“Thực phẩm an toàn” trong siêu thị có thực sự an toàn?
Tại siêu thị, dù đã bỏ một số tiền gấp đôi, thậm chí gấp ba, gấp bốn lần so với giá chợ song chưa chắc người tiêu dùng đã mua được hàng chất lượng như mình mong muốn, khi cái mác “hàng sạch, hàng đảm bảo” chỉ là một cách ngụy trang để những sản phẩm kém chất lượng được bày bán một cách công khai với giá cả đắt đỏ. Thực phẩm “bẩn” và nỗi hoang mang trên mâm cơm nhà
Khi tình trạng thực phẩm bẩn, mất an toàn đang là nỗi lo của các bà nội trợ, nhiều người có kinh tế đã lựa chọn một cách an toàn hơn cho mâm cơm nhà mình là vào mua thực phẩm trong hệ thống các siêu thị, các cửa hàng rau sạch để mong muốn sẽ có nguồn thực phẩm chất lượng tốt hơn ở các chợ cóc, chợ tạm.
Thói quen đi siêu thị mua hàng của các bà nội trợ bắt đầu từ mong muốn tìm kiếm nguồn thực phẩm an toàn cho gia đình. Các siêu thị với đủ chiêu thức khuyến mại, giảm giá, tặng quà đã thu hút được một lượng khách hàng cực lớn vào hầu hết các ngày trong tuần. Mặt khác, các siêu thị lại mọc lên tại các khu chung cư cao cấp, nên ít ra đã phục vụ được hàng nghìn hộ gia đình tiêu thụ hàng hóa cho mình. Tuy nhiên, hàng hóa đưa vào các siêu thị đã thực sự được kiểm định gắt gao hay chưa, đúng với cái “mác” an toàn thực phẩm mà họ đóng gói trên các tem nhãn hay chưa… thì chỉ có những người… cung cấp hàng mới biết.
Còn nhớ năm ngoái, khi đoàn kiểm tra liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm số 1 của TP Hà Nội do Giám đốc Sở Y tế làm trưởng đoàn đã phát hiện một số siêu thị có bán “rau an toàn” không rõ nguồn gốc, xuất xứ, cụ thể là một số hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội đã nhập mặt hàng rau củ quả từ Công ty TNHH Sản xuất tiêu thụ rau an toàn số 5 Thôn Đầm (Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội) với cái mác “rau an toàn” để bán cho người tiêu dùng với giá cao. Nhưng trên thực tế, phần lớn các mặt hàng “rau an toàn” này được mua ở chợ Vân Trì và một số nguồn trôi nổi trên thị trường rồi đóng gói, dán tem giả và trong phút chốc trở thành rau an toàn.
Đại diện phía nhà cung cấp còn tiết lộ, khi các siêu thị có nhu cầu mua các loại rau trái vụ, họ còn nhập cả hàng Trung Quốc về, và vẫn với quy trình đóng gói, gắn tem, số rau này đã trở thành “rau an toàn” có xuất xứ tại Việt Nam.
Thực phẩm bán ở siêu thị.
Sau vụ việc này, người nông dân tại làng rau an toàn ở Đông Anh cũng đã bị phản ánh là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật độc hại, thuốc kích thích sinh trưởng nên các loại rau chỉ vài ba ngày là có thể thu hoạch rồi cung cấp cho các đại lý rau an toàn. Điều đáng lo ngại là các loại thuốc bảo vệ thực vật được người nông dân ở đây dùng là loại có độc tố cao, vạch màu vàng như Marshal, Peran, Cóc chúa… để diệt sâu, bọ nhảy nhanh và hiệu quả hơn so với các loại khác, nhưng họ hoàn toàn không quan tâm đến việc những loại thuốc đó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng thế nào.
Trong khi đó, để cung cấp số lượng rau được gọi là an toàn cho cả địa bàn Hà Nội, thì người nông dân không thể nào chờ đợi cho đủ ngày tháng an toàn theo quy định để thu hoạch. Còn người tiêu dùng vì tin vào cái mác chất lượng “rau an toàn” bán trong các siêu thị, cửa hàng rau sạch nên không những bị “móc túi” một cách trắng trợn mà còn không tránh nổi sự độc hại cho chính gia đình mình.
Rau an toàn ở siêu thị liệu có an toàn?
