Thực tế phũ phàng đang đón chờ Elon Musk
Elon Musk muốn biến Twitter thành mạng xã hội có sự tự do ngôn luận. Tuy nhiên, điều này chưa bao giờ dễ dàng.
Một thập kỷ trước, các lãnh đạo cấp cao của Twitter, bao gồm cả giám đốc điều hành Dick Costolo khi đó từng tuyên bố rằng mạng xã hội này là nơi để mọi người tự do thể hiện ý kiến. Twitter sẽ bảo vệ tiếng nói của người dùng và cho phép chia sẻ bất cứ điều gì họ muốn.
Kể từ đó, Twitter thường xuyên vướng vào những rắc rối phức tạp. Trong đó, việc lan truyền thông tin sai lệch, các chính phủ lạm dụng để kích động đối thủ chính trị và những lời đe dọa ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Giống như Facebook, YouTube và nhiều nền tảng truyền thông khác, Twitter buộc phải chuyển từ tự do ngôn luận sang các hình thức kiểm soát nội dung có phần cứng rắn.
Nói luôn dễ hơn làm
Trong vòng 10 năm qua, các cuộc đối đầu trong chủ đề tự do ngôn luận không ngừng nổ ra giữa những lãnh đạo cấp cao trên toàn cầu. Giờ đây, Musk sẽ phải đối mặt với thực tế rằng quan điểm và hành động cho phép tự do ngôn luận có sự khác biệt rất lớn.
Thỏa thuận mua lại Twitter của Musk đã đưa vị tỷ phú này trở thành trung tâm của các cuộc tranh luận về tự do ngôn luận trên toàn cầu. Hiện tại, CEO Tesla chưa nói cụ thể về kế hoạch của mình sau khi trở thành chủ sở hữu của Twitter. Tuy vậy, New York Times nhận định vị tỷ phú giàu nhất thế giới sẽ phải đối mặt với vô số vấn đề như nội dung rác, kích động bạo lực hay lừa đảo nếu Twitter quyết định bỏ kiểm duyệt nội dung.
“Chúng ta cần bảo vệ quyền tự do ngôn luận để làm cho nền dân chủ hoạt động. Tuy nhiên, từ quan điểm này đến việc đưa ra các hành động còn một khoảng cách rất xa. Trên hết, các mạng xã hội phải đưa ra quyết định hàng ngày”, Jameel Jaffer, Giám đốc của Viện Knight First Amendment thuộc Đại học Columbia cho biết.
Elon Musk tự tin khi nói về quyền tự do ngôn luận cho Twitter, nhưng điều này rất khó khăn.
Trên thực tế, trong khoảng 4 năm trở lại đây, Twitter đạt những tiến bộ đáng kể trong việc trở thành một mạng xã hội sạch, theo CNN. Nền tảng này đưa ra nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng tiêu cực, bao gồm cấm nhiều tài khoản quảng cáo và spam, thêm nhãn cho thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm cũng như cấm bình phẩm người chuyển giới. Mới tuần trước, Twitter cho biết họ sẽ cung cấp công cụ bên thứ ba nhằm giúp người dùng ngăn chặn hành vi quấy rối.
Tuy nhiên, nhiều người dùng bắt đầu lo lắng khi Elon Musk chính thức mua lại Twitter, đặc biệt là khi CEO Tesla và SpaceX nổi tiếng với các phát ngôn thất thường. Theo nhận định của một số chuyên gia, khi Twitter thuộc sở hữu của Musk, những nhóm người dễ bị lạm dụng như phụ nữ, cộng đồng LGBT hay người da màu có thể trở thành “miếng mồi ngon” cho những kẻ thích quấy rối.
Ngoài việc khiến các nhân viên cũ, những người từng nỗ lực trong việc kiểm duyệt nội dung từ bỏ công việc, hành động đưa tự do ngôn luận trở lại Twitter có thể khiến một lượng lớn người dùng quay lưng với nền tảng.
Từ quan điểm đến hành động có một khoảng cách rất xa
Jameel Jaffer, Giám đốc của Viện Knight First Amendment thuộc Đại học Columbia
Người dùng sẽ không muốn dùng một mạng xã hội với đầy rẫy thông tin không được kiểm duyệt, nội dung độc hại hoặc các câu nói đả kích lẫn nhau. Đặc biệt, đây là thời điểm rất nhạy cảm với Twitter khi họ đang cố gắng chiến đấu để thu hút thêm người dùng.
Bên cạnh đó, các đối tác quảng cáo của Twitter cũng đang bắt đầu cảnh giác nếu Elon Musk thực sự thay đổi Twitter. Mặc dù CEO Tesla từng khẳng định mua Twitter không phải để kiếm tiền, mạng xã hội này vẫn là một doanh nghiệp và quảng cáo đang là động lực doanh thu chính giúp công ty duy trì hoạt động.
