Thức dậy vị giác tuổi thơ (bài 7): Hương vị bánh cuốn quê
Không phải là chiếc bánh cuốn nhân thịt như nhiều hàng quán bày bán, chiếc bánh cuốn được hội chị em mong thưởng thức chính là chiếc bánh không nhân được các bà, các mẹ ở quê bày bán trong chiếc thúng nhỏ.
Cứ một lớp bánh cuốn phết thêm lớp hành mỡ. Tùy sở thích mỗi người mà bánh cuốn được chấm với nước mắm cốt hoặc pha. Cắn miếng bánh cuốn dai ngon, thơm vị hành càng thêm gợi nhớ một thời thân thương.
Chiếc bánh cuốn không nhân chỉ có hành phi thơm được rắc trên mặt bánh luôn là chiếc bánh quê giản dị, hấp dẫn đối với những người con xa quê.
Khi còn nhỏ, thỉnh thoảng tôi được mẹ cho xuống chợ chơi. Quê tôi miền trung du, một tuần chợ chỉ họp 3 ngày, vì vậy chợ là niềm mong đợi của bà con, đặc biệt nếu chợ diễn ra vào ngày cuối tuần là niềm háo hức của những đứa trẻ được theo bà, theo mẹ xuống chợ.
Hàng hóa ngày đó chưa phong phú như chợ quê bây giờ, chủ yếu là nông sản của bà con và những người dưới xuôi đem cá biển, muối, công cụ sản xuất, hàng gia dụng… lên bán hoặc trao đổi hàng hóa. Những dãy nhà mái lá lợp tạm liêu xiêu trong nắng. Hàng hóa được bày bán thành khu riêng biệt, trong đó khu hàng ăn, quà vặt bao giờ cũng nhộn nhịp hơn cả. Những bà bán bánh xèo, bánh rán nhanh nhẹn nhào nặn rồi lật trở những chiếc bánh vàng ruộm trong chảo mỡ như kích thích mời gọi mọi người; hương thơm của nước dùng ở quán bún, phở nghi ngút khói cũng lan tỏa thu hút người đi. Món nào cũng hấp hẫn, nhưng với tôi hình ảnh đơn sơ, nhớ nhất là chị bán bánh cuốn. Gian hàng chỉ dăm chiếc ghế nhỏ vậy mà người đến nườm nượp từ sáng sớm. Có lẽ đó là thức quà bình dị và hấp dẫn nhất trong khu chợ. Bao giờ đi với mẹ, tôi cũng được ưu tiên ngồi ở hàng bánh cuốn, thưởng thức bánh và đợi mẹ đi mua hàng.
Video đang HOT
Trong buổi sớm mai trong lành, chiếc bếp của chị bán bánh cuốn đỏ rực, không gian thơm lựng mùi hành phi hòa quyện với mùi thơm của mẻ bánh cuốn còn nghi ngút khói. Lưng muôi bột múc ra đổ lên khuôn vải căng trên miệng nồi, chị bán hàng xoa thật nhẹ để bột dàn đều. Đậy nắp vung lại, chừng vài giây là bánh chín, chị lấy chiếc đũa tre to xuyên ngang, một lớp gạo trắng tinh mỏng manh được nhấc ra rồi đáp nhẹ xuống chiếc rá tre úp ngược có thoa ít mỡ rồi nhẹ nhàng gấp thành chiếc bánh vừa vặn, nhỏ xinh. Đồng thời, chị nhanh nhẹn múc một muôi bột tiếp theo. Được chừng dăm cái bánh, chị khéo léo túm lại thành một xấp rồi quệt vào bát hành phi thơm lựng. Cứ đều đặn, thoăn thoắt, chính xác đến từng động tác. Bánh tráng xong, chiếc bánh trắng ngần được xếp lần lượt vào chiếc thúng nhỏ. Nếu khách mua về, chị lấy bánh, cứ một lớp bánh chị phết một lớp hành lên mặt bánh. Chỉ nhìn thôi cũng đủ kích thích vị giác lẫn thị giác. Nếu khách có thời gian ngồi lại quán, vừa ăn bánh, vừa chờ đợi bánh tráng và xem cách chị làm bánh cũng là cái thú vị.
Để làm nên chiếc bánh cuốn ngon, gạo là nguyên liệu chính và được người bán lựa chọn kỹ càng, không dẻo quá cũng không cứng quá để bột mịn và không nát. Gạo trắng tinh được ngâm vài tiếng trong nước sạch rồi đem ra xay nhuyễn, hòa với lượng nước vừa đủ rồi được tráng lên một miếng vải trắng, đặt lên nồi nước nóng. Nồi nước ở dưới luôn sôi để bánh chín như ý muốn. Bột được xay mịn, khi tráng bánh sẽ không bị vón cục. Hành phải chọn những củ nhỏ, bóc hết vỏ khô, rửa sạch rồi thái mỏng đem phi thơm.
