Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 15)
Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử ‘Thủy hải chiến Việt Nam’ của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.
Kỳ 15.
IV. THỦY CHIẾN RẠCH GẦM – XOÀI MUỐT
Mãi tới chiều tối một ngày cuối năm năm 1784, thủy binh và bộ binh Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy mới vào đến Mỹ Tho, một vùng đất miền Đông Gia Định, cách thành Gia Định về phía nam khoảng 300 dặm. Nguyễn Huệ cho bộ binh đóng doanh trại ở ngoài thành Mỹ Tho, còn thủy binh dàn thành thế trận chiến đấu trên sông. Trên sông Mỹ Tho ngay gần doanh trại bộ binh trên bờ, Tổng hành dinh của Nguyễn Huệ là một chiếc lều vàng cao rộng nổi bật lên ngay giữa muôn trại san sát của ba quân. Toàn cảnh miền đông Gia Định chìm trong màn đêm, cây cối trên những miệt vườn phủ màu đen đung đưa theo gió. Gió từ các dòng sông nhỏ và sông Tiền Giang thổi về lồng lộng. Lá cờ chữ soái trên nóc Tổng hành dinh tung bay phần phật trong đêm.
Tranh minh họa: Trận Rạch Gầm- Xoài Mút (1785) ở Mỹ Tho, Quang Trung phá tan 5 vạn quân Xiêm. Nguồn: Internet
Trong Tổng hành dinh Nguyễn Huệ không ngủ dù đêm đã sang canh ba. Đây không phải là lần đầu tiên ông thức khuya. Từ khi khởi nghĩa ở ấp Tây Sơn Bình Khê, Bình Định (1771) đến nay Nguyễn Huệ đã nhiều lần thức khuya trước mỗi chiến dịch tiêu diệt kẻ thù.
Lần này Trung ương Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc giao cho Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ công việc to lớn nặng nề. Tiêu diệt toàn bộ quân xâm lược Xiêm do Nguyễn Phúc Ánh cầu viện về, giải phóng đất đai miền tây Gia Định đang bị quân Xiêm chiếm đóng giầy xéo..
Sự thể là sau lần đại bại năm 1784 ở trận thủy chiến Cần Giờ, Nguyễn Phúc Ánh đã sang cầu cứu vua Xiêm. Vốn ôm mộng xâm lược miền Gia Định của Đại Việt, vua Xiêm La đã cử hai tướng Chiêu Tăng và Chiêu Sương đem 4 vạn thủy quân. 300 chiến thuyền cùng với 4.000 quân Nguyễn Phúc Ánh tấn công Đại Việt. Ngày 25-7-1784 thủy quân Xiêm vượt biển, đổ bộ lên Rạch Giá Kiên Giang chiếm miền Hậu Giang. Tháng 10-1784 giặc đánh chiếm Cần Thơ, Sa Đéc. Đi đến đâu quân giặc thả sức cướp bóc tàn sát nhân dân, bắt hãm hiếp phụ nữ, đốt phá làng mạc thôn ấp. Khắp miền Tây Gia Định ngập tràn trong khói lửa tang tóc hận thù. Nhân dân miền Hậu Giang ngày đêm đỏ mắt ngóng đợi quân Tây Sơn vào tiêu diệt quân thù cứu vớt nhân dân, giải phóng miền đất cực nam đang bị giày xéo bởi quân xâm lược và bè lũ bán nước. Nghĩ tới đó bỗng nhiên Nguyễn Huệ bừng bừng căm giận quân thù, cảm giác mà ông chưa từng có trong 14 năm làm Đại tướng, cầm quân đại phá quân Nguyễn từ năm 18 tuổi. Chưa bao giờ ông thấy quyết tâm tiêu diệt quân ngoại xâm dâng trào trong ông mạnh mẽ như vậy. Nhưng làm thế nào để tiêu diệt 4 vạn thủy binh Xiêm cùng 300 chiến thuyền? Tiêu diệt chúng ở đâu, ở sông Sa Đéc, sông Hậu hay trên sông Mỹ Tho?. Đặc biệt là sông Sa Đéc nơi hiện giờ toàn bộ thủy binh Xiêm La đang tập trung tại đó?
