Thực hư chuyện hàng vạn lái xe bị ảnh hưởng vì 3G tăng giá
Nhà mạng không tăng cước 3G gói cước giám sát hành trình
Sáng thứ tư (30/10/2013), Bộ Giao thông Vận tải đã có buổi họp với Bộ TT&TT, Hiệp hội Vận tải Việt Nam, 4 nhà mạng di động là VinaPhone, MobiFone, Viettel và Vietnamobile.
Phát biểu tại buổi họp này, ông Khuất Việt Hùng – Vụ trưởng Vụ Vận tải của Bộ Giao thông Vận tải cho biết, từ năm 2008, Bộ GTVT đã quy định các phương tiện phải gắn thiết bị giám sát hành trình. Hiện đã có trên 50.000 phương tiện theo quy định bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Từ tháng 10/2013 đã thực hiện tích hợp dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình về điểm quản lí. Với tình hình tai nạn giao thông đang là vấn đề nhức nhối hiện nay nên, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 12, siết chặt việc sử dụng thiết bị giám sát hành trình, tích hợp dữ liệu để xử lí vi phạm.
Buổi làm việc do Bộ GTVT chủ trì sáng thứ tư.
Cũng tại buổi làm việc này, ông Thân Văn Thanh – Phó Chủ tịch Hiệp hội GTVT cho biết, chi phí vận tải với đầu vào ngày càng tăng, các doanh nghiệp vận tải đang hết sức khó khăn. Tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp vận tải khó khăn không như điện lực, xăng dầu… Vì vậy, việc tăng cước 3G có tác động rất lớn đối với các doanh nghiệp vận tải. Ông Thân Văn Thanh cho biết, hiện nay các doanh nghiệp vận tải chưa bị ảnh hưởng bởi các doanh nghiệp cung cấp thiết bị và bảo trì thiết bị giám sát hành trình đang nạp tiền thay cho các doanh nghiệp vận tải theo hợp đồng cung cấp trọn gói, nhưng nếu doanh nghiệp nào không thuê dịch vụ mà trực tiếp nạp tiền thì rất lo lắng. Chẳng hạn, một doanh nghiệp tại Thái Bình có 300 xe vận tải, mỗi ngày nạp cho 1 xe 5000 đồng phí dịch vụ 3G thì lo ngại không chịu nổi.
Các doanh nghiệp vận tải không bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp cung cấp và bảo trì thiết bị giám sát hành trình đang nạp tiền thay cho các doanh nghiệp vận tải theo hợp đồng cung cấp trọn gói.
Ông Thân Văn Thanh – PCT Hiệp hội GTVT
Tại buổi làm việc, các nhà mạng khẳng định họ không tăng cước 3G đối với dịch vụ giám sát phương tiện vận tải. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp vận tải đã lựa chọn các gói cước 3G khác nên sẽ bị tăng giá so với trước đó. Các mạng cũng đưa ra khuyến nghị doanh nghiệp vận tải nên chọn đúng gói cước giám sát phương tiện vận tải.
Doanh nghiệp dùng SIM rác thay vì gói cước dành riêng
Video đang HOT
Bà Phạm Thị Thanh Vân, Phó TGĐ Viettel Telecom cho biết, Viettel cung cấp dịch vụ giám sát phương tiện vận tải V-tracking từ đầu năm 2011 và hiện có hơn 15.000 thuê bao đang sử dụng dịch vụ này.
Viettel đang cung cấp 6 gói dịch vụ tuỳ theo nhu cầu sử dụng với chi phí từ 15.000 đồng/tháng. Các gói cước chuyên biệt này được Viettel thiết kế với giá ưu đãi dành riêng cho các doanh nghiệp vận tải. Trong đợt điều chỉnh cước vừa qua, giá cước cũng như block tính cước của cả 6 gói dịch vụ này không thay đổi.
Tuy nhiên trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã tự mua và dùng các SIM D-com, di động thông thường để sử dụng vào mục đích giám sát phương tiện vận tải nên đã chịu ảnh hưởng khi giá cước 3G được điều chỉnh.
Doanh nghiệp tự ý sử dụng các SIM D-com và Mobile Internet thông thường (vốn được sử dụng vào mục đích khác) thì Viettel không thể quản lí được trên hệ thống để áp dụng mức cước ưu đãi.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết là trong lần điều chỉnh cước gần đây thì các mạng di động có điều chỉnh tăng khoảng 20% so với trước. Nhưng không phải gói cước nào cũng tăng, thậm chí có gói cước 3G còn giảm. Riêng đối với gói cước 3G dành cho khách hàng là các doanh nghiệp vận tải để giám sát hành trình xe thì không điều chỉnh mà vẫn giữ nguyên mức cũ. Vì vậy, các doanh nghiệp vận tải có thể lựa chọn gói cước phù hợp để tránh phát sinh nhiều chi phí.
