Thuốc ung thư giả – khi lương tâm bị “hạ gục”
Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp dược, xuất hiện của những loại thuốc giả cũng đang ngày càng gia tăng, tiềm ẩn những hậu quả khôn lường.
Hình minh họa.
Thuốc ung thư làm từ… paracetamol
Hồi tháng 2/2019, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban hành cảnh báo toàn cầu về một loại thuốc điều trị ung thư giả lưu hành ở châu Âu và châu Mỹ. Theo WHO, loại thuốc giả này có quy cách đóng gói giống hệt thuốc trị ung thư Iclusig – một loại thuốc có chứa hoạt chất ponatinib được dùng để điều trị bệnh bạch cầu tủy bào mạn tính và bệnh bạch cầu nguyên bào tuỷ cấp tính ở người lớn.
Năm 2017, thuốc được bán với giá khoảng 5.000 bảng Anh một gói. Còn ở Mỹ, ở thời điểm đầu năm 2019, mỗi viên thuốc có giá lên tới 13.500 USD/gói, tức khoảng 450 USD/viên.
Tuy nhiên, theo kết quả phân tích, trong viên thuốc 15 và 45mg lấy mẫu không chứa bất kỳ thành phần hoạt chất nào ngoài paracetamol.
Ông Michael Deats – người đứng đầu nhóm nghiên cứu về các loại thuốc giả tại WHO – cho biết, đây là phát hiện đáng chú ý bởi các vụ phát hiện thuốc giả trước nay thường là thuốc kháng sinh giả, thuốc chống sốt rét, thuốc không có nhiều tác dụng… chứ ít khi là thuốc điều trị ung thư.
Ông Deats cũng cho rằng đây là vụ việc nguy hiểm bởi khách hàng tiềm năng của loại thuốc này chính là những người mắc bệnh ung thư và gia đình ở các nước không được cung cấp miễn phí hoặc những người không được bảo hiểm chi trả tiền mua loại thuốc này.
Theo Viện an ninh dược phẩm của Mỹ, số vụ phạm tội liên quan đến thuốc giả bị phát hiện trên toàn thế giới đã tăng từ 196 vụ ở năm 2002 lên 2.108 vụ trong năm 2012 và 3.509 vụ ở năm 2017. Năm 2018, số vụ phạm tội trong lĩnh vực này là 4.405 vụ, tăng tới 25% so với năm 2017 và là con số vụ việc được ghi nhận cao nhất từ trước đến nay.
Điển hình, một thống kê cho hay, trong vòng 1 năm từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017, giới chức y tế Canada đã thu giữ gần 5.500 hộp thuốc giả. Chỉ trong vòng 1 tuần cuối tháng 2/2018, giới chức y tế Canada cũng đã thu giữ số thuốc giả trị giá tới 2,5 triệu USD. Ngoài ra, họ cũng đã triệt phá một hệ thống các nhà thuốc thuộc quản lý của một công ty của Canada chuyên bán thuốc giả trên internet tại Mỹ.
Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) trong một chiến dịch có sự tham gia của khoảng 1.000 cảnh sát, hải quan và cơ quan y tế của 7 nước bao gồm Benin, Burkina Faso, Bờ Biển Ngà, Mali, Niger, Nigeria và Togo hồi tháng 8/2018 đã thu giữ 420 tấn thuốc giả ở tây Phi.
Thuốc giả được cho là chiếm tỉ lệ lớn trong tổng số thuốc ở châu Phi.
WHO dẫn báo cáo của Viện an ninh dược phẩm cho rằng, châu Á là nơi có số lượng thuốc giả lớn nhất thế giới. Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ là các nước cung cấp tới hơn 50% thuốc giả cho khắp thế giới. Còn Viện nghiên cứu quốc tế chống hàng giả ở Pháp cho rằng Trung Quốc và Ấn Độ là đầu mối sản xuất và đưa gần 88% thuốc giả và thuốc kém chất lượng vào châu Phi.
Tháng 11/2017 tại Niger, cảnh sát ở Niamey đã tịch thu 13 tấn thuốc giả được đưa từ Ấn Độ sang. Tại Bờ Biển Ngà, vào tháng 3/2017, Bộ Y tế nước này cũng đã đóng cửa một nhà máy làm thuốc giả của người Trung Quốc và tiêu hủy gần 40 tấn thuốc. Năm 2014, giới chức Campuchia cũng đã thu giữ và tiêu hủy khoảng 5,1 tấn thuốc giả.
