Thuốc của lang băm: Hiểm họa khôn lường
Hiện nay, có nhiều loại thuốc Ðông y do những vị lang băm không có giấy phép hành nghề khám chữa bệnh y học cổ truyền tự pha chế được bán một cách công khai và sử dụng khá rộng rãi trong cộng đồng dân cư. Việc dễ dãi đặt niềm tin vào những loại thuốc này luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ và trong thực tế đã khiến không ít người rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”, thậm chí, nhiều người đã phải đánh đổi bằng cả tính mạng của mình.
Hiệu quả và tính an toàn của các thuốc này phần lớn đều chưa được khoa học hoặc các cơ quan chức năng kiểm chứng, hầu hết những người mua và sử dụng đều dựa theo những lời giới thiệu hoặc quảng cáo theo kiểu truyền miệng, thiếu căn cứ khoa học.
Một trường hợp dị ứng thuốc Đông y điều trị tại Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng. Ảnh: H.T
Những ca bệnh “tiền mất tật mang”
Đến khám tại phòng khám tư vấn của Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai với khuôn mặt bị biến dạng nặng nề, chị Hoa, 32 tuổi, nhà ở Việt Trì cho biết, nguyên nhân khiến khuôn mặt chị bị biến dạng và phải đi khám là do bôi một loại thuốc Đông y trị nám da tự chế của một bà lang ở gần nhà.
Sau khi dùng được khoảng 3 ngày, chị bắt đầu thấy xuất hiện ngứa và đau rát tại chỗ bôi thuốc, toàn bộ mặt chị dần trở nên sưng nề và tấy đỏ, sau một ngày, tình trạng sưng nề ở mặt đã khiến 2 mắt của chị không thể mở ra được và bị hạn chế tầm nhìn. Sau khi thăm khám, chị Hoa đã được các bác sĩ của trung tâm chẩn đoán bị viêm da dị ứng tiếp xúc do thuốc bôi. May mắn là chị đến khám khá sớm nên tổn thương da mới chỉ khu trú tại mặt mà chưa lan tỏa như nhiều trường hợp khác.
Video đang HOT
Tương tự trường hợp của chị Hoa, chị Hà, 36 tuổi, ở Hưng Yên cũng đến khám tại Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng với khuôn mặt bị sưng nề, tấy đỏ và nhiều ban đỏ khắp người. Các biểu hiện này xuất hiện sau khi chị dùng một loại cao thanh nhiệt giải độc mua ở gần nhà. Đáng nói là ngay khi mới xuất hiện một vài ban đỏ trên da, chị đã đến hỏi người bán thuốc về cách giải quyết và được trả lời rằng đó là những biểu hiện bình thường sau dùng thuốc, do các chất độc được xuất tiết ra ngoài và sẽ tự hết.
Sau 2 ngày, các đám ban đỏ đã lan khắp toàn thân, rất ngứa và rát, mặt bị phù nề, biến dạng, hai mắt sưng nề không thể nhìn rõ. Kết quả thăm khám cho thấy, chị đã bị nhiễm độc da do dùng thuốc Đông y. Theo các bác sĩ trực tiếp khám bệnh cho chị Hà, tình trạng bệnh của chị là khá nặng do đi khám muộn.
Thực chất thuốc Ðông y tự chế
Thực tế cho thấy, các loại thuốc này thường được sản xuất hoặc phân phối bởi những cơ sở y tế tư nhân không phép, thậm chí nhiều người bán thuốc còn chưa từng được đào tạo về chuyên môn y dược. Mặc dù đã được cảnh báo trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng về nguy cơ tiềm ẩn của loại thuốc này nhưng rất nhiều người vẫn dễ dãi sử dụng do chúng tương đối dễ mua, không cần đơn của thầy thuốc, không cần đến khám tại bệnh viện và đặc biệt là do sự tin tưởng vào những lời quảng cáo về khả năng chữa khỏi nhiều loại bệnh mạn tính dai dẳng hoặc bệnh nan y mà y học hiện đại gặp nhiều khó khăn, như bệnh gan mật, mẩn ngứa dị ứng, vảy nến, nám da…
Tuy nhiên, những hiệu quả chữa bệnh này phần lớn đều chưa được khoa học kiểm chứng. Bên cạnh đó, thành phần và nguồn gốc của phần lớn các thuốc này đều không được biết rõ, một số loại thuốc Đông y trá hình đã được phát hiện có chứa một hàm lượng rất cao các thuốc Tây y, dẫn đến nguy cơ nhiễm độc và nhiều tác dụng phụ khác khi sử dụng.
