Lampedusa ‘Điểm nóng’ di cư ở cửa ngõ châu Âu
Nằm ở ranh giới giữa châu Âu và châu Phi, ở ngã ba hy vọng của người di cư và những căng thẳng ở châu Âu, hòn đảo Lampedusa đã được chú ý trên toàn thế giới kể từ khi có hàng nghìn người tị nạn đổ tới vào giữa tháng 9 này.
Thuyền chở người di cư dồn dập đổ tới Lampedusa. Ảnh: Guardian
Hàng nghìn người di cư đã đổ tới bờ biển Lampedusa vào tuần trước, làm quá tải nguồn lực địa phương trên đảo.
Áp lực lớn lên hòn đảo nhỏ
Không có gì mới khi Lampedusa được coi là biểu tượng chính trị của cuộc đổ bộ dòng người di cư đến châu Âu. Tuy nhiên, tình trạng khẩn cấp mới nhất, khi có tới 15.000 người đến đảo chỉ trong vài ngày, có thể đã được thấy trước và ứng phó phù hợp với một quốc gia có quy mô như Italy. Tình hình ở đây trở thành một cuộc khủng hoảng chỉ vì bản thân dân số trên đảo chí có 6.000 người.
Lampedusa đã trải qua làn sóng người di cư tương tự vào năm 2011, sau cuộc Cách mạng Tunisia. Một lượng lớn người dân đã vượt Địa Trung Hải để chạy trốn tình trạng bất ổn chính trị trong nước sau khi chế độ cầm quyền sụp đổ, và dân số trên đảo đã tăng gấp đôi chỉ sau vài tuần.
Vào thời điểm đó, chính phủ của Thủ tướng Silvio Berlusconi vừa thực hiện một thỏa thuận với Libya để ngăn chặn người di cư rời đất nước, vừa đe dọa sẽ hồi hương tất cả người Tunisia đến Lampedusa. Trong hai tháng, khi cuộc tranh luận chính trị diễn ra, những người di cư cũng như người dân trên đảo đều bị chính quyền Italy bỏ rơi, nhiều người phải sống trong những điều kiện khắc nghiệt nhất. Khi đó, cộng đồng, nhà thờ và các tổ chức phi chính phủ đã thay thế nhà nước, phân phát thức ăn và quần áo cho người di cư.
Cuộc khủng hoảng năm 2011 rất giống với cuộc khủng hoảng ngày nay cả về điều kiện ở Bắc Phi (lúc đó là Mùa xuân Arab, còn ngày nay Tunisia đang khủng hoảng kinh tế, trong khi Maroc hứng chịu thảm họa động đất và Libya bị càn quét bởi lũ lụt thảm khốc), cũng như về chính trị ở Italy. Nhưng dường như bài học vẫn chưa được châu Âu rút ra.
Video đang HOT
Các biện pháp khắc phục tương tự đang được thúc đẩy: thỏa thuận với các chính phủ châu Phi để ngăn chặn người dân ra đi, thay vì các chính sách di cư dài hạn nghiêm túc.
Những cam kết cứng rắn tương tự cũng đang được đưa ra, cảnh báo việc hồi hương, mà ngay cả những người tuyên bố như vậy cũng biết rằng không thể thực hiện được trên thực tế.
Người dân chờ đợi trên con đường dẫn đến trung tâm tiếp nhận người di cư ở Lampedusa. Ảnh: Guardian
Trong làn sóng di cư gần đây nhất, khoảng 11.000 người đã đến đảo bằng thuyền trong vòng 4 ngày, với mức cao nhất là 5.000 người chỉ riêng vào ngày 12/9. Có thời điểm, có tới 60 chiếc thuyền nhỏ chen chúc chật kín người ở cảng, tất cả xếp hàng giống như cảnh chờ đợi ở trạm thu phí đường cao tốc. Trên bến cảng, ngư dân nói với nhau rằng Lampedusa đã bị bỏ rơi: “Cả mùa hè, các phóng viên truyền hình đã ở đây nói về sự gia tăng số lượng cập bến, nhưng chúng tôi vẫn phải đối phó một mình; chúng tôi thì có thể làm gì một mình chứ?”