Hậu quả khôn lường
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa thuốc giả là các loại thuốc được ghi tên hoặc nguồn gốc theo hướng cố ý gian lận khiến chúng trông giống hệt thuốc thật. Đó là những loại thuốc không đạt tiêu chuẩn, không có bất kỳ hoạt chất, chứa không đúng hoạt chất hoặc không đúng liều lượng hoạt chất so với thuốc thật.
Nhiều loại thuốc giả được sản xuất từ các nguyên liệu rẻ tiền như bột bắp, bột khoai tây hay bột phấn khiến chúng không có tác dụng chữa bệnh. Những sản phẩm này thường được sản xuất trong điều kiện tồi tàn, không vệ sinh nên thường rất bẩn và có thể bị nhiễm khuẩn.
Đặc biệt, có những loại thuốc giả còn rất độc hại do liều lượng của hoạt chất của chúng không đúng với công thức của thuốc thật hoặc được trộn các hóa chất cao đến mức nguy hiểm chết người. Nhiều loại thuốc giả có nguồn gốc từ Trung Quốc và Ấn Độ thậm chí được phát hiện được “sản xuất” từ mực máy in, sơn hay thạch tín!
Thuốc giả được xem là mối đe dọa đối với thế giới bởi chúng không những không chữa được bệnh cho người dùng mà còn tiềm ẩn những tác hại khôn lường. Những loại thuốc đó có thể không có thành phần hoạt chất chữa bệnh, có các thành phần có hại, có chứa hoạt chất khác, liều lượng không đúng với quy cách, hết hạn… làm giảm hiệu qủa chữa bệnh hay dẫn đến các tác dụng phụ hoặc thậm chí là có thể dẫn tới tử vong.
WHO cho biết, thuốc giả là nguyên nhân dẫn tới khoảng 100.000 ca tử vong ở châu Phi mỗi năm. Tại một số nước ở châu Phi, tỉ lệ thuốc giả được cho là có thể lên đến 7/10 loại thuốc.
Hiệp hội y khoa Mỹ năm 2015 ước tính khoảng 122.000 trẻ em dưới 5 tuổi ở khu vực tiểu Sahara ở châu Phi tử vong vì uống phải thuốc chống sốt rét chất lượng kém. Năm 2015, số người chết vì sốt rét trên toàn thế giới là 429.000.
Các nghiên cứu mới nhất cũng cho thấy thuốc chống sốt rét không đạt tiêu chuẩn và giả đã khiến số ca tử vong vì sốt rét ở khu vực này tăng thêm 72.000 đến 267.000 trường hợp mỗi năm. Đó là còn chưa kể đến những trường hợp được cho là chết vì vaccine kém chất lượng hoặc bị làm giả; thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị hoặc ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng cấp tính và các bệnh như viêm gan, viêm màng não…
Video đang HOT
Năm 2011, khoảng 200 người ở Pakistan đã tử vong sau khi uống thuốc trợ tim bị nhiễm hóa chất độc hại. 1 năm sau đó, cũng tại nước này, 60 người đã thiệt mạng sau khi uống thuốc ho. Các thử nghiệm với thuốc này sau đó cho thấy nó có chứa Levomethorphan – một hóa chất có mạnh hơn morphine tới 5 lần. Tờ Guardian mới đây cho biết, các bác sĩ cảnh báo rằng 250.000 trẻ em có thể tử vong mỗi năm vì bị dùng phải thuốc giả và thuốc kém chất lượng để điều trị chỉ riêng các bệnh sốt rét và viêm phổi.
Thuốc kháng sinh cũng là một trong các loại thuốc nhiều khả năng bị hết hạn hoặc bị làm giả nhất. Điều này dẫn tới lo ngại rằng thuốc giả có thể dẫn tới tình trạng kháng thuốc quy mô lớn trên toàn cầu hoặc làm xuất hiện nhiều loại bệnh mới hơn.
Giới chức Campuchia thiêu hủy thuốc giả bị thu giữ.
Tiến sỹ Joel Breman ở Viện y tế quốc gia Mỹ trong một báo cáo được công bố hồi đầu năm cho rằng mỗi năm có ít nhất 300.000 trẻ em tử vong do bị những đối tượng phạm tội buôn bán thuốc giả sát hại. Ông Breman cũng cho rằng, thuốc giả khiến các nước thu nhập thấp và trung bình thiệt hại tới 200 tỉ USD mỗi năm.
