Thuốc chữa ung thư bị tiêu hủy: Đừng đặt mạng người bên cạnh thủ tục
Cần tới gần một năm cho thủ tục để nhập được những viên thuốc cứu người. Quãng thời gian này khiến cho câu nói của tiền nhân “cứu người như cứu hỏa” phần nào trở nên mỉa mai.
7 năm trước, mẹ của các con tôi được phát hiện mắc bạch cầu, sau một liệu trình gồm 6 đợt hóa trị, bệnh viện cho biết muốn kéo dài sự sống thì chỉ có cách duy nhất là chờ cơ hội ghép tủy, dù khả năng an toàn là 50/50. Khi đó, những viên thuốc Tasigna chưa xuất hiện, và các con tôi trở thành mồ côi, vì mẹ chúng không thể chờ đợi.
Những người bệnh bạch cầu sau này có thể đã may mắn hơn nhờ những viên thuốc ấy. Song, cơ may ấy của họ đã bị tước đoạt bởi những quy trình thủ tục lạnh lùng. Người ta đã tiêu hủy 2 vạn viên thuốc quý giá ấy chỉ vì hạn sử dụng của nó không đáp ứng được quy trình làm thủ tục của một hệ thống quan liêu.
Tôi đã bần thần hơn một ngày khi đọc những thông tin xung quanh câu chuyện 2 vạn viên thuốc Tasigna phải tiêu hủy vì hết hạn do thời gian làm thủ tục kéo dài đến gần hai năm trời.
Thuốc chữa ung thư bị tiêu hủy: Đừng đặt mạng người bên cạnh thủ tục
Tôi không thể hiểu nổi điều gì đã xảy ra khi cơ hội được cứu sống của hàng trăm con người lại phải thúc thủ trước đám công văn, giấy tờ vô cảm ấy? Tôi đọc kết luận thanh tra vụ việc này, và thấy có gì đó sai sai khi dường như tất cả các bên liên quan đều làm đúng quy trình.
Cái quy trình ấy đã diễn ra như thế nào? Tháng 12/2013 Bệnh viện gửi văn bản đến Cục Quản lý Dược để có giấy phép lưu hành. Sau khi trình lên Sở, UBND TP HCM để được phê duyệt vào tháng 6/2014 thì Hải quan TP HCM không cho bệnh viện tiếp nhận lô thuốc do theo quy định hạn dùng còn lại kể từ ngày nhập cảng Việt Nam không dưới 12 tháng.
Video đang HOT
Bệnh viện và Sở Y tế TP HCM đã đề nghị hải quan xem xét, hỗ trợ, đến ngày 13/8/2014 bệnh viện nhập kho lô thuốc trên thì hạn sử dụng của lô thuốc chỉ còn 10 tháng.
Cần tới gần một năm cho thủ tục để nhập được những viên thuốc cứu người. Quãng thời gian này khiến cho câu nói của tiền nhân “cứu người như cứu hỏa” có phần mỉa mai. Song, điều kinh khủng hơn là ngay cả khi đã vượt qua những nhiêu khê kỳ lạ của thủ tục thì người bệnh vẫn không được sử dụng thuốc chỉ vì không có đủ số tiền 4% mà không được tài trợ trên tổng số thuốc viện trợ. Số tiền đó tương đương 42 triệu đông cho một nạn nhân. Và toàn bộ lô thuốc 2 vạn viên đó đã phải tiêu hủy do hết hạn. Trong khi toàn quốc có tới 3000 bệnh nhân bạch cầu mãn có nhu cầu sử dụng loại thuốc này.
2 vạn viên thuốc quý phải tiêu hủy. Trong bối cảnh đất nước còn nghèo khó, “thắt lưng buộc bụng” thế này, hẳn sẽ có người phải chịu trách nhiệm về sự lãng phí này. Song có lẽ sẽ không có ai phải chịu trách nhiệm về số phận của hàng trăm con người lẽ ra được cứu sống. Bởi việc sống, chết của những người bệnh không thuộc về bất cứ quy trình nào mà ai đó sẽ phải chịu trách nhiệm.
Những viên thuốc Tasigna quý giá vừa bị tiêu hủy
Kết luận thanh tra, chắc chắn sẽ không đặt câu hỏi vì sao không có bất cứ ai lên tiếng đề nghị một giải pháp tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục để người bệnh có thể được cứu sống?
Không có ai lên tiếng để thủ tục nhập thuốc nhanh hơn, để người bệnh có thể sử dụng thuốc dù không có đủ tiền thay cho việc phải để thuốc trong kho cho đến khi hết hạn? Thậm chí, chuyện này sẽ không được biết đến nếu như không nằm trong nội dung thanh tra những sai phạm của bệnh viện.