Mặc dù không có lượng người dùng lớn như các đối thủ khác, Twitter vẫn có tầm ảnh hưởng vượt trội vì được nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới truyền thông, chính trị và giải trí sử dụng. Do đó, những thay đổi của Musk đối với Twitter có thể gây ra sự hỗn loạn đến chính trị và xã hội.
Còn nhiều việc phải làm
Video đang HOT
Mỗi nền tảng mạng xã hội lớn đều phải đối mặt với áp lực từ các nhà lập pháp, nhà nghiên cứu và công chúng. Trong nhiều trường hợp, Twitter được coi là công ty dẫn đầu trong ngành về cách xử lý nội dung độc hại cũng như sở hữu tính minh bạch về cách giải quyết vấn đề.
Theo ông Jonathan Greenblatt, Giám đốc điều hành của Liên đoàn Chống phỉ báng (ADL), Twitter là một nền tảng giúp mọi người có thể sử dụng thoải mái, trong khi vẫn cảm thấy an toàn.
Trái ngược với ý kiến này, ông Imran Ahmed, Giám đốc của Trung tâm chống lại các phát ngôn thù hận trên nền tảng số, cho biết Musk có “quan điểm chưa tinh tế” và cần xem xét việc cấp quyền tự do ngôn luận cho những kẻ xấu.
Elon Musk phải đối mặt với nhiều thách thức khi thực hiện tham vọng của mình.
Thực tế, nội dung độc hại có thể gây ra những hậu quả khó lường trong thế giới thực. Điều này cũng khiến các mạng xã hội gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa cấp quyền tự do cho người dùng và bảo vệ họ trước tác hại từ thông tin độc hại.
Nhiều chuyên gia cũng đặt câu hỏi liệu một nền tảng ít được kiểm duyệt có phải là một doanh nghiệp bền vững hay không. Một số mạng xã hội mới ra mắt trong những năm gần đây hứa hẹn không hoặc hạn chế kiểm duyệt nội dung. Họ hướng vào nhóm người dùng đang thất vọng với các mạng xã hội lớn và mong muốn một sự tự do ngôn luận.
Tuy nhiên, hầu hết đều chưa thu hút được người dùng và không tạo đủ lợi nhuận để duy trì hoạt động.
Một điều quan trọng khác là yếu tố trách nhiệm. Tại châu Âu, Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số yêu cầu Twitter và các nền tảng mạng xã hội khác phải loại bỏ những thông tin độc hại và gây ảnh hưởng đến xã hội. Do đó, khi Musk muốn đưa tự do ngôn luận trở lại Twitter, ông sẽ phải đối mặt với các quy định của các chính phủ. Ngược lại, nếu can thiệp quá sâu vào việc kiểm duyệt nội dung, CEO Tesla sẽ đi ngược lại với những tuyên bố của mình, theo nhận định của New York Times.
Tiếng xấu của Elon Musk
Elon Musk là một doanh nhân thành công. Theo CNN, nếu nói về sự đổi mới và tham vọng, CEO Tesla và SpaceX rất xứng đáng được vinh danh. Tuy vậy, Musk cũng thường xuyên gây ra tranh cãi, chủ yếu xuất phát từ những phát ngôn của ông trên Twitter.
Trong những năm qua, Musk đã sử dụng Twitter để đưa ra nhiều tuyên bố không chính xác. Trong đó, CEO Tesla từng đề cập nhiều thông tin sai lệch về đại dịch Covid-19, so sánh các lãnh đạo trong chính phủ và đôi khi khiến thị trường tiền số biến động chỉ vì vài câu tweet. Điều này có thể khiến Musk mất điểm trong mắt người dùng.
Elon Musk nổi tiếng với các phát ngôn có phần thiếu nghiêm túc trên Twitter.
Thực tế, Elon Musk là người hiểu rất rõ Twitter vì ông thường xuyên sử dụng nền tảng mạng xã hội này. Tuy nhiên, CNN nhận định cách một tỷ phú dùng mạng xã hội không giống với người dùng phổ thông. Do đó, các chính sách mà Musk đưa ra cho Twitter có thể không phù hợp với số đông.
“Musk nói rằng ông ấy muốn biến Twitter thành một nền tảng tự do ngôn luận. Những gì Musk muốn là một nền tảng để ông ta và mọi người có thể tự do nói mọi thứ. Tuy nhiên, yếu tố trách nhiệm chưa được đề cập đến”, Leslie Miley, cựu giám đốc kỹ thuật Twitter cho biết.
Trước đó, Elon Musk từng khiến giới đầu tư cảm thấy lo lắng khi thường xuyên tweet về các chủ đề liên quan đến thị trường tiền số. Theo chuyên gia tài chính Carol Alexander tại đại học Sussex, Elon Musk muốn làm điều này chỉ để báo chí và mọi người chú ý đến mình.
