Thực hư chuyện nợ xấu ngân hàng tăng mạnh
Cả 3 chỉ tiêu quan trọng đều cho thấy nợ xấu nội bảng của các ngân hàng đang diễn biến theo chiều hướng xấu hơn rõ rệt. Tuy nhiên, nếu tính đến cả nợ xấu tại VAMC, tình hình có sự khác biệt.
Thực hư chuyện nợ xấu ngân hàng tăng mạnh (ảnh minh họa)
Tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế nói chung và các ngân hàng nói riêng là rất rõ ràng. Doanh nghiệp điêu đứng thì quy mô nợ xấu tại các ngân hàng cũng khó lòng cải thiện. Chính vì thế mà Thông tư 01/2020/TT-NHNN đã được Ngân hàng Nhà nước ban hành như là một cách để giúp các ngân hàng có cơ sở pháp lý để trì hoãn ghi nhận nợ xấu.
Số liệu nợ xấu nội bảng 9 tháng năm 2020 của các ngân hàng cũng cho thấy tình hình đang cấp bách hơn.
Theo thống kê của VietnamFinance đối với 27 ngân hàng thương mại (*), tổng nợ xấu nội bảng tính đến hết tháng 9/2020 ở mức 106.710 tỷ đồng, tăng tới 31% so với cuối năm 2019.
Trong số các ngân hàng này, nợ xấu nội bảng của Kienlongbank tăng mạnh nhất với mức tăng lên đến 555%, do ngân hàng này bất ngờ phải ghi nhận lượng lớn nợ xấu liên quan đến một nhóm khách hàng hiện đang thế chấp tài sản bảo đảm là cổ phiếu của Sacombank.
ACB là ngân hàng có quy mô nợ xấu nội bảng tăng mạnh thứ hai với 71%, theo sau là VietinBank (tăng 66%), VietBank (tăng 61%), TPBank (tăng 60%), HDBank (tăng 59%), SCB (tăng 59%).
Rất nhiều ngân hàng khác cũng ghi nhận mức tăng nợ xấu nội bảng cao hơn bình quân, như NamABank (tăng 47%), SHB (tăng 43%), MB (tăng 39%), Vietcombank (tăng 36%), VietCapitalBank (tăng 33%).
Trái lại, số ít ngân hàng ghi nhận tăng trưởng nợ xấu chỉ một chữ số, thậm chí giảm. Đáng ngạc nhiên nhất là Techcombank khi nợ xấu nội bảng giảm tới 55%. Cùng với đó, SeABank và NCB cũng là hai ngân hàng đi ngược xu hướng chung với mức giảm lần lượt 4% và 1%.
Saigonbank và PGBank là 2 ngân hàng có mức tăng nợ xấu nội bảng dưới 10%, lần lượt 7% và 8%.
Video đang HOT
Cũng cần lưu ý rằng quy mô nợ xấu tăng mạnh là một tín hiệu kém khả quan, nhưng chưa đủ để đánh giá toàn cảnh nợ xấu. Trên thực tế, còn phải xem xét hai chỉ tiêu quan trọng khác là: tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng/quy mô nợ xấu).
Tính toán của VietnamFinance cho thấy tỷ lệ nợ xấu nội bảng của 27 ngân hàng ở mức 1,72%, tăng đáng kể so với mức 1,4% cuối năm 2019.
Song song, tỷ lệ bao phủ nợ xấu nội bảng suy giảm từ 89% xuống 86% trong 9 tháng, phản ánh “bộ đệm” dự phòng cho nợ xấu nội bảng của các ngân hàng nhìn chung đã mỏng hơn.
Tựu trung, cả 3 tín hiệu (quy mô nợ xấu tăng mạnh, tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh và tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm) cho thấy nợ xấu nội bảng của các ngân hàng đang diễn biến theo chiều hướng xấu hơn rõ rệt.
Tuy nhiên, nếu tính đến cả nợ xấu tại VAMC, tình hình có sự khác biệt.
Quy mô nợ xấu nội bảng tại các ngân hàng thương mại tăng rõ rệt. Nguồn số liệu: Tính toán từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng
Mặc dù 2020 là một năm đầy khó khăn với ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 nhưng không ít ngân hàng đã tất toán toàn bộ nợ xấu tại VAMC.
