Thực hư các thuốc giúp tăng chiều cao
Người Việt chúng ta thường có chiều cao khiêm tốn so với thế giới. So với các nước châu Á như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, người dân nước ta cũng thấp hơn họ từ 6 đến 10cm.
Biết được nỗi khao khát được cải thiện chiều cao của bà mẹ, nam thanh, nữ tú.. nhiều trang mạng tràn ngập các quảng cáo “có cánh” về các thuốc tăng chiều cao: “tăng chiều cao siêu tốc”, “tăng chiều cao từ thiên nhiên”, “tăng chiều cao siêu hiệu quả”.v.v…
Chiều cao và xương phát triển song hành
Từ sinh ra cho đến trưởng thành, chiều cao của con người tăng dần và tỷ lệ thuận với sự phát triển chiều dài của xương. Do đó, yếu tố nào ảnh hưởng lên sự phát triển xương chắc chắn sẽ tác động lên chiều cao.
Một xương thường phát triển theo hai phía dài ra và to hơn: ở hai đầu (epiphyse) giúp ương tăng chiều dài, và ở màng thân xương (diaphyse) phát triển để tăng bề dày.
Đĩa sụn tiếp hợp (epiphyseal plate) là khu vực tăng trưởng trong một xương dài. Lớp sụn ở đây sẽ hóa cốt khiến xương dài ra dần dần. Trên mặt đĩa tiếp hợp phía đầu xương, lớp sụn được hình thành. Ở phía thân xương bên dưới, sụn sẽ được hóa cốt và xương phát triển dài ra.
Trong khi phát triển tăng chiều dài, xương cũng gia tăng đường kính ngang tương ứng. Các hủy cốt bào (osteoclast) sẽ “ăn” các xương cũ lót bên trong khoang tủy, sau đó các tạo cốt bào (osteoblast) sẽ sản xuất mô xương mới bên dưới màng xương. Quá trình xói mòn xương cũ dọc theo khoang tủy và sự lắng đọng của xương mới bên dưới màng xương làm tăng đường kính của xương và khoang tủy này gọi là một chu chuyển xương (bone remodeling cycle).
Sự tăng trưởng chiều cao thường chậm lại và dừng lại khi kết thúc tuổi dậy thì. Thông thường, tuổi dậy thì kết thúc vào khoảng 18-20 tuổi với nữ và 20-23 tuổi với nam. Vào cuối giai đoạn dậy thì này, các đĩa sụn tiếp hợp ở hai đầu xương sẽ hoàn toàn hóa cốt, vì thế các xương không thể phát triển dài hơn nữa và người thanh niên nam nữ ổn định chiều cao “trưởng thành”.
Các yếu tố ảnh hưởng lên sự phát triển chiều cao
Các nghiên cứu Nhật Bản cho thấy các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của con người gồm: chế độ dinh dưỡng chiếm đến 32%, vận động thể dục thể thao chiếm 20%, môi trường tâm lý, xã hội chiếm 16% và yếu tố chủng tộc di truyền chiếm 23%, và 9% các yếu tố khác.
Như vậy, có đến hơn 3/4 (77%) của những yếu tố ảnh hưởng lên chiều cao là các yếu tố “có thể cải tạo được” (modifiable factors).
GH, thuốc tăng chiều cao duy nhất !
Video đang HOT
Theo mô hình miêu tả về các yếu tố ảnh hưởng lên chiều cao, thuốc men chỉ xếp nằm trong 9% thiểu số. Hóc môn tăng trưởng (growth hormone, GH) là loại thuốc chính trong nhóm này.
Nhờ công nghệ tái tổ hợp gen tiên tiến, thuốc hGH (human growth hormon) có cấu trúc và chức năng y hệt GH con người, đã được tổng hợp. Thuốc hGH này được chỉ định sử dụng chính để điều trị các bệnh thiếu hóc môn tăng trưởng (growth hormone deficiency, GHD), đặc biệt là với trẻ em trong tuổi đang lớn bị lùn do thiếu hóc môn tăng trưởng bẩm sinh khiến không phát triển chiều cao. Ngoài các chỉ định để điều trị thiếu hụt GH bẩm sinh hay mắc phải, việc sử dụng hGH để điều trị các bệnh, hội chứng khác như Turner’s, Prader-Willi, hội chứng “ruột ngắn”, chống lão hóa (anti-aging) … đều là những thử nghiệm, chưa được phê chuẩn, chấp thuận hẳn hoi.