Bắc Bình Vương ngồi xuống chiếc ghế, ngang tầm ngực ông là chiếc bàn hình vuông màu gỗ nâu, trên bàn đặt bộ ấm chén uống nước bằng sứ màu xanh, cạnh bộ ấm chén là tấm sơ đồ toàn bộ sông nước miền Đông và miền Tây Gia Định do những trợ lý tác chiến của ông nghiên cứu thực địa và vẽ nên. Ông chú ý tới dòng sông Mỹ Tho. Trong đầu ông xuất hiện hai phương án tác chiến. Phương án một có thể kéo thủy binh Tây Sơn vào Sa Đéc và trực tiếp giao chiến với thủy binh Xiêm. Phương án này không chắc thắng và có thắng cũng không thể tiêu diệt toàn bộ quân địch. Phương án hai là dụ thủy binh Xiêm vào trận địa mai phục ở đoạn sông Mỹ Tho từ Rạch Gầm đến Xoài Muốt để tiêu diệt. Phương án này tạo nên cách đánh bất ngờ, sử dụng được các chiến thuật mai phục, tập kích, sử dụng được thủy binh và bộ binh, pháo binh, tạo nên sức mạnh áp đảo, thế trận tiêu diệt toàn bộ quân địch.
Nguyễn Huệ uống một li nước. Sau khi đặt ly xuống bàn ông đặt bút lông nhúng vào đĩa mực tàu khoanh một vùng rất đậm đoạn sông rạch Gầm Xoài Muốt trên sơ đồ. Ông đã quyết định chọn đoạn sông này làm mồ chôn xác quân Xiêm.
2. Đó là ngày 20 tháng 1 năm 1785, một sáng của mùa xuân. Khắp miền Gia Định nắng sớm mai đã chan hòa như mùa hè trên xứ sở mênh mông bát ngát đồng ruộng thẳng cánh cò bay. Những ấp thôn miệt vườn xum xuê cây lá xanh ngút ngàn, những dòng sông tuôn chảy. Tiền Giang, Hậu Giang, Mỹ Tho nước mênh mông gợn sóng. Trời trong xanh. Những đám mây trắng lang thang trên trời như những sợi tơ mong manh bị gió xua đi trôi lang thang và biến thành muôn hình thù kỳ quái.
Nhưng đó là một ngày không bình yên với thủy quân Xiêm La. Khi trời rạng sáng và vừa thức giấc thủy quân Xiêm đã thấy gần một trăm chiến thuyền loại nhỏ với những lá cờ đỏ dài bay phấp phới lao vào tấn công đội hình thủy quân Xiêm ở sông Sa Đéc. Khi vừa tầm những thuyền chiến đó đã nã đại bác vào chiến thuyền quân Xiêm. Quân Xiêm hoảng loạn kêu lên những tiếng Thái xa lạ. Nguyễn Phúc Ánh nói với Chiêu Tăng, Chiêu Sương qua phiên dịch:
-Đó là chiến thuyền của quân Tây Sơn. Có lẽ Tây Sơn đã tấn công quân ta, thưa thủy sư đô đốc.
Chiêu Tăng, Chiếu Sương vội vã ra lệnh cho chiến thuyền quân Xiêm nhổ neo dàn đội hình chiến đấu. Thuyền chiến quân Xiêm nã đại bác. Lửa khói và tiếng nổ ầm ầm mù mịt. Cậy số đông 300 chiến thuyền to lớn của quân Xiêm như những con quái vật lướt như bay về phía chiến thuyền Tây Sơn. Thế quân Xiêm đông đảo và hùng mạnh áp đảo chiến thuyền Tây Sơn. Đại bác nổ rầm rầm trên sông Sa Đéc. Tây Sơn yếu thế lui dần về sông Mỹ Tho. Chiến thuyền quân Xiêm dàn đội hình chiến đấu hình tam giác, những thuyền nhẹ đi tiên phong, những thuyền lớn làm thành hai cạnh tam giác, cạnh đáy tam giác bảo vệ mặt sau. Đi giữa đội chiến thuyền hùng hậu là thuyền lớn sang trọng của Đô đốc Chiêu Tăng, Chiêu Sương có Nguyễn phúc Ánh đi cùng để cố vấn cho hai tướng Xiêm. Dòng sông Mỹ Tho nổi sóng dào dạt bởi thuyền Tây Sơn tháo chạy, bởi 300 chiến thuyền quân Xiêm mở hết tốc lực truy kích. Nhìn diễn biến đang diễn ra Nguyễn Phúc Ánh hết sức lo sợ. Nguyễn Phúc Ánh quá biết thiên tài dùng binh của Nguyễn Huệ. Nguyễn Phúc Ánh nói với Chiêu Tăng:
-Đô Đốc cẩn thận kẻo sa vào trận địa mai phục của quân Tây Sơn. Tôi biết Huệ là kẻ dùng binh mưu lược như thần.
