Thương mại điện tử bị… vạ lây vì Muaban24
Theo các chuyên gia thương mại điện tử (TMĐT), việc trang web Muaban24 bán hàng đa cấp mạo danh TMĐT đã khiến những trang web làm ăn chân chính bị vạ lây vì khiến cho nhiều người hiểu sai về hình thức kinh doanh hiện đại này.
Muaban24 không phải là “kẻ núp bóng” duy nhất
Trao đổi với phóng viên ICTnews, ông Nguyễn Hòa Bình, Trưởng phòng Truyền thông, Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho biết, về bản chất, website Muaban24 không phải là trang web TMĐT mà chỉ là website bán hàng đa cấp “núp bóng” TMĐT. Ngoài Muaban24 thì gần đây Hiệp hội cũng phát hiện một số website tương tự như gobay.vn… “Bản thân Muaban24 cũng không có giấy phép bán hàng đa cấp nên việc mạo danh TMĐT sẽ giúp website này lách luật và không bị cơ quan chức năng để ý”, ông Bình cho biết thêm.
Ông Ngô Quý Thu, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông HDC Việt Nam, đơn vị chủ trì sàn TMĐT az24 nhận định: hình thức hoạt động của Muaban24.vn không phải là TMĐT bởi thương mại đúng nghĩa là phải bán sản phẩm, nhưng ở mô hình Muaban24, những người tham gia chỉ cốt mời gọi thêm nhiều đối tượng khác cùng góp tiền để mở rộng mạng lưới chứ không bán sản phẩm nào. “Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, ngoài Muaban24 thì còn 38 website khác cũng đang hoạt động theo mô hình này”, ông Thu nhấn mạnh.
Video đang HOT
Để tránh xảy ra tình trạng tiếp tục mọc ra những trang web bán hàng đa cấp mạo danh TMĐT khác, mới đây trong dự thảo Nghị định về TMĐT tại Điều 4 đã nêu rõ quy định 4 nhóm hành vi bị cấm trong hoạt động TMĐT. Trong đó, Bộ Công Thương đề xuất cấm đối với hành vi cung cấp dịch vụ TMĐT thông qua một mạng lưới kinh doanh, tiếp thị mà mỗi người tham gia phải đóng một khoản tiền ban đầu để mua dịch vụ và được nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc vận động người khác tham gia mạng lưới…
Theo ông Bình, sau khi Nghị định ra đời, các Sở địa phương sẽ có chế tài để xử lý những trang web theo mô hình giống của Muaban24. Khi đó, các website bán hàng đa cấp mạo danh TMĐT bắt buộc phải chuyển hướng kinh doanh hoặc đóng cửa nếu không muốn bị cơ quan chức năng xử lý”.
Trước đây, một website bán hàng đa cấp “lạm dụng” kinh doanh du lịch lữ hành cũng đã bị xử lý vì hành vi “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” (Điều 226b – Bộ luật hình sự) đó là chương trình “Kỳ nghỉ kim cương” của Công ty Diamond Holiday.
Gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển TMĐT
Ông Thu đưa ra nhận xét rằng các mô hình hoạt động trá hình TMĐT như Muaban24 đã và đang ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của các đơn vị làm ăn chân chính trong bối cảnh TMĐT Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển, đồng thời gây cản trở quá trình phát triển thanh toán phi tiền mặt ở nước ta. Một điểm đáng lưu ý là Muaban24 phát triển mạnh ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa như Đăk Lăk, Phú Thọ… đánh vào tâm lý tham tiền, muốn làm giàu nhanh của các đối tượng nông dân, sinh viên, những người không có việc làm. Hầu hết những người tham gia Muaban24 đều không hiểu gì về TMĐT cũng như bản chất của mô hình bán hàng đa cấp.