Một trường hợp thiếu hóc-môn tăng trưởng bẩm sinh điển hình được điều trị thành công mỹ mãn nhờ chích hGH là cầu thủ nổi tiếng Lionel Messi. Cầu thủ nổi tiếng, đôi giày vàng thế giới này bị “Thấp lùn do thiếu hóc-môn tăng trưởng bẩm sinh” đã phải tiêm chích hóc-môn này hằng ngày cả chục năm từ khi phát hiện bệnh ở tuổi 12, với chi phí hằng tháng khoảng 1,5 ngàn đô la.
Mổ kéo dài chân: phương pháp làm cao “đặc biệt”
Phẫu thuật kéo dài chân là cách duy nhất để tăng chiều cao khi đã ở độ tuổi ngừng phát triển. Phẫu thuật được tiến hành qua ba giai đoạn: mổ cắt xương, kéo xương rời xa nhau dần dần tạo khoảng trống cho màng xương tái sinh, và chờ thành hình xương mới.
Theo PGS.TS Lê Văn Đoàn, Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Quân đội 108, phương pháp mổ kéo dài chi bắt đầu thực hiện từ 1951. Thường đoạn xương bị cắt chỉ được kéo giãn 1 mm mỗi ngày. Mức độ tái sinh xương nhanh chậm tùy theo cơ địa và tuổi tác, thường càng trẻ tái sinh càng nhanh, trung bình 1 cm xương phải mất từ 35-40 ngày kể từ lúc bắt đầu kéo.
Đôi điều bàn luận
Chiều cao là một chỉ số nhân trắc quan trọng để đánh giá sự phát triển của một dân tộc. Vì thế, chính phủ đã xây dựng các đề án như “Sữa học đường”, “Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam”, nhằm mục tiêu tăng chiều cao thanh niên thêm 3,5cm vào năm 2030 là hợp lý. Trong các đề án trên, dinh dưỡng và vận động là hai vấn đề chính được ưu tiên, lưu ý. Cần lưu ý rằng, khi các đĩa sụn tiếp hợp ở hai đầu xương đã hợp nhất, cốt hóa, các xương này không thể dài thêm được nữa, con người không thể nào cao thêm. Do đó, các biện pháp hỗ trợ phát triển chiều cao phải được tiến hành sớm, khi còn non trẻ, trước dậy thì.
Các cái gọi là “thuốc tăng chiều cao”, với thành phần là các muối khoáng, vi lượng như can-xi, ma-nhê, kẽm, vitamin D, các probiotics; được gia hương liệu chuối, vani, đường hóa học, thực chất chỉ là một loại thực phẩm chức năng không hơn không kém. Với một số thuốc “tăng chiều cao” được “nổ” là có hóc-môn GH, chắc chắn là trò lừa dối, phản khoa học: hóc-môn tăng trưởng có bản chất là protein, bắt buộc phải cho vào cơ thể bằng đường tiêm chích, nếu uống chúng sẽ bị dịch tiêu hóa như pepsin, trypsin phân hủy, không còn tác dụng gì.
Đầu năm 2018, lại rộ lên trò bịp mới: phương pháp “kéo chân sinh lý Nhật Bản”giúp chân dài “siêu tốc 3 không”. Về thông tin này, PGS.TS Lê Văn Đoàn, Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Quân đội 108 khẳng định: “Dù phương pháp nào,kéo chân với tốc độ 2 tiếng dài ra được 1,67cm là điều không thể. Nếu có thực hiện được cũng sẽ gây ra nguy hiểm cho người kéo chân, vì với tốc độ dài ra nhanh như vậy của xương sẽ không có bộ phận nào trong cơ thể có thể thích nghi kịp”.
Theo tôi, y học là ngành khoa học thực nghiệm. Người bệnh khi sử dụng thuốc men, phương pháp, thủ thuật phải có thông tin, lý thuyết khoa học, tức là phải có chứng cứ (evidence based). Không thể nhắm mắt nghe theo.
TS.BS Trần Bá Thoại
Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam
Theo Dân trí
Nam thanh niên kéo dài chân thêm 7cm tiết lộ điều kinh khủng hơn cả đau đớn
Phẫu thuật kéo dài chân có đau không là câu hỏi nhiều người băn khoăn nhất nhưng nam thanh niên 28 tuổi tại Hà Nội tiết lộ thực tế khác kinh khủng hơn.
