‘Thuê bao đăng ký thông tin chính xác với CMND không cần chụp ảnh lại’
Các thuê bao đã đăng ký thông tin chính xác và có sao lưu hình ảnh CMND sẽ không cần phải chụp lại hình ảnh chủ thuê bao nữa.
Tham dự cuộc họp phổ biến Nghị định 49/2017/NĐ-CP sáng 22/6 tại Cục Viễn thông có Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải, đại diện lãnh đạo Cục Viễn thông, các Sở TT&TT các tỉnh, các cơ quan an ninh liên quan, các doanh nghiệp viễn thông di động.
Vì sao cần phải chụp ảnh thuê bao đăng ký mới?
Mở đầu cuộc họp, bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông đã trình bày về sự cần thiết phải chụp ảnh người đăng ký thuê bao mới. Xuất phát từ thực trạng các doanh nghiệp viễn thông di động trong giai đoạn phát triển ban đầu đã cạnh tranh thu hút thuê bao mới quá nóng, dẫn đến buông lỏng quản lý, ủy quyền cho các đại lý việc xác minh thông tin thông tin thuê bao đăng ký mới mà không kiểm soát.
Hệ lụy là rất nhiều thông tin thuê bao đã đăng ký sai, sử dụng thông tin giấy CMND của người khác hoặc kê khai lấy lệ. Kể cả các thông tin thuê bao có họ tên là “Không có tên”, hình ảnh giấy CMND thay bằng hình Pikachu vẫn được nhà mạng chấp nhận. Hệ lụy là theo ước tính sơ bộ, trong hơn 110 triệu thuê bao di động tại Việt Nam có tới khoảng 2/3 số thuê bao đăng ký thông tin không chính xác.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải phát biểu chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: Quang Anh.
Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an ninh toàn xã hội, vì số thuê bao di động có thể sử dụng vào nhiều hành vi phạm pháp, từ nhắn tin rác, gọi điện quấy rối, lừa đảo, tống tiền… Thậm chí ở các quốc gia khác, thuê bao di động đã có thể dùng để kích hoạt bom tự chế từ xa.
Bà Mơ dẫn chứng trường hợp chính Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Đức Trung đi đăng ký thông tin thuê bao mới, khi đưa giấy CMND ra, giao dịch viên thông báo CMND của ông Trung đã đăng ký hết số lượng tối đa 3 SIM của nhà mạng này, trong khi ông Trung không hề biết đó là những số SIM nào.
“Điều này cho thấy kể cả khi quy trình đăng ký yêu cầu có hình ảnh giấy CMND thì vẫn có thể bị mạo danh, vì vậy cần phải có ảnh chụp người đăng ký thông tin thuê bao mới để đảm bảo giao dịch đăng ký là có thật, tránh việc mạo danh, dùng ảnh CMND của người khác. Hình ảnh cũng có thể dùng để đối chiếu khi cần, cũng như lưu lại được thời điểm đăng ký thuê bao”, bà Mơ cho biết.
Nhà mạng thống nhất phương án triển khai
Video đang HOT
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện các nhà mạng đều cho biết đã lập tức triển khai thực hiện ngay khi Nghị định 49 được ban hành và có hiệu lực.
Đại diện Viettel cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc theo các quy định, đồng thời đã trang bị hệ thống webcam tại hệ thống các điểm giao dịch để chụp ảnh khách hàng đến đăng ký.
Đại diện MobiFone cũng cho biết đã phổ biến nội dung nghị định và ban hành mẫu đăng ký thuê bao mới đến toàn bộ đại lý trên toàn quốc. MobiFone cũng triển khai ứng dụng bóc tách dữ liệu từ ảnh chụp CMND để đồng bộ với dữ liệu hệ thống.
Tuy nhiên, các nhà mạng đều có chung đề xuất thời hạn 3 tháng từ 24/4 đến 24/7/2017 phải triển khai xong toàn bộ hệ thống đăng ký thuê bao mới đáp ứng theo Nghị định 49 là hơi gấp, đồng thời thời hạn 12 tháng để chuẩn hóa toàn bộ thông tin đăng ký của tất cả các thuê bao trên hệ thống là khó khả thi vì phải lọc dữ liệu và bóc tách thông tin từ hàng chục triệu thuê bao.
Ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng GĐ MobiFone đề xuất đối với các thuê bao đã có thông tin đăng ký chính xác, có thể giảm thiểu phiền hà cho khách hàng bằng cách không cần phải bổ sung thêm hình ảnh chụp nữa, nếu trên hệ thống đã có ảnh chụp giấy CMND.
