡng, thiếu ấm áp trái ngược với hành động cô thể hiện. Ánh chú trọng ngôn ngữ cơ thể: những cái ôm, chạm tay và những câu nói dịu dàng… các ngôn ngữ cơ thể có thể điều khiển được.
Nguyệt Ánh không bao giờ cười bằng ánh mắt
Đặc biệt, Nguyệt Ánh thường xuyên bắn những tia nhìn ẩn ý về phía Linh hoặc Kathy. Khi cặp đôi vừa đến trước cửa nhà đã bị Ánh chào đón bởi một ánh mắt hình viên đạn. Rải rác khắp cả phim, lâu lâu lại thấy một viên đạn nữa bay từ phía nữ chủ nhà đến Linh và Kathy.
Nguyệt Ánh đang nhìn ai?
Bất cứ khi nào có người biểu hiện muốn dừng cuộc chơi, Ánh sẽ bằng cách gián tiếp hoặc trực tiếp câu dẫn để trò chơi không bị dừng lại. Vài câu thoại của Ánh nghe còn khá “giả trân”, lộ rõ ý định mồi dẫn nhưng có lẽ, 6 người còn lại đã quá rối loạn trong những suy nghĩ riêng mà không còn để ý đến sự bất thường nữa.
Sự thật về con người mâu thuẫn của Ánh: Ngăn cấm con gái theo đuổi thứ khiến mình phát thèm
Một động cơ khiến Ánh phải bày ra trò thí nghiệm cân não với các bạn có lẽ là vì cô quá bất lực với con gái mình. Một chuyên gia thao túng tâm lý, mà cứ hễ nỉ non câu nào là liền bị cô con gái “phản” bằng hết, Bụt chùa nhà không thiêng. Có thể đó là lý do Ánh muốn tìm lại sự tự tin từ trò chơi cân não. Thế nhưng Ánh càng chơi càng chẳng thấy tự tin đâu cả, mà chỉ thấy lao đao. Người mẹ tỏ ra “gương mẫu” đang nhìn thấy mình thực hiện chính những điều cấm cô áp cho con gái. Càm ràm với chồng khi đứa con chạy theo một gã trai tào lao, tiếc nuối tuổi xuân hết sớm… Nhưng sau đó Ánh lại bạt mạng trông ngóng vào mối tình thiếu liêm sỉ với gã bạn thân trăng hoa của chồng.
Trong trò chơi trăng máu, Ánh không có được cả hai thứ cô theo đuổi
Càng chơi trò Trăng Máu, Ánh càng thấy mình phát hiện những sự thật chua chát. Cô không thể cấm con mình chạy theo dục vọng, vì chính Ánh cũng đang dòm ngó điều đó. Cuối cùng trò chơi do cô khởi xướng quay lại quật chính tác giả của nó bằng đòn chí mạng: sự lạnh nhạt của một gã đàn ông.
Kết
Tiệc Trăng Máu có thể coi là trò thăm dò đắt giá của Nguyệt Ánh. Cô cố tình bận áo đỏ rực hồi xuân để đối diện gã tình nhân lén lút, đeo bông tai hắn tặng ngay bữa tiệc có rất nhiều người. Liên tục đặt câu hỏi nghi ngờ hắn nhưng đá quả bóng sang cho cô người yêu chính thức hòng dò la độ phản bội. Cô ngầm ghen tức mỗi khi họ tình tứ trước mắt và nổi điên khi bị hạ bệ bởi một “con bé”. Bữa tiệc này gần như là cô mời khách bước vào trò chơi đã được sắp xếp, sẵn sàng cho cuộc chiến vô vọng nhằm giành lại tự tôn cho người phụ nữ mang tên Ánh Trăng.
Tiệc Trăng Máu hiện đang được công chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Giải mã tên phim Tiệc Trăng Máu: Từ khóa câu view lẫn ám hiệu về sự đổ vỡ?
Mặt trăng màu đỏ là sự kiện gì, có ý nghĩa ra sao mà xuất hiện trong Tiệc Trăng Máu những hai lần?