Hiện nay, phẫu thuật kéo dài chân được xem là giải pháp cuối cùng cho những trường hợp muốn cải thiện chiều cao khi đã hết tuổi trưởng thành.
Phương pháp này không mới, đã được thực hiện tại Việt Nam từ những năm 80 thế kỷ trước song nếu không phải là bệnh nhân trực tiếp kéo dài chân, rất khó để có những hình dung đầy đủ về sự phức tạp, đau đớn, khó chịu khi mang khung dãn suốt 2-3 tháng (trước đây mất 10 tháng - 1 năm).
4 năm để chuẩn bị
Trong suốt 70 ngày gần như phải sinh hoạt tại chỗ, chàng trai Nguyễn Đức Dũng (28 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) đã có những chia sẻ chi tiết về quá trình kéo dài chân thêm 7cm của chính bản thân mình.
Dũng kể, do cả bố mẹ đều không cao nên đến hết tuổi trưởng thành, chiều cao của em vẫn chỉ vẻn vẹn 1,6m. Ban đầu Dũng không bận tâm lắm nhưng sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin và đi làm, Dũng cảm thấy rất tự ti khi đứng cùng mọi người nên hạn chế nhiều trong các mối quan hệ.
24 tuổi, Dũng bắt đầu tìm hiểu phương pháp kéo dài chân, trực tiếp liên hệ với bác sĩ tại BV TƯ quân đội 108 để được tư vấn, sau đó trình bày nguyện vọng với gia đình và được bố mẹ, chị gái rất ủng hộ.
Thời điểm Dũng vừa tháo khung, phải bó bột tại BV
Xác định đây là cuộc đại phẫu, có thể có những rủi ro gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sau này chàng trai trẻ đã quyết định dành ra 4 năm để tích luỹ kinh tế và chuẩn bị tinh thần.
Cuối tháng 5 vừa qua, Dũng đến BV 108 làm thủ tục nhập viện, được 2 bác sĩ của Viện Chấn thương chỉnh hình tư vấn cặn kẽ về quy trình, biến chứng, trong đó đáng lo nhất là nhiễm trùng chân đinh, trường hợp nặng sẽ buộc phải cưa bỏ. Nhưng vì quyết tâm quá lớn nên chàng trai trẻ chấp nhận rủi ro.
Ngày 26/5 vừa qua, Dũng bắt đầu được phẫu thuật, ca mổ thành công sau hơn 3,5 giờ, sau đó được chuyển về điều trị tại phòng hậu phẫu trong suốt nửa tháng, trong đó 10 ngày đầu điều trị kháng sinh, chống nhiễm trùng.
Từ ngày thứ 11, bác sĩ sẽ bắt đầu hướng dẫn Dũng điều chỉnh khung dãn. Mỗi vòng xoay trên khung tương ứng với độ dài 2mm, trong khi tốc độ xương phát triển tối ưu chỉ được 1mm và phải chia làm 3 lần, do vậy mỗi lần chỉ xoay 1/6 vòng.
Sau 15 ngày, bác sĩ sẽ kiểm tra xương đã tách chưa, trường hợp không tách sẽ phải điều chỉnh khung dãn nhiều vòng, gây đau đớn.
Vất vả gấp 10 lần tưởng tượng
"Dù đã được tư vấn và có chuẩn bị tâm lý từ trước nhưng sau phẫu thuật, những vất vả và đau đớn em phải trải qua gấp 10 lần so với tưởng tượng", Dũng so sánh.
Dũng chia sẻ, 15 ngày đầu tiên nằm tại viện, gần như không đau đớn chút nào. 15 ngày kế tiếp, bắt đầu có cảm giác cộm, khó chịu, xương hơi ê ẩm nhưng vẫn trong ngưỡng chịu đựng.
"Sang tháng thứ 2 thật kinh khủng. Ngoài đau nhức xương còn đau lưng, đau tại chân đinh, đau gân, người khó chịu, cảm thấy mọi thứ như đến tới hạn. Vì nằm nhiều nên mông cũng bẹt hẳn xuống khiến xương chạm vào giường rất đau. Em đã sụt liền 7kg, cân nặng khi đó chỉ còn hơn 40kg", Dũng kể.