Chị Vũ Thị Thu Hường, Giám đốc Siêu thị Hoàng Cầu (Hoàng Cầu, Hà Nội) chia sẻ: “Ngày trước, siêu thị chúng tôi dự tính sẽ có quầy rau sạch để phục vụ nhu cầu thiết yếu của khách hàng quen thuộc. Chúng tôi cũng đã có một số đầu mối đến chào hàng và đích thân tôi đã đến một số địa điểm trồng rau sạch trên địa bàn Hà Nội để khảo sát quy trình trồng rau, đóng gói của nông dân ở đây. Song cùng thời điểm ấy, có một số thông tin về nguồn rau bị lấy từ các chợ cóc, từ người bán rong, rau không rõ nguồn gốc xuất xứ gắn mác rau sạch để tuồn vào các siêu thị, cửa hàng rau sạch đã khiến tôi phải suy nghĩ lại.
Video đang HOT
Việc báo chí phản ánh hoàn toàn có thật, bởi vì trên thực tế, mình không thể ngày nào cũng đi kiểm tra xem có đúng loại rau mình đặt hàng không, có phải đúng xuất xứ ở nơi vùng rau an toàn không, và việc người tiêu dùng bị đánh lừa cũng là việc hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi vì theo tôi, tờ giấy chứng nhận an toàn thực phẩm chỉ là điều kiện cần, chứ chưa đủ, cái đủ là tùy thuộc vào lương tâm của người trồng rau, bán rau. Bởi vì suy nghĩ ấy, nên tôi quyết định không bán rau an toàn để không ảnh hưởng đến uy tín của siêu thị và cũng là không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”.
Anh Nguyễn Trung, một chủ cửa hàng rau an toàn ở khu đô thị mới Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Nếu nói rau sạch thì hoàn toàn không có rau sạch đâu. Nếu có rau an toàn thì phải chính thức mình đến tận các cơ sở quen biết để lấy rau mới đảm bảo có rau an toàn được. Còn nếu cứ có số điện thoại để gọi đặt hàng mang đến thì đảm bảo là có sự trà trộn của rau trôi nổi. Người tiêu dùng thì cũng chỉ biết dùng, chứ không có cách nào để xác minh là rau sạch hay không. Một tờ giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm thì không phải là quá khó để các cơ sở rau an toàn tìm được.
Trước đây, tôi từng làm việc tại một hệ thống siêu thị khá nổi tiếng ở Hà Nội, tôi biết chắc rằng, người nhận hàng chỉ biết nhận hàng, chứ ít khi họ kiểm tra nguồn rau cũng như bất cứ nguồn thực phẩm nào khác có thực sự như đã cam kết hay không. Cuối cùng, người thiệt nhất chỉ là khách hàng, trả tiền cao nhưng bù lại, nhận được một thứ không khác gì ngoài chợ cóc hoặc của các bác gánh hàng rong”.
Chị Ngô Thị Hải, nhà ở Cầu Giấy, Hà Nội, khách hàng thường xuyên của Siêu thị Big C chia sẻ: “Trước đây hàng tuần tôi đều có mặt ở siêu thị mua đồ về dùng cho cả tuần, nhưng gần đây có nhiều thông tin về thực phẩm “bẩn” tuồn vào siêu thị nên tôi cũng ít mua đồ thực phẩm, mà chủ yếu đi ngắm nghía đồ tiêu dùng. Thực sự là bây giờ, khách hàng không biết bấu víu vào đâu để có niềm tin khi các loại thực phẩm mình mua về dù dán tem mác an toàn, hạn sử dụng này nọ đàng hoàng nhưng đều không đạt được chất lượng như đã cam kết. Tôi đọc trên báo thấy hàng loạt các loại thịt lợn, thịt gà không rõ nguồn gốc, thải loại được đưa vào siêu thị, bởi vậy mà giá thịt lợn, đặc biệt thịt gà ở siêu thị nhiều chi phí nhưng luôn rẻ hơn ở chợ cóc. Bởi vậy bây giờ tôi cũng ít mua những thực phẩm có sẵn ở siêu thị, mua gà thì ra chợ cóc mua gà sống nhìn thấy rõ mười mươi về ăn cho yên tâm”.
Có nhiều khách hàng khi mua phải hàng… kém chất lượng ở siêu thị cũng đã phản ánh với báo chí hoặc trên các trang thông tin cá nhân của mình về các loại thực phẩm ở siêu thị như bánh bao mốc dù chưa hết hạn sử dụng, táo, xoài thối, hoa quả hỏng được đóng gói sẵn với giá rẻ… Còn nhớ, cách đây không lâu, một siêu thị trên địa bàn Hà Nội đã dính vụ bê bối bán thực phẩm kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”. Sản phẩm nho xanh được bán tại đây được quảng cáo là có xuất xứ từ Ninh Thuận nhưng đồng thời được dán cờ nước ngoài.
Đại diện siêu thị “cãi chày cãi cối”, cho rằng đó là sự nhầm lẫn của người dán nhãn mác (nhãn quốc kỳ trên sản phẩm được coi như bằng chứng về xuất xứ của sản phẩm đó) và nho xanh đích thị được nhập từ một công ty ở Ninh Thuận. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã xác minh, số nho này được siêu thị mua ở… chợ đầu mối Long Biên và siêu thị nói trên đã bị xử phạt 35 triệu đồng.
Những vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc đã và đang diễn ra hằng ngày khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng. Trên thực tế, các hậu quả mà thực phẩm bẩn mang lại cho người tiêu dùng không phải sẽ ngay tức khắc phát bệnh mà nó đang ngấm ngầm hình thành trong cơ thể con người, hủy hoại nhiều thế hệ. Dù bạn có là người tiêu dùng thông thái hay là người có kiến thức uyên thâm về an toàn vệ sinh thực phẩm thì cũng khó có thể biết mình đang đứng ở chỗ nào trong ma trận thực phẩm “bẩn” len lỏi vào các ngóc ngách của đời sống. Chỉ biết cầu mong vào lòng “hảo tâm” và lương tri của người làm ra nguồn thực phẩm ấy. Mà họ, thì biết ở đâu mà tìm…
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: Sống giữa ma trận của thực phẩm “bẩn”
Ông Vũ Vinh Phú.
Nói về vấn đề an toàn thực phẩm tưởng là chuyện “muôn năm cũ” nhưng thực ra lại là vấn đề nan giải, trước mắt và lâu dài cần phải thực hiện. Như các cụ nói, bệnh từ miệng, hiện nay, người tiêu dùng đang đi vào ma trận thực phẩm. Đừng nói đến chuyện người tiêu dùng thông thái, có biết gì đâu mà thông thái, ăn mớ rau muống thì 10 năm sau mới ung thư, biết thế nào mà lần, sợ là phải, sợ vì biết mình đang ăn cái chết vào mồm.
Tôi có bà hàng xóm kể lại, hôm nọ có bà bạn đến chơi cho mấy ôm rau muống “sạch”, sạch tức là cái loại trồng cho gia đình và con cháu bà ấy ăn thôi, còn lại là mang ra chợ bán tuốt. Theo tôi, chịu trách nhiệm chính về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm 80% là ở các cấp vĩ mô, từ Bộ Công Thương, các vị giám đốc Sở Y tế, Sở Công Thương… Họ phải chủ động bảo vệ người tiêu dùng chứ. Chủ tịch TP Hà Nội nói thành phố sáng, xanh, sạch đẹp, nhưng tôi phải thêm một câu là an toàn, thiếu an toàn, là thiếu hết. Còn người tiêu dùng và doanh nghiệp phải chịu 20%.
Tôi là Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nghe thì có vẻ “kêu” nhưng thực ra “hữu danh vô thực”, chúng tôi không có quyền hành gì, chỉ đến để động viên các anh chị em đừng làm ẩu, phải đặt lợi ích người tiêu dùng lên trên hết… nghe thì tốt mà họ không nghe cũng phải chịu. Nhiều năm trong nghề, tôi cho rằng, ở siêu thị, thì rõ ràng chân chính hơn ở các chợ cóc chợ tạm. Rõ ràng, phải là người thu nhập trên chục triệu mới có tiền đi siêu thị hằng tuần. Ở chợ cóc, chợ tạm hay bà hàng rong thì làm gì có địa chỉ, tem mác hay hạn sử dụng, ở siêu thị có địa chỉ và có các thông tin cần thiết, mã vạch… để biết xuất xứ hàng hóa… Tuy nhiên, sự pha tạp là hoàn toàn có.
Ví dụ nói về rau an toàn, ở điều kiện của chúng ta hiện nay, chưa thể có rau sạch vì điều kiện tự nhiên môi trường chưa cho phép, chỉ có thể có rau an toàn. Mà an toàn ở trong điều kiện cho phép của quy định an toàn thực phẩm và an toàn của ông nông dân trồng rau là khác nhau. Ai đảm bảo là quy định được thực thi, ai đảm bảo là người nông dân sẽ làm đúng quy trình hay chỉ tặc lưỡi cho xong việc, rồi thì sống chết mặc bay, đằng nào thì cũng không sao nhiều năm tháng rồi, và chưa ai chết ngay vì… rau bẩn cả. Mà ngay tại Hà Nội, nguồn nước ô nhiễm, không khí ô nhiễm, đất ô nhiễm, làm gì có rau sạch, rau sạch phải trồng trong nhà kính, nước phải cải tạo lại, đất phải đúng tiêu chuẩn rau an toàn… nên mọi thứ chỉ là tương đối.
Ở Đông Anh, chợ rau bẩn cách chợ rau sạch có chục mét, ai biết là rau có chân để chạy sang “nhà” của nhau. Ở các nước, rau sạch phải được đóng gói bao bì cẩn thận, có chỉ tiêu, chất lượng hẳn hoi, chừ như chúng ta, rau sạch Vân Nội chỉ được xác nhận bằng cái dây bó rau. Cái này lại phải hỏi đến các lớp tập huấn kỹ thuật của Bộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Tôi e rằng, tập huấn cũng chỉ là nửa vời, tập huấn rau an toàn nhưng các nhà tổ chức vừa đi khỏi là họ đem thuốc ra phun luôn tại trận. Phun xong tươi tốt thì mang đi bán. Người tiêu dùng làm sao mà biết được, chỉ biết rau tươi rau héo, chứ biết sao được rau an toàn.
Việc rau mất an toàn gây ra nhiều hệ lụy, việc sức khỏe người tiêu dùng là vấn đề tiên quyết, cái mất lớn hơn nữa, là chúng ta làm nông thôn hóa thủ đô Hà Nội. Với thực tế nhà nhà trồng rau trên sân thượng, chung vốn nuôi nhau con lợn để mổ có lợn sạch mà ăn. Thật chẳng ở đâu như chúng ta đang sống giữa một ma trận thực phẩm bẩn như bây giờ…
Theo Trần Hoàng Thiên Kim
Công An Nhân Dân
Hải Dương: Tiềm ẩn nguy hiểm trên hành lang an toàn lưới điện
Ở tỉnh Hải Dương, tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện đã diễn ra nhiều năm, với mức độ nghiêm trọng và phổ biến, nguy cơ xảy ra các tai nạn về điện luôn hiện hữu. Nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, Công ty Điện lực Hải Dương cùng chính quyền địa phương đã vào cuộc. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên việc xử lý chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Ở tỉnh Hải Dương, tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện đã diễn ra nhiều năm, với mức độ nghiêm trọng và phổ biến, nguy cơ xảy ra các tai nạn về điện luôn hiện hữu. Nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, Công ty Điện lực Hải Dương cùng chính quyền địa phương đã vào cuộc. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên việc xử lý chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Nhà chị Đoàn Thị Hải số 402, đường Nguyễn Chế Nghĩa ôm trọn hai cột điện.
Vi phạm tràn lan
Đi dọc tuyến đường Nguyễn Chế Nghĩa, thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc (tỉnh Hải Dương), chúng tôi không khỏi rùng mình trước cảnh đường dây điện 35kV chạy cắt ngang ban công nhà người dân với khoảng cách chỉ từ 2-3m. Nguy hiểm hơn, nhiều ngôi nhà bị đường dây điện chạy cắt ngang nhà và chỉ cách mái nhà chưa đến một mét, không ít gia đình xây nhà ôm trọn cột điện khiến nhiều người lầm tưởng cột điện được dựng từ mái nhà.
Gia đình anh Nguyễn Đình Thiệp ở số nhà 424, đường Nguyễn Chế Nghĩa, thị trấn Gia Lộc là một trong nhiều gia đình có cột điện nằm ngay trong nhà. Anh Thiệp cho biết: "Nhà tôi đã sống ở đây được 4 đời. Biết là mất an toàn về điện, nhưng chúng tôi chỉ có mảnh đất mặt đường để kinh doanh buôn bán nên đành phải bấm bụng sống trong nơm nớp lo sợ. Chúng tôi luôn phải khóa cửa ban công vì sợ bọn trẻ ra chơi đùa rồi chạm vào dây điện".
Nhà chị Đoàn Thị Hải ở nhà số 402, đường Nguyễn Chế Nghĩa còn ôm trọn hai chiếc cột điện. Trò chuyện với chúng tôi, chị Hải vẫn chưa hết bàng hoàng bởi sự việc vừa xảy ra ngày hôm trước: "Hôm đó tôi mải bán hàng, khi ngoảnh lại không thấy lũ trẻ đâu liền chạy vội lên tầng 2 thì thấy chúng đang cầm chiếc gậy dài chơi đùa ngoài ban công. Chân tay tôi bủn rủn. May mà không có chuyện gì xảy ra!".
Huyện Gia Lộc là một trong các "điểm nóng" của tỉnh Hải Dương về vi phạm hành lang an toàn lưới điện với 317 điểm vi phạm. Trong đó, 53 điểm đặc biệt nguy hiểm; 25 điểm nguy hiểm và 239 điểm vi phạm ở mức độ bình thường. Theo ông Nguyễn Hồng Phú, Giám đốc Điện lực Gia Lộc: "Vi phạm hành lang an toàn lưới điện gây nguy hiểm tới tính mạng và tài sản của người dân. Việc sửa chữa, khắc phục sự cố, quản lý dây tiếp âm... đều gặp khó khăn, nguy hiểm do cột điện bị nhà người dân quây kín".
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Thế Hiệp, Phó trưởng phòng An toàn (Công ty Điện lực Hải Dương), cho biết: "Tính đến hết tháng 6-2015, toàn tỉnh Hải Dương có 928 điểm vi phạm an toàn lưới điện, nhiều nhất trong Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Trong số này, có 495 điểm vi phạm nghiêm trọng, đa số ở các huyện: Tứ Kỳ, Kinh Môn, Kim Thành, Ninh Giang, Gia Lộc, thị xã Chí Linh và TP Hải Dương".
Đường dây điện 35kV chạy cắt ngang nhà người dân ở đường Nguyễn Chế Nghĩa, thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc.
Cần xử lý dứt điểm
Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm lại gặp nhiều khó khăn. Ông Đặng Thế Hiệp cho biết: "Theo quy định của Luật Điện lực và Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 26-2-2014 của Chính phủ thì khi phát hiện vi phạm, chúng tôi chỉ được phép lập biên bản rồi bàn giao cho chính quyền địa phương xử lý theo quy định. Có nhiều trường hợp vi phạm chúng tôi đã lập biên bản cả chục lần nhưng hiện nay vẫn chưa thể xử lý dứt điểm".
Theo ông Phạm Văn Phương, Phó chủ tịch UBND thị trấn Gia Lộc: "Việc xử lý các vi phạm hành lang an toàn lưới điện hết sức phức tạp vì đất ở của người dân đã qua nhiều thế hệ và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, việc xác định đất ở có trước hay đường điện có trước để xử lý vi phạm cũng gặp nhiều khó khăn. Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành để di chuyển đường điện ra hành lang an toàn".
Chia sẻ mong muốn này của ông Phương với một số hộ dân ở thị trấn Gia Lộc như gia đình anh Thiệp, chị Hải..., chúng tôi đều nhận được sự đồng tình ủng hộ. Theo đó, người dân sẵn sàng phối hợp cùng ngành điện lực và chính quyền địa phương để đóng góp thêm tiền di chuyển đường dây điện. Song theo ông Đặng Thế Hiệp, việc di chuyển hẳn đường dây điện ra trước hay sau nhà người dân đều rất khó. Nếu di chuyển ra phía trước thì phải chôn cột điện ở giữa đường, nếu di chuyển ra phía sau thì hoàn toàn không có mặt bằng. Mặt khác, tuyến đường Nguyễn Chế Nghĩa không có vỉa hè để ngầm hóa đường điện. Còn việc nâng cao thêm đường dây điện cũng không thể, bởi cột điện nằm trong nhà người dân, không có cách di chuyển để thay cột điện mới.
Mong muốn của người dân và chính quyền địa phương là chính đáng, song việc xử lý dứt điểm tình trạng trên cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành của tỉnh Hải Dương cùng với sự nỗ lực của ngành điện lực để tìm ra giải pháp tối ưu.
Theo Đức Tuấn
Quân đội Nhân dân
Di dời trạm cân về "điểm nóng" xe quá tải Để giải quyết dứt điểm tình trạng mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường tại khu vực mỏ đá Tân Cang, Công an tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các đơn vị chức năng di dời trạm cân về "điểm nóng" xe quá tải. Khu vực mỏ đá Tân Cang (xã Phước Tân, TP Biên Hòa) được xem là "điểm...