Trong số 27 ngân hàng thương mại trong diện thống kê, có tới 6 ngân hàng đã sạch nợ VAMC trong năm nay, gồm: BIDV, HDBank, LienVietPostBank, MSB, VietCapitalBank và VietBank. Trước năm nay, đã có 12 ngân hàng sạch nợ tại VAMC.
Các ngân hàng vẫn còn nợ xấu tại VAMC như ABBank, BacABank, Eximbank, NCB, PGBank, Sacombank, Saigonbank, SCB, SHB nhìn chung đều ghi nhận tín hiệu tích cực trong thời gian qua.
Ước tính của VietnamFinance đối với 27 ngân hàng thương mại chỉ ra rằng quy mô tổng nợ xấu (bao gồm nợ xấu nội bảng và giá trị trái phiếu VAMC) chỉ tăng 3,9% trong 9 tháng năm nay. Con số này kém xa mức tăng 31% nếu chỉ tính riêng nợ xấu nội bảng.
Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu (bao gồm nợ xấu nội bảng và giá trị trái phiếu VAMC) thậm chí còn giảm từ 3% xuống 2,98%. Song song, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 53% lên 58% sau 9 tháng, cho thấy “bộ đệm” dự phòng đã được gia tăng.
Như vậy, nếu nhìn toàn cảnh hơn, diễn biến nợ xấu phô bày trên báo cáo tài chính của các ngân hàng chưa hẳn đã tiêu cực.
Còn đối với nợ xấu tiềm ẩn, quy mô là chưa thể đong đếm khi các ngân hàng vẫn đang trong thời gian “thụ hưởng” Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Tuy nhiên, có thể thấy tình hình cũng đang ngày càng căng thẳng khi tính đến ngày 28/9/2020, các tổ chức tín dụng đã tái cơ cấu thời hạn trả nợ đối với hơn 272.115 khách hàng với dư nợ cho vay khoảng 331.013 tỷ đồng, tương đương 3,8% tổng dư nợ của toàn hệ thống.
Trường hợp xấu là toàn bộ các khoản nợ tái cơ cấu này chuyển thành nợ xấu (nghĩa là tỷ lệ nợ xấu tăng thêm 3,8 điểm% lên khoảng 5,5%) khó lòng xảy ra, tuy nhiên, chỉ cần khoảng 1/3 lượng nợ này chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng của ngành ngân hàng có khả năng sẽ vượt ngưỡng 3%, đó là chưa tính đến nợ xấu tại VAMC.
Mức độ chuyển hóa thành nợ xấu phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến tiếp theo của dịch cũng như tốc độ phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế. Và cũng cần lưu tâm thêm rằng con số 3,8% mới chỉ là tính đến gần hết tháng 9/2020, có thể còn tăng tiếp.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng vẫn còn giấu nợ xấu bằng các cách khác nhau trong nhiều năm qua, trong đó cách khá “truyền thống” là giấu trong các khoản phải thu.
(*) 27 ngân hàng thương mại bao gồm: ABBank, ACB, BacABank, BIDV, Eximbank, HDBank, Kienlongbank, LienVietPostBank, MB, MSB, NamABank, NCB, OCB, PGBank, Sacombank, Saigonbank, SCB, SeABank, SHB, Techcombank, TPBank, VIB, VietCapitalBank, VietBank, Vietcombank, VietinBank, VPBank; trong đó, riêng HDBank và VPBank là số liệu báo cáo tài chính riêng lẻ (do tỷ lệ nợ xấu hợp nhất chịu tác động lớn của công ty tài chính tiêu dùng trực thuộc), còn lại là số liệu báo cáo tài chính hợp nhất.
Eximbank, Saigonbank và SeABank tăng trưởng tín dụng âm
Tại thời điểm 30/9/2020, trong 25 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2020 thì có 3 nhà băng báo tăng trưởng tín dụng âm là Eximbank, Saigonbank và SeABank.
Eximbank là nhà băng ghi nhận khoản mục cho vay khách hàng giảm mạnh nhất tới 11% về mức 101.032 tỷ đồng.
