Thương lái lùng sục săn gỗ huỳnh đàn
Cơn sốt huỳnh đàn đang sôi sục từ vùng núi cao, và cả ở phố thị, người dân Quảng ngãi đang phải gồng mình gánh chịu những hệ lụy của cơn sốt này từ nhiều ngày qua.
Mua cả…thớt thái rau cho heo
Khi tình trạng người dân đào bới khắp núi rừng huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi tìm huỳnh đàn tạm lắng xuống do lực lượng kiểm lâm truy quét gắt gao, thì giờ đây các thương lái lại đang lùng sục khắp các làng quê trong tỉnh để tìm mua các vật dụng là từ gỗ huỳnh đàn.
Hàng ngày, các thương lái đi khắp nơi, đến từng hộ gia đình săm soi các vật dụng như: Tủ, bàn, ghế, gường, phản… lâu năm cạo đốt để tìm huỳnh đàn và gạ gẫm cả huỳnh đàn non.
Được giới thiệu từ trước rằng không phải là thương lái, gia đình ông Phạm Văn Ánh (thôn Thọ Lộc, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) mới mở cửa tiếp chuyện chúng tôi.
Chiếc tủ gỗ huỳnh đàn nhà ông Ánh khiến ông mất ăn mất ngủ gần một tháng nay
Ông Ánh kể lại, vừa qua khi ông sửa lại ngôi nhà đã xây dựng cách đây hơn 20 năm nên đã nhờ thợ mộc tới đóng cửa, vô tình nhóm thợ này phát hiện gia đình ông sở hữu cái tủ thờ và tủ đựng quần áo đã lâu năm và cho rằng gỗ này là huỳnh đàn.
Sau khi xin phép chủ nhà cào, đốt thử, nhóm thợ mộc đã trả giá 1 tỷ đồng. Cả nhà ông Ánh mừng như mở hội, nghĩ bụng để giá tăng thêm chút ít nữa nên chưa quyết định bán. Thế rồi ngày nào, ông cũng bị quấy rối bởi các tay săn huỳnh đàn.
Người này bảo là phải, kẻ cho là không nhưng suốt ngày các nhóm thương lái rình mò nhà ông, có khi tới 10 giờ khuya họ vẫn không cho gia đình ông nghỉ ngơi.
Cũng như ông Ánh, anh Nguyễn Văn Duy (thôn Thống Nhất, xã Tịnh Ấn Tây, huyện Sơn Tịnh) cũng vô tình phát hiện mình cũng có gỗ huỳnh đàn trong tay. Đó là khúc gỗ mà vợ anh vẫn hay làm cái thớt kê để băm rau cho lợn.
Anh Duy cho biết khúc gỗ này anh nhặt được gần 20 năm về trước, lúc ấy anh đang công tác tại một đơn vị quân đội ở Ba Tơ. Không ngờ hôm trước có người bạn đến chơi nhà bảo cái thớt này đúng là huỳnh đàn đáng giá bạc triệu.
Video đang HOT
Bán tín bán nghi nhưng thương lái săn lùng gắt gao và trả với giá 3,2 triệu đồng cho khúc gỗ. Với anh Duy cái thớt này không mấy giá trị, nên anh bán để thêm tiền mua cái máy tính cho con gái.
Nhưng rồi khi thấy trong nhà anh còn có bộ ghế sa lông và chiếc giường cũ được nhiều người hỏi mua với giá 5 triệu đồng/kg, anh Duy đã rất ngạc nhiên vì mấy thứ đồ cũ ấy lại có giá đến thế. Sau nhiều ngày tính toán, anh hai vợ chồng nghĩ rằng, với số tiền ấy có thể mua sắm lại bộ ghế mới vừa đẹp vừa hiện đại hơn nên quyết định bán.
Ngôi nhà này có bộ cửa làm bằng gỗ huỳnh đàn, bị thương lái “bao vây suốt” ngày để mua lại
Nhưng chưa kịp mừng vì những thứ vật dụng cũ ấy có giá cao đến thế thì cả nhà dở khóc dở cười khi biết đã ngã ngửa vì chính bộ ghế sa lông và chiếc giường cũ của mình, thương lái nọ sang tay cho một thương lái khác với giá 12 triệu đồng/kg. Cả gia đình anh Duy mất ăn mất ngủ vì tiếc của, bởi theo anh số tiền mà lẽ ra anh có phải là hơn 400 triệu đồng. Giờ đây, mỗi khi ai nhắc đến huỳnh đàn, anh Duy chỉ thở dài.
