Thung Trâu – Điểm đến gần Hà Nội thu hút tín đồ phượt dã ngoại mỗi mùa cắm trại
Cách Hà Nội khoảng 80 km di chuyển, Thung Trâu mỗi mùa cắm trại luôn là điểm đến thu hút tín đồ phượt dã ngoại đến từ thủ đô và các khu vực lân cận.
Khám phá Kim Bôi, chinh phục Thung Trâu
Kim Bôi là một huyện ở phía đông tỉnh Hòa Bình, được biết đến với suối nước khoáng nổi tiếng, những năm gần đây đã phát triển thành thương hiệu suối nước nóng giúp du khách đến đây có thể tận hưởng cảm giác thư giãn và xả stress khi được ngâm mình trong các bể nước khoáng nóng. Với địa hình đồi núi, đặc biệt là núi đá vôi, huyện Kim Bôi có các đỉnh núi tiêu biểu như Đồi Thơi cao 1.198 m, Đồi Bù cao 833 m cùng dòng sông Bôi chảy dọc theo địa bàn huyện theo hướng tây bắc – đông nam tạo lợi thế phát triển du lịch.
Những năm gần đây, Kim Bôi đã trở thành một địa điểm rất thú vị để tín đồ phượt dã ngoại lựa chọn là điểm nghỉ ngơi, thư giãn vào 2 ngày cuối tuần cùng bạn bè và gia đình. Địa hình núi non trùng điệp giúp khí hậu của Kim Bôi thường xuyên mát mẻ, ngay cả trong thời điểm nóng cao điểm của mùa hè. Có người cho rằng bất kỳ thời gian nào trong năm ở đây thời tiết đều đẹp, chỉ cần lưu ý tránh mùa mưa bão miền Bắc khoảng tháng 7 – 8. Nói đến cắm trại thì Thung Trâu chính là một địa điểm đặc biệt, nằm sâu trong vùng núi Kim Bôi.
Thung Trâu vô cùng lý tưởng cho hoạt động cắm trại. (Ảnh: Chu Danh Hiếu/Group Check in Vietnam)
Năm ngoái, một diễn đàn cắm trại chia sẻ: “Thung Trâu – Xóm Mị – Kim Bôi – Hoà Bình… Đầu tiên là Sông Bôi đoạn chảy qua Xóm Mị, ở đây đẹp hơn bên Nà Bờ rất nhiều lại vắng vẻ, nước trong vắt, có đoạn nước chỉ đến mắt cá chân, đoạn thì nửa người. Thích hợp với bơi lội trèo sup, trẻ con chơi cả ngày k chán. Vào mùa nước nông thì mọi người có thể đi xe qua sông sang bờ bên kia để vào thung lũng Thung Trâu…, nước chỉ đến nửa bánh xe, nên đi bộ qua để thăm dò trước và xe 2 cầu. Hoặc có thể đi bộ sang. Thung lung chỉ có 1 đường vào duy nhất, bao quanh là núi đá, bãi cỏ cực kì sạch sẽ, yên tĩnh và riêng tư không ai làm phiền, vào được bên trong này các bạn sẽ bất ngờ vì cảnh đẹp ở đây”.
Ban đầu, đây chỉ là bãi thả trâu của người dân địa phương, đó cũng là lý do của cái tên Thung Trâu (thung lũng trâu). Theo kinh nghiệm của nhiều phượt thủ thì thời gian tốt nhất để đến đây chơi là khi mùa nước cạn, tức là vào dịp cuối năm vào tháng 11 – 12 và đầu năm tháng 2 – 3.
Thung Trâu phù hợp cắm trại bằng ô tô. (Ảnh: Duy Huynh Cao/Group Nghiện Cắm Trại – Camping Việt Nam)
Đến với Thung Trâu, Kim Bôi
Để đến được Thung Trâu, du khách phải vượt qua sông Bôi đoạn gần Nà Bờ. Để di chuyển tới Thung Trâu, nhiều tín đồ phượt cho rằng phải sử dụng xe gầm cao, có khả năng offroad và không nên sử dụng xe máy vì đường đi khá gập ghềnh và khó khăn.
