Thưởng thức canh bún phố cổ ngon ngậy giá rẻ
Thời tiết đã ấm lên nhiều, nếu thấy nhàm chán hoặc sợ cảm giác vã mồ hồi với tô bún nóng hôi hổi, một bát bún canh thơm mát sẽ làm bạn hài lòng, ngon miệng hơn rất nhiều.
Hà Nội giống như thiên đường của các món bún – phở nhưng canh bún có lẽ chỉ quanh quẩn phố cổ mới bán, mà cũng phải “thổ dân” hay “ma xó quà vặt” thì mới biết đến những địa chỉ này. Trong số đó không thể không nhắc tới canh bún cua phố Thanh Hà.
Phố Thanh Hà bé như một con ngõ nằm kề Ô Quan Chưởng. Tiệm canh bún cua ở ngay đầu phố, rất dễ tìm. Gọi là “tiệm” hay “quán” xem ra hơi sang trọng, vì tiệm vỏn vẹn mỗi cái bàn dài để toàn bộ đồ ăn, thức uống, bát đĩa và cũng là nơi khách ngồi. Nếu cứ khoảng chục người đến cùng lúc là quán rơi vào tình trạng “cháy chỗ”. Bởi vậy, quán không bao giờ quá đông, khách cứ tới đều đều, rải rác từ khoảng 14h – 18h. Ai tới thấy hết thấy hết chỗ thì chịu khó đứng chờ chốc lát. Quán chủ yếu phục vụ khách quen và đó hầu hết là những người đã ghiền món canh bún.
Nói “ghiền” quả không ngoa, bởi một bát canh bún cua giá chỉ 15.000 đồng/bát vậy mà thơm ngậy, vui miệng thậm chí còn làm bạn rất no nê, “thỏa mãn” vào những buổi chiều đói lòng. Canh bún cua không có gì cầu kì so với bún riêu nhưng cách thưởng thức cũng như chế biến có cải biên đôi chút. Vẫn là loại bún thông thường song được ngâm thật kĩ trong nước sôi để sợi nở to hết cỡ, ấm nóng, trơn mềm. Vẫn là canh cua nhưng chế biến sao để mang vị ngọt đậm đà hơn. Nước canh cũng không chan đầy, chỉ chưa tới lưng bát, đủ để khách có thể trộn đều đồ ăn.
Video đang HOT
Một điểm khác biệt cơ bản là canh bún ngoài riêu cua còn có hành phi tóp mỡ giòn thơm, béo ngậy. Nhờ tóp mỡ, món canh bún chẳng cần tỏa khói nghi ngút cũng vẫn dậy mùi thơm và trở nên ngon miệng hơn nhiều. Tuy nhiên, đừng vì thế mà “tham lam”, vội xin chủ quán thật nhiều tóp mỡ ăn cho đã, bởi khi “quá đà” canh bún sẽ mất vị thanh mát đặc trưng và khiến bạn nhanh ớn ngấy. Canh bún có thêm rau cải xanh hay rau muống giòn mát quả thật làm người ăn cứ “thun thút” không biết chán.
Canh bún có nhiều hành phi tóp mỡ thơm ngậy giòn.
Thông thường, một bát canh bún như vậy là vừa đủ ấm bụng cho bạn buổi chiều, nhưng ai “phàm ăn” có thể gọi tô 20.000 đồng nhiều rau, nhiều bún, nhiều tóp mỡ. Hoặc nếu vẫn thấy thiếu đạm khách còn có thể bảo chủ quán cắt thêm cho miếng chả cốm ăn cùng cũng rất “hợp rơ” chứ không hề lạc vị. Đó cũng là những “tip” nhỏ mà các khách ruột ở đây chia sẻ khi bạn lần đầu đến thưởng thức canh bún phố Thanh Hà.
Địa chỉ: Số 1 Thanh Hà, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Theo MonngonHaNoi
Canh bún rau nhút mát lòng ngày nóng
Bát canh bún nóng hổi, hấp dẫn với màu xanh mướt của rau nhút, rau muống hòa trong vị ngọt thanh, đậm đà của nước dùng rất vừa miệng.