Cụ thể, tính đến cuối quý 3, tổng tài sản của Eximbank giảm 10% so với đầu năm, chỉ còn 151,273 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm mạnh 42% (3,333 tỷ đồng), tiền vàng gửi tại và cho vay TCTD khác giảm 16% (21,644 tỷ đồng), các công cụ tài chính phái sinh giảm mạnh 83% và đặc biệt là cho vay khách hàng giảm 11% (101,302 tỷ đồng).
Về nguồn vốn kinh doanh cũng có một số sự sụt giảm như tiền gửi của khách hàng giảm 8% về còn 127.843 tỷ đồng; tiền gửi và vay các TCTD khác cũng giảm 63%.
Điều đáng buồn ở Eximbank là đi kèm với tăng trưởng tín dụng âm là nợ xấu cũng tăng 29% so với đầu năm lên 2.491 tỷ đồng. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng mạnh gấp 2.8 lần, nợ có khả năng mất vốn tăng đến 99%, nhưng bù lại nợ dưới tiêu chuẩn giảm 67%. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của Eximbank tăng từ mức 1.71% đầu năm lên 2.46%.
Chính những điều này đã khiến lợi nhuận của Eximbank cũng giảm hơn 1% về mức 871 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm.
Tình hình cho vay khách hàng và tiền gửi khách hàng tại thời điểm 30/9/2020 của 3 nhà băng.
Ở vị trí "á quân" về tăng trưởng tín dụng âm, Saigonbank đi lùi 3,2%.
Cụ thể, tính đến cuối quý 3, tổng tài sản của Saigonbank xấp xỉ đầu năm, ghi nhận hơn 22,700 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng giảm nhẹ 3%, chỉ còn hơn 14,092 tỷ đồng, tài sản có khác tăng 28%, các khoản phải thu tăng 27%. Về nguồn vốn, tiền gửi của khách hàng tăng 13% so với đầu năm, lên gần 17,744 tỷ đồng.
Saigonbank không công bố thuyết minh báo cáo tài chính nên không có thông tin về nợ xấu của nhà băng này.
Còn về lợi nhuận sau thuế, Saigonbank cũng bị giảm tới 26% về còn 146 tỷ đồng.
Ngày 15/10/2020 vừa mới đây, Saigonbank chính thức được giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 25,800 đồng/cp. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào lên sàn cũng tăng giá, ngay chính ngày giao dịch đầu tiên cổ phiếu SGB đã "nằm sàn" với giá chốt phiên 15,500 đồng/cp.
Hiện, thị giá SGB sau gần 1 tháng lên sàn chứng khoán đã giảm về mức 13,000 đồng/cp (chốt phiên 6/11), giảm gần 50% kể từ khi đăng ký giao dịch với khối lượng giao dịch bình quân gần 138,000 cp/ngày.
Đối với SeABank, tính đến ngày 30/09/2020, tổng tài sản tăng nhẹ 6% so với đầu năm, lên mức hơn 167,426 tỷ đồng, chủ yếu do tăng các khoản phải thu ( 21%), các khoản lãi, phí phải thu ( 7%). Trong khi đó, cho vay khách hàng lại giảm nhẹ 1%, chỉ còn gần 97,871 tỷ đồng.
Về nguồn vốn kinh doanh, tiền gửi của khách hàng tăng 7% so với đầu năm, đạt hơn 102,547 tỷ đồng. Tiền gửi và vay các TCTD khác tăng 28%, ghi nhận gần 40,288 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ vay, tại ngày 30/09/2020, tổng nợ xấu của Ngân hàng giảm nhẹ 4% so với đầu năm (2.183 tỷ), chủ yếu nhờ nợ dưới tiêu chuẩn giảm 3% và nợ nghi ngờ giảm 41%. Do đó, kéo theo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của SeABank giảm nhẹ từ mức 2.31% hồi đầu năm xuống còn 2.23%.
SeABank nợ xấu ở mức 2.184 tỷ đồng nhưng đã 'rục rịch' lên sàn chứng khoán HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) vừa quyết định đăng ký lưu ký hơn 1,2 tỷ cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam. Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông thực hiện đăng ký lưu ký cổ phiếu là 9/11. Thời gian thực hiện đăng ký lưu ký trong tháng 11/2020....