Thung lũng Silicon đối mặt với đòn thù của Trung Quốc
Thung lũng Silicon, nơi các đại gia công nghệ Mỹ đặt đại bản doanh, nhiều khả năng sẽ phải hứng chịu đòn trả đũa của Bắc Kinh khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang.
Khi nhìn về Trung Quốc, Thung lũng Silicon quan sát thấy rất nhiều điểm thuận lợi. Đó là thị trường hơn 1 tỷ dân, một nguồn lao động giá rẻ khổng lồ, một nhà cung cấp, đối tác kiêm đối thủ cạnh tranh. Đó còn là mối đe dọa an ninh lớn đối với ngành công nghệ Mỹ.
Giờ đây, đối với Thung lũng Silicon, Trung Quốc trở thành “kẻ thù” đang sẵn sàng tung đòn trả đũa. Cuối tuần qua, chính quyền Bắc Kinh thông báo sẽ công bố danh sách “các thực thể không đáng tin cậy” để trả đũa việc Mỹ cấm vận Huawei.
Huawei bị chính phủ Mỹ đưa vào danh sách đen. Ảnh: CNN.
Danh sách này bao gồm các doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài mà Trung Quốc cho rằng “không tuân thủ những quy tắc thị trường”, “vi phạm quy định hợp đồng”, các pháp nhân “áp đặt cấm vận hoặc ngừng cung cấp cho doanh nghiệp Trung Quốc vì mục đích phi thương mại”, “làm tổn hại nghiêm trọng các quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Trung Quốc”.
Thung lũng Silicon bị tổn thương
Theo báo New York Times, hầu như chắc chắn các tập đoàn công nghệ Mỹ sẽ có tên trong danh sách đen này. Bởi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang leo thang thành một cuộc chiến tranh công nghệ.
“Nếu hai bên liên tục đáp trả nhau, căng thẳng sẽ dẫn tới sự hình thành của hai thế giới công nghệ riêng với những tiêu chuẩn khác nhau. Giá sản phẩm sẽ tăng cao và người tiêu dùng sẽ chịu thiệt hại”, New York Times dẫn lời chuyên gia Rebecca Fannin, tác giả cuốn Tech Titans of China ( Những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc).
“Tuy nhiên cả Mỹ và Trung Quốc sẽ thúc đẩy nền công nghệ của nước mình và điều đó có lợi cho nền kinh tế toàn cầu”, tác giả Fannin dự báo.
Giới quan sát đã nhận định trong trận đại chiến thương mại này, một số tập đoàn ở Thung lũng Silicon rất dễ bị tổn thương. Facebook và Google đã bị chặn dịch vụ ở Trung Quốc, do mạng xã hội và dịch vụ tìm kiếm của Thung lũng Silicon sẽ đứng ngoài cuộc tranh chấp.
Các công ty Thung lũng Silicon sẽ hứng chịu đòn thù của Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.
Ngược lại, Apple đầu tư lớn vào Trung Quốc. Đây vừa là nơi Apple đặt dây chuyền sản xuất, vừa là thị trường iPhone lớn. Tesla đang xây một nhà máy ở Thượng Hải có khả năng sản xuất tới 250.000 xe hơi mỗi năm.
Video đang HOT
Hàng loạt nhà đầu tư Mỹ đã đổ tiền vào Trung Quốc. Phòng nghiên cứu của Microsoft đặt tại Bắc Kinh là cơ sở lớn nhất mà họ xây dựng ở nước ngoài. Rất nhiều sản phẩm của Amazon được sản xuất tại Trung Quốc và công ty này cũng vừa mở một phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo tại đất nước này.
Ở thời điểm hiện tại, nhiều công ty công nghệ nhỏ đã bắt đầu phải hứng chịu những tác động tiêu cực đầu tiên của xung đột thương mại Mỹ – Trung. Hai tuần trước, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa Huawei vào “danh sách đen”.
Lập tức, nhiều công ty có trụ sở tại Mỹ đã cắt đứt quan hệ với Huawei. Tập đoàn Trung Quốc đối mặt với khủng hoảng, nhưng một số công ty Mỹ hợp tác với Huawei cũng hứng “vạ lây”.
