Thuyền viên Việt Nam kể chuyện ăn uống lạ lùng của cướp biển
Trong cuộc chuyện trò với PV Báo GĐ&XH ở mái ấm của mình, các thuyền viên đã kể về 18 tháng kinh hoàng trên hoang đảo.
Thuyền viên Vũ Văn Ba cùng bố mẹ và em trai. Ảnh: T.G
Sáng 25/7, 12 thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu cá FV Shiuh Fu-1 của Đài Loan bị cướp biển Somalia bắt giữ trên biển Madagascar đã về đến mái nhà thân yêu của họ sau bao nhiêu thấp thỏm, mòn mỏi đợi chờ của người thân.
Ăn mừng bằng… lạc đà
Thuyền viên Vũ Văn Ba xúc động kể lại: “Hôm đó, vào lúc tờ mờ sáng, sau 3 ngày đàm phán thuyền trưởng trở về thông báo là chúng tôi đã được giải thoát. Tất cả chúng tôi không ai nói được lời nào chỉ biết ôm chầm lấy nhau mà khóc, từ lúc đó người tôi cứ lâng lâng như ở trên mây”.
Gầy và xạm đen trong ngày trở về, nhưng với thuyền viên Vũ Văn Ba đó là một chuyến đi định mệnh. Đã nhiều lần đi biển, có những chuyến đi khổ cực thật nhưng chưa lần nào anh phải trải qua quãng thời gian khủng khiếp như lần này. Chưa hết bàng hoàng sau hơn 18 tháng nằm trong tay hải tặc, thuyền viên Ba nhớ như in giờ khắc con tàu của mình bị khống chế: “Lúc đó anh em trên tàu đang đánh câu bình thường, bỗng có người chạy vào nói “tàu bị cướp biển bắt rồi”. Tôi vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì có khoảng 50 tên trông rất dữ tợn đã tràn lên tàu và nhanh chóng khống chế thuyền trưởng, rồi bắt tất cả thuyền viên chúng tôi nằm xuống sàn. Sau đó, chúng lấy hết mọi giấy tờ, điện thoại, các phương tiện liên lạc để chúng tôi không thể báo tin cho ai”.
Từ lúc đó, 26 con người trên tàu đã trở thành con tin cho hải tặc Somalia đòi tiền chuộc. Sau 7 tháng lênh đênh giữa đại dương, con tàu đã về đại bản doanh của bọn cướp biển. Thuyền viên Nguyễn Văn Hải cho hay: “Nói là đại bản doanh của cướp biển nhưng đúng hơn đó là một hòn đảo hoang. Trên đó có chúa đảo, song chúng tôi chưa bao giờ được gặp mặt. Chúng nó không chỉ cướp tàu chúng tôi mà còn cướp nhiều tàu khác nữa, nhất là tàu chở hàng. Ở đó đông tàu không đếm xuể. Mỗi lần cướp được con tàu nào lớn, chúng lại ăn mừng. Đốt một đống lửa to, có lần thịt nguyên cả con lạc đà, mỗi tên xách cả tảng thịt lớn lên gặm”.
Video đang HOT
Dùng đường ngọt thay rau
Cuộc sống của các thuyền viên trên hoang đảo những ngày tháng ấy hoàn toàn bị cô lập. Theo lời kể của các thuyền viên, để dễ quản lý, bọn hải tặc đã chặt những cây nhỏ, làm thành một hàng rào xung quanh một gốc cây to và dồn các thuyền viên vào trong đó. Đảo khô hạn và thiếu nước. Mỗi bữa, hơn 26 con người được phát 4 kg gạo nên mỗi người chỉ được 2 bát cơm vào bữa sáng và tối, trong khi ngày bình thường họ ăn gấp 4 lần như thế. Cơm thì ít mà sạn và cát thì nhiều. Tuy nhiên, bọn chúng cũng ít khi đánh đập con tin, chỉ đôi lúc không hiểu ý, hay làm trái ý chúng thì mới bị đánh.