Khi chúng tôi tìm hiểu về vấn đề này, lại được nghe một câu chuyện khác cũng oái oăm không kém. Chuyện bắt đầu vào trước Tết nguyên đán, một người dân ở Làng Trui, xã Ba Tiêu, huyện Ba Tơ tên Nguyễn Văn Xín, trong lúc ngồi uống rượu bỗng nhiên hứng chí “bật mí” rằng có lần nghe cha mình nói là quan tài chôn ông nội được làm bằng gỗ huỳnh đàn.
Thế là chẳng bao lâu sau, tin này lọt đến tai một trùm thu mua huỳnh đàn trong huyện. Ban đầu anh Xín từ chối thẳng thừng, nhưng sau nhiều lần nghe “ông trùm” nọ gạ sẽ trả rất nhiều tiền để mua chiếc quan tài kia, với giá có thể lên đến cả trăm triệu đồng, nên anh Xín đã đồng ý, với điều kiện “ông trùm” phải mua một chiếc quan tài mới để thay vào, đồng thời mua trâu, rượu đến cúng thì mới chịu đào lên bán.
Cơ quan chức năng huyện Ba Tơ ngăn chặn một vụ việc đào bới tìm gỗ trên tuyến Quốc lộ 24
Sau khi trừ đi các khoản chi phí, chiếc quan tài nọ được trả 80 triệu đồng. Và cũng từ vụ mua bán này, một số người trong xã đã tìm hiểu nơi mà ngày xưa ông nội của anh Xín đã chặt cây huỳnh đàn nọ để lấy phần thân làm quan tài cho mình.
Trong số đó có một người đã tìm ra chính xác địa điểm trên và thuê xe đào tìm. Tuy nhiên do vị trí của gốc huỳnh đàn nằm ở lưng dốc và qua nhiều năm bị đất đá từ phía trên sạt lở xuống và lấp quá sâu nên vẫn không tìm thấy, cuối cùng họ đành bỏ cuộc.
Tuy nhiên một người dân trong xã đã đến và âm thầm đào, cuối cùng tìm được và bán khoảng 1,8 tỉ đồng. Một người khác ở cùng xã cũng tìm được một phần nhánh của cây huỳnh đàn trên và bán được hơn 150 triệu đồng. Thực hư của câu chuyện chưa được kiểm chứng nhưng, từ lời đồn đại này, mà từ sau Tết nguyên đán, cơn sốt huỳnh đàn bỗng chốc “tái phát”, lôi kéo hàng trăm người tham gia, gây náo động cả huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi.
Hệ lụy của lòng tham
Những câu chuyện như trên lan truyền đến chóng mặt, trong khi các thương lái lùng sục khắp nơi thì nhiều người đem các vật dụng trong gia đình ra cạo thử mong trở thành triệu phú, tỷ phú nhờ huỳnh đàn. Điều đáng nói là có nhiều hộ gia đình còn tháo cả cột nhà, khung cửa… những ngôi nhà thờ cổ mà cha ông để lại ra bán.
Theo lời giới thiệu của anh Duy, chúng tôi tiếp cận được một thương lái ở xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh. Ông Vũ, chủ nhóm thương lái cho chúng tôi biết, từ đầu năm trở lại đây, đa số các thương lái đã chuyển hướng làm ăn từ miền núi về nông thôn để săn các vật dụng từ huỳnh đàn, bởi mua những vật dụng này giá vừa rẻ vừa vận chuyển an toàn vì đó là những vật dụng gia đình đã qua sử dụng. Hơn thế nữa, các bên mua bán thường viết giấy tặng cho nên luật pháp không cấm.
Nhóm ông Vũ có 6 người, hằng ngày họ về các vùng quê dò hỏi để săn huỳnh đàn. Sau khi xác định đúng là huỳnh đàn, các thương lái này chụp hình gửi cho thương lái khác ở các tỉnh, thành phía Bắc như: Thanh Hóa, Hà Nội để ra giá.
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì huỳnh đàn có nhiều tên gọi khác như sưa hay sưa Bắc Bộ, trắc thối, huê mộc vàng. Tên khoa học là Dalbergia tonkinensis Prain, là một loài cây thân gỗ thuộc họ Đậu (Fabaceae). Là cây gỗ nhóm IA, được xếp vào loại cực kì quý hiếm, cấm khai thác và sử dụng với mục đích thương mại. Gỗ huỳnh đàn đỏ khá bền, vừa cứng lại vừa dẻo, có nhiều hoa văn đẹp. Nhiều thông tin hiện nay cho rằng các thương lái Trung Quốc, Đài Loan lùng sục mua về không để đóng quan tài vì cho rằng gỗ huỳnh đàn có khả năng giữ được xác lâu, không bị phân hủy. Đặc biệt đồ gia dụng làm từ huỳnh đàn sẽ mang lại nhiều may mắn cho gia chủ. Do vậy mà huỳnh đàn đỏ được mua với giá rất cao.
Nếu số lượng nhiều, họ sẽ tức tốc bay vào tận nơi thu mua đưa sang Trung Quốc, Đài Loan. Theo lời của thương lái Vũ thì gỗ huỳnh đàn từ chân gường hiện có giá khoảng 8,5 triệu đồng/kg, be gường đường kính 20cm 12 triệu đồng/kg, mặt bàn, ghế 18 triệu đồng/kg, đặc biệt mặt gỗ dày 7 phân và chiều dài hơn 1,2m thương lái sẽ thu mua với giá 25 triệu đồng/kg.
Chẳng cần biết thực hư thế nào, nhưng lời đồn đã thổi bùng lên sự khao khát, thèm muốn được trở nên giàu có nhanh chóng của người nhiều dân trong vùng từ huỳnh đàn. Vì thế nhiều người đã lao vào cuộc săn lùng, sục sạo tìm kiếm ở khắp các xóm làng và nhiều khu rừng để mua, tìm huỳnh đàn.
Không chỉ săn huỳnh đàn từ các vật dụng, các thương lái còn lùng sục khắp các nhà vườn có trồng các loại cây này. Họ thu mua tất tần tật từ cây con đến cây già.
Ông Nguyễn Văn Phấn là một chủ vườn ươm ở xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi cho biết, hàng ngày có không biết bao nhiêu thương lái đến gạ mua cây huỳnh đàn non của ông. Vào năm 2007, khi mà cơn sốt huỳnh đàn nổi lên, ông đã vào tận Bình Định mua vài chục cây con về trồng nhưng chỉ sống được 10 cây. Hiện giờ chúng có đường kính khoảng 10cm, thương lái trả 5 triệu đồng/cây.
Tại các địa phương miền núi, từng nhóm người vẫn đang âm thầm đào bới những địa điểm nghi ngờ có gốc, thân huỳnh đàn bị vùi lấp tại các khu rừng, ven sông, suối, rẫy và cả hành lang trên các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ làm ảnh hưởng đến đất sản xuất của người dân và an toàn trên tuyến giao thông này, không những gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông mà còn làm tăng nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão sắp đến…/.
Theo VOV
THƯƠNG LÁI TRUNG QUỐC LẠI GIỞ TRÒ: "Cắm chốt" cảng cá
Nhiều tháng qua, tại cảng cá An Phú (xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) luôn có thương lái Trung Quốc túc trực thu mua hải sản, ngư dân bị thất thu vì thương lái câu kết với đầu nậu
Trong hai ngày 7 và 8-6, chúng tôi về cảng cá An Phú, không khí buôn bán khá nhộn nhịp. Hiện cảng cá này có 2 người Trung Quốc dưới danh nghĩa thương lái thu mua hải sản túc trực từ sau Tết Nguyên đán đến nay. Trong đó, có một người tên Lu De Chu (SN 1961) sinh sống tại đây hơn 10 năm qua. Người còn lại tên Guo Peng (SN 1991).
Thương lái và đầu nậu giữ giá
Cả hai người này đều tạm trú tại nhà ông Trần Văn Ngô và bà Lê Thị Kiểu (thôn Cổ Lũy Bắc hay còn gọi là thôn Làng Cá). Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết 2 người này thuê luôn ngôi nhà của ông Ngô để ở và làm nơi thu mua hải sản. Hai người Trung Quốc này thường ra bến cá mỗi khi có tàu cá của ngư dân cập cảng và xem hàng, sau đó nói nhỏ với đầu nậu về chất lượng cá. Khi thấy chúng tôi đưa ống kính máy ảnh lên chụp, 2 người này nhanh chóng che mặt và bỏ vào trong nhà kéo cửa lại.