Quả đúng như vậy, kể từ tháng 8, lượng người di cư đến đảo Lampedusa đã tăng gấp đôi so với năm 2022 và tăng gấp ba so với năm 2021 – vì vậy đối với người dân trên đảo, việc không có các biện pháp phòng ngừa là không thể chấp nhận được.
Một số thuyền mới đến mắc cạn trên các bãi biển của hòn đảo, đâm vào đá và lật úp cùng với hàng hóa là người, đòi hỏi các hoạt động cứu hộ nguy hiểm trên biển. Hai trẻ sơ sinh đã tử vong trên biển – và trên bờ, xe cứu thương không thể hỗ trợ tất cả những người cần giúp đỡ: những phụ nữ mất nước không thể cho con bú hoặc những đứa trẻ bị thương, đầy ruồi bâu.
Hàng nghìn người chen chúc tại “Điểm nóng” – biệt danh mà người dân địa phương gán cho trung tâm giam giữ người di cư, vốn chỉ có sức chứa 400 người. Hàng nghìn người khác phải chờ hàng giờ dưới nắng trên mặt đường nhựa nóng bỏng của bến tàu Favaloro, và chỉ được làm mát bằng vòi rồng và bị cảnh sát chống bạo động khống chế.
Hội Chữ thập đỏ Italy, cơ quan điều hành “Điểm nóng”, đã cảnh báo rằng họ không có đủ khả năng phân phối nước và thực phẩm cho tất cả mọi người. Sự can thiệp nhân đạo duy nhất đến từ nhà thờ, nơi phân phát bữa ăn với sự giúp đỡ của người dân, tình nguyện viên và thậm chí cả khách du lịch.
Một nhóm cư dân Lampedusa đã tổ chức một cuộc biểu tình bên ngoài tòa thị chính, chặn một chiếc xe buýt của Hội Chữ thập đỏ chở đầy người di cư để thể hiện sự phản đối của họ trước tin đồn thành lập trại tiếp nhận người di cư. Điều bất ngờ là cuộc biểu tình lại được dẫn đầu bởi phó thị trưởng hòn đảo, Attilio Lucia, một thành viên của đảng Liên đoàn Salvini.
Áp lực đè lên Lampedusa cuối cùng đã giảm bớt hôm 23/9, đúng lúc Thủ tướng Italy Giorgia Meloni và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đến đảo. Nhưng thông điệp đến với cư dân Lampedusa là sẽ không có gì thay đổi ở Brussels hay Rome, và do đó ở Lampedusa cũng vậy.
Công bằng cho những người di cư
EU sẽ tiếp tục các chính sách đóng cửa biên giới của mình, mặc dù đã có thêm 28.000 người chết ở Địa Trung Hải trong vòng 10 năm kể từ thảm kịch ngoài khơi Lampedusa năm 2013 làm 368 người tử vong, khiến Chủ tịch Ủy ban châu Âu khi đó, José Manuel Barroso, phải tuyên bố “không bao giờ để lặp lại” thảm kịch tương tự.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đến thăm đảo Lampedusa, Italy hôm 23/9. Ảnh: AFP
Chính phủ ở Rome sẽ không yêu cầu những người bạn của họ ở Ba Lan và Hungary phải gánh vác trách nhiệm công bằng đối với người di cư và người xin tị nạn. Họ sẽ không cử tàu hải quân đến thực hiện cứu hộ ở vùng biển ngoài khơi phía nam Lampedusa hoặc vận chuyển người đến các cảng lớn hơn khác của Italy. Người dân Lampedusa từ lâu đã yêu cầu một sáng kiến như vậy, tương tự như chương trình Mare Nostrum – hoạt động nhân đạo do cựu Thủ tướng Enrico Letta phát động sau vụ đắm tàu nghiêm trọng ở Lampedusa năm 2013.
Thay vào đó, chính phủ hiện tại của Thủ tướng Meloni sẽ dồn mọi nỗ lực vào các biện pháp đã tỏ ra không thành công trong quá khứ, như: xây dựng thêm các trung tâm hồi hương cho những người xin tị nạn thất bại và kéo dài thời gian giam giữ lên 18 tháng đối với những người di cư bất hợp pháp.