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 80 km, phương tiện thuận lợi nhất để đến Kim Bôi được cho là phương tiện cá nhân. Có 2 cùng đường để đi tới khu suối khoáng Kim Bôi, du khách có thể đi một đường và về một đường để chuyến đi tạo thành một cung đường vòng tròn nhiều mới lạ. Chiều đi từ Hà Nội đến thị trấn Lương Sơn, tới đoạn Bãi Lạng thì rẽ trái đi theo hướng đường đi Bãi Chạo để tới Kim Bôi. Chiều về đi thẳng đường 12B ra QL6 đoạn Dốc Cun để quay lại thành phố Hòa Bình về Hà Nội. Trên đường về có thể ghé qua Bảo tàng văn hóa Mường hoặc nhà máy thủy điện Hòa Bình.
Để đến Thung Trâu, từ trung tâm Kim Bôi tìm hoặc hỏi đường đến xã Mỵ Hòa, tới rẽ vào đường làng và đi đến bờ sông Xóm Mị rồi vượt sông đến Thung Trâu. Điểm đến này cách biệt với các bãi dịch vụ bờ sông nên không dễ tìm kiếm, cần chú ý khi đi để không bị lạc đường.
Video đang HOT
Đến khu cắm trại Thung Trâu phải băng qua sông Bôi. (Ảnh: Chu Danh Hiếu/Group Check in Vietnam)
Để đến Kim Bôi từ Hà Nội, nếu không có phương tiện cá nhân hoặc không thuê được xe riêng, du khách có thể đi xe khách tới thành phố Hòa Bình và nhờ lái xe cho xuống địa điểm gần Bệnh viện tỉnh Hòa Bình. Từ đây có thể bắt tuyến xe buýt số 02 đi Lạc Thủy, đường đi này cũng đi qua khu du lịch suối khoáng Kim Bôi.
Một số phượt thủ có kinh nghiệm từng trải nghiệm cắm trại ở đây cũng cho rằng chỉ có ô tô dòng SUV hoặc bán tải 2 cầu mới có thể vào được, xe thường chỉ có thể cắm trại ở bờ sông. Một số phượt thủ cũng lưu ý tránh tắm ở khu vực Mỵ Hòa và hạn chế cắm trại qua đêm. Nói chung, mọi thông tin về đường đi lối lại và hoạt động cắm trại đều nên tham khảo thông tin từ người dân bản địa để đảm bảo an toàn.
Đi bán tải cắm trại Thung Trâu là tuyệt nhất. (Ảnh: Duy Huynh Cao/Group Nghiện Cắm Trại – Camping Việt Nam)
Cách khu du lịch Suối khoáng Kim Bôi không xa, khoảng hơn 20km, du khách có thể ghé thăm khu du lịch sinh thái Cửu Thác Tú Sơn. Đây là một trong những địa danh nổi tiếng và đẹp nhất của xứ Mường với khung cảnh hùng vĩ, núi non cao ráo và những thác nước tuyệt đẹp. Đặc biệt, khí hậu mát mẻ, trong lành của Cửu Thác Tú Sơn cũng là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tránh khỏi cái nắng gắt của mùa hè.
Những địa điểm tham quan ở khu vực Thung Trâu
Khu du lịch sinh thái Cửu Thác Tú Sơn ở xóm Củ, xã Tú Sơn, Kim Bôi gần quốc lộ 12B có cung đường đi rất đẹp và đặc biệt phù hợp với những người yêu thích cảnh vật hoang sơ, mộc mạc. Đến đây bạn có thể chiêm ngưỡng khung cảnh đời sống của người Mường, thưởng ngoạn các thác nước đẹp và thơ mộng. Một ngọn thác có phong cảnh hùng vĩ và thơ mộng khác là Thác Tiên nằm ở độ cao 1.300 m so với mặt nước biển. Bên cạnh đó là thác hồ Âu Cơ, một trong những ngọn thác huyền bí, nơi lưu truyền dấu tích “quả trứng Âu Cơ” khổng lồ hóa đá nằm giữa suối.