Chiêu Tăng, Chiêu Sương cười ha hả chế diễu Nguyễn Phúc Ánh:
Video đang HOT
-Ha..Ha… Ông Chúa nhỏ ơi, ông dát như vậy thì thua trận mất cả cơ nghiệp mấy trăm năm là phải. Tây Sơn không đến thì ta cũng đang định tấn công sang miền Đông Gia Định để hoàn thành công cuộc chinh phục. Nay tiện thể tấn công vừa là tiêu diệt Tây Sơn, vừa để hoàn thành kế hoạch đó. Ông Chúa nhỏ sợ thì lui về Sa Đéc đi. Ha…Ha…
Nguyễn Phúc Ánh tức giận đỏ mặt vì bị sỉ nhuc. Nhưng thân phận đang đi nhờ vả ngoại bang nên không thể to tiếng với Chiêu Tăng, Chiêu Sương. Ông biết rằng 4000 quân của ông và hàng vạn thủy quân Xiêm đang đi vào tử địa mà không làm gì được. Ánh quá hiểu sông ngòi miền Gia Định và con người Nguyễn Huệ.
Cuộc rượt đuổi kéo dài đến gần trưa, chiến thuyền quân Xiêm lọt vào một khúc sông rộng lớn của dòng sông Mỹ Tho. Chiêu Tăng hỏi Nguyễn Phúc Ánh: -Đây là đoạn sông nào vậy?
-Dân địa phương gọi là đoạn Rạch Gầm Xoài Muốt của sông Mỹ Tho, dài khoảng 12 dặm, cách thành Mỹ Tho của Định Tường không xa lắm. Chiêu Tăng, Chiêu Sương bấy giờ mới chú ý quan sát, dòng sông rộng nhưng quá hiểm trở, có những dãy cù lao dài bên phải, bên trái sông xen lẫn với rừng đước, trâm bầu um tùm che khuất tầm nhìn. Nguyễn Phúc Ánh chỉ một cù lao nói:
-Thưa Đô đốc đó là cù lao Thới Sơn.
Ánh vừa dứt lời thì đại bác của quân Tây Sơn từ cù lao Thới Sơn nã đạn như mưa xuống chiến thuyền quân Xiêm. Ngay loạt đạn đầu hàng chục chiến thuyền quân Xiêm ở hậu quân và tiền quân bốc cháy. Đại bác Tây Sơn Tiếp tục dội xuống như mưa. Chiến thuyền Xiêm tiếp tục trúng đạn bốc cháy nổ tan xác, hàng trăm nghìn tên lính trúng đạn cùng những mảnh tàu vỡ tung lên trời và rơi xuống sồng. Đoàn chiến thuyền Tây Sơn bị rượt đuổi bây giờ quay lại nã đại bác vào thuyền Xiêm. Phía sau quân Xiêm một đoàn chiến thuyền Tây Sơn dũng mãnh xông ra và nổ đại bác vào hậu quân Xiêm. Hàng trăm chiến thuyên bị mắc kẹt bởi thuyền đắm ngăn chặn phía trước và phía sau, khiến cho quân Xiêm không thể tiến lên cũng không thể rút lui tháo chạy. Đang khi quân Xiêm hoảng loạn thì thủy quân Tây Sơn từ các cù lao, rừng đước xông ra tấn công vào hai bên sườn dữ dội. Một miền sông Mỹ Tho rung chuyển tiếng đại bác như sấm dội. Những cột lửa những cột nước bốc cao, khói lửa mù mịt. Xác thuyền và xác lính Xiêm tiếp túc bị thiêu đốt tung lên không trung rồi rơi xuống nước làm dòng sông tắc nghẽn. Chiêu Tăng và Chiêu Sương cùng kêu lên bằng tiếng Thái hoảng loạn. Nguyễn Ánh kêu to:
-Chúng ta bị mai phục rồi.
Trong lúc hỗn loạn cả ba nhảy xuống sông bơi vào bờ. Bộ binh của Nguyễn Phúc Ánh tới tiếp kịp cứu đưa ba người chạy thoát khỏi chiến trường khủng khiếp rồi chạy về miền Hậu Giang. Chiêu Tăng, Chiêu Sương theo đường biên giới Chân Lạp chạy về nước. Nguyễn Phúc Ánh đem tàn quân chạy về Kiên Giang, trốn ra đảo Thổ Chu và sau đó sang Xiêm Làm ruộng chờ thời..