Bên cạnh đó, việc Elon Musk thường xuyên “nói quá” về các dự định của Tesla cũng như một lịch sử đầy rắc rối với SEC (Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ) khiến danh tiếng của ông bị ảnh hưởng.
Điều gì xảy ra nếu Elon Musk 'hủy kèo', không mua Twitter?
Tình hình ảm đạm gần đây của Tesla là lý do nhiều chuyên gia lo ngại tỷ phú giàu nhất hành tinh sẽ bỏ dở thương vụ mua lại Twitter.
Vào năm 2018, Elon Musk từng cam kết sẽ mở một công ty sản xuất kẹo đậu phộng để cạnh tranh với See's Candies, công ty bánh kẹo của tỷ phú Warren Buffett. Dù vậy, Musk sau đó thay đổi ý định và công ty này không bao giờ được thành lập.
Từ ví dụ đó, Reuters nhận định hoàn toàn có khả năng Elon Musk sẽ đơn phương chấm dứt thương vụ mua lại Twitter trị giá 44 tỷ USD.
Kịch bản xảy ra nếu Elon Musk "hủy kèo"
Theo hồ sơ của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), Elon Musk sẽ phải trả cho Twitter 1 tỷ USD phí chấm dứt hợp đồng trong trường hợp ông không đủ tiền mua lại công ty với giá 44 tỷ USD.
Thậm chí, đề phòng Musk có ý định bỏ dở thương vụ này, luật sư của Twitter còn thúc ép ông phải hoàn thành đề nghị mua lại công ty, nếu không sẽ phải trả phí đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Vẫn có kịch bản Elon Musk hoặc Twitter hủy thương vụ lịch sử.
Ở chiều ngược lại, Twitter cũng phải trả cho Musk 1 tỷ USD nếu cổ đông của họ thống nhất hủy bỏ thương vụ, hoặc một người, tổ chức khác đưa ra đề nghị tốt hơn mà hội đồng quản trị Twitter chấp nhận.
Tuy nhiên, theo thỏa thuận thì hội đồng công ty không được chủ động đề xuất những thương vụ này, mà chỉ được phản hồi khi có người đề nghị.
Tuy nhiên, nếu Musk đơn phương chấm dứt hợp đồng, Twitter có thể rơi vào khủng hoảng khi giá cổ phiếu lao dốc, nhân viên hỗn loạn và ban quản lý yếu kém. "Mọi thứ đã lâm vào đường cùng. Chúng tôi đã có một năm thành công với 2021 nhưng giờ đây chỉ toàn nhiễu loạn", một cựu giám đốc của Twitter chia sẻ với Insider.
Vấn đề lớn nhất của Twitter hiện tại là biến động cổ phiếu. Giá cổ phiếu của hãng đã tăng mạnh ngay sau khi Musk thông báo nắm giữ 9,2% cổ phần. Do đó, nếu Musk bỏ dở thương vụ, cổ phiếu của hãng có thể sụt giảm mạnh.
Thậm chí, Musk từng cho biết ông có thể sẽ bán cổ phần Twitter nếu thương vụ này không được thông qua. "Nếu đề nghị mua lại không được chấp thuận, tôi sẽ xem xét lại vị trí cổ đông của mình", ông khẳng định.
Yếu tố Tesla
Tỷ phú giàu nhất hành tinh có nhiều lý do để không mua lại Twitter. Một trong những nguyên nhân là tình hình gần đây của hãng xe điện Tesla.
Vốn hóa thị trường của Tesla đã giảm hơn 275 tỷ USD, tương đương 23% giá trị kể từ khi Musk tiết lộ nắm giữ 9,1% cổ phần của Twitter. Điều này cho thấy nhà đầu tư Tesla không cảm thấy tích cực khi CEO công ty này sở hữu mạng xã hội Twitter.
Như vậy, nếu Musk bỏ dở thương vụ với Twitter, giá cổ phiếu của Tesla cũng có thể tăng lại, và thậm chí là đủ để ông thanh toán phí chấm dứt hợp đồng.
Twitter cho biết thương vụ đã được hội đồng quản trị nhất trí chấp thuận và có thể hoàn tất trong năm nay.
Mặt khác, thị trường chính của Tesla là Trung Quốc. Năm 2021, Tesla Trung Quốc đã đạt được số lượng giao hàng ấn tượng, phân bổ một nửa lượng xe cho thị trường nội địa, đồng thời chiếm đến 1/4 doanh thu của hãng.