Lãi hơn buôn ma túy
Theo một báo cáo của WHO, nếu như trước kia thuốc giả được xem là vấn nạn của các nước đang phát triển hoặc các nước nghèo thì hiện nay đây đã là vấn nạn toàn cầu, không có nước nào không phải đối mặt.
Thuốc giả hiện đã xuất hiện ở từ Bắc Mỹ, châu Âu đến khu vực cận Sahara, châu Phi, châu Á… Ở một số nước, tình trạng người dân có thói quen “tự chẩn bệnh, tự kê toa” rồi đi mua thuốc khiến người bệnh gặp nguy hiểm vì mua phải thuốc có nguồn gốc không được đảm bảo.
Trong thời đại internet ngày nay, ở những nước giàu như Anh và Mỹ – nơi các loại thuốc thường xuyên được kiểm tra gắt gao – nhiều người cũng dùng phải thuốc giả dù không thiếu tiền vì mua hàng qua internet.
Tạp chí Newsweek từng dẫn kết quả một số nghiên cứu cho hay, 90% các loại thuốc được mua qua mạng internet ở Mỹ có nguồn gốc kiểu “treo dê bán chó”, tức người bán khẳng định sản xuất ở nước A nhưng thực chất sản phẩm đó được sản xuất ở nước B. Theo nghiên cứu, những quầy thuốc trên mạng thường nhập hàng từ những nước có luật kiểm soát dược phẩm lỏng lẻo, tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo chất lượng.
Hoạt động sản xuất và mua bán thuốc giả đang ngày càng trở nên dễ dàng vì những loại máy móc như máy dập thuốc, đóng gói, các thiết bị chuyên dụng hay các thành phần hoạt chất ngày càng trở nên phổ biến hơn. Internet cũng giúp giới làm thuốc giả có nhiều “đất” sống hơn.
Ngoài ra, việc toàn cầu hóa của ngành dược cũng vô tình tiếp tay cho tội phạm làm thuốc giả. Bởi, một viên thuốc có thể trải qua nhiều khâu sản xuất, mỗi khâu thực hiện ở một nước khác nhau, tạo điều kiện cho bọn tội phạm tuồn hàng giả vào chuỗi sản xuất.
Ví dụ, hóa chất tổng hợp tại Trung Quốc có thể được kết hợp với tá dược ở Ấn Độ rồi đóng gói thành phẩm ở Mexico trước khi đem vào bán tại các quầy thuốc ở Canada. Theo một số nghiên cứu, đa số thuốc giả được “chế” ở châu Á rồi tuồn vào châu Phi. Tổ chức Hải quan thế giới cũng đã xác nhận tình trạng này trong một báo cáo hồi tháng 1/2017.
Lợi nhuận từ sản xuất và buôn bán thuốc giả được cho là lớn hơn cả buôn bán ma túy nên cũng dễ hiểu khi thuốc giả đang ngày càng phổ biến hơn. Theo WHO, khoảng 10 đến 30% dược phẩm được phân phối tại hầu hết các nước thế giới thứ 3 là giả và ngành công nghiệp này đang phát triển với tốc độ đáng báo động, thậm chí còn nhanh hơn cả các công ty dược phẩm hợp pháp vốn thu về khoảng 217 tỷ USD mỗi năm.
Tờ Popular Science cho biết, không có loại thuốc nào, từ những loại thuốc đắt tiền đến thuốc dùng hàng ngày như kháng sinh, thuốc ngừa thai, thoát khỏi tay bọn làm thuốc giả. Hoạt động sản xuất thuốc giả có thể có quy mô nhỏ lẻ, tự làm tại những cơ sở tồi tàn tới việc được được tổ chức thành những đường dây quy mô, có hoạt động sản xuất ở những cơ sở hoành tráng.
Tháng 10/2018, Interpol cho biết, giới chức cảnh sát, hải quan và y tế của 116 nước đã tham gia chiến dịch trấn áp thuốc giả được bán trên internet có tên Pangea XI. Chỉ trong vòng 1 tuần, giới chức các nước đã bắt giữ 859 đối tượng, thu giữ 500 tấn dược phẩm giả, kém chất lượng có nguy cơ gây nguy hiểm tới người dùng với tổng giá trị lên tới 14 triệu USD. Các loại thuốc này bao gồm từ thuốc ung thư, thuốc giảm đau tới thuốc điều trị tiểu đường, HIV giả… Gần 3.700 trang web bán thuốc cũng đã bị đóng cửa sau chiến dịch này.