Hiệp hội doanh nghiệp Vận tải muốn có gói cước 10.000 đồng/tháng
Tại buổi làm việc này, ông Tạ Quang Thuận – đại diện Chi hội Giám sát hành trình của Hiệp hội Vận tải cho biết, là khi tăng cước 3G thì họ phải trả cước tăng lên rất nhiều bởi nhà mạng thay đổi giá cước, cách tính cước nên đây là nguyên nhân chính khiến các tài khoản nhanh hết tiền.
Ông Thuận cho biết là trước đó công ty của ông đã lựa chọn gói cước của Viettel như MI10. Sở dĩ dùng gói cước này vì gói cước MI10 rẻ hơn các gói cước khác như V- Tracking. Một trong những nguyên nhân mà ông Thuận đưa ra rằng nhà xe chưa sử dụng các gói cước chuyên biệt của nhà mạng đã đưa ra cho dịch vụ giám sát hành trình là vì gói cước này không phổ biến lắm nên không tìm thấy trên thị trường.
Đại diện Chi hội Giám sát hành trình của Hiệp hội Vận tải cho biết, ngày 14/10/2013 MobiFone đã ra gói cước MDT 10 (chi phí 10.000 đồng/tháng) phù hợp với doanh nghiệp vận tải. Do đó, nhiều doanh nghiệp thấy phù hợp nên đã chuyển sang sử dụng gói cước này của MobiFone.
Cũng tại buổi làm việc này, ông Nguyễn Đình Chiến – Phó Tổng giám đốc MobiFone cho biết nhà mạng này đang cung cấp gói cước giám sát hành trình cho các doanh nghiệp vận tải. MobiFone đang cung cấp cho hai khách hàng lớn nhất là VinaSun và Taxi Group với hàng nghìn SIM card. “Hiện các gói cước đó không có bất cứ điều chỉnh nào và cũng không có ý kiền gì từ phía khách hàng. Đối với gói cước này, chúng tôi có bộ phận chăm sóc khách hàng riêng và khi gặp vấn đề gì thì các bên sẽ ngồi lại với nhau. Trước khi MobiFone cung cấp dịch vụ cho khách hàng sẽ đưa SIM card cho khách hàng dùng thử từ 1 đến 2 tháng. Căn cứ vào lượng dữ liệu tiêu thụ bình quân, khách hàng sẽ lựa chọn các gói cước phù hợp nhất cho doanh nghiệp mình. Bên cạnh đó, MobiFone có chính sách cước ưu đãi cho các khách hàng sử dụng dịch vụ giám sát phương tiện với số lượng lớn”, ông Chiến nói.
“Nếu không chọn đúng gói cước thì chi phí sẽ đội lên rất lớn. Vì vậy, việc chọn gói cước phù hợp rất quan trọng để đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp và nhà mạng. Vì vậy, MobiFone mong muốn Bộ GTVT cần có có thể liên hệ với MobiFone để được tư vấn và sử dụng các gói cước phù hợp nhất cho mình” ông Chiến nói.
“Khách hàng nếu muốn kí hợp đồng lớn cần làm việc cụ thể. MobiFone sẵn sàng ngồi với doanh nghiệp vận tải để đưa ra các dịch vụ hỗ trợ tốt hơn như cung cấp thêm các tính năng giám sát SIM này. Nếu doanh nghiệp chọn các SIM ngoài thị trường thì nhà mạng sẽ không thể phân biệt được đâu là SIm của dịch vụ giám sát đâu là SIM của người dùng 3G thông thường” ông Chiến cho biết thêm.
Đại diện Chi hội Giám sát hành trình cho biết là giá cước rất rẻ và đang sử dụng 10.000 SIM của MobiFone, khách hàng hiện nay không bị ảnh hưởng bởi đợt điều chỉnh cước 3G. Đặc biệt, gói cước MDT10 của MobiFone vừa ra chỉ có 10.000 đồng/tháng. “Hiện tại chúng tôi sử dụng SIM của MobiFone cho các khách hàng lớn như Taxi Ba Sao, Taxi Thành Công, Taxi Hà Nội… Chúng tôi cũng đang đề nghị các hội viên của Hiệp hội vận tải có thể nghiên cứu về gói cước này “, Đại diện cho Chi hội Giám sát hành trình nói.
Một thiết bị GPS được lắp trên xe tải.
Viettel cho biết, hôm 29/10, Viettel đã có buổi làm việc đầu tiên với Chi hội Giám sát hành trình để tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải. Đại diện cho Chi hội Giám sát hành trình cho hay, họ đã làm việc với Viettel để thảo luận đưa ra gói cước khoảng 10.000 tháng. Phía Viettel cũng xác nhận thông tin này nhưng khẳng định, việc điều chỉnh hay ban hành gói cước cũng phải tuân thủ theo đúng quy định của Bộ TT&TT. Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải và Hiệp hội Vận tải có đề xuất với các thông số, mức giá rõ ràng để doanh nghiệp viễn thông có cơ sở trình lên Bộ TT&TT xem xét về việc ban hành gói cước mới.
Phía VinaPhone cho biết cũng sẵn sàng ngồi với các doanh nghiệp vận tải để bàn bạc đưa ra gói cước phù hợp nhất cho các doanh nghiệp này.