Mãi tới gần tối không gian sông Rạch Gầm Xoài Muốt mới im tiếng súng và tiếng reo hò xung trận của quân Tây Sơn. 4 vạn thủy binh Xiêm, 300 chiến thuyền hạng nặng chỉ một ngày bị quân Tây Sơn chôn vùi trên đoạn sông Mỹ Tho nổi tiếng. Chúng phải trả giá cho những tội ác mà chúng đã gây ra cho mảnh đất miền Tây Gia Định. Theo sử vương triều Nguyễn sau này: Sau trận này quân Xiêm La sợ Tây Sơn như sợ cọp.
(Còn nữa)
Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 7)
Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử 'Thủy hải chiến Việt Nam' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.
Kỳ 7.
Trong hàng ba quân thấy Yết Kiêu không giết Đô Trâu liền có tiếng nói:
Thật là phi thường, thật là người nhân nghĩa. Tiếng loa lại vang lên:
-Theo lệnh của Quốc Công Đại Vương, Yết Kiêu còn phải tỏ rõ tài năng chính của mình là đi, bơi và lặn dưới nước. Toàn quân hãy dàn quân theo dọc bờ Lục Đầu Giang.
Phút chốc quân thủy và quân bộ dàn kín bờ Lục Đầu Giang. Tinh kỳ theo gió tung bay rực rỡ dưới nắng. Nước Lục Đầu Giang gợn sóng theo ánh mặt trời lung linh như bạc.
Kỵ binh Mông Cổ (tranh minh họa). Nguồn: baotanglichsu.vn
Hưng Đạo Vương ngồi giữa trên ghế giữa hàng quân. Trước mặt Ngài là chiếc án thư có bộ trà nước bằng sứ. Một hộp trà cũng bằng sứ trong đựng trà Tân Cương đạo Thái Nguyên ngon có tiếng. Trần Ích Tắc cùng ngồi với Người nhưng có vẻ đăm chiêu, có lẽ do Đô Trâu bị đánh gục. Người lính cầm loa đứng cạnh Hưng Đao Vương ra điều kiện cho Yết Kiêu:
-Quốc Công Đại Vương muốn xem tráng sĩ Yết Kiêu lặn được bao lâu dưới nước, Bây giờ là giờ thìn. Bắt đầu!
Trên bãi sông trước khi bước xuống nước, Yết Kiêu chắp tay vái về phía Hưng Đạo Vương. Chàng thấy ngài như mĩm cười động viên. Chàng cũng thấy người ta đặt một chiếc lung linh khuê để đo thời gian theo ánh mặt trời chiếu vào cây sào. Bên cạnh là một thầy phong thủy đảm nhiệm việc tính giờ.
Yết Kiêu hít một hơi thở dài khoan khoái lội xuống dòng sông nước trong veo mát lạnh. Sông nước là thế giới của chàng nên khi xuống nước chàng như thấy có sức mạnh được nhân lên vô biên. Chàng từ từ chìm xuống biến mất khỏi mặt nước.
Lặn xuống nước, Yết Kiêu vẫn thở đều đều điều mà người bình thường không thể làm được. Qua một quá trình khổ luyện chàng hít khí vào đưỡng mũi và thở ra đường miệng. Mũi Yết Kiêu khi đó như mang cá chặn nước lại chỉ cho không khí lọt vào. Chàng vừa đi vừa bơi chân chạm đất của đáy sông. Thế giới thủy cung vô cùng tươi đẹp sống động. Nước trong veo, phía dưới hơi mờ mờ ảo ảo nhưng tầng trên có những quầng sáng do ánh sáng mặt trời. Những cây rong như những cuộn thừng hay như những cành thông đung đưa dưới nước như rừng. Yết Kiêu biết rằng loại rong này cùng với bèo đủ loại là thức ăn cho những chú lợn ở nông thôn. Từng đàn cá đang nô đùa, thấy chàng chúng chạy tán loạn, dáo dác. Những chú lươn, chạch như những con rắn nhỏ bơi ngoằn ngoèo chậm chạp. Có những chú cá to không hề biết sợ, đớp bọt nước kiếm ăn và bơi cạnh Yết Kiêu như những người bạn. Đáy sông có những đoạn đá lổn nhổn, có những đoạn cát đẹp như vàng. Yết Kiêu say sưa khám phá vùng thủy cung Lục Đầu Giang tươi đẹp nhưng ít người biết tới.
