Thuốc ngừa thai kêu oan
Thuốc ngừa thai dùng để làm gì? Dĩ nhiên là để ngừa thai. Công dụng rành rành trên tên đó.
Thế nhưng, thực tế vẫn có không ít người ngộ nhận tác dụng của thuốc, dùng thuốc cho những mục đích khác chẳng liên quan gì đến ngừa thai. Thậm chí còn có chuyên gia y tế chủ động dùng thuốc ngừa thai với mục đích… chữa bệnh!.
Thuốc ngừa thai, hiểu cách đơn giản nhất, là thuốc sử dụng một hoặc hai thành phần nội tiết nữ estrogen và progesterone. Estrogen trong thuốc đa số là ethinyl estradiol, một estrogen vốn có trong cơ thể phụ nữ. Còn progesterone trong thuốc thực chất là các dẫn xuất tổng hợp, có tác dụng giống progesterone tự nhiên, gọi là progestins.
Tác động ngừa thai của thuốc chủ yếu ngăn chặn sự rụng trứng. Dùng thuốc, buồng trứng tạm ngưng không làm việc. Hết dùng, buồng trứng lại hoạt động bình thường. Bên cạnh đó thuốc còn làm thay đổi dịch nhầy cổ tử cung, gây khó khăn cho tinh trùng xâm nhập buồng tử cung và làm biến đổi nội mạc tử cung, không còn thuận lợi cho việc trứng làm tổ.
Video đang HOT
Dùng lâu ngày sẽ vô sinh?
Nhiều người, đặc biệt là phụ nữ trẻ, chưa có con hay lo ngại dùng thuốc ngừa thai lâu ngày sẽ bị tịt ngòi, gây vô sinh. Thật ra, đây là lo bò trắng răng. Thuốc ngừa thai chỉ thôi miên cho buồng trứng ngủ đông trong giai đoạn sử dụng thuốc, sau khi ngưng thuốc, buồng trứng lại thức dậy và làm việc tiếp. Có chăng, sau một giấc ngủ dài, sẽ có những buồng trứng dậy uể oải hay hăng hái thái quá, gây ra tình trạng rối loạn trong một vài chu kỳ đầu. Sau thời gian khởi động, buồng trứng sẽ trở về với nhịp độ hoạt động như trước. Đó là chưa kể, dùng thuốc ngừa thai lâu dài còn giúp bảo vệ buồng trứng trước nguy cơ ung thư. Người ta đã thấy trên người dùng thuốc ngừa thai lâu dài, trên người sanh con nhiều lần hay có thời gian cho con bú lâu… khả năng ung thư buồng trứng giảm đáng kể so với người bình thường.
Hết mụn nhờ thuốc?
“Khám sức khoẻ định kỳ về nội khoa và phụ khoa chính là cơ hội để phát hiện những trường hợp không nên tiếp tục dùng thuốc nữa”
Một tác dụng khác khá được người dùng quan tâm là tác dụng trên da. Các loại chứa progestins thế hệ sau, có ít tác dụng nam hoá, nên làm cải thiện đáng kể tình trạng mụn hay thay đổi sắc tố trên da. Đây cũng là ngộ nhận của nhiều thiếu nữ trẻ, dùng thuốc ngừa thai nhằm để đẹp da. Thật ra chỉ một số tạng người nhiều mụn trong bệnh cảnh rối loạn nội tiết tố, gây ra dư nội tiết tố nam và làm tăng mụn mới có thể dùng một số loại thuốc ngừa thai đặc biệt để giảm phần nào rối loạn nội tiết, đưa đến giảm mụn. Chứ không phải người nào có mụn cũng dùng được thuốc ngừa thai, hay thuốc ngừa thai nào cũng dùng được.
Trị rối loạn kinh nguyệt?
Khi dùng thuốc ngừa thai, chu kỳ kinh nguyệt sẽ đều đặn theo vỉ thuốc uống. Hết thuốc vài ngày sẽ có kinh. Số ngày hành kinh cũng ít hơn bình thường, không có hiện tượng kinh kéo dài dây dưa, nếu chị em uống lại vỉ thuốc mới theo đúng hẹn bảy ngày sau khi hết vỉ thuốc cũ, thậm chí còn giảm đáng kể tình trạng đau bụng kinh. Đây chính là lợi điểm của biện pháp dùng thuốc uống để ngừa thai. Một số trường hợp có rối loạn kinh nguyệt cần điều trị cũng được bác sĩ kê toa thuốc ngừa thai trong thời gian ngắn hạn, nếu không có chống chỉ định, ngay cả khi đây là một thiếu nữ chưa có gia đình hay một phụ nữ không có nhu cầu ngừa thai.