Chính phủ của nữ Thủ tướng Meloni đã gọi làn sóng di cư đổ tới Lampedusa là một “cuộc xâm lược” và một “hành động chiến tranh”. Nhưng thị trưởng hòn đảo, Filippo Mannino, lại nói khác. “Hòn đảo này đã sống chung với hiện tượng đó suốt 30 năm nay, nhưng người ngoài lại có cảm nhận rằng ở đây hoàn toàn hỗn loạn: “Đảo sụp đổ’, ‘Đảo bị tấn công’. Không phải vậy”, ông Mannino nhấn mạnh.
Người dân Lampedusa không sử dụng những lời lẽ thù địch như của các nhà lãnh đạo chính trị Ý. Họ chỉ kiến nghị đối mặt với thách thức này, tìm ra giải pháp nhân đạo để những người dân địa phương sẵn lòng bảo vệ những người đi biển không bị trôi dạt.
Ông Mannino nói: “Tôi không phải là người có thể quyết định giải pháp vì tôi chỉ là thị trưởng của một hòn đảo nhỏ. Nhưng chúng ta phải lựa chọn xem có đối xử với mọi người như nhau hay không, dù họ là người Ukraine chạy trốn chiến tranh hay người châu Phi chạy trốn chiến tranh và đàn áp. Chúng ta đối xử với họ như nhau hay theo màu da của họ?”.
Thụy Sĩ từ chối tiếp nhận người di cư từ đảo Lampedusa (Italy)
Ngày 24/9, truyền thông Thụy Sĩ đưa tin nhà chức trách nước này đã quyết định tăng cường kiểm soát biên giới với Italy và từ chối tiếp nhận người di cư từ đảo Lampedusa.
Người di cư trên đảo Lampedusa, Italy ngày 16/9/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong tuần qua, có 11.000 người di cư không giấy tờ đã đến Lampedusa, hòn đảo ở cực Nam của Italy. Con số này cao gần gấp đôi dân số trên đảo. Người đứng đầu chính quyền đảo Lampedusa, ông Filippo Mannino nhấn mạnh tình hình trên đảo đã gần tới mức giới hạn. Nhà chức trách đang triển khai các bước nhằm ngăn ngừa khủng hoảng người di cư.
Giới chức Italy đang kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) có biện pháp khẩn cấp ứng phó với tình hình, đồng thời đề nghị cách tiếp cận mang tính đoàn kết trong việc tiếp nhận và phân phối người tị nạn ở cấp độ EU.
Báo Tages-Anzeiger dẫn nguồn Văn phòng Hải quan và An ninh biên giới liên bang cho biết trước tình hình này, Chính phủ Thụy Sĩ đã quyết định siết chặt an ninh tại cửa khẩu Ticino, theo đó tăng cường nhân lực từ khu vực nói tiếng Đức này do lượng người di cư trái phép ngày càng tăng. Theo báo này, ngày 22/9 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đề nghị Thụy Sĩ tiếp nhận người di cư từ đảo Lampedusa, song nước này đã từ chối và nêu rõ vấn đề này hiện không nằm trong kế hoạch.
Đảo Lampedusa nằm giữa Tunisia, Malta và đảo Sicily của Italy. Đây là thành phố cảng đầu tiên người di cư vượt biển tìm đến để vào EU. Vấn đề người di cư đã trở thành thách thức lớn đối với chính quyền Italy. Tháng 7 vừa qua, Tunisia và EU đã ký hiệp ước giúp ngăn chặn dòng người di cư, song chưa đem lại kết quả đáng kể.
Tunisia ngăn chặn 23 vụ di cư trái phép sang châu Âu Ngày 20/9, Lực lượng Vệ binh quốc gia Tunisia cho biết nước này gần đây đã ngăn chặn 23 vụ di cư bất hợp pháp tìm cách vượt Địa Trung Hải đến Italy. Người di cư sau khi được Lực lượng bảo vệ bờ biển Tunisia giải cứu tại khu vực ngoài khơi Ben Guerdane, phía nam Tunisia gần biên giới với Libya,...