Canh bún là món ăn vỉa hè rất phổ biến ở Sài Gòn vào mỗi buổi chiều. Thoạt nhìn qua, món canh bún của người miền Nam không khác là bao so với bún riêu của miền Bắc, nhưng thành phần nguyên liệu khác nhau, cách chế biến lại đơn giản, không cầu kỳ. Món ăn được nấu từ xương lợn, gạch cua, ăn kèm với rau muống, mắm tôm... Ngoài rau muống, một vài quán canh bún ở Sài Gòn lại cho thêm rau nhút luộc. Chính hương vị thanh mát của rau nhút đã làm cho món ăn bình dân này trở nên hấp dẫn hơn trong những ngày nắng nóng.
Canh bún là món ăn rất phổ biến ở Sài Gòn. Ảnh: Khánh Hòa.
Không có nhiều thành phần quen thuộc của canh bún như đậu phụ, tiết lợn, ốc bươu... món canh bún rau nhút chỉ đơn giản với riêu cua, chả cây, rau nhút và rau muống. Đầu tiên, cua đồng mua về rửa sạch, bóc bỏ yếm, tách thân cua khỏi mai, khêu gạch cua ra bát. Phi thơm hành băm nhỏ với dầu hạt điều xào gạch cua chín. Thân cua để ráo nước cho vào cối, thêm ít muối giã nghiêng chầy, sau đó hòa phần cua đã giã nhỏ với nước lạnh, lọc cua lấy nước, bỏ bã. Cho nước cua đã lọc lên bếp đun nêm gia vị, đun sôi khi gạch cua nổi thì vớt gạch cua ra bát.
Riêu cua, rau nhút, chả cây... là những thành phần bạn có thể gọi nếu muốn ăn thêm. Ảnh: Khánh Hòa.
Để phần nước dùng có vị ngọt thanh, đậm đà, người bán thường ninh xương lợn để lấy nước dùng. Xương lợn được rửa sạch, cho vào nồi nước sôi chần sơ qua, sau đó vớt ra, đổ bỏ phần nước vừa chần. Cho nước sạch vào nồi, bỏ xương lợn vào và bắt đầu ninh để lấy nước dùng. Rau muống, rau nhút nhặt bỏ cọng già, ngắt khúc vừa ăn và rửa sạch. Cho rau vào nồi luộc chín, sau đó vớt ra và cho ngay vào thau nước đá lạnh để giữ màu xanh và độ giòn cho rau. Sau đó vớt rau ra rổ, để ráo nước.
Rau nhút được cắt khúc luộc chín, khi ăn giòn sần sật, vừa ngon miệng vừa đem lại sự thanh mát cho thực khách. Ảnh: Khánh Hòa.
Phi thơm hành tím với thìa nhỏ màu hạt điều, cho nước hầm xương vào đun sôi. Sau đó cho tiếp phần riêu cua, bún tươi vào nấu chín, nêm gia vị cho vừa ăn. Khi ăn, múc canh bún ra bát, cho lên bề mặt một ít rau muống, rau nhút, chả cây và ít tóp mỡ. Cho vào bát ít mắm tôm, tí ớt bằm, một ít chanh trộn đều và thưởng thức.
Những sợi bún to, mềm dai, lát chả hấp ăn hơi dai dai giòn giòn, bên cạnh đó là riêu cua, rau muống, rau nhút luộc, cùng với mùi thơm của hành phi, tóp mỡ giòn rụm... Tất cả hòa quyện vào nhau thấm đẫm trong nước dùng có vị ngọt thanh, đậm đà, đem đến cho thực khách một món ăn bình dân nhưng rất ngon miệng.
Khánh Hòa(Monngonsaigon)
5 quán bún ốc tuyệt ngon Với người Hà Nội, thưởng thức món bún riêu, bún ốc còn như một nét văn hóa đặc sắc. Quán ốc bà Béo - Hòe Nhai Từ lâu nay, quán ốc bà Béo nằm ngay đầu phố Hòe Nhai đã trở thành điểm đến đầy tin tưởng của các thực khách sành ăn đất Kinh kỳ. Xuất hiện sớm nhất và nổi tiếng...