Thực phẩm cho người viêm khớp
Viêm khớp là một bệnh tự miễn, ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi.
Ngũ cốc nguyên hạt và một số rau củ quả có lợi cho người bệnh viêm khớp – Ảnh: Shutterstock
Các triệu chứng chính của bệnh này bao gồm sưng, tấy đỏ và đau ở các khớp khác nhau trong cơ thể. Cường độ của cơn đau khớp có thể thay đổi theo khí hậu, mức độ hoạt động của cơ thể và thực phẩm tiêu thụ.
Chuối. Đây là thực phẩm tuyệt vời chống lại viêm khớp và các triệu chứng của viêm khớp cũng như cải thiện sức khỏe tổng thể, do nó chứa hàm lượng kali cao cần thiết cho sự hoạt động của các tế bào. Ngoài ra, chuối còn có nhiều vitamin C, vitamin B6 và folate giúp cải thiện hệ thống miễn dịch.
Dầu ô liu. Những bệnh nhân viêm khớp được khuyến cáo nên bổ sung dầu ô liu vào chế độ ăn uống. Dầu ô liu chứa chất béo không bão hòa đơn lành mạnh và không bị ô xy hóa trong cơ thể. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người tiêu thụ dầu ô liu ít có nguy cơ phát triển viêm khớp dạng thấp.
Khoai lang. Một trong những thực phẩm tuyệt vời cần có trong thực đơn của người viêm khớp là khoai lang, vốn chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn so với khoai tây. Khoai lang chứa beta – carotene, chất xơ hòa tan cùng nhiều khoáng chất. Ngoài ra, khoai lang cũng phong phú vitamin C và anthocyanin. Nhiều nghiên cứu phát hiện rằng vitamin C giúp cải thiện khả năng miễn dịch và anthocyanin làm giảm viêm ở các khớp.
Trà xanh. Cung cấp nhiều lợi ích cho sức khỏe do chứa hàm lượng chất chống ô xy hóa cao. Chất chống ô xy hóa phát huy hiệu quả trong việc giảm đau do viêm khớp. Epigallocatechin gallate (EGCG) có trong trà xanh chính là vũ khí chống lại các cơn đau khớp.
Ớt chuông. Rất giàu vitamin C, giúp giảm viêm và tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể chống lại nhiễm trùng. Chất chống ô xy hóa có trong ớt chuông ngăn chặn sự hình thành các gốc tự do trong cơ thể – nguyên nhân làm suy giảm sức khỏe. Chất capsaicin trong ớt chuông còn được biết đến với tác dụng cải thiện việc cung cấp máu cho các khớp và giảm viêm. Ngoài ra, ớt chuông còn có công dụng trong việc hình thành collagen giúp duy trì làn da và cơ bắp khỏe mạnh.
Ngũ cốc nguyên hạt. Các loại ngũ cốc có khả năng giảm viêm trong cơ thể. Ngũ cốc cũng là nguồn giàu chất xơ và các chất dinh dưỡng khác.
Video đang HOT
Các loại hạt. Hạt lanh, hạt hướng dương, quả óc chó, hạnh nhân… cung cấp chất béo lành mạnh cho cơ thể. Đây là nguồn thực phẩm giàu chất chống ô xy hóa, a xít béo omega 3, vitamin E thiết yếu cho sức khỏe. Những dưỡng chất này có tác dụng chống viêm rất hiệu quả.
Xoài. Do chứa chất ô xy hóa cao nên xoài cũng có tác dụng giảm viêm rất tốt. Xoài chín còn là nguồn cung cấp beta – carotene dồi dào và nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra beta – carotene có công dụng ngăn ngừa viêm khớp ở cấp độ nặng.
Táo. Loại trái cây này giàu vitamin và chất sắt. Sắt rất hữu ích trong việc hình thành hemoglobin trong máu, giúp cải thiện quá trình lưu thông ô xy trong máu. Táo cũng được khuyến cáo tiêu thụ khi muốn giảm cân và làm giảm sự căng thẳng ở các khớp xương.
Tôm. Tôm và các loại động vật có vỏ khác chứa ít chất béo bão hòa và cung cấp nhiều chất dinh dưỡng. Các a xít béo omega 3 được tìm thấy trong hải sản có tác dụng làm giảm các triệu chứng viêm khớp. Ngoài ra, động vật có vỏ và tôm rất giàu vitamin và các khoáng chất như: selen, sắt, kẽm, vitamin B12, niacin. Selen giúp giảm viêm khớp rất hiệu quả.
Cá hồi. Là một trong những nguồn cung cấp a xít béo omega 3 dồi dào nên cá hồi luôn được khuyến cáo bổ sung vào thực đơn ở những bệnh nhân viêm khớp.
Cải bó xôi. Do chứa nhiều can xi, chất xơ và đặc biệt là hợp chất flavonoid có tác dụng chống viêm hữu hiệu, nên cải bó xôi là thực phẩm tuyệt vời cho người viêm khớp. Hơn nữa, lượng vitamin K dồi dào trong loại rau màu xanh thẫm này còn giúp duy trì sức khỏe của xương.
Củ cải đường. Đây là lựa chọn tốt cho những người bị viêm khớp do nó chứa một chất chống ô xy hóa đặc biệt gọi là betalain, giúp ngăn chặn việc hình thành các gốc tự do trong cơ thể. Ngoài ra, kali, magiê, phốt pho, sắt, chất xơ, a xít folic, vitamin A, B và C, beta – carotene… cũng được tìm thấy trong củ cải đường.
Cà chua. Lycopene có trong cà chua chính là vũ khí lợi hại giúp chống lại những cơn đau khớp.
Đậu nành. Là nguồn cung cấp protein và chất sắt dồi dào, đậu nành có tác dụng giảm viêm và đau rất hiệu quả. Ngoài ra, thực phẩm này còn có thể làm giảm nguy cơ loãng xương ở phụ nữ.
Theo Hạ Yên
Thanh Niên
Cảnh báo tình trạng trẻ nhỏ mắc bệnh người già
Bệnh viêm khớp thường chỉ mắc ở người già. Tuy nhiên, đây là căn bệnh có thể xảy ra với trẻ nhỏ và để lại biến chứng nguy hiểm.
Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời gian gần đây số trẻ nhập viện vì viêm khớp có xu hướng ngày tăng. Điều đáng nói là, nhiều bậc phụ huynh lại tỏ ra khá chủ quan đối với căn bệnh này của trẻ.
Điển hình là trường hợp của chị Bích (Hoàng Cầu - Hà Nội), khi thấy con (3 tuổi) kêu đau mỏi chân, chị cho bé đi khám và ngạc nhiên khi nghe bác sĩ nói con bị viêm khớp mãn tính.
"Lúc nghe bác sĩ nói bệnh con và yêu cầu cháu phải nhập viện 2 ngày để theo dõi, mình lo đến toát mồ hôi. Cứ nghĩ chỉ người già mới viêm khớp, ai ngờ cậu con tuổi mẫu giáo lại mang bệnh này", chị Bích kể.
Cũng như chị Bích, vợ chồng anh Đồng (Thanh Trì, Hà Nội) bất ngờ trước kết quả khám cho thấy con gái 4 tuổi của mình mắc viêm khớp mãn. Anh Đồng kể ban đêm con gái anh hay ngồi dậy khóc vì kêu đau nhức chân tay. Nghĩ do ban ngày con chạy nhảy nhiều nên tối mệt, anh chị chỉ xoa bóp chân cho con đỡ chút rồi dỗ cháu ngủ tiếp. Gần đây, tình trạng này tiếp tục, kết hợp với việc cháu ho lâu ngày không khỏi, nên bố mẹ mới đưa vào viện khám.
Bệnh viêm khớp ở trẻ nếu không phát hiện kịp thời sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng. Ảnh minh họa/Nguồn: Internet.
Trao đổi về căn bệnh này ở trẻ, PGS.TS Lê Minh Hương, Trưởng khoa Miễn dịch - dị ứng - khớp, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, đau xương khớp ở trẻ nhỏ là hiện tượng khá phổ biến, có nhiều nguyên nhân như lớn nhanh, hệ xương chưa phát triển tương xứng, viêm khớp cấp tính do vi khuẩn, do lao hay sau chấn thương và một số em bị khớp mãn tính do rối loạn miễn dịch.
Theo bác sĩ Hương, bệnh viêm khớp dạng thấp thanh thiếu niên rất nguy hiểm cho trẻ, nếu phát hiện quá muộn, gây tổn thương khớp nghiêm trọng sẽ dẫn đến tàn phế. Vì vậy khi thấy có những biểu hiện bất thường về khớp phải đưa trẻ đến khám ở các chuyên gia khớp.
"Loại viêm khớp này diễn biến dai dẳng, chậm chẩn đoán có thể khiến trẻ bị tàn tật. Vì thế, nếu thấy trẻ kêu đau chân, tay, khớp, tình trạng kéo dài trên 6 tuần thì nhất định phải đưa con đi khám để xác định rõ nguyên nhân, từ đó áp dụng biện pháp điều trị phù hợp", bác sĩ Hương cảnh báo.
Bác sĩ cho biết, viêm khớp mãn tính ở trẻ em, hay còn gọi là viêm khớp dạng thấp thanh thiếu niên khá phổ biến. Bệnh có thể tồn tại khoảng vài tháng đến vài năm và hay gặp nhất là 3 dạng: Thể viêm ít khớp: Chỉ gây tổn thương dưới 5 khớp chủ yếu là những khớp lớn như: vai, khuỷu, gối. Thể viêm đa khớp có tổn thương từ 5 khớp trở lên, thường gặp ở những khớp nhỏ bàn tay, bàn chân nhưng cũng có thể gặp ở khớp lớn.
Cuối cùng là thể viêm khớp hệ thống gây tổn thương nhiều hệ cơ quan trong cơ thể (còn gọi là bệnh Still). Viêm khớp Still là một trong 3 thể lâm sàng của bệnh viêm khớp mãn tính ở trẻ em, với các biểu hiện là hay sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ toàn thân và các triệu chứng này không giảm khi dùng aspirine liều thông thường. Trẻ có thể bị nổi mẩn đỏ ở thân mình và các gốc chi, nhưng các mẩn đỏ này mất đi rất nhanh.
Về hướng điều trị khi bị viêm khớp, PGS.TS Hương cho biết, viêm khớp mãn tính ở trẻ em được điều trị bằng các thuốc giảm đau, kháng viêm, corticoide, ức chế miễn dịch, vật lý trị liệu... Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, trẻ có thể bảo tồn được các khớp và hạn chế đến mức tối đa sự biến dạng gây tàn phế. Tuy nhiên, các bệnh khớp tự miễn sau khi điều trị ổn định trẻ vẫn cần được tái khám và theo dõi định kỳ theo chuyên khoa để tránh trường hợp bị lại.
Các dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm khớp
- Đau khớp: Các khớp bị đau khi vận động và hết đau khi nghỉ ngơi. Tình trạng này thường là do bệnh viêm khớp đang âm thầm tiến triển có thể gây đau không ngớt.
- Cứng khớp: Trẻ cảm thấy các khớp bị cứng, nhất là vào buổi sáng. Đó là triệu chứng thông thường của bệnh viêm khớp mãn tính.
- Sưng khớp: Các khớp bị sưng hoặc biến dạng.
- Khớp phát ra tiếng động: Các tiếng "lắc rắc" phát ra từ khớp xương trong khi vận động.
- Yếu cơ: Có thể nhận thấy các cơ bắp xung quanh khớp tổn hại bị yếu đi. Việc ít vận động thường xuyên, lâu dài chính là nguyên nhân dẫn đến các cơ bắp ở quanh khớp bị đau đó dần yếu đi.
Nếu các dấu hiệu trên khó xác định thì khi trẻ đi khám có thể được dùng siêu âm và một số phương pháp khác để chẩn đoán.
Theo Kiến thức
Hỏi và đáp về bệnh viêm khớp dạng thấp Câu hỏi: Tôi mắc viêm khớp dạng thấp đã lâu và bị tăng huyết áp. Hiện nay, tôi đang dùng thuốc điều trị huyết áp, liệu có thể kết hợp dùng Hoàng Thấp Linh được không? Xin cảm ơn bác sĩ! (Phan Thị Huệ - Hà Nội). Trả lời: Chị bị viêm khớp dạng thấp thì phải điều trị bệnh viêm khớp dạng...