Thưởng tết giáo viên, niềm riêng khó nói…
Những ngày cuối năm, dõi theo thông tin thưởng tết trên báo đài, nhà giáo chúng tôi không khỏi ước ao và trĩu nặng tâm tư.
Đại biểu tham dự hội thảo ngày 27-12. Một câu hỏi được đặt ra tại hội thảo: Một cử nhân mới ra trường có lương gần 2,8 triệu đồng/tháng, làm sao ngành giáo dục thu hút được người tài? – Ảnh: M.G.
Nơi thưởng tết nhiều lên đến con số hàng chục, hàng trăm triệu đồng, nơi ít cũng ngót nghét một, hai tháng lương. Nhìn sang tỉnh bạn, đồng nghiệp chúng tôi cũng hân hoan với nhiều mức thưởng đáng mơ ước.
Riêng phần mình, chúng tôi đành ngậm ngùi bằng lòng với vài trăm nghìn đồng. Một người bạn của tôi ngồi nhẩm tính số tiền thưởng tết từ sự hỗ trợ của nhà trường, công đoàn cộng lại tất thảy cũng được… nửa triệu.
Chúng tôi tự an ủi nhau “có còn hơn không”, tự động viên nhau “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” và tự bằng lòng với chính mình bởi còn biết bao nhiêu nhà giáo công tác ở những vùng sâu, vùng xa cuối năm thưởng tết là “con số 0″ tròn trĩnh.
Nhà giáo suốt một đời sống thanh đạm với mức lương khiêm tốn, dè sẻn lắm mới đủ chi tiêu tiền ăn, tiền học, tiền ơn nghĩa… Nhà giáo vẫn luôn “lụy” ngân hàng mỗi dịp ốm đau, sửa nhà, mua xe rồi thắt lưng buột bụng chi trả dần hằng tháng.
Video đang HOT
Bốn, năm trăm nghìn giữa lúc vật giá leo thang này sắm sửa thế nào cho đủ đầy, vuông tròn? Tết nhất cũng phải bày biện nhà cửa, lo mâm cúng gia tiên, sắm cho con cái manh áo mới… Bao cái lo đều chờ đợi dịp cuối năm để có thể nhận thêm được ít nhiều sự hỗ trợ, chăm lo từ các đoàn thể. Vậy nhưng cảnh thiếu trước hụt sau năm nào cũng diễn ra, lặp lại, kéo dài.
Lời tôn vinh nhà giáo vẫn vang lên sang sảng, lời hứa chăm lo đời sống giáo viên vẫn được hẹn nhiều. Nhưng cuộc sống của nhà giáo hiện nay vẫn còn nhiều thiếu thốn, nhọc nhằn, vất vả, lo toan.
Đã khoác chiếc áo thanh cao của nghiệp “trồng người”, người thầy đôi lúc bị mặc định không được ta thán về lương thưởng, nói cách khác người thầy không được bàn về chữ “tiền”. Nhưng “Có thực mới vực được đạo”, sẽ là niềm động lực lớn để người thầy tiếp tục cống hiến khi có thêm khoản thu nhập chu toàn cuộc sống dịp cuối năm!
Năm hết tết đến, bên cạnh niềm vui chung khi đất trời vào xuân, chúng tôi còn có nỗi niềm riêng: mong mỏi đời sống người giáo viên trong tương lai được chăm lo tốt hơn, đủ đầy hơn…
Lương giáo viên 2,8 triệu đồng/tháng sao thu hút người tài?
Ngày 27-12, khoa Hàn Quốc học, khoa quan hệ quốc tế và Trung tâm Hàn Quốc học thuộc Trường ĐH khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức hội thảo Hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc 2009-2019. Chia sẻ tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng Hàn Quốc có sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, khoa học, công nghệ thời gian qua có phần đóng góp không nhỏ từ chính sách đầu tư giáo dục của nước này.
Ông Lê Tùng Lâm, Trường ĐH Sài Gòn, đề xuất Việt Nam có thể học tập theo mô hình của Hàn Quốc để phát triển giáo dục. Ngoài các vấn đề triết lý, đổi mới tư duy quản lý, ông Lâm cho rằng hai vấn đề quan trọng khác cũng cần thay đổi là việc cử học sinh du học, chính sách trọng dụng nhân tài và đào tạo đủ năng lực vận dụng và tay nghề.
Theo ông Lâm, chính sách thu hút nhân tài phải được chú trọng hơn. Không ít du học sinh với bằng tiến sĩ, thạc sĩ trở về nhưng không có vị trí làm việc với mức lương tương xứng. Ông Lâm đặt vấn đề: một tiến sĩ ở Pháp về công tác tại trường ĐH với mức lương khoảng 4 triệu đồng/tháng, họ sống bằng gì? Một cử nhân mới ra trường có lương gần 2,8 triệu đồng/tháng, làm sao ngành giáo dục thu hút được người tài? ( M.G.)
Theo tuoitre
4 cách dùng tiền thưởng Tết
Không nên dùng hết tiền thưởng Tết cho việc mua sắm và chơi Tết mà hãy xem đó là khoản dôi ra để có thể tiết kiệm, trả nợ hay một khoản dự phòng.
Cuối năm là dịp nhiều người sẽ được nhận tiền thưởng Tết. Một phần sẽ được dành để mua sắm và chơi Tết nhưng bạn cũng đừng nên vội tiêu hết số tiền này quá sớm. Sau đây là một số cách thông minh để dùng tiền thưởng Tết.
Để dành phòng lúc khẩn cấp
Bạn có thể khoan dùng khoản tiền thưởng mà hãy để dành cho những lúc cần kíp sau này. Các chuyên gia về tài chính cá nhân khuyên mỗi người nên để dành từ 3 đến 6 tháng lương để phòng trường hợp bất ngờ như bệnh tật hay nghỉ việc.
Trả các khoản nợ
Nếu bạn có các khoản nợ như nợ trả góp hay nợ thẻ tín dụng, hãy trích phần lớn số tiền thưởng Tết để trả, đặc biệt ưu tiên các khoản nợ có lãi suất cao.
Bắt đầu kế hoạch tiết kiệm dài hạn
Bạn có thể tự đề ra một mục tiêu tiết kiệm mới như tiết kiệm để mua xe, mua nhà hay tiết kiệm tiền học cho con. Sau đó, hãy dành một phần tiền thưởng Tết để làm tiền đề cho kế hoạch tiết kiệm này. Nếu bạn có thể tiếp tục kiên trì, bạn sẽ được thành quả mong muốn sau vài tháng hoặc vài năm.
Làm từ thiện
Sau cùng, bạn có thể dành một phần của tiền thưởng Tết để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn hoặc để ủng hộ một tổ chức phi chính phủ bạn tin tưởng. Đây là cách rất tốt để vừa giúp mang lại cái Tết ấm áp hơn cho người khác, vừa giúp Tết của chính bạn thêm đáng nhớ và ý nghĩa.
Theo vnexpress
Thưởng Tết giáo viên - cái tài và cái tâm của hiệu trưởng Thưởng Tết nhiều thì khó chứ thưởng từ 1-2 triệu đồng/người chỉ cần hiệu trưởng muốn thì không có gì là khó cả. Giáo viên không có lương tháng 13 như nhiều ngành nghề khác, đồng nghĩa với việc giáo viên sẽ không có tiền thưởng Tết. Thưởng Tết của giáo viên thể hiện cái tài, cái tâm của hiệu trưởng (Ảnh minh...