Lúc đầu đến đảo, các thuyền viên không hiểu những tên cướp biển nói gì, nhưng lâu dần, thậm chí có người còn nói chuyện được bình thường với bọn chúng. “Bọn cướp chẳng ăn như mình. Bữa ăn của chúng hầu như không có rau và cá. Chúng ăn đường giỏi lắm. Có lần em thấy 5 người mà ăn hết 50kg đường trong gần 1 tuần. Hình như chúng ăn đường thay… rau thì phải?”, thuyền viên Trần Minh Trí kể. Ở trên hoang đảo ấy, bọn cướp biển có cho trốn thì cũng không ai có thể trốn được. Bao nhiêu tháng ngày ở đó, thực sự không khác gì ở tù, tại một nơi khắc nghiệt với những người đang nắm vận mệnh, sự sống của mình, các thuyền viên chỉ ước ao tự do. “Có ở trong hoàn cảnh ấy mới biết được cảm giác khát khao, thèm muốn tự do như thế nào, nhớ nhà, nhớ bố mẹ, anh em”, các thuyền viên tâm sự.
Nước mắt ngày đoàn tụ
“18 tháng thấp thỏm chờ đợi, lòng tôi khi nào cũng như lửa đốt. Giây phút được ôm con vào lòng, sờ vào da thịt nó tôi mới tin thật rằng con mình còn sống và trở về”, bà Bùi Thị Huyền, mẹ của thuyền viên Hồ Xuân Hương, quê ở Quỳnh Long, Quỳnh Lưu (Nghệ An) xúc động. 15h30 ngày 24/7 chuyến bay mới đáp xuống sân bay Nội Bài nhưng trước đó, vợ chồng bà đã cùng 3 gia đình trong xã có mặt và ngủ luôn ở sân bay để chờ các con về. Lúc máy bay hạ cánh, Hương đứng không vững, mẹ anh phải dìu đi từng bước. Ra khỏi sân bay, vợ chồng bà Huyền định cho Hương ở lại Hà Nội chơi ít ngày cho thoải mái, giải tỏa tâm lý. “Vậy nhưng khi nó hỏi thăm ông bà vẫn khỏe cả chứ, tôi buột miệng bảo “ông mất rồi”, thế là nó đòi về nhà luôn. Về tới nhà là nó lao vào bàn thờ ông vật vã khóc mãi. Tôi bắt con gà, nấu cháo, ép nó ăn lưng bát. Gần sáng dỗ mãi nó mới chợp mắt được một tý”, bà Huyền không ngăn nổi nước mắt kể lại.
Ngôi nhà nhỏ bé của thuyền viên Nguyễn Văn Hải nằm phía ngoài gần biển. Lúc chúng tôi đến nhà, Hải vừa đi mua sắm quần áo về, “lúc ở trên đó bọn chúng lấy hết tất cả đồ đạc, giấy tờ. Lúc trở về là về người không, cho nên phải đi mua quần áo về chứ không có gì để mặc”, Hải cho biết. Bố Hải cũng chia sẻ: “Để cho Hải đi XKLĐ làm việc trên tàu FV Shiuh Fu Nol chi phí hết gần 20 triệu đồng, số tiền này gia đình cũng đã trả nợ xong. Dù thế nào thì không còn gì vui sướng bằng con trở về”. Ngôi nhà thuyền viên Nguyễn Minh Trí (SN 1991) ở thôn Minh Thành, xã biển Quỳnh Long, Quỳnh Lưu cũng chật ních người thân và bà con chòm xóm đến chia vui. Ai cũng mừng vui thực sự vì ngày Trí đang bị bắt làm con tin thì em gái ở quê cũng đi lấy chồng trong tâm trạng nước mắt lưng tròng vì lo âu chuyện sống chết của anh. Vậy nên hôm nay, Trí trở về được xem như là “song hỉ lâm môn”.
Những đứa con cuối cùng đã thực sự “trở về từ cõi chết”. Hạnh phúc hôm nay không giản đơn vì nó gắn liền với quá nhiều lo toan sinh tử.
Theo Giadinh.net.vn
"Làm việc cả khi không mảnh vải che thân"
Là 1 trong số 12 thuyền viên người Việt Nam được thả tự do sau gần 2 năm bị bắt cóc ở Somalia (từ ngày 25/12/2010) trở về , anh Nguyễn Văn Tâm quê xã Kỳ Khang huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vẫn chưa hết bàng hoàng và sợ hãi sau khi đã về từ địa ngục trần gian.
Sau khi anh Tâm về nhà được 1 ngày rất đông anh em, họ hàng và hàng xóm đã đến thăm hỏi. Căn nhà nhỏ, nghèo nàn và đơn sơ đã rất lâu chưa được đón tiếp nhiều khách thế này.