Cùng quan điểm trên, ông Bình cho rằng, vụ Muaban24 chắc chắn làm ảnh hưởng đến hình ảnh TMĐT ở Việt Nam. Hậu quả là nhiều người sẽ ngại mua bán trực tuyến vì sợ bị lừa, nhất là những người ít có điều kiện tiếp xúc với Internet như người dân vùng sâu, vùng xa, người lớn tuổi… Việc này tạo ra những khó khăn nhất định cho những website TMĐT mới ra nhập thị trường. “Thời gian tới, Hiệp hội sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông hướng dẫn người dùng mua bán qua mạng an toàn”, ông Bình nhấn mạnh.
Với vai trò Tổng giám đốc Công ty Peacesoft, đơn vị chủ quản sàn TMĐT chodientu.vn, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, bản thân chodientu.vn, mặc dù là trang web TMĐT lâu đời nhưng cũng bị ảnh hưởng ít nhiều bởi hành vi lừa đảo của Muaban24.
Còn theo ông Nguyễn Thế Tân, Phó Tổng Giám đốc Công ty VC Corp, sau sự việc của Muaban24, những người chưa tiếp xúc với TMĐT sẽ có những nghi vấn nhất định khi có ý định mua bán trên các website TMĐT. “Tuy nhiên, đối với các trang web TMĐT của VC Corp như enbac, rongbay, solo, muachung… hiện chúng tôi chưa nhận được bất kỳ sự băn khoăn nào từ phía khách hàng”, ông Tân nói.
Trong 6 tháng đầu năm 2012, công an đã phá 2 vụ án tội phạm mạng ở Công ty TNHH Diamond Holiday (DHT) và Công ty đào tạo mua bán trực tuyến Muaban24 (MB24). Cả hai công ty đều có chung một hành vi lừa đảo: Dụ dỗ, lôi kéo người tham gia để hưởng hoa hồng. Chiều 31/7, khi cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với GĐ và 2 PGĐ Chi nhánh Công ty cổ phần đào tạo mua bán trực tuyến tại Phú Thọ thì hàng ngàn thành viên của MB24 mới biết mình bị “sập bẫy” cái gọi là TMĐT – mua bán trực tuyến.
Với slogan: “Trao tiện ích – nhận thành công” và chiêu thức đào tạo, vận động rót mật vào tai theo kiểu “đầu tư nhỏ, lợi ích lớn”, chỉ cần bỏ ra 5,2 triệu đồng để thuê một gian hàng ảo (vô thời hạn) và trở thành hội viên của MB24, nhà đầu tư đã được hưởng vô khối lợi ích và có cơ hội trở thành triệu phú với thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng. Cụ thể, sau khi thuê gian hàng ảo, không cần kinh doanh mua bán gì, chỉ cần giới thiệu được thêm mỗi thành viên tham gia vào hệ thống là được hưởng 1,5 triệu đồng/người, mỗi thành viên trong hệ thống đó giới thiệu thêm được người thứ 3 thì hội viên ban đầu được hưởng 320.000 đồng. Khi hệ thống đạt ngưỡng 99 thành viên thì người phát triển hệ thống đó thành VIP… mỗi tháng có thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Với phương thức này, cộng với nhiều chiêu thức tổ chức đào tạo, hội nghị khách hàng… hoành tráng, chỉ trong thời gian ngắn, MB24 đã phát triển hệ thống với tốc độ chóng mặt. Từ các TP lớn như Hà Nội, TPHCM đến các tỉnh miền núi như Hà Giang, Sơn La đến Tây Nguyên… các sàn của MB24 luôn tấp nập người. Theo thống kê sau 1 năm hoạt động, đến nay MB24 đã có tới hơn 50 chi nhánh tại 32 tỉnh, TP với tổng số hội viên lên đến 25.000 người. Cũng theo cơ quan chức năng thì tổng số tiền mà các thành viên phải nộp lên đến trên 700 tỉ đồng. MB24 có dấu hiệu vi phạm pháp luật từ cuối năm 2011, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao đã xác lập chuyên án để đấu tranh. Đến nay, các phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ công an các tỉnh có chi nhánh của MB24 hoạt động đều đã vào cuộc quyết liệt để điều tra xác minh. Theo VNE
Lộ hàng loạt bí mật về Apple trong vụ kiện với Samsung
Vụ kiện tranh chấp bằng sáng chế với Samsung đã khiến Apple - công ty bí mật mất hành tinh - phải tiết lộ một số thông tin được coi là cực kỳ "tuyệt mật".