Vẻ đẹp Cửu Thác Tú Sơn. (Ảnh: Sinhtour)
Thác Quan Lang lại có một câu chuyện tình yêu lãng mạn được lưu truyền từ xa xưa. Thác Hồ Út Lót gắn liền với câu chuyện tình yêu trắc trở của nàng Út Lót và chàng Hồ Liêu – hai người không lấy được nhau nên đã hóa thành đôi bướm trắng rập rờn bên suối. Thác Bạc với độ cao hơn 20 m, tựa như mái tóc của sơn nữ xứ Mường, tấu lên những tiếng ầm ầm, ào ào nghe như bản hùng ca của núi rừng Tây Bắc.
Thác Thiên Ngọc Thạch cũng là một địa điểm đẹp của vùng, có hòn đá tròn khổng lồ màu xanh ngọc như treo lơ lửng giữa trời, tạo nên cảnh quan tuyệt đẹp. Dưới chân thác là không gian mênh mông, huyền ảo, tráng lệ của động Thuỷ Cung, với muôn vàn hoa lá khoe sắc rực rỡ. Cách đó không xa là thác hồ Trượng Phu cao 100 m, dòng thác như từ trên trời buông xuống hồ Tiên Sa rộng 300 m 2 tạo nên khung cảnh vô cùng ấn tượng. Phía trên hồ Tiên Sa là giếng Ngọc, một điểm đến hấp dẫn với du khách yêu thích khám phá.
Ngoài những ngọn thác kể trên, gần khu vực Thung Trâu còn có động Long Cung, một dòng suối cổ xưa chảy từ đầm hồ ba nhánh, trên cao đất đá tuôn xuống lấp tắc, làm nước đổi dòng biến suối trở thành hang động huyền ảo. Đi qua cây cầu treo rung rinh trước gió và gần 200 bậc thang đá là tới khu vườn Thượng Uyển nằm ở độ cao 1.000 m so với mực nước biển với khí hậu mát mẻ bên những cánh rừng già nguyên sinh, xanh thẳm mờ sương. Ven suối có những nhà sàn nhỏ xinh nằm im lìm bên những tảng đá cạnh dòng nước trong mát.
Lối vào động Long Cung. (Ảnh: Du lịch Bến Nghé)
Xa hơn khu vực Thung Trâu tất nhiên là những địa danh vốn đã nổi tiếng của tỉnh Hòa Bình mà bạn hoàn toàn có thể đưa vào lịch trình chuyến đi như nhà máy thủy điện Hòa Bình, Thung Nai, đền Thượng Bồng Lai… Ngoài ra, đừng quên thưởng thức các loại đặc sản Hòa Bình như thịt lợn mán, gà “chạy bộ”, cơm lam, xôi ngũ sắc, măng đắng; các loại rau rừng như rau tầm bóp, rau sắng… Nếu bạn muốn cắm trại ban ngày và lưu trú qua đêm trong khách sạn thì ở Hòa Bình có một số địa điểm được gợi ý nhiều là khách sạn Công Đoàn, Serena Resort Kim Bôi, V-Resort…
"Săn" hoa dã quỳ ở ngay gần trung tâm Hà Nội với hành trình 2 ngày 1 đêm lên núi Ba Vì
Những bạn trẻ ở Hà Nội và miền Bắc yêu thích hoa dã quỳ mà chưa thể bố trí thời gian đi Tây Nguyên thì hẳn sẽ lựa chọn "săn" hoa dã quỳ ở ngay gần trung tâm Hà Nội.
Điểm đến tuyệt vời này chính là núi Ba Vì.
Từ lâu, núi Ba Vì ở ngoại thành Hà Nội đã nổi tiếng có nhiều cảnh đẹp và một trong những thứ tuyệt vời ấy là hoa dã quỳ mỗi dịp cuối thu, đầu đông. Hoa dã quỳ ở Ba Vì thì không được nhiều ngút ngàn như ở Tây Nguyên nên gọi là "săn" hoa dã quỳ ở Ba Vì kể cũng có lý do. Nhưng khi "săn" được hoa rồi chỉ ngắm nhìn, chụp ảnh rồi về hay sao? Vậy thì sẽ khá là phí công rong ruổi hàng chục km lên núi cao. Hãy xem lịch trình 2 ngày 1 đêm ở Ba Vì có thể đem lại những gì nào!