Khác với bản tiếng Ý, Perfetti Sconosciuti (2016) và Perfect Stranger (2019) - Tạm dịch: Người Lạ Hoàn Hảo; hay bản Trung với tên gọi Kill Mobile (2018, tạm dịch: Điện Thoại Chết Chóc)... Tiệc Trăng Máu bản Việt lại mang hàm ý liên quan đến một hiện tượng tự nhiên có tên gọi khác là nguyệt thực toàn phần. Cách đặt tên này của ekip một phần úp mở sự khác biệt của bản Việt so với các phiên bản quốc tế.
Xem ngay trailer chính thức của Tiệc Trăng Máu
Là lần remake thứ 19, Tiệc Trăng Máu không thể tránh khỏi những điểm giống với các bản tiền nhiệm nhưng không vì thế mà các nhà làm phim không thể mang đến sự mới lạ cho khán giả. Cái tên của phim với nhiều hàm ý đặc biệt chính là một trong những điều mới đó.
4 giai đoạn của Nguyệt thực toàn phần là những điều "ám hiệu"
Nguyệt thực tiến triển tổng cộng 4 lần xuyên suốt 2 tiếng thời lượng phim. Với mỗi giai đoạn của mặt trăng bị khuất dần là bốn hồi của phim. Khi mặt trăng bị khuất 1/3 là lúc những mâu thuẫn đầu tiên bắt đầu trỗi dậy mạnh mẽ. Mặt trăng bị ăn mất phân nửa là khi những bí mật theo nhóm mà trong đó, có một người bị "ra rìa" và những mối quan hệ riêng bị phơi bày. Vào thời điểm mặt trăng tròn nhuốm màu đỏ thẫm là lúc những hành vi ghê gớm nhất của từng thành viên bị lôi ra ánh sáng. Giai đoạn thứ tư của nguyệt thực là lúc trò chơi kết thúc, ánh trăng trở lại bình thường và cục diện của trò chơi "trăng máu" chạm đích.
Những giai đoạn của Trăng máu
Cả 4 lần nguyệt thực biến chuyển, các thành viên trong phim đều tranh thủ chiêm ngưỡng. Đây giống như chuyện mọi người đang bắt đầu đón nhận những tiếng pháo khai màn cho phần tiếp theo, khi cấp độ của trò chơi tăng lên.
Các thành viên đều chiêm ngưỡng ánh trăng mỗi khi nó đổi màu
Mặt trăng đỏ - cái cớ hoàn hảo để hội bạn thân hội tụ
Có hai lần hiện tượng trăng máu diễn ra trong phim. Một là khi 5 nam chính: Khoa, Quang (Hứa Vĩ Văn), Linh (Kiều Minh Tuấn), Bình (Thái Hoà), Mạnh (Đức Thịnh) còn bé. Cả nhóm cùng chơi với nhau bên bờ biển đã gặp hiện tượng mặt trăng đỏ một lần. Nhiều năm sau đó, hiện tượng này lại trở lại vào đúng ngày tân gia của gia đình Ánh - Quang. Đây là cái cớ hoàn hảo để nhóm bạn thân ngày xưa hội tụ. Một phần là để ăn mừng nhà mới của Quang nhưng một phần, sự kiện trăng máu có lẽ đã khiến các thành viên đều muốn ôn lại kỷ niệm tuổi thơ. Bằng chứng là ngay đầu phim, khi mặt trăng bắt đầu nhá nhem đổi màu, cả 4 thành viên đã nhắc lại sự kiện trăng máu ngày xưa bên bờ biển của nhóm.
Cả 4 người bạn thân đều ngắm trăng và nhắc lại kỷ niệm xưa
Sự lặp lại của hiện tượng thiên nhiên, khiến cho buổi gặp gỡ không chỉ đơn thuần là tân gia mà còn là dịp để kỷ niệm tình bạn. Cái cớ thứ hai khiến các thành viên khó có thể chối từ nếu không nói là ai cũng bị mặt trăng thôi thúc đi gặp lại bạn cũ. Đây có thể là chủ ý của chủ nhân bữa tiệc, khi cố tình chọn một ngày có ý nghĩa với các thực khách để tránh bị "xù kèo". Một bữa ăn thịnh soạn, vừa nhắm vừa ngắm trăng ôn lại kỷ niệm xưa 40 năm về trước thì ai có thể chối từ?
