Thụy Sĩ thông báo tình hình dòng người di cư ở biên giới giáp với Italy
Bộ trưởng Tư pháp Thụy Sĩ Elisabeth Baume-Schneider ngày 28/9 cho biết nước này đang tăng cường triển khai thêm nhân sự cho lực lượng biên phòng làm việc ở khu vực phía Nam giáp với Italy.
Người di cư trên đảo Lampedusa, Italy ngày 16/9/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Động thái này được coi là biện pháp chuẩn bị trước những nguy cơ về làn sóng người di cư có thể tràn vào Thụy Sĩ trong thời gian tới.
Phát biểu trả lời phỏng vấn tờ La Liberté được phóng viên TTXVN tại Geneva dẫn lại, Bộ trưởng Elisabeth Baume-Schneider nói: “Tình hình ở khu vực Ticino vẫn đang được kiểm soát. Hiện chúng tôi chưa nhận thấy dấu hiệu tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng. Tuy nhiên, chúng tôi không được phép chủ quan. Vì vậy, cần phải tăng cường thêm nhân sự cho hoạt động ở khu vực Ticino”.
Trước đó, Văn phòng Liên bang về Hải quan và An ninh Biên giới (FOCBS) đã công bố việc triển khai bổ sung nhân viên đến khu vực biên giới Ticino để đối phó với dòng người di cư dự kiến sẽ đến trong những tuần sắp tới.
Theo Bộ trưởng Elisabeth Baume-Schneider, chỉ có 3% người di cư được xác định ở biên giới phía Nam nộp đơn xin tị nạn ở Thụy Sĩ, trong khi phần còn lại chỉ muốn “đi qua đất nước”. Tuy nhiên, bà lưu ý rằng vấn đề hộ chiếu châu Âu với hệ thống tị nạn ở khu vực Schengen cần phải được cải tổ để có thể ứng phó với các cuộc khủng hoảng. Bà nói: “Tình hình hiện tại trên đảo Lampedusa nêu bật những hạn chế của hệ thống Dublin”.
Ngoài ra, Bộ trưởng Tư pháp Thụy Sĩ cũng cho rằng hiệp ước di cư mới của châu Âu mà Thụy Sĩ liên kết sẽ cho phép phân bổ gánh nặng di cư một cách công bằng hơn. Với cơ chế đoàn kết mới, bà tin tưởng: “Chúng tôi chào đón những người xin tị nạn hoặc chúng tôi đóng góp tài chính hoặc nhân đạo cho hệ thống tị nạn tại chỗ”.
Thụy Sĩ từ chối tiếp nhận người di cư từ đảo Lampedusa (Italy)
Ngày 24/9, truyền thông Thụy Sĩ đưa tin nhà chức trách nước này đã quyết định tăng cường kiểm soát biên giới với Italy và từ chối tiếp nhận người di cư từ đảo Lampedusa.
Người di cư trên đảo Lampedusa, Italy ngày 16/9/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong tuần qua, có 11.000 người di cư không giấy tờ đã đến Lampedusa, hòn đảo ở cực Nam của Italy. Con số này cao gần gấp đôi dân số trên đảo. Người đứng đầu chính quyền đảo Lampedusa, ông Filippo Mannino nhấn mạnh tình hình trên đảo đã gần tới mức giới hạn. Nhà chức trách đang triển khai các bước nhằm ngăn ngừa khủng hoảng người di cư.
Giới chức Italy đang kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) có biện pháp khẩn cấp ứng phó với tình hình, đồng thời đề nghị cách tiếp cận mang tính đoàn kết trong việc tiếp nhận và phân phối người tị nạn ở cấp độ EU.
Báo Tages-Anzeiger dẫn nguồn Văn phòng Hải quan và An ninh biên giới liên bang cho biết trước tình hình này, Chính phủ Thụy Sĩ đã quyết định siết chặt an ninh tại cửa khẩu Ticino, theo đó tăng cường nhân lực từ khu vực nói tiếng Đức này do lượng người di cư trái phép ngày càng tăng. Theo báo này, ngày 22/9 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đề nghị Thụy Sĩ tiếp nhận người di cư từ đảo Lampedusa, song nước này đã từ chối và nêu rõ vấn đề này hiện không nằm trong kế hoạch.
Đảo Lampedusa nằm giữa Tunisia, Malta và đảo Sicily của Italy. Đây là thành phố cảng đầu tiên người di cư vượt biển tìm đến để vào EU. Vấn đề người di cư đã trở thành thách thức lớn đối với chính quyền Italy. Tháng 7 vừa qua, Tunisia và EU đã ký hiệp ước giúp ngăn chặn dòng người di cư, song chưa đem lại kết quả đáng kể.
Lampedusa 'Điểm nóng' di cư ở cửa ngõ châu Âu Nằm ở ranh giới giữa châu Âu và châu Phi, ở ngã ba hy vọng của người di cư và những căng thẳng ở châu Âu, hòn đảo Lampedusa đã được chú ý trên toàn thế giới kể từ khi có hàng nghìn người tị nạn đổ tới vào giữa tháng 9 này. Thuyền chở người di cư dồn dập đổ tới Lampedusa....