Thuê bao đăng ký chính xác đã đáp ứng đủ Nghị định 49
Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Đức Trung cũng khẳng định: “Các thuê bao đã đăng ký thông tin chính xác và có sao lưu hình ảnh CMND theo Thông tư 04/2012/ TT-BTTTT có hiệu lực từ 1/6/2012 sẽ không cần phải chụp lại hình ảnh chủ thuê bao nữa, vì hình ảnh trên CMND có thể coi là hình ảnh chủ thuê bao.”
Các trường hợp thuê bao đăng ký thông tin không chính xác, nếu muốn duy trì số thuê bao sẽ phải đăng ký lại như thuê bao mới và phải chụp ảnh người đăng ký.
Nếu các khách hàng muốn kiểm tra thông tin thuê bao của mình, có thể thực hiện bằng cách nhắn tin tới đầu số 1414, gọi điện tới tổng đài hoặc truy cập vào website của nhà cung cấp dịch vụ di động để tra cứu. Nếu thông tin chưa chính xác, khách hàng sẽ cần phải ra điểm giao dịch của nhà mạng để khai báo lại.
Nhà mạng phải có trách nhiệm chuẩn hóa thông tin thuê bao
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho biết: “Việt Nam đã có cam kết với các tổ chức quốc tế về đảm bảo cơ sở dữ liệu (CSDL) thuê bao chính xác, nên việc triển khai Nghị định 49 là hết sức cần thiết.”
“Có thể nhận thấy trách nhiệm trong việc dẫn đến tình trạng tỉ lệ thông tin thuê bao không chính xác nhiều như hiện nay là của các doanh nghiệp viễn thông, và đây là trách nhiệm các doanh nghiệp cần phải làm.”
Thứ trưởng Hải lưu ý: “Các nước khác có hệ thống CSDL dân cư thống nhất để tra cứu nên việc triển khai sẽ nhanh và chính xác hơn. Do Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện được hệ thống CSDL này, nên vẫn cần các doanh nghiệp viễn thông chủ động. Sau khi đã đã hoàn thiện mọi quy trình, nếu vẫn cần xác minh thêm nữa thì các doanh nghiệp có thể phối hợp với các cơ quan an ninh. Tuy nhiên, trách nhiệm về độ chính xác thông tin thuê bao là của doanh nghiệp viễn thông.”
“Đối với các thuê bao cũ có thông tin không chính xác cần đăng ký lại, các doanh nghiệp cần hỗ trợ khách hàng để tránh gây phiền hà, nhưng cũng cần thống nhất phương án triển khai, tránh nhà mạng này thực hiện nghiêm túc, nhà mạng khác lại xuề xòa để cạnh tranh không lành mạnh. Nếu biết trường hợp nào làm không chính xác, các nhà mạng có thể báo ngay tới các Sở, Cục Viễn thông, Thanh tra Bộ TT&TT để có hình thức xử lý thật nghiêm”, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nhấn mạnh.
Theo Huy Phong/Vietnamnet
'Phố tây' Sài Gòn vẫn bán SIM rác, không cần chụp ảnh người mua
SIM kích hoạt sẵn vẫn được bày bán trên nhiều cửa hàng ở vỉa hè phố tây Sài Gòn. Đây đều là những SIM 3G ngắn ngày, không yêu cầu chụp ảnh chân dung hay đăng ký thông tin.
Điểm mới từ Nghị định 49/2017/NĐ-CP yêu cầu người dùng đăng ký số điện thoại mới phải cung cấp đầy đủ thông tin về giấy tờ tùy thân, đặc biệt là "ảnh chụp chân dung chính chủ", cùng với đó là các những tiêu chí mới nhằm "khai tử" những cửa hàng nhỏ lẻ, tự phát ở vỉa hè đang tiếp tay cho nạn SIM rác.
Tuy nhiên, dù các nhà mạng đang triển khai việc chụp ảnh các thuê bao đăng ký mới, SIM kích hoạt sẵn vẫn còn được bán nhiều nơi trên vìa hè ở TP.HCM, người dùng dễ dàng mua mà không cần bất kỳ thủ tục nào.
Một điểm bán SIM vỉa hè đường Bùi Viện, quận 1, TP.HCM trưa ngày 20/6. Ảnh: Duy Tín.