Chỉ trong mấy ngày đầu diễn ra vụ kiện bằng sáng chế, Apple đã công khai thảo luận về cách công ty này tạo ra iPhone và iPad, trình diễn những thiết kế đầu tiên của hai thiết bị này và mô tả chi tiết về đội ngũ phát triển sản phẩm của họ.
Apple cũng mô tả sơ qua về chiến lược và khách hàng của mình. Sau khi bị lộ ra ngoài, những thông tin này nhanh chóng được lan truyền và thảo luận "rôm rả" trên mạng xã hội và các bài blog, ví dụ như kết quả nghiên cứu của Apple cho thấy 78% người dùng iPhone mua vỏ cho thiết bị.
Tại trung tâm vụ kiện, phó Chủ tịch cấp cao phụ trách tiếp thị toàn cầu của Apple, ông Phil Schiller, tiết lộ rằng từ khi iPhone ra mắt (2007) cho tới hết năm tài chính 2011, Apple đã tiêu 647 triệu USD cho việc quảng cáo iPhone tại Mỹ. Đối với iPad (ra mắt vào năm 2010), tổng chi phí quảng cáo là 457,2 triệu USD.
Phần lớn vụ kiện tập trung vào quá trình Apple nảy ra ý tưởng về iPhone và iPad. Apple đang cố gắng chứng minh rằng Samsung sao chép lại thiết kế của họ, trong khi Samsung minh họa cho bồi thẩm đoàn rằng sản phẩm của hai hãng khác hẳn nhau và Apple lấy cảm hứng từ sản phẩm của Sony.
Hôm thứ Sáu tuần trước, ông Scott Forstall, phó chủ tịch cấp cao giám sát phần phần sử dụng trên các thiết bị di động của Apple, đứng ra làm chứng là vào tháng 01/2011, một nhà điều hành của Apple đã đưa ra ý tưởng phát triển máy tính bảng 7 inch. Apple liên tục tranh luận về sức hấp dẫn của thiết bị nhỏ hơn iPad 9,7 inch, mặc dù nhiều nguồn tin cho rằng công ty này đang phát triển một phiên bản nhỏ hơn.
Ông Forstall cho biết Eddy Cue, hiện nay là người giám sát các dịch vụ Internet của Apple, đã từng sử dụng máy tính bảng 7 inch của Samsung. Ông Cue đã gửi email cho Tổng Giám đốc Tim Cook, nói rằng : "Có thị trường dành cho tablet 7 inch và chúng ta nên làm một cái".
Ông Forstall cũng khai rằng năm 2004, Apple đặt ra quy tắc bất thường về việc xây dựng một đội phát triển iPhone có tên gọi "Project Purple". Theo lời của Forstall, cố đồng sáng lập Apple, Steve Jobs, nói rằng không thể thuê bất kỳ ai ngoài công ty để nghiên cứu giao diện người dùng, các nút và hình ảnh xuất hiện trên màn hình của iPhone, vì thế ông tìm kiếm "siêu sao" trong chính Apple để khởi động một dự án bí mật và ông cần sự trợ giúp. Và để tham gia đội làm việc này, mỗi thành viên sẽ đảm nhận công việc "vất vả nhất trong cuộc đời họ".
Theo mô tả của ông Forstall, một tầng của trụ sở Apple được trang bị camera và thiết bị đọc thẻ để tăng cường an ninh, bảo vệ các thông tin mật liên quan đến dự án. Họ cũng có một biển hiệu với hai chữ "Fight Club" viết trên đó, mô phỏng lại một cuốn sách và một bộ phim mà trong đó các nhân vật được yêu cầu không tiết lộ với bất kỳ ai về công việc họ đang làm.