Trên bờ ba quân nhìn xuống dòng sông chờ đợi, giọt thời gian trôi đi chậm chạp. Mặt trời đã lên đến đỉnh đầu. Cây lung linh khuê đã đo đến giờ ngọ. Bóng cây sào đã tròn vo lại ngay dưới gốc của nó. Yết Kiêu đã lặn được 3 canh giờ. Quân lính bắt đầu nôn nao lo lắng. Có tiếng một người:
-Có khi tráng sĩ không lên được nữa rồi.
Hưng Đạo Vương nói:
-Loa gọi Yết Kiêu lên đi!
Người lính chĩa loa xuống sông hét toáng lên:
-Tráng sĩ lên đi! Tráng sĩ lên bờ đi. Đó là lệnh của Quốc công!
Một người lính reo lên
-Kia rồi...
Tất cả mọi con mắt đều đổ dồn xuống dòng sông. Một mái tóc có chít khăn rồi đầu và toàn thân của Yết Kiêu nổi lên. Chàng thong thả rẽ nước bơi vào bờ trong tiếng reo hò vang dậy của quân lính đứng trên bờ sông.
Tiếng loa của người lính lại vang lên:
-Quốc Công Đại Vương muốn thấy tráng sĩ trổ tài đi trên nước. Tráng sĩ bắt đầu!
Từ bờ sông Yết Kiêu vái về phía Hưng Đạo Vương đáp lễ và chàng bước xuống sông. Chàng không chìm mà hai chân Yết Kiêu đi trên mặt nước như đi trên con đương đất bằng phẳng. Mọi người không tin vào mắt mình nhưng rõ ràng Yết Kiêu đang đi trên nước, mỗi bước chân của chàng làm nước bắn tung tóe sáng loáng tan vụn như ánh ngọc. Bóng chàng soi xuống dòng sông bị khúc xạ dài ra lung linh huyền ảo. Yết Kiêu đi trên dòng sông khoảng hai dặm rồi quay về cũng bằng ấy. Tiếng loa lại vang lên:
-Tráng sĩ được phép lên bờ và gặp Quốc Công!
Yết Kiêu đi lên bờ trong tiếng reo hò của ba quân. Có tiếng nói to:
-Thật là thiên cổ dị nhân.
Dã Tượng chạy ra đón, dắt Yết Kiêu đến trước Hưng Đạo Vương. Yết Kiêu khoanh tay cúi mình chờ đợi. Hưng Đạo Vương nói:
-Tốt lắm, ta đã nghe danh tiếng tráng sĩ nhưng nay được chứng kiến quả là danh bất hư truyền. Sức khỏe và tài năng của tráng sĩ thật là phi phàm, lại có nhân đức qua việc không giết Đô Trâu khi chiến thắng. Nay giặc Thát Đát cậy nước lớn dù đã bị Đại Việt ta đánh bại một lần nhưng vẫn ôm dã tâm sang đánh nước ta một lần nữa để tiêu diệt Đại Việt ta và tấn công các nước Đông Nam Á. Ta nay mang trọng trách của triều đình và trọng trách với nước phải chuẩn bị đối phó với giặc mà trọng tâm là phải xây dựng quân đội hùng mạnh. Cho nên ta chủ trương dung nạp hiền tài, không kể vương giả, bình dân hay nô tì, cứ có tài là được ta trọng dụng. Nay ta nhận tráng sĩ làm tùy tướng trong hổ trướng của ta, phụ trách huấn luyện thủy quân.
Yết Kiêu cảm động thực sự, chàng khoanh tay cúi đầu giọng run run:
-Xin cảm tạ Đại Vương đã trọng dụng, tùy tướng sẽ đem hết sức mình tận trung báo quốc.
Hưng Đạo Vương trỏ mấy người chung quanh nói tiếp:
-Tráng sĩ hãy làm quen với những tùy tướng của ta: đây là Dã Tượng mà tráng sĩ đã biết, phụ trách huấn luyện voi và tổ chức tượng binh, đây là Cao Mang và Nguyễn Địa Lô phụ trách huấn luyện bắn cung tên cho ba quân, đây là tướng quân Phạm Ngũ Lão, người Đông đạo, đồng hương với tráng sĩ.
Yết Kiêu thi lễ vái chào mọi người. Các tùy tướng cũng cười thân mật vui vẻ với Yết Kiêu. Hưng Đạo Vương nói với Dã Tượng:
-Ngươi hãy nói cho Yết Kiêu những điều cần biết về việc quân, bố trí chỗ ăn ở, cấp quân trang quân dụng cho Yết Kiêu, chu cấp cho thân mẫu của Yết Kiêu chu đáo. Ngày mai bắt đầu huấn luyện thủy quân có Yết Kiêu tham gia.
