Thương như ruột thịt
Ba gọi điện hỏi tình hình sao, lát ba lên ga đón mẹ và mấy chú bác. Ba hỏi Kim ở nhà chồng đã quen chưa, Kim cười, quen lắm rồi, con đang tính có khi khỏi cưới nữa cho đỡ tốn. Ba nạt nói linh tinh!
Đám cưới Kim tổ chức ở nhà gái trước, sau đó Kim mới theo về nhà trai như ý ba sắp xếp. Ba đã chịu nhún nhường thông cảm khi hai gia đình cách nhau cả nghìn cây số không tổ chức rước dâu. Nhưng đâu có lý con gái cứ vậy kéo vali về nhà người ta, tủi thân chết. Đời con gái chỉ có một lần, lúc ba nói câu này suýt nữa Kim phì cười, giờ cưới nay bỏ mai, tám lần cũng có, đâu phải một lần.
Là Kim buột miệng vậy chứ không có ý giễu cợt ba nhưng cũng bị ba lườm. Kim bám vai ông, tự dưng nghẹn ngào: “Cảm ơn ba”.
Ảnh minh họa
Tưởng cười vậy là thôi, ai dè lúc kéo vali đi Kim thấy bịn rịn thật sự, ba mẹ tiễn hai đứa ra ga, ba bứt rứt “hay tui đi luôn cùng tụi nó. Để con nhỏ một mình không yên tâm”.
Mẹ níu lại: “Nó có chồng bên cạnh đâu ra một mình. Nói con rể buồn”.
Ba chưng hửng rồi ờ, mặt buồn xo. Kim cũng ngùi ngùi, bạn bè cưới có cả đoàn xe tới rước, Kim về nhà chồng có một mình. Bên nhà trai tuần sau mới đãi tiệc nên ba với mấy chú bác ra sau. Nhìn Văn hiền lành ngồi cạnh, hai tay vây lấy bàn tay Kim, Kim không biết mình đã suy nghĩ chín chắn chưa. Mai này có chuyện gì, Văn có đủ sức bao bọc và yêu thương Kim như ba yêu thương mẹ không.
Kim ra tới quê chồng (ừ kêu chồng được rồi vì giấy kết hôn làm rồi, đám cưới nhà gái cũng xong rồi) hôm trước thì hôm sau ba cũng ra tới nơi. Ba thuê khách sạn cách nhà chồng Kim sáu cây, lúc điện cho Kim, ba cứ dò hỏi thái độ của ba má chồng thế nào, cô em chồng với cô chị chồng có khó chịu không, ăn uống có hợp khẩu vị không, mẹ nhắc thuốc bổ nhớ uống đều. Ba dặn Kim phải nhún nhường một chút, còn nói nhún nhường không có nghĩa là chịu nhịn nhục. Là thời gian đầu chưa quen nhau thôi nên cứ xí xóa bỏ qua đi, mai kia quen liền, rồi Kim sẽ là dâu trưởng nắm quyền sinh quyền sát trong tay, đố ai dám làm gì.
Ảnh minh họa
Kim bật cười, ba thật trẻ con và hăng hái quá mức. Những ngày này nhà chồng Kim lúc nào cũng đông người. Thanh niên tới làm rạp chuyển bàn ghế, các bà các mẹ bàn tính nấu món gì, mua ở đâu. Ba nói để ba chở Kim đi thuê váy cưới cho, ra ngoài này Văn cũng bận tối mắt vì phải đi gửi giấy mời, còn chào hỏi bà con.
Video đang HOT
Từ nhà chồng Kim lên huyện chừng tám cây, buổi sáng Văn chở Kim ra chỗ đường lớn đón ba rồi giao cả xe cả Kim cho ba, Văn sẽ ghé nhà ai đó mượn xe đi việc khác. Ba nói hai đứa đừng cho ông bà thông gia biết ba về, nhà đang đăng đê việc, còn tiếp đón ba nữa thì làm gì có thời gian lo chuyện hai đứa. Mai này còn đầy thời gian để thăm hỏi chuyện trò.
Tiệm áo cưới khá to, nghe bảo to nhất huyện trang trí lộng lẫy nhưng cũng không xóa được hết vẻ quê mùa khi dùng những dây leo giả xanh ngăn ngắt trang trí. Những hàng áo cưới trắng muốt khiến người ta mơ mộng. Phía sau có những tủ áo có vẻ cũ hơn, được để trong những túi nylon tránh bụi, tự dưng Kim thấy bất mãn khi nghĩ cô dâu nào đó phải vượt qua những dãy áo đính kim tuyến hột cườm lộng lẫy để xuống phía sau thuê cái áo cũ vừa túi tiền mình. Có khác nào hành người ta, nói như ba, đời con gái chỉ một lần.