Ví dụ Lumentum, một công ty Thung lũng Silicon chuyên sản xuất thiết bị mạng cáp quang, cho biết 15% doanh thu của hãng đến từ Huawei. Tuần trước, công ty này đã hạ dự báo doanh thu quý xuống còn 390 triệu USD, giảm 35 triệu USD so với trước đó.
Qorvo, công ty linh kiện bán dẫn ở Bắc Carolina, cho biết doanh số phụ thuộc 15% vào Huawei. Doanh thu dự kiến trong quý của hãng sụt giảm 50 triệu USD, xuống còn 750 triệu USD.
Kêu gọi tránh leo thang
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chip máy tính lớn và đang có tốc độ phát triển nhanh. Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn, tính đến năm 2018, doanh số bán chip tại Trung Quốc chiếm khoảng 34% tổng doanh số toàn cầu, đạt 468,8 tỷ USD.
Tầm quan trọng của Trung Quốc đối với các nhà sản xuất chip của Mỹ được thể hiện qua việc vô số các con chip được gửi tới Trung Quốc để lắp ráp cho những thiết bị của hàng loạt hãng phần cứng khắp thế giới.
Chẳng hạn như có khoảng 60% thiết bị bán dẫn được bán trên thị trường hiện nay đều ít nhiều có liên quan tới Trung Quốc, hay điện thoại iPhone được công ty Foxconn sản xuất cho Apple ở Trung Quốc.
Apple đầu tư rất lớn vào Trung Quốc. Ảnh: Fortune.
Các nhà sản xuất chip bày tỏ hy vọng những cú đòn Mỹ và Trung Quốc tung ra chủ yếu nhằm mục đích tạo lợi thế trong đàm phán thương mại, chứ không tạo ra những thay đổi vĩnh viễn trong quan hệ làm ăn giữa hai nước.
“Mỗi lần chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang, các công ty bán dẫn rúng động và thị trường tài chính chao đảo. Hai bên càng khó đạt được một thỏa thuận thương mại”, ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ, tuyên bố.
Ông nói thêm: “Chúng tôi kêu gọi cả hai bên tránh leo thang căng thẳng, quay trở lại bàn đàm phán và đạt được thỏa thuận tốt nhất, lâu dài và bền vững”.
Trong số các công ty công nghệ Mỹ, Apple có mối liên hệ rất chặt chẽ với Trung Quốc. Công ty này lắp ráp hầu hết sản phẩm tại Trung Quốc và đây cũng là thị trường lớn thứ 3 của họ, sau Mỹ và châu Âu. Theo báo cáo, vào quý trước Apple thu về 10,2 tỷ USD từ thị trường Trung Quốc, Đài Loan và Hong Kong.
Sự phụ thuộc của nhà sản xuất iPhone đối với thị trường Trung Quốc trở nên rõ ràng hơn khi vào cuối năm ngoái, người tiêu dùng Trung Quốc bắt đầu không còn hứng thú như trước đối mẫu điện thoại mới mà Apple vừa phát hành.
Tổng doanh thu của Apple tại khu vực châu Á – bao gồm Trung Quốc – giảm 25% trong quý IV/2018, xuống còn 13,17 tỷ USD. Một trong những biện pháp đối phó của Apple là giảm mạnh giá mẫu iPhone rẻ nhất của hãng tại Trung Quốc. Nhờ vậy, doanh số của Apple tại thị trường tỷ dân bắt đầu ổn định trở lại.
Theo Zing
'Gót chân Achilles' của Trung Quốc trong ngành công nghiệp bán dẫn
Trung Quốc đã thất bại ở điểm tạo ra những sản phẩm cạnh tranh hàng đầu trong một lĩnh vực thiết yếu đó là bán dẫn - ngành công nghiệp vốn đã tạo ra danh tiếng cho Thung lũng Silicon.
Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành lệnh cấm các công ty Mỹ bán thiết bị và công nghệ cho Huawei.
Bất chấp những nỗ lực nhằm tự thân phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Trung Quốc phụ thuộc nặng nề vào chip máy tính nhập khẩu và đây có thể là "gót chân Achilles" khiến nước này dễ bị Mỹ khai thác trong cuộc chiến thương mại hiện nay.
Theo nhận định của tờ New York Times, trong tất cả các nỗ lực nhằm vươn mình trở thành thế lực toàn cầu về công nghệ cao có khả năng thách thức Mỹ, Trung Quốc đã thất bại ở điểm tạo ra những sản phẩm cạnh tranh hàng đầu trong một lĩnh vực thiết yếu đó là bán dẫn - ngành công nghiệp vốn đã tạo ra danh tiếng cho Thung lũng Silicon.
Năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu hơn 300 tỷ USD chip máy tính - bộ xương sống trong tất cả các sản phẩm kỹ thuật số. Con số này còn lớn hơn số tiền mà Bắc Kinh bỏ ra để nhập khẩu dầu mỏ. Washington giờ đây đã khai thác sự phụ thuộc của Trung Quốc vào ngành siêu chip của Mỹ trong cuộc chiến nhằm vào Huawei - tập đoàn Viễn thông khổng lồ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Bộ Thương mại Mỹ trong tuần trước đã ban hành lệnh cấm các công ty Mỹ bán thiết bị và công nghệ cho Huawei nhằm cắt đứt đáng kể khả năng tiếp cận phần mềm của Google, chip của Qualcomm và nhiều hơn thế. Theo Bộ Thương mại Mỹ, Huawei có 90 ngày để tiếp tục giao dịch với các nhà cung cấp Mỹ nhằm ngăn chặn sự đứt gãy các mạng lưới di động sử dụng thiết bị của Huawei.
Vậy nhưng động thái của Washington vẫn đánh trúng điểm yếu của Trung Quốc vốn là thứ mà giới lãnh đạo Bắc Kinh luôn trăn trở trong nhiều thập kỷ qua.
Khát khao giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, chính quyền Trung Quốc đã cam kết đầu tư hàng chục tỷ USD để phát triển ngành công nghiệp chip nội địa. Ước mong của Bắc Kinh trở thành bá chủ trong ngành công nghiệp bán dẫn lại được tiếp thêm động lực từ căng thẳng thương mại với Mỹ - nước muốn Bắc Kinh giảm quy mô cái mà Washington coi là "hỗ trợ không công bằng" dành cho các công ty Trung Quốc.
Mỹ đã tìm được lý lẽ để trừng phạt trực tiếp một hãng chế tạo chip được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn, đó là Công ty vi mạch phức hợp Phúc Kiến Tấn Hoa (Fujian Jinhua Integrated Circuit Company). Sau khi hãng Công nghệ Micron Technology, công ty đối thủ đến từ Mỹ, cáo buộc Phúc Kiến Tấn Hoa ăn cắp thiết kế chip, Bộ Thương mại Mỹ đã chặn đối tác Trung Quốc này mua các sản phẩm của Mỹ.
Thành quả Trung Quốc tạo được trong cuộc đua về chế tạo chip hiện còn mờ nhạt. Thị phần của các công ty Trung Quốc trong chuỗi sản phẩm bán dẫn thuộc diện bé nhỏ nhất so với hầu hết các ngành khác. Với những mẫu chip phức tạp nhất, Trung Quốc phải nhập khẩu gần như toàn bộ.
Một vài nhà sản xuất được nhà nước chống lưng trong lĩnh vực chế tạo chip nhớ, sản phẩm chuyên lưu dữ số liệu, đã công bố những kế hoạch sản xuất lớn. Thế nhưng, thị trường toàn cầu về chủng loại chip này đã bão hòa.
Trước việc Trung Quốc đã đạt được vị thế nhà lắp ráp điện tử hàng đầu thế giới, cùng với đó là thị trường tiêu dùng nội địa rộng lớn cho các sản phẩm điện tử, nhiều nhà quan sát tin rằng chắc chắn sẽ đến lúc Trung Quốc thu hút hoặc tự phát triển được các loại chip hiện đại.