Ông trích dẫn rất nhiều thử thách trong quá trình nghiên cứu iPhone mà đội làm việc đã vấp phải: "Mỗi bộ phận của thiết bị phải được xây dựng lại để hoạt động với màn hình cảm ứng".
Theo lời Forstall, đội này 1.000 người, và từng thành viên phải trực tiếp báo cáo công việc cho ông. Khi tổ chức các cuộc họp toàn thể nhân viên, ông nói rằng con số này có thể lên tới 2.000 người.
Forstall nói ông đã phát minh ra bằng sáng chế về việc nhấn đúp lên trang web để thay đổi kích thước văn bản. Khi sử dụng một nguyên mẫu iPhone để lướt web, Forstall nhận ra ông mất quá nhiều thời gian để phóng to và thu nhỏ trang web cho kích cỡ văn bản vừa vặn trên màn hình.
"Tôi nhận ra rằng mình đang có một thiết bị cực kỳ mạnh mẽ, tại sau nó không thể tự tìm ra kích thước phù hợp cho người dùng?", Forstall nhớ lại. Vì thế, ông thách thức cả đội tạo ra một phần mềm tự động chỉnh kích thước văn bản vào trung tâm màn hình khi người dùng nhấn hai lần quanh trang web.
Đầu tuần trước, một tài liệu 99 trang đệ trình trong phiên tòa đã tiết lộ một số nguyên mẫu iPhone đầu tiên mà Apple đưa ra lựa chọn. Các tài liệu khác lại tiết lộ các thiết kế khác nhau của iPad, bao gồm cả việc Apple đã từng cân nhắc việc gắn thêm chân đế cho thiết bị.
Christopher Stringer, một nhà cựu thiết kế của Apple cho biết đội thiết kế thường làm việc quanh một cái bàn trong nhà bếp, biến các ý tưởng thành các bản phác thảo trên máy tính và thành mô hình 3D. Khi được hỏi Apple đã có được bản thiết kế cuối cùng của iPhone ra sao, ông Stringer nói: "Đó là thiết kế đẹp nhất của chúng tôi".
Nhưng iPhone không được khởi động ngay sau đó. Ông Stringer cho biết thậm chí Steve Jobs đã từng nghi ngờ Apple không thể đưa ra bản thiết kế chưa ai từng thấy.
Ông Schiller, trong một phần khác của lời khai, tiết lộ về một cuộc khảo sát của Apple về người mua iPhone. Vấn đề nghiên cứu thị trường là một trong những sở thích đặc biệt của các nhà quan sát Apple. Một cuộc khảo sát mà Apple tiến hành hồi tháng 05/2011 được đưa ra làm bằng chứng. Tài liệu của Apple cho thấy, tại một số nước như Trung Quốc và Mỹ, niềm tin đối với nhãn hiệu của công ty là một nhân tố quan trọng khiến khách hàng quyết định mua sản phẩm hãng.
Ông Schiller cho biết các kết quả khảo sát được coi là bí mật thương mại quan trọng, vì không hề dễ dàng để một công ty có thể khảo sát về chính khách hàng của mình, lại càng khó khăn để khảo sát về khách hàng của đối thủ.
Một đại diện của Samsung đã chia sẻ một số chi tiết trong vụ kiện với các phóng viên, khiến Apple phải yêu cầu tòa án xử phạt Samsung. Hôm thứ Sáu vừa qua, thẩm phán Judge Koh từ chối yêu cầu của Apple, nhưng cũng nghiêm khắc chỉ trích đội ngũ pháp lý của Samsung.
Theo VNE
Còn bao nhiêu Muaban24? Trong 6 tháng đầu năm 2012, lực lượng công an đã phá hai vụ án tội phạm mạng: Cty TNHH Diamond Holiday (DHT) và Cty đào tạo mua bán trực tuyến Muaban24 (MB24). Cả hai Cty đều có chung một hành vi lừa đảo: Dụ dỗ, lôi kéo người tham gia để hưởng hoa hồng. Còn bao nhiêu "muaban24" nữa đang hoạt động...