Hầu hết các trường hợp tử vong do dùng thuốc giả được ghi nhận ở các nước có nhu cầu cao về các loại dược phẩm trong khi sự giám sát, kiểm soát chất lượng và các quy định lại còn lỏng lẻo, khiến các băng đảng tội phạm và các đường dây sản xuất, buôn bán mặt hàng này dễ dàng xâm nhập thị trường.
Các phân tích cho thấy, ở những người nước này, các đối tượng bị bắt giữ vì sản xuất, buôn bán dược phẩm giả chỉ phải đối mặt với những khoản phạt tiền hoặc phạt tù nhẹ. Ông Joel Breman – một nhà khoa học tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ ở Maryland – cho biết rằng những hình phạt này chỉ như gãi ngứa trong khi hành vi của họ có thể xem là tội giết người bằng thuốc giả.
Theo một nghiên cứu của tổ chức Fraser, để có thể ngăn ngừa và giảm thiểu thuốc giả cần có sự phối hợp của nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm nâng cao nhận thức của cộng đồng, cải thiện việc giám sát tuân thủ pháp luật, tăng cường quản lý việc vận chuyển dược phẩm xuyên biên giới, tăng chế tài đối với các đối tượng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này…
Đông Nam Á trước “đại dịch” thuốc giả
WHO trong một báo cáo cho biết, trong năm 2013, tổ chức này nhận được 1.500 báo cáo về thuốc kém chất lượng hoặc thuốc giả, chủ yếu là thuốc sốt rét và thuốc kháng sinh. 42% trong số các báo cáo này là ở khu vực nam sa mạc Sahara, 21% từ Mỹ, 21% từ châu Âu và chỉ 2% từ Đông Nam Á.
Tuy nhiên, Viện nghiên cứu quốc tế chống hàng giả ở Pháp (IRACM) cho rằng con số 2% báo cáo thuốc giả được ghi nhận ở khu vực Đông Nam Á chỉ là phần nổi của tảng băng.
Dữ liệu từ Viện An ninh Dược phẩm của Mỹ cho thấy đã có 673 vụ việc liên quan đến hoạt động làm giả và vận chuyển thuốc giả được ghi nhận tại ASEAN trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2017. 193 vụ trong số đó đã xảy ra ở Philippines, 110 ở Thái Lan, 93 ở Indonesia và 49 vụ ở Việt Nam.
Năm 2016, sau vụ phát hiện 2 loại thuốc điều trị viêm gan C và một loại vaccine giả, WHO đã phát đi cảnh báo về thuốc giả ở khu vực Đông Nam Á. Báo cáo cũng cho rằng Việt Nam, Thái Lan và Myanmar là 3 điểm trung chuyển chính của thuốc giả từ Trung Quốc và Ấn Độ tới các nơi khác trong khu vực.
Báo cáo của Tổ chức hải quan thế giới cho rằng, khoảng 50 đến 60% thuốc giả được chuyển theo đường biển. Vì vậy, vị trí địa lý khiến 3 nước này trở thành điểm trung chuyển lý tưởng của thuốc giả tới toàn khu vực.
Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) hồi tháng 4 vừa qua cũng cảnh báo về sự gia tăng số lượng thuốc giả đang được sản xuất tại ASEAN, một phần do các nhà sản xuất dược phẩm hợp pháp và bất hợp pháp ở Ấn Độ và Trung Quốc đã chuyển nhượng hoặc đưa một số quy trình sản xuất tới Malaysia, Việt Nam, Myanmar và Campuchia để tránh các quy định khó khăn hơn ở trong nước đồng thời hưởng lợi việc từ chi phí sản xuất thấp hơn ở các nước này.
Theo báo cáo của UNODC, tại ASEAN, buôn bán hàng giả và thuốc giả là một trong số 4 loại hình tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia lớn nhất, cùng với hoạt động buôn bán ma túy bất hợp pháp, buôn bán người và tội phạm liên quan đến môi trường như động vật hoang dã và buôn bán gỗ.
Báo cáo của UNODC có tiêu đề “Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia ở Đông Nam Á: Tiến hóa, Tăng trưởng và Tác động” ước tính số tiền mà người tiêu dùng ở Đông Nam Á đã chi cho thuốc giả là từ 520 triệu đến 2,6 tỷ USD mỗi năm. Cơ quan LHQ cho hay, các kết quả xét nghiệm đã chỉ ra rằng 47% thuốc chống sốt rét được thử nghiệm ở Đông Nam Á được phát hiện là thuốc giả nhưng con số thực sự có thể cao hơn nhiều.