Anh Nguyễn Văn Tâm gầy guộc, da đen sạm vẫn chưa hết bàng hoàng rùng mình kể lại: "Con tàu FV Shiuh FU No1 bị bọn cướp bắt giữ khi đang đánh cá gần vùng biển Somalia. Sau khi khống chế được tất cả thuyền viên, bọn cướp cắt đứt mọi liên lạc.
Khi bị bắt, đoàn thủy thủ được chia làm 2 nhóm: nhóm người Việt và nhóm người Trung Quốc. Anh em bị bắt làm việc cực nhọc như vác, thồ hàng, vận chuyển những hàng hóa nặng cả tấn ở những chiếc thuyền mà chúng cướp được vào sâu trong đất liền.
Anh Tâm không tin là mình có ngày sống sót trở về đoàn tụ với gia đình.
Bà con hàng xóm thăm hỏi sức khỏe anh Tâm
Thậm chí có những lần chúng còn bắt vác những kiện hàng cướp được ở dưới các tàu đánh cá băng qua các sa mạc với bàn chân trần. Chúng tàn nhẫn lắm, xem mạng người như cỏ rác..."
Anh Tâm nói: "Một ngày chúng chỉ cho ăn 2 buổi sáng và chiều nhưng chỉ vỏn vẹn là chén cơm trắng lẫn cát sỏi và những hạt gạo đã mốc meo. Quần áo thì chỉ duy nhất 1 bộ vì thế chúng tôi nhiều lúc làm việc trong tình trạng không mảnh vải che thân. Nhiều lúc đau ốm thì cũng chả có bác sĩ hay thuốc men gì cả".
Anh Nguyễn Xuân Tùng, anh trai anh Tâm, nói: "Sau chuyện này chắc chắn không cho nó đi nữa, chờ thanh lý xong hợp đồng sẽ kiếm việc khác ở nhà".
Gia đình anh Tâm cũng tỏ vẻ khá bức xúc khi anh Tâm bị nhóm hải tặc Somalia bắt gần 2 năm nhưng công ty xuất khẩu lao động và chính quyền địa phương không quan tâm thăm hỏi hay cung cấp thông tin gì cho gia đình. PV có đặt câu hỏi "Có phải công ty quản lý lao động có hỗ trợ mỗi người 1.000.000 đồng không?" thì anh Tùng có đính chính lại rằng đó là "tiền tạm ứng" chứ không phải là tiền hỗ trợ.
Ngày 25 /12/2010, tàu FV Shiuh FU No1 ( Đài Loan) bị hải tặc Somalia bắt cóc, trong đó có 12 thuyền viền người Việt Nam và 14 thuyền viên người Trung Quốc. Trong hơn 18 tháng, gia đình các thuyền viên thỉnh thoảng nhận được điện thoại của con em mình thông báo tình hình. Nhiều người gọi điện về trong tâm trạng hoảng loạn, đề nghị gia đình gửi tiền sang nếu không sẽ bị bọn hải tặc chặt chân, tay.
Đêm 17/7/2012, tàu cá và các thủy thủ được bọn hải tặc thả về .
12 thuyền viên Việt Nam bị bắt giữ vừa được trả tự do, gồm:
Trần Văn Toàn (21 tuổi), Trần Văn Hùng ( 21 tuổi), Trần Huy Bình (25 tuổi), Trần Minh Trí ( 21 tuổi), Lưu Đình Sơn (21 tuổi), Nguyễn Văn Hải (20 tuổi), Trần Huy Bình ( 25 tuổi), Hồ Xuân Hương (25 tuổi), Lưu Đình Hùng (25 tuổi), Nguyễn Thanh Tú ( 26 tuổi), Vũ Văn Ba (21 tuổi), tất cả đều quê nghệ An. Bùi Văn Hóa ( Chưa xác định quê quán) , Nguyễn Văn Tâm (Hà Tĩnh).
Theo Bee.net.vn
Ngóng chờ thuyền viên trở về từ tay cướp biển Sau gần 2 năm bị cướp biển Somali bắt giữ đòi tiền chuộc, đến nay niềm mong mỏi đợi chờ ngày đoàn tụ của người thân 12 thuyền viên ở Nghệ An và Hà Tĩnh đã sắp trở thành hiện thực. Những giọt nước mắt sung sướng nghẹn ngào lăn dài trên khuôn mặt hốc hác những người dân nghèo đợi tin con...