Một số hình ảnh hoa dã quỳ tại Ba Vì. (Ảnh: Vườn quốc gia Ba Vì)
Ngày thứ nhất: Hành trình lên núi "săn" hoa
Vườn quốc gia Ba Vì chỉ cách nội thành Hà Nội khoảng 50 km nhưng đường đi không hoàn toàn dễ dàng bởi cung đường này sẽ có một số đoạn đường hẹp và hơi xấu. Với khoảng cách này thì lịch trình thong thả nhất là dành toàn bộ buổi sáng ngày đầu tiên để di chuyển và nghỉ trưa.
Nếu bạn sử dụng phương tiện cá nhân và di chuyển từ trung tâm Hà Nội thì nên đi đường Láng - Hoà Lạc (đại lộ Thăng Long), sau đó rẽ phải vào Thạch Thất đi Sơn Tây. Hết Sơn Tây tới ngã tư thì rẽ trái đi theo hướng chùa Thông rồi đi thêm 10 km nữa sẽ thấy biển chỉ dẫn đến Vườn Quốc gia Ba Vì.
Một lựa chọn khác là đi đường 32 theo hướng Nhổn, Phùng qua thị xã Sơn Tây rồi rẽ theo hướng đi chùa Thông để đến Vườn Quốc gia Ba Vì. Ngoài ra, đường đến Ba Vì từ trung tâm thủ đô cũng có rất nhiều đường tắt qua tỉnh lộ, huyện lộ... nhưng tất nhiên không phải ai cũng rõ.
Đến cổng Vườn Quốc gia Ba Vì rồi thì đi lên tới Cốt 400 (khu bể bơi) thêm 1 km, đến ngã ba hướng đi sang khu Di tích lịch sử. Tại cứ điểm 600, đi tiếp sẽ gặp 1 trạm gác. Tại đây, bạn có thể xin phép bảo vệ để được lên chụp ảnh hoa dã quỳ. Đi tiếp khoảng 1 km nữa đến ngã ba và rẽ trái để lên đồi 700, tới Đài quan sát cháy rừng rẽ trái là đến đồi hoa dã quỳ.
Những cung đường hoa dã quỳ ở Ba Vì. (Ảnh: Quốc Trung, Ngô Sinh Tùng)
Với lựa chọn đi xe buýt thì hiện có 2 tuyến xe buýt đến gần vườn quốc gia là xe 214 xuất phát từ bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông) và xe 74 xuất phát tại bến Mỹ Đình (Cầu Giấy). Điểm dừng của các tuyến buýt là ở trạm Xuân Khanh, cách Ba Vì khoảng 5 km, có xe ôm phục vụ.
Lên đến nơi bạn sẽ được thả mình vào bầu không khí trong lành, mát mẻ khác xa khói bụi, ồn ào nơi phố thị. Khung cảnh thiên nhiên, núi đồi thấp thoáng mờ sương hẳn sẽ khiến bạn cảm thấy thư giãn và tha hồ sáng tạo các góc chụp ảnh check-in. Thời điểm cuối thu, đồi hoa dã quỳ Ba Vì bung màu vàng rực rỡ làm cho cảnh sắc trở nên sinh động, quyến rũ hơn nữa.
Theo kinh nghiệm của một số phượt thủ thì hoa dã quỳ thường nở vào khoảng 2 tuần cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 dương lịch hàng năm, thời gian nở rộ chỉ khoảng từ 10 - 14 ngày. Nhưng theo một số nguồn tin khác thì thời gian hoa nở rộ và đẹp nhất từ ngày 5/11 đến ngày 20/11. Vậy nên để chắc chắn "săn" được hoa thì bạn nên tìm mấy số điện thoại tại địa phương hỏi trước nhé!
Sau cuộc hành trình dự kiến hơn 2 giờ đồng hồ vào buổi sáng (đại lộ Thăng Long tới khu vực Thạch Thất là đường nhỏ đi chậm hơn), nghỉ trưa một chút, buổi chiều sẽ là thời điểm thích hợp để di chuyển lên đồi hoa dã quỳ. Nếu đi vào ngày nắng đẹp chắc hẳn bạn sẽ có những bức ảnh vô cùng lung linh, rực rỡ.