Tình trạng này đã khiến Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hồi năm ngoái ra lệnh cho lực lượng cảnh sát nước này tăng cường kiểm tra các nhà sản xuất và trấn áp tình trạng mua bán thuốc giả. Vấn đề này cũng đã được nêu ra tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN được tổ chức tại Campuchia hồi tháng 6. Tại hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh cho hay, các loại thuốc không đạt tiêu chuẩn và thuốc giả đang được quảng cáo công khai và bán đầy rẫy trên internet.
Năm 2017, WHO đã phân tích các mẫu thuốc và phát hiện ra rằng 10,5% thuốc lưu hành ở các nước thu nhập thấp và trung bình là giả hoặc không đạt tiêu chuẩn. Một số ước tính khác thậm chí đưa ra con số rằng từ 30 đến 70% các loại dược phẩm ở các nước đang phát triển là thuốc giả. Ở các nước phát triển, tỉ lệ này là khoảng 7%. Tại Hongkong, khoảng 40% doanh số bán hàng Viagra là hàng giả.
Ước tính của OECD cũng cho thấy, các mặt hàng giả chiếm khoảng 2,5% tổng thương mại dược phẩm toàn cầu trong năm 2013. Ông Geoffroy Bessaud – người đứng đầu bộ phận chống thuốc giả ở công ty dược Sanofi của Pháp – cũng cho rằng việc kinh doanh thuốc giả lan rộng vì lợi nhuận lớn mà nó mang lại.
“Chỉ cần đầu tư 1.000 USD là đã có thể mang lại 500.000 USD trong khi đầu tư vào ma túy hay tiền giả mang lại khoản lợi nhuận khoảng 20.000 USD”, ông Bessaud nói. Trong vụ việc của Công ty Trường Xuân Trường Sinh ở Trung Quốc, theo một số báo cáo, cứ 100 nhân dân tệ mà công ty bỏ ra để sản xuất vaccine chất lượng kém đem về cho họ khoản lợi nhuận tới hơn 91 nhân dân tệ.
Minh Ngọc
Theo baophapluat
Cuộc chiến chống thuốc giả ở Campuchia
Đã từ lâu, chợ Thế vận hội (Olympic Market) đã trở thành một trung tâm thuốc Tây không chính thức ở thủ đô Phnom Penh, các hiệu thuốc nằm san sát 2 bên đường, chúng nổi bật bởi biểu tượng chữ thập xanh lá cây quen thuộc trên nền trắng.
Mặc dù nhập khẩu gần như tất cả các loại thuốc song không vì thế mà ngành công nghiệp dược phẩm Campuchia kém thịnh vượng.
Ở đây có một thực tế là bệnh nhân thường không đi khám bác sĩ mà thường nhanh tiếp cận dược sĩ để mua thuốc bao gồm các loại như thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau và thuốc trầm cảm... mọi thứ đều có sẵn ngoại trừ toa thuốc do bác sĩ kê.
Thủ phủ thuốc Tây lậu của Campuchia
Bun Solar và You Chanty rành rẽ mọi ngóc ngách ở chợ Thế vận hội hơn ai hết. Hai nhân viên bán thuốc Tây có mặt ở khu chợ này để đại diện cho công ty của họ là DKSH Cambodia, họ lần lượt hạ gục các dược sĩ khác ở chợ. Ngoài hiệu thuốc của họ, một chiếc xe tải dán tên Alliance Pharma Cambodge (đối thủ thuốc Tây của họ) đang phi như bay trên đường.
Bun Solar nói rằng anh ta sụt mất 8kg trong suốt 3 năm miệt mài đi tìm nguồn khách hàng và khẳng định bán thuốc Tây dễ tạo dựng các mối quan hệ tốt. Chợ Thế vận hội là nơi duy nhất để mua thuốc ở thủ đô Phnom Penh. Thủ đô này có hơn 600 nhà thuốc Tây được đăng ký kinh doanh với Bộ Nội vụ, và mặc dù Bộ Y tế nước này không ngừng điều chỉnh việc bán thuốc Tây thì cảnh sát nước này hầu như không khó để lật mặt các cửa hiệu làm ăn phi pháp.
Bộ trưởng nội vụ Campuchia (giữa) Sar Kheng đang tiêu hủy thuốc lậu nhân một sự kiện tiêu hủy thuốc ở thủ đô Phnom Penh vào ngày 26-6-2019. Ảnh nguồn: EPA-EFE/Kith Serey.
Campuchia là một cái nút trong đại dịch thuốc giả, nước này có một ngành công nghiệp đen với rất nhiều loại thuốc hết hạn hoặc chúng hoàn toàn bị làm giả, làm nhái các thương hiệu thuốc Tây quốc tế, những kẻ táng tận lương tâm đã giàu sụ trên nỗi đau của hàng triệu bệnh nhân.
Ông Jean-gaetan Guillemaud, quản lý của Tập đoàn y tế đa quốc gia Zuellig Pharma, khẳng định: "Dược phẩm giả mạo là một dạng tội phạm bùng nổ, mà căn nguyên chính là do ngành công nghiệp này quá béo bở". Các dự báo toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã trưng ra doanh số bán thuốc giả hoặc thuốc không đạt tiêu chuẩn (mà WHO định nghĩa rằng "các sản phẩm thuốc được ủy quyền đã thất bại trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng hoặc các thông số kỹ thuật, hoặc là sự kết hợp của thuốc đã hết hạn sử dụng, sản xuất thứ cấp và bảo quản nghèo nàn) ước đạt khoảng 30,5 tỷ USD.
Thuốc giả, kẻ giết người tàn bạo
Nhiều loại thuốc giả mà WHO mô tả là "giả mạo" và được định nghĩa là "cố tình lừa đảo, xuyên tạc bản sắc, thành phần và nguồn gốc thuốc" khi chúng được sản xuất ở Trung Quốc và Ấn Độ, trong đó Ấn Độ là nguồn cung thuốc chủ yếu cho phương Tây. Ông Guillemaud (Chủ tịch Ủy ban Chăm sóc sức khỏe của EuroCham Cambodia, từng làm việc cho các sáng kiến chống hàng giả của Chính phủ Campuchia) đã trích dẫn dữ liệu từ Interpol và các tổ chức quốc tế khác và quả quyết rằng thuốc giả làm chết nhiều người hơn so với sự kết hợp của thuốc quá liều và chủ nghĩa khủng bố toàn cầu.
Ông Guillemaud nói thêm rằng thuốc giả là căn nguyên gây ra cái chết của ước khoảng 1 triệu người mỗi năm do điều trị thất bại và hấp thụ các chất độc hại trong thuốc. Theo văn phòng thuốc và ma túy cùng dữ liệu khủng bố toàn cầu của Liên Hiệp Quốc (UN) thì dùng thuốc quá liều làm chết 190.000 người/năm, và chết do khủng bố là 35.000 người/năm.
Năm 2017, WHO ước tính rằng 1/10 các sản phẩm thuốc ở các nước thu nhập thấp và trung bình có liên quan đến thuốc giả hoặc thuốc kém chất lượng. Trong số 1.500 trường hợp báo cáo do WHO sử dụng thì chỉ có 2% đến từ Đông Nam Á. Đang có những lo ngại rằng do thuốc chống sốt rét không hiệu quả mà đã làm lan truyền các căn bệnh nguy hiểm liên quan đến muỗi truyền nhiễm ở các vùng nông thôn giáp sông Mekong (Cửu Long).
Một nhà thuốc nằm gần chợ Thế Vận Hội (Phnom Penh) - trung tâm của các nguồn cung cấp thuốc Tây. Ảnh nguồn: Simon Roughneen.
Vấn đề bệnh tật ở Mekong có liên quan đến loại vi khuẩn đa kháng thuốc mà đôi khi còn được gọi là "khuẩn siêu vi", nó có thể phát triển siêu nhanh trong hệ sinh thái chứa nhiều loại thuốc mà không có loại nào có thể tiêu trừ được. Ký sinh trùng gây bệnh sốt rét chỉ là một phần vấn đề ở đây, và tình trạng bệnh tật hoành hành là do uống thuốc không hiệu quả. Ngành công nghiệp dược phẩm giả ở Đông Nam Á mà theo Văn phòng Thuốc và Tội phạm của Liên Hiệp Quốc (ODC) thì đó là một thế giới ngầm tinh vi.
Một báo cáo của UNODC đã chỉ ra rằng người tiêu dùng Đông Nam Á đã chi tổng số tiền 2,6 tỷ USD/năm để mua những loại thuốc có ít hoặc không có các thành phần cần thiết để trị bệnh. Những loại thuốc dạng này không chỉ "bất lực" trong việc đặc trị các chứng bệnh chết người mà còn gây hại cho các bệnh nhân uống chúng. Một số phân tích về thuốc giả còn tìm thấy các chất phụ gia độc hại, và trong một số trường hợp còn có cả thuốc diệt chuột và... xi đánh giày!