Tôi thực sự không hiểu cơ chế nào tạo nên sự im lặng chết người ấy? Bởi tôi không muốn nghĩ rằng tất cả các cá nhân đơn vị liên quan đến câu chuyện này đều im lặng chấp nhận phải tiêu hủy 2 vạn viên thuốc quý chỉ bởi vì họ đều không nhìn thấy lợi lộc gì để làm việc này. Tôi không muốn nghĩ rằng việc cứu sống hàng trăm mạng người đã không hề được coi là lợi ích.
(Theo Vietnamnet)
Hải quan thông quan 20.000 viên thuốc ung thư chỉ 1 ngày
Liên quan tới 20.000 viên thuốc ung thư bị tiêu hủy, trong thông cáo báo chí chiều 5-5, Tổng cục Hải quan khẳng định việc lô thuốc có hạn dùng quá ít khi hoàn thành thủ tục nhập khẩu không phải do hải quan kéo dài thời gian làm thủ tục.
Thực tế, vì lý do nhân đạo, cơ quan hải quan thông quan lô hàng chỉ sau 1 ngày kể từ ngày nhận được tờ khai hải quan.
Thông tin thêm về lô hàng, Tổng cục Hải quan cho biết tên hàng Tasigna (nilotinib) 200mg viên nang cứng, số lượng 309 hộp. Mỗi hộp 112 viên. Hạn dùng 24 tháng, sản xuất tháng 6-2013 và hết hạn tháng 5-2015, do Tổ chức Novatis Pharma AG trao tặng.
Quá trình nhập khẩu lô hàng: ngày 15-7-2013, Bệnh viện Truyền máu - huyết học TP.HCM nhận được thư hiến tặng thuốc từ Công ty Novatis Pharma.
Ngày 28-11-2013, bệnh viện có công văn gửi Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đề nghị được tiếp nhận lô hàng.
Ngày 12-12-2013, Cục Quản lý dược có công văn trả lời không đồng ý để bệnh viện tiếp nhận lô hàng do thiếu văn bản phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền và một số loại chứng từ khác.
Ngày 10-3-2014, Sở Y tế TP.HCM có công văn gửi UBND TP.HCM đề nghị được tiếp nhận lô hàng thuốc viện trợ.
Ngày 24-6-2014, UBND TP.HCM ban hành quyết định phê duyệt cho Sở Y tế tiếp nhận viện trợ lô hàng thuốc.
Ngày 14-7-2014, Cục Quản lý dược có công văn đồng ý để bệnh viện tiếp nhận lô hàng. Trong đó yêu cầu: hạn dùng còn lại kể từ ngày cập cảng Việt Nam không được dưới 12 tháng.
Theo vận đơn số 740135202-2 và 7401351230, lô hàng được xếp lên máy bay để vận chuyển sang VN ngày 23-7-2014. Như vậy, thời điểm lô hàng cập cảng Việt Nam thì hạn dùng còn lại không còn đủ 12 tháng (vì sản xuất từ tháng 6-2013).
Ngày 1-8-2014, bệnh viện có công văn gửi Cục Hải quan TP. HCM giải trình về lý do hạn dùng lô hàng còn lại dưới 12 tháng và xin được thông quan vì lý do nhân đạo.
Ngày 6-8-2014, Công ty TNHH chuyển phát nhanh DHL - VNPT đại diện làm thủ tục nhập khẩu cho Bệnh viện truyền máu huyết học TP. HCM, cơ quan hải quan đã tiếp nhận làm thủ tục ngay cho 2 tờ khai hải quan nhập khẩu thuốc viện trợ số 051586/PMD và 051587/PMD. Cả 2 tờ khai đều đã được thông quan ngày 7-8-2014.
Về chính sách quản lý thuốc nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết, theo quy định, tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu lô hàng thì thuốc khi nhập khẩu vào VN phải có Giấy đăng ký lưu hành hoặc có Giấy phép nhập khẩu còn hiệu lực.
Đồng thời thuốc nhập khẩu phải có hạn dùng lớn hơn hoặc bằng 24 tháng, hạn dùng còn lại của thuốc phải còn tối thiểu 12 tháng kể từ ngày đến cảng Việt Nam.
Trường hợp thuốc có hạn dùng dưới 24 tháng thì hạn dùng còn lại kể từ ngày đến cảng Việt Nam tối thiểu phải bằng 1/3 hạn dùng của thuốc.
(Theo Tuổi Trẻ)
7 người thân của Bí thư xã cùng "làm quan" đúng quy trình Vị bí thư từng bị kỷ luật vì "nuôi nhầm" nhím cấp phát cho người nghèo có 7 người thân làm "quan" ở cùng một xã. Thời gian gần đây, dư luận tại huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam bàn tán xôn xao về việc nhiều người trong gia đình ông Đỗ Đình Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Quế Long (huyện Quế...