Thiếu nữ bên dã quỳ Ba Vì. (Ảnh: Dân Việt)
Đêm thứ nhất: Cắm trại trên núi Ba Vì
Vườn Quốc gia Ba Vì quanh năm mát mẻ, sang thu, đầu đông thì hơi lạnh nhưng hầu như mùa nào cũng phù hợp để cắm trại. Theo những người có kinh nghiệm thì khoảng tháng 10 - 11 thời tiết Ba Vì rất dễ chịu, không có quá nhiều mây mù, khí hậu mát mẻ, trong lành nên đặc biệt phù hợp với các buổi cắm trại dã ngoại ngoài trời.
Vườn Quốc gia Ba Vì có nhiều địa điểm để cắm trại cho nhóm đông người như khu Rừng thông ở Ba Vì Resort; Rừng thông tư nhân ở khu vực vườn Xương Rồng; Hồ Tiên Sa; Xung quanh Nhà thờ cổ Pháp. Theo một nguồn tin mới cập nhật hồi đầu năm 2022 thì điểm duy nhất được cắm trại qua đêm bên trong Vườn Quốc gia Ba Vì là rừng thông cạnh vườn xương rồng. Khu này rộng rãi, không quá nhiều người cắm trại như ban ngày nên dễ chọn vị trí ưng ý nhất.
Cắm trại qua đêm ở Ba Vì cần chuẩn bị bếp nướng, đồ nướng, đồ ăn vặt, hoa quả, nước uống, bát đũa và cốc dùng một lần, lều bạt và các dụng cụ gọn nhẹ để ngồi nghỉ, lều và túi ngủ... Tất nhiên, nếu bạn ngại mang vác thì ở đây cũng có đồ ăn và đồ cắm trại cho thuê. Lưu ý là tuyệt đối không xả rác bừa bãi, không bỏ lại rác kẻo có ngày chẳng còn hoa dã quỳ mà ngắm nữa nhé!
Ngày thứ hai: Tham quan xung quanh Ba Vì
Ngoài hoa dã quỳ thì Ba Vì là khu vực có rất nhiều danh lam thắng cảnh. Tại khu vực Vườn quốc gia thì có Đồi Thông với rừng thông vi vút, rừng tùng rộng lớn, bao la, bát ngát và đẹp như trời Tây; Nhà thờ Đổ ở độ cao 800 m so với mực nước biển, giữa tán rừng già cổ thụ, trơ trọi giáo đường âm u giữa cây lá um tùm hơi có phần hoài cổ hoặc cảm giác mạnh tùy góc nhìn; Nhà kính xương rồng có hơn 1.200 loài xương rồng khác nhau rất xinh xắn; Tháp Báo Thiên; Đền Thượng; Di tích K9 Đá Chông...
Nhà thờ Đổ và vườn xương rồng. (Ảnh: Dulich24)
Gần Ba Vì thì có thể đến với thành cổ Sơn Tây hay làng cổ Đường Lâm..., toàn những chốn quen thuộc của dân nhiếp ảnh chứ không cứ gì tín đồ du lịch. Bạn cũng có thể đảo lịch trình đi tham quan từ chiều hôm trước, hôm sau dậy sớm để thử chụp ảnh hoa dã quỳ lúc bình minh xem có đẹp hơn không, hoặc là dành trọn cả 2 buổi cho loài hoa vàng rực ấn tượng này.
Ba Vì cách trung tâm Hà Nội không quá xa nên với những ai có quỹ thời gian hạn hẹp hơn thì hoàn toàn có thể đi "săn" hoa dã quỳ chớp nhoáng chỉ trong 1 ngày. Nếu đảm bảo được lịch trình di chuyển thì bạn sẽ có một buổi chiều trọn vẹn bên hoa dã quỳ rồi có thể quay về vào lúc 4 - 5h chiều.
Thêm nhiều tour du lịch 'độc, lạ' ở Lâm Đồng Trong tuần lễ vàng với chủ đề 'Lâm Đồng - điểm hẹn của hoa và âm nhạc', một số tour, tuyến du lịch mới, lạ, hấp dẫn được triển khai. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Lâm Đồng cho biết, hưởng ứng Tuần lễ vàng Du lịch Lâm Đồng năm 2024 diễn ra từ cuối tháng 5 này sẽ...