Khi nào khó chịu quá, Dũng sẽ uống 1 viên giảm đau, được chia riêng thành từng loại, giảm đau cho gân, cho cơ và sẽ cố để dành uống trước giờ đi ngủ.
Ngày thứ 36, Dũng đến BV tái khám, tuy nhiên kết quả không như kỳ vọng, chân trái tăng được 2,5cm, chân phải tăng thêm 3cm, trong khi mức tối ưu có thể đạt đến 3,6cm/chân.
Chân của Dũng đã dài thêm 7cm sau khi tháo khung
"Khi đó em cảm thấy thất vọng vô cùng, rất nản và nghĩ có lẽ chỉ cao thêm được 5cm nhưng bác sĩ an ủi rằng có rất nhiều trường hợp như vậy và không nên quá lo lắng", Dũng nhớ lại.
Theo lời chàng trai, càng những ngày cuối, khó chịu càng tăng lên, nhiều lúc mu bàn chân nóng ran nhưng Dũng vẫn cố chịu đựng, duy trì uống 1 viên giảm đau/đêm nên ít đêm ngủ ngon, cứ 1-2 tiếng lại giật mình.
"Có nhiều bệnh nhân không thể chịu đựng nổi phải uống 4-5 viên giảm đau/ngày nhưng em thấy mọi thứ vẫn trong giới hạn nên cố chịu đựng. Thực sự, mọi đau đớn trong quá trình kéo dài chân không kinh khủng bằng sự khó chịu trong người khi mọi sinh hoạt từ ăn uống đến tiểu tiện đều một chỗ, thậm chí ban đầu em cũng không biết cách đổi tư thế nằm nên vô cùng bí bách", chàng trai Hà Nội chia sẻ.
Để cảm thấy dễ chịu hơn, nhiều ngày liền Dũng phải hạ điều hoà thật thấp rồi để chân thẳng trước điều hoà. Khi được 2 tháng, từng có lúc chàng trai trẻ xin bác sĩ dừng lại vì khó chịu quá.
Dũng cho biết, trong suốt giai đoạn về nhà điều trị, ý thức tự giác của bệnh nhân đóng vai trò quyết định đến thành công của ca phẫu thuật. Ngoài việc điều chỉnh khung giãn, hàng ngày bệnh nhân phải tập luyện chăm chỉ để gân giãn đều, nếu không sau này sẽ kiễng chân mới đi được. Bản thân Dũng, mỗi ngày phải tự lên lịch tập làm 3 lần, mỗi lần co gập bàn chân 100 cái.
Để chống nhiễm trùng, cứ vài ngày sẽ phải thay băng tại các vị trí xuyên đinh, nhỏ thuốc sát trùng.
Ngày thứ 70, kết quả kiểm tra cho thấy chân trái của Dũng đã tăng lên được 6,8cm, chân còn lại 7cm. 2 ngày kế tiếp, bác sĩ chỉ định điều chỉnh khung giãn của chân trái thêm 2 cm.
"Lúc đó cả em và bác sĩ Đoàn - Viện trưởng vô cùng hạnh phúc, gần như không thể tin nổi vì không ngờ trong hơn 1 tháng có thể tăng nhiều đến thế", Dũng hạnh phúc nhớ lại.
Đầu tháng 8 vừa qua, Dũng được mổ lấy khung, hiện vẫn đang trong giai đoạn bó bột. Bác sĩ cho biết sau khoảng 2 tuần nữa, bệnh nhân có thể tập đi lại nhẹ nhàng sau đó tăng dần cấp độ. Xương sẽ hồi phục chắc khoẻ trở lại sau 1-2 năm.
Dũng tiết lộ chi phí kéo dài chân hết khoảng 40 triệu đồng.
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Thúy Hạnh
Theo vietnamnet.vn
Đến tuổi này mà không cai bú đêm cho trẻ, đừng trách con chậm lớn, trí tuệ kém phát triển Đến thời điểm này, mẹ không quyết tâm cai bú đêm cho con thì trẻ có thể bị ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, trí não và đối mặt nhiều nguy cơ sức khỏe khác. Nhắc đến việc cho trẻ bú đêm, không ít các mẹ đều cảm thấy đau đầu, mệt mỏi, đặc biệt là những mẹ là dân văn...