Ngoài ra, một số người bán thuốc tự phong là các “ông lang”, “bà lang” nhưng không có những hiểu biết cơ bản về tác dụng cũng như độc tính của loại thuốc mà mình bán ra và không ý thức hết được nguy cơ do các thuốc này đem lại cho người sử dụng. Do đó, khi xảy ra các tai biến trong quá trình dùng thuốc thường được người bán thuốc giải thích là do “công thuốc” hoặc “các chất độc phát tiết ra ngoài”…
Lời khuyên của thầy thuốc
Các trường hợp phải đi khám vì những tai biến dị ứng và nhiễm độc do sử dụng thuốc “gia truyền” của các lang băm như chị Hoa, chị Hà gặp khá thường xuyên tại phòng khám tư vấn của Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai, nhiều trường hợp rất nặng phải nhập viện điều trị nội trú.
Trước thực trạng này, người dân cần hết sức thận trọng khi sử dụng Đông dược. Thuốc Đông y cũng như thuốc Tây y đều có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn khi sử dụng. Nên đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế đáng tin cậy, được cấp phép.
Cần ngay lập tức ngưng dùng thuốc và đến khám tại các cơ sở chuyên khoa khi có bất kỳ một biểu hiện bất thường nào xảy ra trong quá trình dùng thuốc, đặc biệt là những biểu hiện ngoài da, không nên dễ dãi tin rằng đó chỉ là một biểu hiện “công thuốc” bình thường.
BS.Nguyễn Hữu Trường
(TT Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai)
Theo suckhoedoisong.vn
Nhuộm tóc có thể gây ung thư
Hiện nay, tại các cửa hàng làm tóc, nhiều bạn trẻ đua nhau nhuộm tóc với đủ màu của dãy quang phổ. Thế nhưng, không phải ai cũng biết rằng thuốc nhuộm tóc có thể gây hại cho cơ thể. Nhẹ thì gây viêm da dị ứng, rụng tóc... nặng thì gây ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể, xơ cứng bì, thậm chí gây ung thư.
Trong thành phần của thuốc nhuộm tóc có nhiều hoá chất độc hại. Paraphenylenediamin là loại hoá chất thường được dùng trong thuốc nhuộm tóc. Hiện nay, một số nước châu Âu đã cấm dùng hoá chất này. Các chuyên gia y tế đã chứng minh rằng paraphenylenediamin gây dị ứng, chàm, hen, loét dạ dày, làm da mẩn đỏ, nhạy cảm với nắng và có thể gây tử vong nếu ngộ độc nặng.
Thuốc nhuộm tóc có chứa nhiều chất độc hại.
Những người thường xuyên nhuộm tóc sẽ bị các hoá chất độc hại ngấm qua da đầu vào máu và tích tụ lại trong cơ thể, lâu dần gây ung thư máu, u máu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh. Các chất phụ gia như propylenglycol và isopropyl alcohol cũng gây tác hại không nhỏ. Propylenglycol ảnh hưởng tới gan, thận, não, còn isopropyl alcohol thì có thể gây trầm cảm, nhức đầu.
Vì vậy, nên hạn chế nhuộm tóc. Khi nhuộm tóc, cần lưu ý không được nhuộm tóc khi vùng da ở đầu, mặt, cổ bị tổn thương hay sưng đau. Phụ nữ trong thời gian hành kinh hay trong thai kỳ tuyệt đối không dùng thuốc nhuộm tóc. Khi thuốc vào mắt, cần đến bác sĩ nhãn khoa ngay.
Những loại thuốc nhuộm tóc khi pha quá 30 phút mà chưa sử dụng phải bỏ đi. Khi pha thuốc, cần tránh dùng các dụng cụ chứa làm bằng kim loại. Khi nhuộm tóc cũng không nên dùng lược chải bằng kim loại.
Trước khi nhuộm tóc, phải thử phản ứng của thuốc trên da. Chấm một đầu nhỏ lên da tay rồi để khô tự nhiên sau 48 giờ. Nếu vùng da chấm thuốc bị nổi đỏ, sưng hoặc ngứa thì phải rửa ngay vết thuốc ở chỗ thử và không nên dùng loại thuốc ấy nữa.
Theo SK&ĐS
Dùng thuốc sát khuẩn bôi ngoài da sao cho đúng? Có nhiều loại bệnh da, nhiều tác nhân bên ngoài gây nên các thương tích ngoài da có thể bị nhiễm trùng, làm mủ, rất lâu lành và khi lành sẽ để lại sẹo. Ngoài việc dùng thuốc kháng sinh toàn thân, chúng ta cần phải săn sóc chỗ da bị bệnh và bôi thêm thuốc sát khuẩn tại chỗ. Vấn đề đặt...