Ảnh minh họa
Kim chọn hai cái váy kiểu kín đáo, ba ưng lắm, nói con dâu mới mà biết điều ghê, bà con nhà chồng làm nông mà điệu đàng diêm dúa quá không hay. Ba còn nói thêm tiền để thợ trang điểm xuống tận nơi. Kim ngẩn người.
“Sao phải xuống tận nơi hả ba? Ba sợ con dậy không nổi ha?”
“Ngày đó mệt lắm, con ngủ thêm chút nào khỏe chút nấy, dậy sớm chạy lên đây rồi chạy về khác nào hành tội. Với lại thợ xuống nhà còn trang điểm cho mấy cô mấy bác ở nhà”.
Kim quay nhìn ba, tự dưng muốn khóc.
“Hay bữa đó con lên khách sạn với ba mẹ, rồi rước dâu cho ba nhìn”.
“Thôi, lại tốn kém cho các con, tiền đó để dành dụm sau này. Quan trọng là hai đứa ăn ở với nhau sao chứ ba nhìn thì nhằm nhò gì”.
Rồi ba cười:
“Ai bảo bây chọn chồng ở xa, hồi đó ưng mấy đứa ngay xóm mình thì rước dâu đi năm vòng cũng được. Thằng Minh đó nhớ hông, nó giờ là bác sỹ rồi nha, ba mẹ không dám bệnh luôn, sợ gặp nó cứ ngại vì con gái mình chê người ta”.
Ảnh minh họa
Mọi việc đã đâu vào đấy, tối ba gọi điện hỏi tình hình sao, lát ba lên ga đón mẹ và mấy chú bác. Ba hỏi Kim ở nhà chồng đã quen chưa, Kim cười, quen lắm rồi, con đang tính có khi khỏi cưới nữa cho đỡ tốn. Ba nạt nói linh tinh, ở nhà chồng mà cứ xuề xòa giỡn nhây là không được đâu.
Kim gật: “Con nhớ rồi, nhưng ba cũng đừng nói gì mà cả đời có một lần kẻo mẹ nghe, ba quên ba là lần thứ mấy của mẹ rồi sao?”
Nghe tiếng ớ sượng sùng bên kia, Kim bật cười, Văn ngồi cạnh cũng cười theo. “Ba thương em thật đấy, nếu không nói, không ai biết ba là ba sau của em!”. Kim gật, nhớ hồi đó còn nhỏ, Kim làm thượng làm hạ hành ba đủ trò, thế mà sau này lại thương, thương như ruột thịt.
Thanh Nga
Theo phunuonline.com.vn
Gia đình mới là điều con cần nhất
Tại sao còn thơ dại, mẹ đã quá già, vậy mà đành nỡ giao chân trời tương lai của con cho ông bà nội ngoại?
Liệu họ có còn đủ sức, đủ trí để dạy con trong thời đại mà người ta nói là công nghệ lên ngôi. Hai thế hệ sống giữa hai thời đại khác nhau nên làm sao mẹ già có thể dạy dỗ nổi đứa cháu nhỏ. Thiết nghĩ, hãy để cha mẹ mình có một tuổi già an vui.
***
Mấy ngày hôm nay bên nhà hàng xóm thấy người ta ra vào rất đông. Cũng tò mò, không biết có chuyện gì? À hỏi ra cũng biết chút chút là mọi người chúc mừng mẹ của bé D chuẩn bị được qua Tây với chồng. Số nó đúng là đỏ, con người ta đi học tiếng lâu rồi mà chưa qua được,nó mới chạy giấy tờ có mấy tháng mà chuẩn bị lên máy bay rồi kìa - lời ra tiếng vào của mấy bà hàng xóm.
Ngậm ngùi! Tôi quay gót chân về nhà, suy ngẫm!
Ngày mẹ của bé D chuẩn bị ra Hà Nội để làm giấy tờ thủ tục bay, tối hôm đấy có rất đông bạn bè, anh em, hàng xóm đến tại ngôi nhà ba tầng cao sừng sững bên trong với đầy đủ tiện nghi để chia vui với gia đình. Sau nữa là chúc mừng mẹ T. Một bữa tiệc thật to để đãi bà con hàng xóm,có cả ông bà thông gia, và rất đông đồng nghiệp của cô giáo trẻ.
Nhưng bỗng chợt nhận ra có một cái gì đó u buồn trên khuôn mặt của người mẹ già trên tám mươi tuổi. Bà nội bé D đang ngồi né ở một góc hành lang cuối sân, một khuôn mặt với vầng trán nhăn nheo, hai gò má đã hốc hác tiều tụy, nước mắt lưng tròng trên khóe mi của bà cụ. Còn bé D thì cứ lẽo đẽo đi theo sau mẹ T như có gì đó báo hiệu một cuộc chia xa không biết khi nào mới gặp lại. Cô bé D mới gần bốn tuổi mà ăn nói khôn ra phết, nó quý bà nội lắm nên cứ chạy đến đưa bàn tay nhỏ bé của nó lau nước mắt cho bà.
Một bữa tiệc lẫn lộn cảm xúc, vui có, mừng có, và cũng không thiếu những giọt nước mắt vừa lưng tròng vừa lăn dài trên má.
Bữa tiệc sắp tàn cũng là lúc mẹ T chuẩn bị xách vali lên xe. Mẹ T khóc òa, ôm con, chào tạm biệt mọi người.Cô bé D loay hoay nắm vào vạt áo mẹ. Bất chợt nó òa khóc lên,ai dỗ cũng không được. Bà nội đến rồi ôm cô bé vào lòng, van với mẹ T rằng: "Tau xin mi đừng bỏ con bé D mà đi, nó còn nhỏ lắm, tiền không thiền thì thôi, tau cũng già rồi làm sao nuôi dạy nó nổi, rồi mai đây tau cũng chết, vợ chồng bây tính răng."
Không gian như tĩnh lặng lại, một cảm xúc nào đó vừa chao chát vừa ngao ngán, có thể nghe rõ những tiếng nấc nghẹn dù nhỏ nhất. Ở ngoài kia có tiếng to nhỏ thì thầm với nhau của một số người đồng cảm: "Bà cụ khóc mấy ngày rồi, nhìn mà xót xa quá!"
Nhưng rồi, mẹ T cũng cất bước lên xe bỏ lại đằng sau đứa con thơ cùng với người mẹ già, với một lí do khá đơn giản là: "Con qua với chồng đi làm ăn chứ có đi đâu mô mà mẹ sợ."
Tại sao mẹ của bé D từng học đại học ra và với tấm bằng giỏi mẹ đã có công việc ổn định. Nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi nên được phụ huynh tín nhiệm dạy kèm rất nhiều, kiếm thêm được thu nhập sau những giờ dạy chính trên trường.
Tại sao nhà cao của rộng, với đầy đủ tiện nghi vật chất.Vẫn đi.Không biết còn thiếu gì nữa mà chưa thỏa mãn được? Vậy ra, người ta làm nhà to để phô bày với thiên hạ, còn ở hay không lại là một chuyện khác.
Tại sao còn thơ dại, mẹ đã quá già, vậy mà đành nỡ giao chân trời tương lai của con cho ông bà nội ngoại? Liệu họ có còn đủ sức, đủ trí để dạy con trong thời đại mà người ta nói là công nghệ lên ngôi. Hai thế hệ sống giữa hai thời đại khác nhau nên làm sao mẹ già có thể dạy dỗ nổi đứa cháu nhỏ. Thiết nghĩ, hãy để cha mẹ mình có một tuổi già an vui.
Bố đi Tây từ khi mẹ T mới mang thai bé D, đến bây giờ bé T vẫn chưa biết ngoài đời trông bố như thế nào, có thì cũng chỉ qua hình ảnh điện thoại. Vậy mà giờ mẹ T cũng đi thì cô bé D biết làm sao đây.
Dẫu biết rằng kiếm tiền là rất quan trọng, chúng ta rất cần nó trong cuộc sống. Nhưng suy cho cùng thì tiền cũng chỉ là một công cụ để chúng ta mưu cầu hạnh phúc. Có tiền nhiều rồi để làm gì? Cứ mải kiếm tiền làm gì trong khi đó một thế hệ con cái không được dạy dỗ, sống không có mục đích, không có định hướng rồi dần dần sa vào các tệ nạn xã hội. Liệu "tiền" có chữa được những căn bệnh "trầm kha" này không?
Còn bé D vẫn cười - nụ cười của bé thơ ngây! Bé thường hỏi bà nội: "Con nhớ mẹ T lắm khi nào mẹ T về bà nhỉ?"
Bà nội em chỉ biết cười trong nỗi buồn.
Em vẫn cười, nhưng niềm vui của em có được trọn vẹn.
Nguyễn Thị Tiệp
Theo blogradio.vn
Gặp người yêu cũ đi cùng người yêu mới, chàng trai "mặt dày" tiến tới và nhận được câu nói bất ngờ của cô gái Đăng cảm thấy máu nóng dồn lên mặt, mới chia tay 6 tháng mà cô ấy đã có người chăm sóc rồi... Đăng và My yêu nhau được 3 năm thì cãi nhau mất 700 ngày. Cô tính trẻ con, suốt ngày ghen bóng ghen gió và hờn dỗi. Mỗi khi cãi nhau cô đều tắt điện thoại, khóc lóc và đóng cửa....