Kết luận tại buổi họp ông Khuất Việt Hùng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có văn bản gửi Bộ TT&TT để các doanh nghiệp viễn thông có thể xây dựng gói cước mới, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải trước ngày 30/11/2013. Ông Nguyễn Đức Trung cũng khẳng định nếu nhà mạng sớm trình gói cước mới thì Bộ TT&TT sẽ xem xét và phê duyệt trong vài ngày tới.
Theo ICTnews
Tăng cước 3G và câu hỏi chưa có lời đáp
Tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Vì sao tăng cước 3G" diễn ra hôm 17/10, đúng một ngày sau khi các mạng di động đồng loạt tăng giá cước 3G, đã có nhiều câu hỏi cụ thể về việc giá cước 3G đang thấp hơn giá thành ra sao, nhưng không đại diện nhà mạng nào trả lời cụ thể.
Có một điều chắc chắn, sẽ là không minh bạch nếu các mạng di động khẳng định giá bán 3G hiện nay đang thấp hơn giá thành, nhưng lại không công khai giá thành, lỗ lãi cụ thể.
Với các nhà mạng, đây là việc không khó vì mọi chi phí, đầu tư đều được đưa vào sổ sách kế toán. Bằng những nghiệp vụ thông thường, doanh nghiệp dễ dàng tính cụ thể ra chi phí đầu tư, mức độ lỗ lãi...
Đương nhiên, kinh doanh là phải có lãi. Với nguồn vốn đầu tư và chi phí bỏ ra hàng năm để phát triển mạng lưới, nếu các mạng di động minh bạch chuyện giá thành, thì chắc chắn, khi nhà mạng tăng giá, người tiêu dùng cũng dễ thông cảm và không đến mức bức xúc như hiện nay.
Điều đáng nói, bản thân ông Nguyễn Đức Trung, Phó cục trưởng Cục Viễn thông - đơn vị cho phép các doanh nghiệp tăng giá cước 3G - cũng không trả lời được cụ thể giá thành 3G của các mạng hiện là như thế nào, dù cục này luôn nói cùng nhà mạng rằng, giá cước 3G ở Việt Nam đang quá rẻ và bán thấp hơn giá thành rất nhiều.
Khi đề cập đến giá thành, ông Trung cho biết, "con số này theo báo cáo doanh nghiệp và chúng tôi sẽ kiểm chứng".
Nói như TS. Nguyễn Quang A, việc Cục Viễn thông đồng ý cho các nhà mạng tăng giá cước 3G hôm 16/10 là "chưa thực sự tận tâm" vì lẽ ra, trước khi quyết định chấp thuận cho các nhà mạng tăng giá cước, Cục phải có trách nhiệm kiểm tra giá thành, giá cước của nhà cung cấp. Và vì thế, theo ông, đây là lỗi không nhỏ của Cục Viễn thông.
Ở một góc độ khác, lãnh đạo một nhà mạng lớn chia sẻ, do tốc độ công nghệ thay đổi rất nhanh, từng ngày từng tháng, nếu doanh nghiệp không có phương án kinh doanh hiệu quả sẽ khó thu hồi được vốn đầu tư và có lãi.
Hiểu theo lập luận của vị lãnh đạo trên, nếu các mạng không "chạy đua" thu hồi vốn thì trước sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ với những dịch vụ có thể thay thế dịch vụ viễn thông của nhà mạng, hiểu nôm na như dịch vụ gọi nhắn tin miễn phí OTT, thì việc thu hồi vốn đầu tư cho 3G là vô cùng khó. Vì thế, việc công nghệ thay đổi nhanh phải chăng cũng là một trong những lí do khiến nhà mạng phải "gấp rút" tăng giá cước 3G?
Cho dù, thay vì tăng giá cước 3G - một dịch vụ đang trở thành thiết yếu đối với người dùng điện thoại - để giảm lỗ thì nhà mạng vẫn có thể tăng doanh thu bằng việc tạo ra nhiều dịch vụ giá trị gia tăng khác 3G thiết yếu khác để làm phong phú, đa dang nguồn thu và không phải dồn lực giá lên dịch vụ mobile Internet.
Kinh tế thị trường nôm na là thuận mua vừa bán. Có những người thấy cần thiết thì vẫn tiếp tục sử dụng 3G, tuy không được vui vẻ cho lắm. Nhưng, cũng có những người đã bắt đầu cắt bỏ dịch vụ 3G của nhà mạng...
Theo VnEconomy
Vietnamobile quyết không tăng giá với dịch vụ 3G Ông Phạm Ngọc Lãng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hanoi Telecom (sở hữu mạng Vietnamobile) chiều 17/10 khẳng định với phóng viên Vietnam sẽ không tăng cước 3G. "Đây là thông tin mới nhất được đưa ra sau cuộc họp ngày hôm nay của Hội đồng quản trị Hanoi Telecom," ông Lãng nói. Quyết định này của Hanoi Telecom đưa ra trong...