Ai có thể chối từ một bữa tiệc vừa ăn uống, ngắm trăng và ôn lại kỷ niệm cũ?
Vì sao ăn tân gia mà phải chờ đến đêm trăng máu?
Đối với các thành viên trong bữa Tiệc Trăng Máu, thì thời điểm nguyệt thực toàn phần có lẽ không thích hợp để chơi trò công khai điện thoại nhưng với cốt truyện thì hiện tượng này lại hoàn toàn giải thích được thái độ của từng người. Vừa đặt chân đến nhà mới của bạn, Linh đã trách vui: "Nhà mới một năm rồi mới làm tân gia!". Có nghĩa là gia chủ Nguyệt Ánh và chồng đã chờ đến đêm trăng máu mới mở tiệc. Mặt khác, nhiều nhà khoa học cho rằng thời điểm trăng tròn con người dễ mất ngủ, uể oải, cáu kỉnh thậm chí là chóng mặt. Trăng máu khiến nhiều người trải qua tất cả các cảm xúc mệt mỏi kể trên.
Linh nhắc với bạn khi vừa đến chơi nhà: "Nhà mới cả năm rồi mới làm tân gia"
Trùng hợp làm sao, ngay khi mặt trăng vừa tiến vào giai đoạn thay đổi đầu tiên thì thái độ của các thành viên của bữa tiệc cũng thay đổi. Kathy (Kaity Nguyễn) cứ chầu chực bắt bẻ bạn trai mình là Linh. Quỳnh (Thu Trang) và Bình liên tục hục hặc. Mạnh thì cứ bị tự ái vô cớ rồi bắt bẻ từng câu nói của bạn bè. Vợ chồng Quang - Ánh cãi nhau ngay trên bàn ăn. Tình trạng của ánh trăng có lẽ đã được dùng để tác động lên các nhân vật. Ai cũng rơi vào trạng thái nhạy cảm, dễ gây gổ và bất cứ điều gì cũng có thể khiến họ khó chịu với nhau.
Kathy nóng tính hơn hẳn kể từ khi Trăng máu xuất hiện
Mặt Trăng vừa đổi màu, trò chơi bắt đầu, cũng là lúc thái độ của mọi thành viên thay đổi
Sự kiện Trăng máu không chỉ được dùng trong bản Việt mà ở bản Hàn Quốc và các phiên bản khác của Người Quen Xa Lạ đều áp dụng để làm lý do bắt đầu câu chuyện. Trong khi các nhà làm phim vẫn có thể chọn những hiện tượng thiên văn khác như sao chổi, mưa sao băng v.v... để làm một hiện tượng trung gian cho phim.
Nhưng ở các phiên bản quốc tế khác, mặt trăng đỏ chỉ đơn thuần là kẻ chiêm ngưỡng bữa tiệc trong thầm lặng. Với phiên bản Việt Nam, tên phim Tiệc Trăng Máu giống như một lời gợi ý từ đạo diễn. Rằng khán giả hãy lưu ý mặt trăng. Vì trạng thái, sự xuất hiện của nó đóng vai trò một người dẫn chuyện cho kịch bản. Đây có lẽ là một sự sáng tạo đầy ẩn ý và thú vị của đoàn làm phim. Đồng thời, cái tên Tiệc Trăng Máu cũng khá thú vị, khiến những khán giả có tính tò mò sẽ phải ra rạp.
Tiệc Trăng Máu công chiếu toàn quốc từ ngày 23/10.
14 câu thoại cười tét rún ở Tiệc Trăng Máu: Bộ nói chuyện cho có âm thanh thôi hả? Những câu thoại hài hước là một yếu tố quan trọng làm nên sức hút của Tiệc Trăng Máu. Trailer Tiệc Trăng Máu Bài viết tiết lộ (không nhiều) nội dung phim, cân nhắc trước khi đọc! Dù được remake từ một bộ phim đình đám đã từng có 18 phiên bản làm lại trước đó, Tiệc Trăng Máu vẫn hấp dẫn khán...