Theo các nhà quan sát này, Trung Quốc đã từng có thể chạy đua thành công trong lĩnh vực sản xuất đồ chơi, rồi đến điện thoại, thì tại sao lại không thể làm vậy đối với các sản phẩm bán dẫn.
Tuy nhiên, để có thể tồn tại mà không cần đến chip của Mỹ sẽ là bài kiểm nghiệm khắc nghiệt đối với Huawei, bất chấp những bước tiến gần đây của tập đoàn này trong việc phát triển các bộ xử lý cho riêng mình.
Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Huawei, ông Nhậm Chính Phi nói rằng trong "thời kỳ hòa bình", Huawei nhập một nửa số chip từ các công ty Mỹ, nửa còn lại là do tập đoàn tự phát triển. Huawei đã mua tích trữ chip để đề phòng những tình huống khẩn cấp như hiện nay, ông Nhậm nói thêm. Thế nhưng ông cũng thừa nhận Huawei có thể không bao giờ từ bỏ hoàn toàn được công nghệ Mỹ.
Trung Quốc chập chững bước vào lĩnh vực chế tạo chip trong những năm 1990, thời điểm Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan nổi lên là những điểm sáng về lĩnh vực này. Năm 2014, Bắc Kinh đặt mục tiêu trở thành nước đứng đầu toàn cầu trong ngành công nghiệp chip vào năm 2030.
Từ thời điểm đó, đầu tư của chính phủ và các địa phương Trung Quốc vào lĩnh vực bán dẫn bắt đầu bùng nổ. Mặc dù vậy, những kết quả được thể hiện trong sản phẩm của các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc còn chưa rõ ràng.
"Giải phẫu" một chiếc điện thoại thông minh của Huawei cho thấy các công nghệ tiên tiến đã thực sự đạt đến độ toàn cầu hóa ở mức cao. Đơn cử như trong mẫu điện thoại hàng đầu P30 của Huawei, các công ty Mỹ cung ứng nhiều cấu thành chủ chốt, trong đó có các thiết bị giúp xử lý tín hiệu radio chuyển cuộc gọi và dữ liệu qua không trung.
Chip nhớ của P30 là do Micron (Mỹ) và Toshiba (Nhật Bản) cung cấp. Công nghệ Camera đến từ Sony. Bộ xử lý, bộ não của điện thoại, do Huawei tự phát triển.
Bộ phận chế tạo bán dẫn của Huawei - hãng HiSilicon - đã khiến giới quan sát trong ngành bất ngờ khi đạt được những bước tiến trong phát triển bộ xử lý và các chip baseband chuyên kết nối điện thoại với các mạng dữ liệu. Thế nhưng, ngay cả HiSilicon có thể cũng chịu ảnh hưởng từ lệnh cấm của Mỹ. Bởi các công ty Mỹ chiếm phần lớn trong số các nhà cung cấp hàng đầu về phần mềm thiết kết chip.
Huawei cũng không có nhiều lựa chọn khi tính đến giải pháp thay thế các nhà cung cấp đối với một số thiết bị thiết yếu giúp điện thoại thông minh xử lý tín hiệu radio. Các công ty Mỹ, đặc biệt là Skyworks và Qorvo, là những hãng dẫn đầu thị trường các sản phẩm "tần số radio" - đều là những bộ phận đầy thách thức về công nghệ trong chế tạo.
Liam K. Griffin, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Skyworks, nói: "Đây là lĩnh vực rất khó. Chúng tôi có rất nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này".
Theo Bnews
Google không hợp tác là một đòn nặng, nhưng ARM mới thực sự là vấn đề của Huawei Ngày 22/05/2019, giới công nghệ thế giới được phen xôn xao với thông tin nội bộ của ARM yêu cầu các bộ phận, nhân viên của mình ngừng việc hợp tác với Huawei. Người ta nghĩ rằng quyết định Google không hợp tác với Huawei là một đòn nặng. Nhưng Huawei vẫn có thể dùng ASOP là nguồn mở Android và như thế...