Dạo một vòng quanh "phố tây" Bùi Viện, quận 1, TP.HCM, người mua có thể dễ dàng bắt gặp nhiều tiệm tạp hoá bán SIM của cả ba nhà mạng Viettel, MobiFone, VinaPhone. Một số cửa hàng chuyên dịch vụ cho thuê xe máy cũng bán SIM 3G cho khách có nhu cầu.
Theo Nguyễn Thanh Vy, nhân viên một cửa hàng ở "phố tây", khách nước ngoài hay khách Việt đều có thể mua SIM kích hoạt sẵn nếu chỉ dùng 3G. Đây đều là những SIM có thời hạn không quá một tháng, có sẵn khoản 10 GB dung lượng 3G, giá khoảng 120.000 đồng/SIM.
"Khách ngước ngoài họ mua và chỉ dùng khoảng vài ngày, hoặc một tuần rồi về nước nên không cần đăng ký gì cho phức tạp. Cứ trả tiền nhận SIM rồi dùng Những ai muốn dùng lâu thì tự mang SIM này ra cửa hàng của nhà mạng đăng ký lại thông tin", nhân viên này cho biết.
Cùng với các dịch vụ thuê xe gắn máy, giặt ủi hay đặt tour, SIM 3G/4G là mặt hàng được nhiều du khách quan tâm. Họ không cần phải đăng ký thông tin vì đây đều là những SIM kích hoạt sẵn.
Khác với những cửa hàng bán SIM khuyến mãi thường thấy, SIM ở "phố tây" thường có thời hạn sử dụng rất ngắn, chỉ trong vòng 1 tháng kể từ ngày kích hoạt sẽ bị nhà mạng khoá dịch vụ, thu hồi số. Do đó, người kinh doanh loại SIM này phải hỏi rõ du khách xem họ ở Việt Nam trong bao nhiêu ngày, để đưa ra những chiếc SIM có hạn dùng phù hợp.
Sau khi biết đến Nghị định 49, nhiều cửa hàng tại đây tỏ ra không mấy bận tâm. Có nơi tuy đề bảng bán SIM, nhưng bên trong không còn hàng hoặc chỉ nhập về rất ít do quy định nhà mạng ngày càng khó, đặc biệt là từ nhà mạng MobiFone. Một số SIM 4G của Viettel cũng hay bị "khoá nhầm" trước hạn sử dụng, nhưng đều được "đầu mối" (dân buôn SIM kích hoạt sẵn số lượng lớn) bù tiền, hỗ trợ đổi trả.
Nói với Zing.vn, bà Ngọc Mai, chủ cửa hàng trên đường Phạm Ngũ Lão, việc bán SIM thực chất không lời nhiều như trước. "Khách tây giờ khó lắm, họ trả giá rất sát nên đừng mong bán được SIM với giá cao. Cửa hàng cũng chỉ nhập cầm chừng 5-10 chiếc SIM data để bán chiều khách, thu nhập chủ yếu từ cho thuê xe máy", bà Mai chia sẻ.
Nghị định 49/2017/NĐ-CP nêu rõ những tiêu chí mà điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cần có, bao gồm: Biển hiệu, số điện thoại, niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu; có hợp đồng uỷ quyền được doanh nghiệp viễn thông cung cấp và chứng thực; đủ trang thiết bị để nhập thông tin, số hoá giấy tờ, chụp ảnh... của các cá nhân, tổ chức.
Nói một cách đơn giản, những điểm bán nhỏ lẻ, tự phát, không do nhà mạng uỷ quyền sẽ không đủ điều kiện để bán SIM, cung cấp dịch vụ di động như trước. SIM siêu khuyến mãi, giá siêu rẻ ở vỉa hè, tiệm tạp hoá sẽ "tuyệt chủng" ( trong trường hợp nhà mạng có kế hoạch thu hồi triệt để những SIM kích hoạt sẵn còn dư trong cách kênh bán lẻ).
Việc siết chặt các điểm giao dịch sẽ khiến các nhà mạng chỉ còn lại cửa hàng trực tiếp và các đại lý được uỷ quyền. Do đó, tình trạng quá tải có thể diễn ra nếu có nhiều thuê bao cùng đến điểm giao dịch để chụp ảnh chân dung.
Duy Tín
Theo Zing
Vì sao cần chụp ảnh khi đăng ký SIM? Nghị định mới khiến các nhà mạng gấp rút triển khai, nhưng vấp phải phản ứng từ người dùng. Ngày 24/4, Chính phủ ban hành nghị định 49/2017/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ...