Thực hư hiệu quả của các loại đồ uống giải rượu
Nhiều loại nước giải rượu được bày bán và quảng cáo rộng rãi trên thị trường, thậm chí hiệu thuốc, nhưng chưa được kiểm chứng về hiệu quả.
Thời gian qua, thị trường Việt Nam dần xuất hiện nhiều hơn các loại đồ uống được quảng cáo có công dụng giải rượu (hangover solution). Các sản phẩm này không chỉ xuất hiện ở cửa hàng tiện lợi mà còn được bày bán ở hiệu thuốc.
Hiệu quả chưa được chứng minh
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), khẳng định: “Hệ thống y tế trong nước và thế giới đã có các phác đồ điều trị chính thức với bệnh nhân ngộ độc ethanol, trong đó, say rượu là một dạng triệu chứng. Tuy nhiên, chúng ta chưa ghi nhận bất cứ loại thuốc nào có khả năng giải độc ethanol”.
Theo TS Nguyên, bệnh nhân ngộ độc rượu khi nhập viện sẽ được điều trị bằng các phương pháp khác và vẫn có kết quả tốt nếu đến kịp thời. Các sản phẩm giải rượu được bày bán trên thị trường hiện nay dù được cấp phép ở mức độ nhất định, chúng hoàn toàn không có hiệu quả và không được sử dụng trong y tế.
Nhiều sản phẩm đồ uống giải rượu được nhập khẩu từ Hàn Quốc xuất hiện trong các bộ phim truyền hình đang được nhiều người Việt Nam sử dụng. Ảnh minh họa: Locobee.
“Các sản phẩm này chứa một số thành phần khác nhau như vitamin, thảo dược hay các yếu tố được cho là bổ gan… Các thành phần này có thể có tác dụng nhất định trên nghiên cứu tế bào, động vật nhỏ lẻ. Tuy nhiên, ở mức độ này, chúng không thể được ứng dụng chính thức trên bệnh nhân cũng như hệ thống y tế”, TS Nguyên giải thích.
Thực tế, hiệu quả của các loại thực phẩm hỗ trợ chức năng gan, bổ gan trên thị trường chưa rõ ràng, nếu có cũng rất hạn chế. Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết Việt Nam có một số ít thuốc giải độc gan thực sự nhưng là những thuốc rất đặc biệt, được chỉ định hẹp trong cấp cứu hồi sức.
Video đang HOT
Làm gì khi bị ngộ độc rượu?
. “Nguyên tắc đầu tiên để hạn chế tác động xấu của rượu với cơ thể là uống ít nhất có thể. Tuy nhiên, một số người phụ thuộc và tin tưởng vào công dụng của nước giải rượu nên không hạn chế, thậm chí uống nhiều hơn. Hành động này đặt sức khỏe của người dùng ở tình thế đáng báo động”, TS Nguyên khuyến cáo.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Quốc Vương.
Ngoài ra, nếu sử dụng, người dân cũng cần chọn các sản phẩm được sản xuất chính thống, có cơ sở kinh doanh rõ ràng, đồng thời tuân theo những tiêu chuẩn chúng ta đặt ra. Mọi người cần tránh mua các sản phẩm giải rượu trôi nôi, bày bán trên mạng bởi chúng mang lại rủi ro khá lớn.
Trong trường hợp say, ngộ độc rượu nhẹ, người xung quanh cần tránh để bệnh nhân tự lái xe. Khi người bệnh còn có thể nói chuyện, tự đứng và không nôn, chúng ta nên nhắc họ ăn đủ, đặc biệt là các thực phẩm chứa tinh bột như cơm, bún, miến, phở.
Việc uống đủ nước, đặc biệt là các loại nước chứa chất khoáng như oresol, nước quả, nước rau, cũng giúp bệnh nhân bù muối khi ngộ độc. Ngoài ra, chúng ta nên ủ ấm, tránh để bệnh nhân bị lạnh, đồng thời theo dõi kỹ, đề phòng triệu chứng bất thường.
Với tình trạng ngộ độc rượu nặng, chúng ta có thể xác định thông qua các triệu chứng như không nói được, không ngồi được, thở khò khè, ứ đọng đờm dãi ở họng miệng, lạnh toát, vã mồ hôi, tím tái… Lúc này, bệnh nhân cần được cấp cứu ngay theo điều kiện hiện có như hô hấp nhân tạo, nằm nghiêng để tránh hít chất nôn vào phổi, đồng thời đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
TS Nguyên cũng gợi ý trong những bữa nhậu, việc ăn các thực phẩm chứa chất béo như dầu, mỡ cũng làm giảm tốc độ hấp thu của rượu, khiến quá trình say chậm hơn. Bên cạnh đó, một số thực phẩm như rau, quả cũng rất cần thiết cho quá trình chuyển hóa rượu, qua đó giảm cảm giác mệt mỏi khi say.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhấn mạnh các mẹo này không khiến lượng ethanol được cơ thể hấp thu thay đổi. Với số lượng lớn, rượu vẫn tạo ra các tổn thương đáng kể tới gan.
Người đàn ông 40 tuổi có dấu hiệu hoang tưởng sau khi uống rượu
Người đàn ông nhập viện trong tình trạng có dấu hiệu hoang tưởng, kích thích và vật vã, ảo giác. Kết quả xét nghiệm âm tính với ma túy thông thường, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân uống phải rượu pha cần sa tổng hợp.
Ảnh minh họa.
Ngày 27/1, thông tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận và điều trị cho một nam bệnh nhân 40 tuổi có dấu hiệu hoang tưởng sau khi uống rượu.
Theo chia sẻ của bệnh nhân, trước đó trong chuyến công tác tại Hà Nội bệnh nhân uống rượu bên ngoài và bất ngờ xuất hiện các triệu chứng bất thường. Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng ngộ độc rượu, có dấu hiệu hoang tưởng, ảo giác, kích thích vật vã.
Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ khẩn trương tiến hành cấp cứu, đồng thời điều trị cho người bệnh bằng một số loại thuốc.
Sau điều trị, hiện tại tình trạng sức khỏe của người bệnh đã ổn định.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc chia sẻ trên Zing, nhận định khả năng cao bệnh nhân uống phải rượu pha một loại cần sa tổng hợp. Các loại cần sa tổng hợp hiện nay là thách thức rất lớn với cơ quan chức năng và sức khỏe người dân. Đây là tổng hợp của nhiều chất kích thích khác nhau, được tạo ra và thay đổi hàng ngày nhằm phục vụ nhu cầu của một số đối tượng.
Bên cạnh đó, theo các bác sĩ, hiện nay, xuất hiện nhiều loại rượu giả kém chất lượng, nếu không may uống phải sẽ bị ngộ độc methanol, từng có nhiều trường hợp rất nặng và tử vong.
Người bình thường nếu hít phải, dính vào da hoặc uống nhầm methanol sẽ bị ngộ độc với các biểu hiện đau đầu, mệt, buồn nôn, nôn, giảm thị lực, nặng hơn sẽ bị mù, co giật, giãn đồng tử, suy sụp tuần hoàn, suy hô hấp, thậm chí tử vong.
Khi vào cơ thể, methanol sẽ được chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tác chậm, sau 1-2 ngày các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt. Ca ngộ độc methanol nặng nhất từ trước đến nay lên tới 687mg mathanol/dl.
Dù uống liên tục với liều không cao nhưng methanol vẫn tích lũy gây các tổn thương cho người bệnh.
Những trường hợp bị ngộ độc methanol khi nhập viện đều diễn biến hết sức nặng nề. Nguy hiểm nhất là tổn thương não, dây thần kinh thị giác, hoại tử não, tổn thương nội tạng.
Với những trường hợp này dù được cấp cứu lọc máu, dùng thuốc giải độc nhưng phần lớn đều không qua khỏi. Số ít qua được nhưng để lại nhiều di chứng như mù, giảm thị lực, mất trí nhớ.
TS Nguyên khuyến cáo trên VNN với người dân liên quan đến việc khi uống phải rượu giả, sau khi uống rượu, nếu thấy xuất hiện tình trạng ngủ lịm, lơ mơ, kích thích quá nhiều... nên đưa bệnh nhân tới viện để được kiểm tra, loại trừ nguy cơ ngộ độc rượu chứa methanol.
Để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, bác sĩ Nguyên khuyến cáo người dân cần hạn chế uống rượu hoặc uống với liều lượng thấp nhất có thể để tránh các tác động có hại.
Ngoài ra, người dân cần cảnh giác với các sản phẩm trôi nổi trên thị trường cũng như những địa điểm bày bán không uy tín do các rủi ro về sức khỏe. Đặc biệt, mọi người nên tránh tiếp xúc những đối tượng có xu hướng nghiện rượu, tâm lý có vấn đề với chất kích thích, phòng trường hợp xấu xảy ra.
Bác sĩ BV Bạch Mai: "Không chỉ rượu giả, rượu ethanol thông thường cũng có thể gây ngộ độc" Mới đây, Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) vừa tiếp nhận điều trị cho một thanh niên 29 tuổi (Hưng Yên) nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, thở máy, nhiễm toan chuyển hóa, suy thận, tiêu cơ vân nặng do ngộ độc rượu ethanol thông thường. Vào thời điểm lễ hội, nhất là các dịp cận Tết và Tết tình...