UNODC nhấn mạnh: "Buôn bán thuốc giả ảnh hưởng tới mọi vùng trên thế giới. Nó có thể tượng trưng cho một dạng nguy hiểm nhất của tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong việc trực tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe và an toàn của cộng đồng. Hậu quả là gây nghiêm trọng cho cả chính phủ và ngành công nghiệp dược".
"Bàn tay sắt" của Chính phủ Campuchia
Chống thuốc giả đã gây áp lực lên các chính phủ trong việc bảo vệ người tiêu dùng, và trọng trách này ngày một trở nên cam go hơn trong bối cảnh bùng nổ mạng đã biến thành sân của các giao dịch chất cấm xuyên quốc gia như thuốc phiện liều mạnh đến thuốc trị ung thư. Mua thuốc giả qua mạng cũng thực sự thê thảm.
Tờ Bangkok Post có viết bài về một phụ nữ Thái Lan tròn 30 tuổi đã qua đời vào tháng 7-2019 do uống thuốc giảm cân mua trên mạng. Cảnh sát Thái Lan sau đó đã đột kích một ngôi nhà và nhà kho do một phụ nữ quản lý, và họ tìm thấy một chất gọi là Sibutramine (một chất làm ức chế sự thèm ăn và cũng làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ đã bị cấm ở Thái Lan).
Thương mại xuyên quốc gia là một phần chính của thị trường hàng giả mà ODC tin rằng thuốc giả tăng tốc bào chế ở Đông Nam Á là một phần đòi hỏi từ các nhà sản xuất dược phẩm đến từ các nền kinh tế trưởng thành hơn. Các loại thuốc hay bị làm giả nhất ở Đông Nam Á bao gồm vaccine bệnh dại, thuốc chống ung thư, kháng sinh, thuốc ngủ, bộ dụng cụ thử thai, thuốc trị vô sinh và thuốc giảm cân. Ngay cả các thuốc trị dị ứng nặng, thuốc trị HIV hay ung thư cũng bị làm giả.
Ông Guillemaud nhấn mạnh: "Nếu bệnh nhân chẳng may qua đời, người nhà sẽ cho rằng do bệnh tật chứ không phải do cách điều trị". Tất cả các loại thuốc giả cùng nhắm đến một chủ đề chung: nhấm vào những bệnh nhân đang bị tổn thương nhất. Trong bối cảnh này rất khó để xác định xem Campuchia giữ bao nhiêu thị phần trong thị trường thuốc giả.
Trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Bank đã chỉ đích danh "các loại thuốc giả và nghèo chất lượng". Ông Tea Bank cảnh báo: "Cơ chế kiểm soát chất lượng thuốc trong suốt quá trình sản xuất và phân phối trên thị trường thực sự không hiệu quả. Người dân cũng không đủ trình độ để phân biệt thuốc giả. Những thách thức này đè lên phúc lợi và đời sống của người dân".
Mặc dù việc giám sát thuốc ở Vương quốc Campuchia chủ yếu đến từ Sở Thuốc và Thực phẩm của Bộ Y tế, nhưng việc kiểm soát hàng giả lại rơi vào Ủy ban Chống hàng giả của Bộ Nội vụ (CCC). Đầu năm 2019, CCC đã dùng xe lu cán nát hơn 70 tấn sản phẩm hàng giả (gồm 103 loại thuốc giả khác nhau) ngay tại một buổi lễ được tổ chức ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh. Trước đây, CCC đã tiêu hủy hàng giả dưới sự chứng kiến của giới chức chính phủ và quốc tế.
Ông Jakkrit là giám đốc nghiên cứu về luật kinh tế tại Viện nghiên cứu phát triển Thái Lan (TDRI) và đã xuất bản một cuốn sách hàn lâm về dược phẩm giả mạo ở Ấn Độ. Ông Jakkrit cũng đóng vai trò là cố vấn về sở hữu trí tuệ cho Công ty luật Tilleke & Gibbons hoạt động ở khắp Đông Nam Á.
Năm 2017, ông Jakkrit đã công bố một bài báo nghiên cứu dựa trên các cuộc phỏng vấn và nghiên cứu thực địa khác được tiến hành 3 năm trước đó tại Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Ông Jakkrit đề cập đến mối bận tâm về sự tăng cường đáng kể của các loại thuốc giả chảy từ các quốc gia láng giềng cũng như các nước sản xuất chính như Trung Quốc và Ấn Độ.