Ông Lê Văn Bàn, trưởng thôn Cổ Lũy Bắc, cho biết từ ngày 2 người này đến mua cá tại địa phương, nhiều ngư dân bị thất thu bởi hầu hết các chủ tàu đi đánh bắt xa bờ đều phụ thuộc đầu nậu là bà Kiểu. "Ngư dân nghèo, gom góp đóng được con tàu là mừng rồi, còn tổn phí ra khơi đều mượn ở nậu nên khi ghe về đến cảng đều phải bán cho nậu đã cho mượn tiền nên bị ép giá. Còn giá cả giữa nậu và người Trung Quốc thì bí mật nên không được tiết lộ" - ông Bàn cho hay.
Bốn thương lái Trung Quốc hoạt động trong thời gian dài tại khu vực cửa khẩu biển An Phú
và thuê nhà ở trọ tại xã Nghĩa An nhưng chính quyền địa phương không hay biết
Ông Nguyễn Dũng, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phú, cho biết khi chính quyền phát hiện xử phạt thì chủ nậu mới đến khai báo và cũng không hề đưa những người Trung Quốc này đến trình diện nên chính quyền địa phương cũng chẳng biết mặt mũi những người này. "Dường như đầu nậu đã "bảo kê" trọn gói cho người Trung Quốc đến địa bàn sinh hoạt nên rất khó quản lý. Luật thì chỉ xử phạt hành chính, nặng nhất làtrục xuất khỏi địa phương. Không có biện pháp chế tài nào mạnh tay hơn" - ông Dũng nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ đầu năm đến nay có ít nhất 20 người Trung Quốc về đây thu mua hải sản. "Sau Tết đến cuối tháng 4, người Trung Quốc ở đây đông lắm. Nhưng từ ngày báo chí đưa tin người Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp ở nhiều địa phương thì chưa đến một tuần, những người Trung Quốc đó bỏ đi lúc nào không hay" - ông Bàn kể.
Không biết để kiểm tra (?)
Cách đây 2 tháng, chúng tôi về cảng cá An Phú và thấy có 4 người Trung Quốc thu mua hải sản tại nhà bà Kiểu. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn 2 người khác đến thay thế. "Những người này đến đi thoắt ẩn thoắt hiện nên không biết quản lý thế nào. Họ đi taxi từ TP Quảng Ngãi xuống làm việc. Cách đây một tuần họ ngủ qua đêm liên tục ở đây.
Nhiều lần chúng tôi đi kiểm tra và thấy những người này đang ở trong nhà thuê của bà Kiểu nhưng cũng chỉ nhắc nhở chứ không có thẩm quyền xử phạt" - ông Bàn nói. Còn theo ông Phạm Thanh Vũ, Trưởng Công an xã Nghĩa Phú: "Cách đây 2 tháng, chúng tôi phát hiện 3 người Trung Quốc đang sinh hoạt tại địa phương. Chúng tôixử phạt hành chính và yêu cầu phải làm "giấy xin phép vào khu vực biên giới" thì chủ nậu là DNTN Bình Châu có trụ sở tại xã Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi đứng ra "lo trọn gói" . Khi được cấp giấy, 2 ngày sau, những người Trung Quốc này đã "biến mất" khỏi địa bàn".
Bà Võ Thị Lệ Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, cho biết trước Tết Nguyên đán có một người Trung Quốc đến ở và thu mua mực tại nhà ông Trần Hữu Hưng (thôn Phổ An) và sau tết có hai người một nam một nữ đến mua mực nhưng họ đến rồi đi nhanh chóng nên không biết để kiểm tra.
Theo NLD
"Cơn sốt" săn chiến mã Càng đến gần ngày diễn ra Giải đua ngựa truyền thống trên "cao nguyên trắng" Bắc Hà - Lào Cai, đi đến đâu chúng tôi cũng được nghe người dân bàn tán chuyện "cơn sốt" săn chiến mã quý. Xã Na Hối, Bản Phố, Tả Van Chư... là nơi sinh sống của đồng bào Tày và Mông, từ lâu đã nổi tiếng về...