Nám da, mập lên tại thuốc?
Nám da khi dùng thuốc ngừa thai chỉ xảy ra trên một số người đặc biệt, và thường là với các loại chứa progestins thế hệ cũ. Nám da, nếu có, thường sẽ ổn định sau một thời gian dùng thuốc, tránh tiếp xúc mặt trời khi dùng thuốc bằng các loại kem chống nắng hay các cách che chắn bảo vệ sẽ làm giảm bớt nám da. Progestins trong thuốc còn có tác dụng giữ nước cho cơ thể, dẫn đến một số người phốp pháp than mập lên khi dùng thuốc, hay một số lang băm dùng thuốc phụ thêm trong toa thuốc tăng cân dành cho người gầy ốm. Chưa nói, khi dùng thuốc, gò ngực cũng sẽ đầy đặn hơn, nên có nhiều em trẻ đã tự ý dùng thuốc với mong muốn “vòng một nở như vòng ba”. Với tác động giữ nước, các loại thuốc chứa progestins thế hệ mới hầu như không còn tác dụng này, tuy giá thuốc vẫn đắt. Những ảnh hưởng trên bầu ngực chỉ là tác động tạm thời, sau ngưng thuốc, bầu ngực lại quy hồi như cũ.
Thuốc làm “khô hạn” khi gần chồng?
Tùy thuốc mà uống, tiêm hay… dán Thuốc ngừa thai có nhiều loại và cũng có nhiều cách sử dụng. Có loại kết hợp estrogen và progestins, có loại đơn thuần chỉ gồm progestins (loại dành cho người nuôi con bú). Ngoài thuốc uống, còn có thuốc tiêm ngừa thai (là loại chứa progestins có tác dụng kéo dài, một mũi tiêm cho tác dụng ba tháng); thuốc cấy ngừa thai (cũng là loại chứa progestins có tác dụng kéo dài, que cấy vào da và tác dụng ba năm). Hiện cũng đã có thuốc dán ngừa thai, một miếng dán cho tác dụng trong một tuần; vòng có tẩm nội tiết, dùng đặt trong âm đạo, tác dụng hàng tháng…
Một khía cạnh khá tế nhị mà thường người dùng thuốc có thắc mắc nhưng không biết hỏi ai là tác động của thuốc ngừa thai trên hoạt động tình dục. Về mặt tâm lý, thuốc giúp ngừa thai hiệu quả, hoạt động tình dục lúc đó không còn lo lắng có thai ngoài ý muốn, có nghĩa là có thể “thả giàn”.
Tuy nhiên, do lượng estrogen trong thuốc có thể thấp hơn với nồng độ sinh học bình thường (nhất là các loại thuốc vỉ mới có estrogen thấp) nên sẽ dẫn đến tình trạng giảm dịch tiết vùng kín, đưa đến khô hạn, làm khó khăn khi hoạt động. Có thể giải quyết bằng “khúc dạo đầu” có kỹ thuật và thời gian, cũng như dùng thêm một số thuốc tại chỗ cho thêm phần… tươi mát.
Thuốc ngừa thai là biện pháp ngừa thai hiệu quả nhất, giúp phụ nữ có kế hoạch cho việc sinh nở phù hợp. Các tác động có lợi cần được nhắc tới khi tư vấn cho người dùng thuốc, để giúp họ an tâm dùng thuốc lâu dài. Còn tác động bất lợi, thật ra vẫn có nhưng không đáng lo vì trước khi ghi toa thuốc, các bác sĩ đã loại hẳn những người có nhiều nguy cơ khi dùng. Cũng như trong thời gian dùng thuốc, việc khám sức khoẻ định kỳ về nội khoa và phụ khoa chính là cơ hội để nhân viên y tế phát hiện những trường hợp không nên tiếp tục dùng thuốc nữa.
Theo ThS.BS Đặng Lê Dung Hạnh
SGTT