Có hơn 600 nhà thuốc đăng ký hoạt động ở Campuchia và cũng có không ít nhà thuốc hoạt động chui. Ảnh nguồn: Simon Roughneen.
Thị trường đen của thuốc không đăng ký
Ông Jakkrit nói rằng các nỗ lực chống hàng giả vẫn đang bị làm suy yếu bởi các hiệu thuốc không đăng ký, và khẳng định rằng "đang có một lượng thuốc giả bán lậu ở các hiệu thuốc và nhiều hơn thuốc bán ở các hiệu thuốc được đăng ký".
Ông Jakkrit cũng không chắc tình hình sẽ thay đổi kể từ khi ông nghiên cứu ở Campuchia, và lập luận: "Tôi nghĩ rằng vấn đề ở Campuchia là họ không coi thuốc là một sản phẩm thiết yếu để yêu cầu cơ chế giám sát chặt chẽ từ chính phủ, và đó là lý do tại sao thuốc bán dễ như mua rau ở khắp mọi nơi".
Nhưng cũng có những người khác tỏ vẻ lạc quan hơn so với lo lắng của ông Jakkrit trong cuộc chiến chống thuốc chất lượng kém. Một nghiên cứu năm 2014 được công bố bởi Dược điển Hoa Kỳ (USP) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tìm thấy một sự suy giảm đáng kể về thuốc không đạt tiêu chuẩn và thuốc giả ở Campuchia (giai đoạn 2006 và 2011), tỷ lệ thuốc giảm từ 7,4% xuống không đầy 1%.
Ngoài thuốc không đạt tiêu chuẩn thì cũng còn xuất hiện một tỷ lệ thấp các loại thuốc lừa đảo, đặc biệt là thuốc chống sốt rét. Cuộc nghiên cứu kết luận: "Tiếp tục các nỗ lực giám sát và tích cực đảm bảo chất lượng thuốc ở Campuchia nhằm duy trì mức độ thấp nhất của thuốc giả; tính bền vững của các nỗ lực này là rất quan trọng".
Một số dược sĩ ở thủ đô Phnom Penh chắc nịch rằng họ chưa từng thấy thuốc giả trên thị trường. Trong số họ là Chinn So Channa, chủ sở hữu của Pharmacie Prachea Cheat, đơn vị đang có một lượng lớn khách hàng trên khắp các tuyến phố ở chợ Toul Tompoung. Bệnh nhân nườm nượp tìm tới hiệu thuốc của bà So Channa, bà nói chỉ nghe loáng thoáng các báo cáo về thuốc giả trên báo chí, mạng xã hội và lời đồn của dư luận. So Channa không tin vào ba chuyện tào lao và khẳng định rằng nếu điều trị thất bại thì phần lỗi là do bệnh nhân dùng thuốc không đúng cách.
Cùng với các dược sĩ ở chợ Thế vận hội, bà So Channa dựa vào con dấu được phê duyệt bởi Bộ Y tế Campuchia cung cấp cho các hiệu thuốc hợp pháp. So Channa cũng nhận thông tin về việc phát hiện thuốc giả từ các hội thảo của Bộ Y tế cứ mỗi 3 đến 6 tháng. Với những người bán hàng như Heng và Bun Solar, họ cũng đóng vai trò trong cuộc chiến chống hàng giả cho đất nước. Họ nhận thấy rằng nếu Bộ Y tế mạnh tay thị sát thường xuyên thì sẽ chặn đứng hàng giả tuồn vào chuỗi cung ứng.
Ở thủ đô Phnom Penh, các dược sĩ và người tiêu dùng thường hành động giống nhau ở chỗ kiểm tra nhãn mác và bao bì 3 lần trước khi mua hàng. Các thanh sát viên của Bộ Y tế thường bất thình lình đi kiểm tra các công ty thuốc vào những dịp lễ; hoặc thi thoảng họ kiểm tra khoảng 2 lần trong tháng.
Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)
Theo CAND
Dư luận Campuchia phản đối mạnh mẽ phát ngôn của Thủ tướng Singapore Cả giới chức và giới học giả Campuchia đều bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ trước phát ngôn của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long về vấn đề Pol Pot-Khmer Đỏ. Trong những ngày vừa qua, dư luận Campuchia đang "dậy sóng" trước phát ngôn của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long về cuộc kháng chiến đánh đổ chế độ diệt chủng...