Dã Tượng chắp tay:
-Dạ bẩm Đại Vương xin tuân lệnh.
Chiều hôm đó, Yết Kiêu nhận quân phục, phòng ở trong Tổng hành dinh. Cuộc đời của chàng sang một trang mới: Cuộc đời binh nghiệp và trực tiếp phục vụ bảo vệ Quốc Công Đại Vương. Từ đó và theo năm tháng chiến chinh, Yết kiêu, Dã Tượng, Cao Mang, Nguyễn Địa Lô, Phạm Ngũ Lão là những tùy tướng tài năng, trung thành của Hưng Đạo Vương, góp phần cùng chủ tướng làm nên chiến thắng huy hoàng trong hai cuộc chống quân Nguyên-Mông xâm lược.
2. Mùa đông năm 1285, nước Đại Việt bị đại họa. Năm 1279 Đế quốc Nguyên Mông đã đánh bại nhà Nam Tống, chinh phục xong Trung Quốc. Hoàng Đế nhà Nguyên Hốt Tất Liệt (khubilai) cho rằng đã đến lúc tiến hành xâm lược Đại Việt để rửa mối thù trong cuộc xâm lược lần thứ nhất thất bại năm 1258, để mở rộng lãnh thổ đế quốc không chỉ xuống Đại Việt mà còn đến tận Đông Nam châu Á và còn tiến xa hơn nữa. Thực hiện dã tâm đó, năm 1285, Hốt Tất Liệt huy động 50 vạn quân do Thái Tử Thoát Hoan (Togan) làm Tổng chỉ huy chia làm 3 đạo theo ba đường tiến vào Đại Việt. Đạo chủ lực do Thoát Hoan trực tiếp chỉ huy gồm 30 vạn quân vượt ải Nam Quan chiếm đạo Lạng Giang và tràn xuống Thăng Long, đạo thứ hai đột nhập vào đạo Lào Cai từ hướng Tây Bắc tràn xuống Thăng Long. Đạo thứ ba do Toa Đô chỉ huy vượt biển đột nhập vào Vương Quốc Chiêm Thành, đánh vào đạo Quảng Bình rồi tiến lên phía bắc qua vùng Hoan- Ái. Ba cánh quân như ba gọng kìm thít chặt lại nhằm tiêu diệt quân chủ lực của Đại Việt và bắt sống vương triều Trần để nhanh chóng kết thúc chiến tranh.
Quốc Công Tiết chế Trần Hưng Đạo từ Vạn kiếp đem 20 vạn quân lên biên ải chặn giặc. Quân Đại Việt dựa vào địa thế hiểm yếu chặn đánh địch kịch liệt. Nhưng thế giặc quá mạnh, vòng vây của chúng bao vây quân Trần đang hình thành. Để tránh nguy cơ bị tiêu diệt, Hưng Đạo Vương cho quân rút lui về Vạn Kiếp.
Bầu trời mùa đông miền Lạng Giang u ám, gió rét thổi từng đợt lạnh thấu da thấu thịt. Đồi núi uốn lượn xanh xám đang rung động bởi không khí chiến tranh binh lửa lan tràn, không gian vang động tiếng reo hò, chém giết, tiếng gươm giáo khua vang chết chóc, tiếng bước chân hàng vạn quân đi rầm rập, tiếng ngựa hí voi gầm. Quân Trần vừa kiềm chế quân địch vừa rút lui có trật tự và nhanh chóng, khẩn trương. Cờ xí rợp trời, bụi cuốn mù mịt. Đất trời miền Lạng Giang như rung chuyển. Phía sau không xa những cột khói đốt nhà của quân xâm lược bốc cao ngút trời. Những âm thanh hỗn loạn như những đợt sáng ào ào ập tới. Đó là tiếng người ngựa của quân Nguyên Mông đang truy kích quân đội nhà Trần.
(Còn nữa)
Khám phá "Lưng rồng" địa danh bí ẩn của vùng đất Cao Bằng Đã từ lâu, mảnh đất Cao Bằng được du khách thập phương biết đến nhờ vẻ đẹp thiên nhiên nguyên sơ, hùng vĩ và những giá trị văn hóa vùng cao độc đáo... Tuy nhiên, ít người biết rằng non nước Cao Bằng còn có một điểm đến thú vị là điển hình là cảnh quan "Lưng rồng" tại xã Thể Dục, cách...