Thực hư cầu vồng mọc trên sao Hỏa
Một tấm ảnh do tàu thăm dò Perseverance chụp gần đây trên sao Hỏa đang khiến cộng đồng mạng phấn khích vì có vẻ như cầu vồng đã xuất hiện trên hành tinh đỏ, nhưng thực tế thì sao?
Bức ảnh gây tranh cãi NASA
Trên Trái đất, cầu vồng xuất hiện khi ánh sáng mặt trời gặp điều kiện khí quyển thích hợp, theo đó ánh sáng chiếu vào và phản xạ từng giọt nước trong không khí.
Tuy nhiên, với điều kiện khí hậu hiện nay của sao Hỏa, lạnh lẽo, mỏng và khô, cơ hội cầu vồng xuất hiện gần như không có.
Những người dùng Reddit đặt nghi vấn phải chăng đây là “cầu bụi” chứ không phải “cầu vồng”, có nghĩa là hình ảnh phản xạ từ bụi thay vì giọt nước.
Một số người còn đưa ra những suy đoán ly kỳ hơn, dựa trên thông tin do nhà khoa học trưởng Rich Zurek, chịu trách nhiệm Chương trình sao Hỏa của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), năm 2015 cho rằng cũng có khả năng xuất hiện “cầu băng” trên hành tinh đỏ, vì họ quan sát được tuyết ở vùng cực.
Tuy nhiên, theo giả thuyết được nhiều người ủng hộ nhất, “cầu vồng” chẳng qua là hiện tượng các tia sáng len lỏi và phán tán bên trong ống kính, tương tự trường hợp bị lóa ở máy ảnh thông thường.
Chuyên gia Dave Lavery, giám đốc chương trình Thám hiểm Hệ Mặt trời của NASA, cũng đồng ý với khả năng này, theo Tạp chí Forbes .
Cuối cùng, NASA cũng đã công bố đáp án nhiều người mong mỏi. Trên tài khoản Twitter của tàu thăm dò Perseverance hôm 7.4 (giờ Việt Nam), NASA viết: “Cầu vồng không thể mọc trên sao Hỏa… Đây chỉ là trường hợp bị lóa ống kính”.
Trực thăng Ingenuity rời tàu thăm dò Perseverance, sẵn sàng cho chuyến bay lịch sử trên sao Hỏa
Trực thăng Ingenuity của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã được thả từ bụng của tàu thăm dò Perseverance xuống bề mặt sao Hỏa, chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên trên một hành tinh ngoài Trái đất.
Trực thăng Ingenuity thời điểm bên dưới bụng tàu thăm dò NASA/JPL-CALTECH
Sứ mệnh Mars 2020 chính thức bắt đầu với việc phóng tàu Perseverance từ Mũi Canaveral (bang Florida) vào ngày 30.7.2020, và phải đến ngày 4.4 trực thăng siêu nhẹ Ingenuity (1,8 kg) mới chính thức rời khỏi phần bụng của tàu thăm dò và đáp xuống bề mặt sao Hỏa.
Kể cả khi Perseverance trải qua cú đáp bão táp kéo dài 7 phút xuống hành tinh đỏ hôm 18.2, Ingenuity vẫn yên vị bên dưới tàu thăm dò.
"Xác nhận trực thăng trên sao Hỏa đã chạm đất!", theo Twitter của Phòng thí nghiệm động lực học (JPL) của NASA hôm 4.4.
"Cuộc hành trình qua quãng đường 471 triệu km trên tàu thăm dò @NASAPersevere hôm nay đã chấm dứt với cú thả cuối cùng từ bụng con tàu xuống bề mặt sao Hỏa (từ độ cao vỏn vẹn 10 cm). Mốc quan trọng tiếp theo? Sống sót qua đêm hôm nay", theo JPL.
Hình ảnh cho thấy trực thăng Ingenuity rời tàu thăm dò NASA/JPL
Suốt những tháng qua, trực thăng Ingenuity vẫn sử dụng năng lượng nguồn từ tàu Perseverance, nhưng giờ đây nó phải sử dụng pin tự thân để vận hành thiết bị sưởi quan trọng nhằm bảo vệ các bộ phận điện tử trước nhiệt độ lạnh giá và có thể gây nứt gãy kim loại trong đêm dài của sao Hỏa.
"Thiết bị sưởi giúp duy trì nhiệt độ khoảng 7 o C cho các bộ phận bên trong trực thăng, trong khi nhiệt độ đêm trên hành tinh đỏ có thể rơi xuống - 90 o C", kỹ sư trưởng Bob Balaram của Dự án Trực thăng Sao Hỏa cập nhật trước đó.
Trong vài ngày tới, đội ngũ Ingenuity sẽ kiểm tra các bảng điện mặt trời của trực thăng và sạc pin trước khi thử nghiệm các động cơ và cảm biến cho chuyến bay đầu tiên.
Ingenuity, chi phí chế tạo khoảng 85 triệu USD, dự kiến sẽ thử cất cánh lần đầu tiên sớm nhất là vào ngày 11.4.
Trực thăng của con người sẽ tìm cách xoay sở trong khí quyển cực loãng của sao Hỏa, mật độ chỉ bằng 1% so với Trái đất, nhưng bù lại trọng lực ở đó chỉ bằng 1/3 so với địa cầu.
Trong chuyến bay đầu tiên, Ingenuity dự kiến thử khởi động cánh quạt với tốc độ 1 mét/giây và nâng lên độ cao 3m cách mặt đất, duy trì trong vòng 30 giây trước khi đáp.
Hồi hộp chờ trực thăng đầu tiên của con người cất cánh trên sao Hỏa Đã một thế kỷ trôi qua kể từ khi chuyến bay có động cơ đầu tiên cất cánh trên Trái đất, và Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) muốn tái diễn sự kiện này trên một thế giới khác, cụ thể là sao Hỏa. Mô phỏng trực thăng Ingenuity trên sao Hỏa NASA/JPL-CALTECH Tàu du hành Mars 2020 của NASA đã...