Trong khi đó, Twitter lại không được lòng người dân tại thị trường này, đặc biệt là sau khi mạng xã hội này giới hạn những nội dung liên quan đến cuộc biểu tình tại Hong Kong. Do đó, rất có thể chính phủ Trung Quốc sẽ có thái độ dè chừng Tesla của Elon Musk nếu ông thành công thâu tóm Twitter.
Bên cạnh đó, ý định biến Twitter thành tài sản sở hữu tư nhân của Elon Musk có thể sẽ không mấy suôn sẻ. Nói với Financial Times, ủy viên EU Thierry Breton cho biết công ty này sẽ đối mặt nguy cơ bị chặn truy cập nếu vi phạm pháp luật hoặc đăng tải những nội dung độc hại.
Ở thị trường Mỹ, dù có các chính sách lỏng lẻo hơn, các công ty công nghệ cũng phải dè chừng trước các nguy cơ pháp luật này. Vì vậy, mới đây, Apple đã phải giới hạn những ứng dụng xuất hiện trên App Store của mình.
Elon Musk không quan tâm đến lợi nhuận
Trước đó, tài liệu SEC đã chỉ ra thương vụ mua lại Twitter phải được hoàn tất trong vòng 6 tháng tới, tức trước ngày 24/10. Tuy nhiên, thời hạn có thể kéo dài thêm 6 tháng nếu có sự can thiệp của các cơ quan tài chính.
Tài liệu còn đính kèm bức thư Elon Musk gửi đến Chủ tịch hội đồng quản trị của Twitter. Theo đó, ông cho phép ban giám đốc được quyền từ chối đề nghị mua lại của ông hoặc các cổ đông, thậm chí còn có quyền tiến hành bỏ phiếu để thống nhất ý kiến.
"Thỏa thuận mua bán của tôi vốn rất có lợi cho bên bán. Đồng thời, tôi cũng không buộc các cổ đông phải hùa theo ý tôi. Các vị hoàn toàn có thể tự do lên tiếng, tương tự với chính sách dân chủ của Twitter", vị tỷ phú viết.
Cuối cùng, hội đồng quản trị Twitter đã nhất trí lời đề nghị mua lại công ty của tỷ phú Musk với giá 54,20 USD/cổ phiếu, qua đó định giá nền tảng mạng xã hội này ở mức 44 tỷ USD.
Elon Musk tự tin ông đủ khả năng tài chính để chi trả cho thương vụ này.
Tỷ phú giàu nhất thế giới từng khẳng định đã sẵn sàng các phương án tài chính khi công khai kế hoạch chuẩn bị nguồn vốn 46,5 tỷ USD để mua lại Twitter.
Cụ thể, Musk đã vay 13 tỷ USD của ngân hàng Morgan Stanley. Đồng thời, các ngân hàng và tổ chức tài chính khác cũng sẵn lòng cho Musk vay thêm 12,5 tỷ USD thông qua việc thế chấp 62,5 tỷ USD cổ phiếu Tesla, tương đương với 1/3 cổ phần của ông. Mặt khác, Musk còn cam kết bỏ ra 21 tỷ USD từ tài sản cá nhân để chi cho thương vụ này.
Tuy nhiên, Musk sẽ phải đối mặt với lãi suất vay dao động 6-11%. Theo Bloomberg, dựa trên các khoản nợ Musk đã huy động để tài trợ cho giao dịch, người giàu nhất thế giới còn phải trả lãi 1 tỷ USD/năm. Trong trường hợp giá cổ phiếu Tesla sụt giảm, Musk buộc phải mang thêm cổ phần ra làm tài sản thế chấp.
Tuy nhiên, chia sẻ về cuộc "mua sắm" gây chấn động thế giới này, Musk cho biết ông không quan tâm đến lợi nhuận mà chỉ tập trung vào vấn đề tự do ngôn luận và kiểm duyệt nội dung trên nền tảng mạng xã hội Twitter.
"Tôi hoàn toàn có khả năng chi trả cho thương vụ này. Đây không phải là cách để kiếm tiền. Tôi không hề quan tâm đến lợi ích kinh tế", ông chia sẻ tại sự kiện TED 2022. Thay vào đó, tỷ phú lại mong muốn xây dựng một nền tảng công khai đáng tin cậy và phủ sóng rộng rãi nhằm đảm bảo cho tương lai của nền văn minh nhân loại. Musk tự tin mình sẽ là người có khả năng mở khóa tiềm năng phi thường của Twitter.
Twitter đối mặt tương lai bất định khi về tay tỷ phú Elon Musk Từ chế độ lương thưởng cho tới thay đổi về văn hoá, các nhân viên của nền tảng mạng xã hội Twitter đều không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Ngày 24/4, ban quản trị "Chim xanh" chấp thuận lời đề nghị bán công ty trị giá 44 tỷ USD, tương đương 54,02 USD/cổ phần cho tỷ phú Elon Musk. Tại...