Thương mại điện tử sẽ phát triển mạnh nhất trong năm nay
Ông Nguyễn Hồng Trường, Phó Chủ tịch Quỹ đầu tư IDG Ventures Vietnam cho rằng, năm 2013 hoạt động đầu tư về CNTT tại Việt Nam sẽ tập trung vào các mảng thương mại điện tử, ứng dụng di động, dịch vụ trực tuyến, nội dung số, và gia công – phát triển phần mềm.
Trao đổi với ICTnews, ông Nguyễn HồngTrường cho rằng. CNTT Việt Nam năm 2013 sẽ phát triển theo bốn xu hướng chính: Đi đầu là sự phát triển mạnh hơn của lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), cả ở xu hướng nền tảng giao dịch – platform (các sàn giao dịch TMĐT lớn về bán lẻ trực tuyến theo mô hình B2C, các nền tảng thanh toán điện tử và nền tảng giao vận) lẫn xu hướng TMĐT theo chiều dọc – verticals (các mô hình TMĐT điện tử chuyên biệt cho một số lĩnh vực mặt hàng ví dụ như thời trang, mỹ phẩm, thiết bị công nghệ hay lĩnh vực mua sắm cộng đồng – social shopping). Đây là thời kỳ xây dựng nền tảng toàn diện cho TMĐT Việt Nam, chuẩn bị cho thời kỳ bùng nổ sau khoảng hai năm nữa.
Tiếp đó là sự phát triển phong phú của các ứng dụng di động cả về lĩnh vực nội dung, lĩnh vực quảng cáo và lĩnh vực thanh toán trên nền tảng di động. Đây là lĩnh vực có khả năng đột phá về dài hạn nhưng đặc điểm của năm 2013 sẽ vẫn là sự giới thiệu liên tục của các sản phẩm mới trong lĩnh vực này để thu hút các phân khúc khách hàng khác nhau. Thị trường đòi hỏi một thời gian khoảng hai năm nữa để xác định những mô hình phù hợp nhất cho thị trường Việt Nam, cũng như cần một thời gian để chuyển đổi thói quen sử dụng từ môi trường web sang môi trường mobile.
Lĩnh vực dịch vụ trực tuyến và nội dung số cũng sẽ tiếp tục phát triển, với đặc điểm tích hợp các nền tảng truyền thông xã hội và tích hợp với nền tảng mobile. Thói quen tiêu dùng thông tin và các sản phẩm nội dung số sẽ được chuyển dịch sang các mô hình tạo thuận lợi cho việc chia sẻ với các mạng xã hội và tạo ra những sản phẩm phù hợp với các nền tảng điện thoại thông minh.
Phần mềm sẽ có sự phân hóa rõ rệt theo hai hướng chủ đạo, một là gia công phần mềm và hai là phát triển các phần mềm phục vụ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên môi trường web và tích hợp với các giải pháp toàn diện về hosting, lưu trữ và cộng tác trên nền tảng cloud.
“Đầu tư về CNTT trong năm 2013 sẽ bám sát theo 4 xu hướng đó với hai hình thức chính: Một là sự đầu tư chiều sâu của các công ty dẫn đầu trong các lĩnh vực TMĐT, ứng dụng di động, công nghệ nội dung số và phần mềm, qua đó tạo ra sự phân hóa thị phần rõ rệt của nhóm dẫn đầu. Hai là sự gia nhập thị trường của các doanh nghiệp mới, đặc biệt là trong lĩnh vực ứng dụng di động, TMĐT và nội dung số theo chiều dọc”, ông Trường nói.
Cũng theo ông Trường, các nhà đầu tư tài chính sẽ lựa chọn việc đầu tư trên cả hai hình thức: đi cùng các doanh nghiệp dẫn đầu thị trường để đầu tư chiều sâu, hoặc đầu tư mới cho các doanh nghiệp tiềm năng để khai phá các mảng thị trường mới trong bốn lĩnh vực nêu trên.
Video đang HOT
Một số nhà đầu tư lớn khác cũng có cùng ý kiến với ông Trường. Ông David Đỗ Dũng, Giám đốc điều hành Quỹ VIG (Vietnam Investments Group) cũng nhận định rằng dịch vụ thương mại điện tử, dịch vụ giá trị gia tăng trong viễn thông, nội dung số là những lĩnh vực tiềm năng thu hút sự quan tâm của các quỹ đầu tư.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có chuyên gia, nhà đầu tư nào công bố dự báo về việc trong năm nay liệu có khả năng xuất hiện một làn sóng đầu tư từ các quỹ đầu tư vào lĩnh vực CNTT Việt Nam giống như hồi 5 – 6 năm về trước hay không (thời điểm 5 – 6 năm trước, thị trường CNTT Việt Nam từng đón làn sóng đầu tư với sự tham gia của một loạt quỹ như IDG Ventures, quỹ đầu tư mạo hiểm MeKong, Dragon Capital, VinaCapital). Liệu rằng sau một giai đoạn khá trầm lắng, hoạt động đầu tư từ các quỹ vào vào thị trường CNTT Việt Nam sẽ có “bước nhảy” mới?
Theo Genk
Yahoo: Đường dài còn lắm gian nan
Marissa Mayer đã có thể ăn nói với cổ đông của Yahoo! khi trong quý đầu tiên bà chính thức làm toàn thời gian ở vị trí CEO, Yahoo! đã tăng trưởng doanh thu dương lần đầu tiên trong 4 năm qua.
CEO Merissa Mayer còn rất nhiều việc phải làm để vực dậy Yahoo.
Doanh thu thuần quý IV/2012 của Hãng đã đạt 1,22 tỉ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2011, chủ yếu nhờ tăng trưởng của bộ phận tìm kiếm. Lợi nhuận mỗi cổ phiếu (EPS) là 32 cent, cao hơn mức dự báo 28 cent. Cổ phiếu của Yahoo! đã tăng hơn 4% trong phiên giao dịch ngày 28.1 sau thông tin trên.
Nỗ lực ban đầu
Mayer đã đi những bước táo bạo, nhờ đó đã khôi phục được phần nào niềm tin của nhà đầu tư vào một công ty đã sa sút quá lâu. Sau khi cầm cương tại Yahoo!, bà tuyên bố sẽ chuyển 3 tỉ USD tiền mặt cho cổ đông, chủ yếu lấy từ tiền thu được sau khi bán phân nửa cổ phần của Yahoo! tại Alibaba Group Holdings, một công ty thương mại điện tử Trung Quốc. Điều này đã làm cho các cổ đông vui lòng.
Bà cũng đã thay máu dàn quản lý bằng cách tuyển dụng và cất nhắc những người có khả năng đưa ra và triển khai các cải cách sắp tới tại Yahoo!. Trong số những người mới đó, có Max Levchin đã gia nhập Hội đồng Quản trị Yahoo! hồi tháng 12. Levchin là người đồng sáng lập PayPal. Hay như vị Giám đốc Hoạt động (COO) mới Henrique de Castro, nguyên là một nhà điều hành tại Google.
Bà cũng mời một chuyên gia trong lĩnh vực tuyển dụng là Sandy Gould đến từ Disney/ABC Television Group về làm việc để dẫn dắt bộ phận phát triển và thu nạp tài năng toàn cầu. Adam Cahan, người bà ca ngợi là có tinh thần đi tiên phong, đã được bà cất nhắc lên vị trí giám sát các sản phẩm di động. "Quý IV là quý thiết lập và gia tăng nội lực cho nhân sự tại Yahoo!", bà cho biết.
Yahoo! vốn nổi tiếng nặng tính quan liêu. Vì thế, ngay khi gia nhập Yahoo!, Mayer đã đưa ra một hệ thống mới gọi là PB&J cho phép nhân viên báo cáo những rào cản quan liêu. Tổng cộng, Mayer cho biết có tới 385 thói nhiêu khê, phiền hà được nhân viên tổng kết lại trong quý IV/2012.
Đòi kết quả rõ ràng từ những cải cách của Mayer thì còn quá sớm vì bà gia nhập Yahoo! chưa lâu. Nhưng một điều có thể thấy rõ là giá cổ phiếu của Công ty đã gia tăng đáng kể. Trong vòng 6 tháng kể từ khi Mayer gia nhập Yahoo!, cổ phiếu của Hãng đã tăng tới 30%.
Giá cổ phiếu tăng cao chủ yếu nhờ tiếng tăm của Mayer trong giới công nghệ. Do đó, nhà đầu tư tin rằng Yahoo! rồi sẽ được vực dậy dưới tài lãnh đạo của bà. Trong suốt 13 năm làm việc tại Google, Mayer đã góp phần đáng kể vào việc đưa Google trở thành công ty internet sinh lợi nhất.
Con đường dài phía trước
Mayer vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là từ các nhà marketing. Đầu tháng 1, Mayer đã gặp các đơn vị quảng cáo lớn tại Mỹ để nói chuyện về những ưu tiên trong việc cải thiện Yahoo!. Nhưng theo tiết lộ của các nhà điều hành tại các công ty quảng cáo này, không có gì đáng chú ý trong các cuộc nói chuyện và họ vẫn hứng thú hơn khi hợp tác với Google và Facebook.
Thị phần trong lĩnh vực quảng cáo của Yahoo sụt giảm theo từng năm,
Điều đó là dễ hiểu khi các trang web quan trọng nhất của Yahoo! đang ngày càng kém hấp dẫn đối với các nhà quảng cáo. Trong tháng 12, các trang tìm kiếm web, thể thao, tài chính và email của Yahoo! tất cả đều đã có lượt truy cập ít hơn tới 12-25% so với cùng kỳ năm 2011, theo nghiên cứu của comScore.
Kết quả của việc này là thị phần của Yahoo! trên thị trường quảng cáo trực tuyến Mỹ liên tục lao dốc. Theo hãng nghiên cứu thị trường eMarketer, Yahoo! chỉ còn chiếm 8,4% tổng doanh thu của ngành quảng cáo trực tuyến Mỹ trong năm 2012, giảm từ mức 9,6% của năm 2011 và 12,8% của năm 2010.
Trong khi đó, bộ phận quảng cáo hiển thị đang tăng trưởng chỉ 2% giữa lúc toàn ngành tăng tới 20%. Tuy nhiên, vẫn có một số điểm sáng. Doanh thu mảng tìm kiếm trên web của Yahoo!, được công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft hỗ trợ, đã tăng 14% so với cách đây 1 năm (không tính các khoản trả hoa hồng). Doanh thu từ quảng cáo tìm kiếm cũng tăng trong những quý gần đây, nhờ các khoản thanh toán từ Microsoft và số lần nhấp chuột vào các mẫu quảng cáo tìm kiếm tăng lên. Nhưng những mảng này chưa đủ sức để vực dậy Yahoo!.
Hiện tại, Mayer tập trung vào di động và các dịch vụ mạng xã hội. Bà cho biết sẽ đẩy mạnh các mảng này bằng cách thực hiện "những vụ hợp tác thông minh" với các công ty khác. Chẳng hạn, Yahoo! đang cung cấp một số dữ liệu cho dịch vụ nhận dạng tiếng nói Siri của Apple trên điện thoại iPhone. Theo bà, dịch vụ này đã giúp tăng lượt người truy cập vào các website của Yahoo!.
Tuy nhiên, điều nhà đầu tư trông đợi nhất ở Mayer vẫn là liệu bà có đưa ra được một chiến lược chi tiết về việc vực dậy Yahoo! hay không. Cho đến nay, kế hoạch tái cấu trúc mà Mayer công bố vẫn còn khá mơ hồ. Bà chỉ cho biết Yahoo! sẽ tập trung hơn vào việc phát triển nội dung theo nhu cầu của người sử dụng, tung ra thêm một số sản phẩm dành cho lĩnh vực di động, tinh gọn các hệ thống công nghệ kinh doanh quảng cáo và tăng tốc quá trình cải tiến tại Công ty.
Mayer dường như đặc biệt quan tâm đến việc tạo ra một Yahoo! mới và cải tiến theo thói quen lướt web hằng ngày của những nguời sử dụng internet. "Yahoo! sẽ làm cho các thói quen hằng ngày của thế giới trở nên thú vị hơn và tạo ra cảm hứng nhiều hơn", bà nói. Đó cũng là điều bà đã nhấn mạnh tại Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức vào cuối tháng 1 tại Davos (Thụy Sĩ).
Nếu Mayer xem đó là sứ mệnh mới thì đây không phải là điều dễ thực hiện. Điều mà Mayer đang cần là sự kiên nhẫn của nhà đầu tư. Bà nói: "Con đường đi đến tăng trưởng của Yahoo! là con đường phải đi mất nhiều năm mới có thể tới đích". Ít nhất kết quả quý IV/2012 đã cho nhà đầu tư thêm chút lòng tin và nghĩa là bà sẽ có thêm thời gian để chứng tỏ khả năng lèo lái của mình.
Theo Genk
Thương mại điện tử toàn cầu vượt mốc 1.000 tỷ USD Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường eMarketer, doanh thu từ hoạt động bán lẻ qua mạng Internet trên toàn cầu đã tăng 21,1% trong năm 2012 và lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ USD. Dự kiến, lĩnh vực này sẽ tiếp tục tăng 18,3% trong năm 2013, nhờ đà tăng trưởng mạnh mẽ tại châu Á. Công ty...