Thương lái ngừng mua, giá cua gạch Cà Mau chỉ còn 300.000 đồng/kg
Nhằm phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) gây ra, Trung Quốc đã hạn chế nhập khẩu hàng hoá.
Tình hình này đã khiến việc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản – thế mạnh của tỉnh Cà Mau – gặp rất nhiều khó khăn, trong đó cua – một trong những sản phẩm được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc – đang giảm giá sâu, thậm chí các thương lái ngưng thu mua do không có đầu ra.
“Thủ phủ” của con cua Cà Mau là vùng đất bạt ngàn rừng đước, rừng mắm huyện Năm Căn. Những ngày này, người dân nuôi cua nơi đây đứng ngồi không yên khi giá cua liên lục lao dốc.
Anh Lữ Minh Thảo (ở xã Tam Giang, huyện Năm Căn) cho biết: Khoảng ngày 25, 26 Tết, thương lái đến tận nhà anh thu mua cua với giá 750.000-800.000 đồng/kg. Vài ngày giáp Tết gia đình anh đã kiếm được trên 10 triệu đồng từ con cua. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, không chỉ giá giảm mạnh mà thương lái còn ngưng không thu mua cua.
Người dân nuôi cua Cà Mau đang gặp khó khăn về đầu ra.
“Vừa qua Tết, giá cua bắt đầu giảm. Một số bà con bắt cua rồi nhưng thấy giá rẻ thả lại, có hộ rọng lâu quá, cua bị chết. Chờ đến bây giờ, giá cua không lên mà thương lái thậm chí còn không thèm đến mua. Nhà tôi hằng tháng phải đóng lãi tiền ngân hàng nhưng không bán được cua, không có tiền đóng” – anh Thảo than.
Video đang HOT
Theo ghi nhận của chúng tôi, giá cua gạch tại huyện Năm Căn chỉ còn khoảng 300.000 đồng/kg; cua thịt cũng chỉ còn khoảng trên dưới 200.000 đồng/kg, tùy loại.
Hằng năm, giá cua sau Tết Nguyên đán sẽ giảm nhưng chưa năm nào giảm đột ngột và giảm sâu như năm nay. Nếu so với cùng kỳ năm trước, giá cua thương phẩm đang thấp hơn khoảng 30-40%. Nguyên nhân giá cua giảm mạnh là do thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 80% sản lượng xuất khẩu mặt hàng cua của huyện Năm Căn, gần như không nhập hàng.
Thị trường Trung Quốc ngừng nhập hàng khiến giá cua Cà Mau lao dốc, người nuôi gặp nhiều khó khăn. Ảnh: I.T
Ông Trần Thanh Dũng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Cua Biển Nam, đề xuất các ngành chức năng cần có giải pháp hỗ trợ người dân: “Chúng tôi rất cần cơ quan có thẩm quyền liên quan tạo điều kiện tìm kiếm thêm thị trường các nước: Thái Lan, Singapore… Trước mắt, sẽ gỡ được khó khăn trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Còn về lâu dài, có thêm thị trường thì càng tăng tính cạnh tranh, ổn định đầu ra con cua của địa phương và không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nhiều nữa”.
Thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Năm Căn, toàn huyện có gần 25.000ha đất nuôi cua xem canh với tôm. Hằng năm, sản lượng thu hoạch đạt từ 5.000-6.000 tấn cua thương phẩm.
Từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của hàng chục ngàn nông hộ cũng như các cơ sở kinh doanh mặt hàng cua ở vùng đất ngập mặn này. Hiện ngành chức năng huyện Năm Căn đang tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, tuy nhiên trong phạm vi, quyền hạn và thực tế tại địa phương thì ngoài khả năng.
Ông Phạm Trường Giang, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Năm Căn, nói: “Từ trước đến nay, mặt hàng cua của huyện chủ yếu xuất tiểu ngạch qua thị trường Trung Quốc và cũng do các thương lái nước này tự tìm về đưa hàng đi. Trong bối cảnh này, cần thị trường khác nhưng trên địa bàn huyện chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ lẻ nên năng lực rất yếu. Về phía địa phương cũng chỉ biết phản ảnh, kiến nghị chứ không thực hiện được; các doanh nghiệp nhỏ lẻ ở đây không có khả năng để liên hệ giao dịch, mua bán”.
Hiện dịch COVID-19 ở Trung Quốc chưa có dấu hiệu giảm trong khi thị trường xuất khẩu cua của tỉnh Cà Mau lại gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường nước này. Nếu dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài, tình hình sản xuất, kinh doanh cua của người dân Cà Mau sẽ tiếp tục đối diện nhiều khó khăn hơn.
Theo Hiếu Nghĩa (Báo Cà Mau)
Nóng: Vĩnh Phúc quyết định phong tỏa 'tâm dịch' Sơn Lôi
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc quyết định phong tỏa cách ly khu vực có dịch tại xã Sơn Lôi - nơi có nhiều người nhiễm COVID-19 nhất trên địa bàn tỉnh.
Ngày 12-2, chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc quyết định triển khai khẩn cấp các nhiệm vụ tại quyết định của Thủ tướng về việc công bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) trên địa bàn tỉnh.
Một chốt kiểm dịch trên địa bàn xã Sơn Lôi. Ảnh: ĐÌNH ĐOẢN
Theo đó, chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu thực hiện các biện pháp khẩn cấp về phòng chống dịch theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và các văn bản liên quan.
Các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh thực hiện việc tiếp nhận, cách ly, theo dõi, điều trị người mắc bệnh theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế. Cùng với đó, thành lập bệnh viện dã chiến và khu vực cách ly.
Đặc biệt, chủ tịch UBND tỉnh quyết định khoanh vùng, phong tỏa cách ly khu vực có dịch tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên.
Quyết định cũng giao Sở Y tế chủ trì tham mưu đề xuất các biện pháp cấp bách để phòng chống, dập dịch, thành lập bệnh viện dã chiến và khu cách ly tập trung.
Công an tỉnh có trách nhiệm tham mưu giúp trưởng ban chỉ đạo chống dịch thành lập các chốt, trạm kiểm dịch, cô lập vùng dịch tại các đầu mối giao thông ra vào có vùng dịch để kiểm soát.
Tính tới nay, Vĩnh Phúc đã ghi nhận 10 trong tổng số 15 ca dương tính với COVID-19, nhiều nhất tại Việt Nam. Trong đó, chỉ riêng tại xã Sơn Lôi, nơi đây ghi nhận tới 4 ca dương tính với loại virus này.
T.PHAN - H.PHƯỢNG
Theo PLO
Mặt trận cùng nhân dân phòng dịch Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, Ủy ban MTTQ nhiều tỉnh, thành đã trực tiếp đi cơ sở để kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương. Tinh thần "chống dịch như chống giặc" được Mặt trận các cấp đề cao để bảo vệ...