Thượng viện Argentina thông qua dự luật cải cách
Ngày 12/6, sau 13 giờ thảo luận liên tục, Thượng viện Argentina đã thông qua dự luật Cơ sở, trong đó có gói cải cách kinh tế do chính phủ của Tổng thống cực hữu Javier Milei đề xuất.
Quang cảnh phiên họp Hạ viện Argentina tại Buenos Aires ngày 29/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, dự luật Cơ sở, với việc ban bố tình trạng khẩn cấp trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, tài chính và năng lượng của đất nước Nam Mỹ, đã trải qua một quá trình nghị viện phức tạp trong gần nửa năm. Sau 2 vòng bỏ phiếu, số phiếu thuận và số phiếu chống đều bằng nhau tại cả 2 vòng và theo quy định, Chủ tịch Thượng viện, Phó Tổng thống Victoria Villarruel được quyền đưa ra quyết định cuối cùng để thông qua văn bản nói trên. Đây là lần đầu tiên một dự luật do Chính phủ Argentina đề xuất được cả Hạ viện và Thượng viện thông qua kể từ khi ông Milei nhậm chức ngày 10/12 năm ngoái. Trước đó, cuối tháng 4 năm nay, Hạ viện đã thông qua dự luật Cơ sở với 142 phiếu thuận, 106 phiếu chống và 5 phiếu trắng.
Luật Cơ sở cho phép Tổng thống Milei có quyền lập pháp, đồng thời chính phủ được phép tư nhân hóa một số tập đoàn và công ty thuộc sở hữu nhà nước, tiến hành cải cách luật lao động và chế độ với người hưu trí, cũng như đưa ra các chính sách ưu đãi cho lĩnh vực năng lượng, dầu khí cũng như các khoản đầu tư lớn. Trong quá trình thương lượng, chính phủ đã chấp nhận sửa đổi và điều chỉnh nhiều điều khoản trong đó có việc Hãng hàng không quốc gia Aerolíneas Argentinas, Tập đoàn bưu chính quốc gia Correo Argentino cũng như Đài phát thanh và Truyền hình quốc gia sẽ không buộc phải tư nhân hóa.
Video đang HOT
Trong lúc Thượng viện họp, bên ngoài trụ sở Quốc hội đã xảy ra đụng độ giữa cảnh sát và những người biểu tình phản đối các biện pháp cải cách.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng liên đoàn lao động Argentina (CGT), người biểu tình đã tập trung từ sáng sớm cùng ngày xung quanh tòa nhà Quốc hội để phản đối dự luật Cơ sở, cũng như những chính sách “thắt lưng buộc bụng” hà khắc của chính phủ. Họ cho rằng các giải pháp này làm tổn hại tới người nghèo và người lao động, trong khi phục vụ lợi ích các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp và những người giàu, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Họ đã ném đá, bom tự chế vào cảnh sát buộc lực lượng an ninh phải huy động số lượng lớn nhân viên, sử dụng hơi cay, đạn cao su và vòi rồng để giải tán người biểu tình. Nhiều xe ô tô bị đốt phá. Cảnh sát cũng đã bắt giữ gần 20 người biểu tình.
Tổng thống Argentina kêu gọi đoàn kết thúc đẩy cải cách
Tổng thống Argentina, Javier Milei, ngày 25/5 cam kết sẽ cắt giảm đáng kể nhiều loại thuế trong nền kinh tế, để đổi lấy việc Thượng viện phê chuẩn Luật Cơ bản, trong nỗ lực thúc đẩy cải cách sâu rộng nền kinh tế quốc gia Nam Mỹ.
Tổng thống đắc cử Argentina Javier Milei phát biểu tại Buenos Aires, ngày 19/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, phát biểu tại lễ kỷ niệm 214 năm ngày Cách mạng tháng Năm của Argentina, Tổng thống cực hữu Milei kêu gọi thống đốc 23 tỉnh ủng hộ và đồng hành cùng chính phủ trong bối cảnh đất nước gặp khó khăn.
Lời kêu gọi của Tổng thống Milei được đưa ra trong bối cảnh chính phủ của ông đã không ký được Hiệp ước tháng Năm với chính quyền các địa phương, như lời kêu gọi của ông Milei hồi đầu tháng Ba, cũng như Quốc hội Argentina chưa thông qua được bất cứ dự luật nào của chính phủ sau hơn 5 tháng ông Milei nhậm chức.
Hiện Thượng viện Argentina đang xem xét thông qua dự Luật Cơ bản, sau khi Hạ viện đã thông qua. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chính phủ của Tổng thống Milei vẫn gặp nhiều khó khăn và chưa nhận được sự ủng hộ của chính giới nước này, khi ông Milei chủ trương giảm thiểu sự điều tiết của nhà nước trong nền kinh tế thông qua một kế hoạch tư nhân hóa nhiều tập đoàn nhà nước.
Dự luật Cơ bản lần này quy mô cải cách nhỏ hơn nhiều so với những dự luật được Chính phủ đưa ra trước đó, đặc biệt ý định tư nhân hóa Ngân hàng Trung ương, từng bị dự luận chỉ trích nặng nề, đã được dỡ bỏ.
So với trước đây, Chính phủ Argentina đề xuất tư nhân hóa hoàn toàn hoặc cổ phần hóa 11 tập đoàn và công ty thuộc sở hữu nhà nước, giảm đáng kể so với dự định trước đây là 40. Dự kiến hãng hàng không quốc gia Aerolíneas Argentinas, tập đoàn năng lượng quốc gia Enarsa, công ty cung cấp dịch vụ vận tải hàng không mặt đất Intercargo, cùng Đài Phát thanh và Truyền hình quốc gia sẽ là những cơ quan được phép tư nhân hóa hoàn toàn.
Cùng ngày, nhiều tổ chức nghiệp đoàn và xã hội Argentina cũng tiến hành biểu tình phản đối các chính sách kinh tế hà khắc của Chính phủ, khiến đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn và chỉ phục vụ lợi ích doanh nghiệp và người giàu trong xã hội. Cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay để giải tán người biểu tình khi những người này tiến về nơi tổ chức lễ kỷ niệm với sự hiện diện của đông đảo thành viên Chính phủ và khách mời.
Hiện Argentina đang đối mặt với nguy cơ suy thoái sâu, trong bối cảnh Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I/2024 đã sụt giảm 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Viện Thống kê và điều tra Argentina (INDEC), 9 trong tổng số 16 lĩnh vực kinh tế của Argentina trong quý I năm nay có kết quả tiêu cực so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xây dựng là ngành có mức suy thoái đáng kể nhất với mức -29,9%, công nghiệp (-19,6%), thương mại (-16,7%), và hoạt động tài chính (-15,5%). Trong khi đó, tình trạng lạm phát vẫn ở mức rất cao, tăng tới 287,9% trong tháng 3/2024 so với cùng kỳ năm ngoái. Sức mua trong nền kinh tế cũng sụt giảm mạnh. Các tổ chức tài chính dự báo nền kinh tế Argentina sẽ suy giảm 3,5% trong năm nay.
Nhà báo Thụy Sĩ ấn tượng với vị thế nổi bật của Việt Nam trong khu vực "Việt Nam chưa bao giờ được chú ý tới như vậy. Trong nhiều năm qua, các phái đoàn nước ngoài từ khắp các châu lục đã tới đất nước Việt Nam để thiết lập các hiệp định kinh tế và thỏa thuận đối tác. Một loạt cải cách kinh tế được khởi xướng từ năm 1986, cùng với xu hướng toàn cầu hóa,...