Chiếc bánh cuốn không nhân một thời gây thương nhớ đến tận bây giờ. Chợ quê tôi vẫn còn và ngày càng khang trang hơn, hàng hóa phong phú hơn. Dãy hàng ăn, quà vặt cũng trở nên sạch sẽ hơn. Chị bán bánh cuốn ngày nào đã không còn làm tráng bánh nữa, nhưng bánh cuốn quê thì vẫn được bày bán. Chiếc thúng nhỏ, bánh cuốn được đậy lớp lá chuối tươi. Khách đến mua, người bán hàng lấy bánh, phết hành. Chiếc bánh cuốn trắng ngần, hành phi thơm lựng luôn là thứ quà vặt hấp dẫn mọi người.
Ở thành phố, không riêng gì tôi, hội chị em nhớ quê, thỉnh thoảng muốn ăn chiếc bánh cuốn không nhân thường phải đặt trước rồi gom chung một chuyến để cùng thưởng thức. Những ngày mát trời, thưởng thức đĩa bánh cuốn không nhân rắc chút hành phi lên trên mặt bánh, chiếc bánh dai ngon, hành thơm giòn, chấm với nước mắm cốt hoặc pha với chanh, ớt… thì còn gì bằng.
Nức lòng bánh cuốn Thanh Trì
Có một thời, sáng nào tôi cũng gắp giá thóc ra chợ đổi lấy bánh cuốn. Thứ bánh dân dã đó tưởng như chỉ chống đói, ai ngờ gây nghiện, gây thương nhớ tới tận bây giờ.
Bánh cuốn Thanh Trì bây giờ cũng có loại nhân thịt - ẢNH THÚY VÂN
Bánh cuốn ở Hà thành chỗ nào cũng ngon, nhưng đặc sắc nhất vẫn là ở đất làng Thanh Trì (P.Thanh Trì, Q.Hoàng Mai), do những bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ quê hương này chế biến.
Ngày xưa, bánh cuốn quê tôi làm đơn giản lắm, chỉ có lớp bánh rất dày, hành, ít thịt mỡ. Vì ngày đó còn nghèo. Nhưng có một lần tôi bị ốm và phải tới Bệnh viện Bạch Mai khám, tôi được mẹ mua cho một đĩa bánh cuốn vỉa hè bồi bổ. Đĩa bánh đó ngay từ lúc mang ra đã gây ấn tượng với lớp bánh mỏng dính, trong, bên trong nhân dày nhiều thịt, mộc nhĩ và hành khô. Nước mắm hơi ngà ngà vàng, có vị ngọt thanh và cay, tôi ăn ngon lành trước sự vui vẻ của mẹ. Tôi nhớ, cô bán bánh cuốn bảo đây là bánh cuốn đặc sản làng Thanh Trì nhà cô.
Tôi giờ làm việc ở P.Bách Khoa, thói quen mỗi sáng phi xe lên phố Bạch Mai, ăn bánh cuốn bác Nga. Bác Nga là người làng Thanh Trì, đã bán bánh cuốn gần 30 năm nay mà vẫn "chưa giàu". Ngày nào tôi cũng ngồi ăn đúng chỗ đó, cùng những người khách đó, có người bảo đã ăn bánh cuốn bác Nga 10 năm liên tiếp rồi mà chưa chán. Lại được bác Nga ngâm nga mấy câu ca dao cổ: "Thanh Trì có bánh cuốn ngon/Có gò Ngũ Nhạc có con sông Hồng".
Bác Nga tâm sự rằng, đến nay nhiều hộ làm bánh cuốn trong làng vẫn sử dụng cối đá để xay gạo. Gạo phải là gạo tẻ ngon như ở đồng Bồ Nâu (H.Thanh Oai). Làm bánh không chuẩn, sợ làm tổn hại danh tiếng của làng, của thương hiệu bánh cuốn Thanh Trì các cụ đã gây dựng mấy trăm năm.
Một cân gạo làm được 3 cân bánh. Nhưng để tráng được 3 cân, bác Nga phải ngồi vài tiếng đồng hồ bên bếp nóng. Bàn tay phải dẻo, khéo thì mới tráng được lớp bánh mỏng tanh mà không rách, hơn nữa còn phải dải đều nhân và cuốn gọn gàng.
Ngoài ra, khâu chế biến nước chấm cũng rất quan trọng, phải đủ vị cay, ngọt, mặn, chua và có vị thơm. Các thứ rau ăn gém với bánh cuốn rất nhiều như kinh giới, tía tô, rau mùi, rau ngò, húng Láng và dĩ nhiên không thể thiếu hành khô phi mỡ lợn thơm lừng.
Trước đây, dân Hà thành ăn bánh cuốn với đậu phụ rán giòn, còn bây giờ thường ăn với giò chả Ước Lễ. Không chỉ là thứ quà sáng mà bánh cuốn có thể thay thể các bữa ăn chính trong ngày.
Chỉ với số tiền nhỏ mỗi sáng, tôi được thưởng thức món quà sáng nức tiếng Hà thành, bánh cuốn Thanh Trì xứng danh được nhà văn Vũ Bằng nhắc tới trong cuốn "Miếng ngon Hà Nội".
Danh sách 10 quán bánh cuốn ngon nhất, hấp dẫn nhất ở Hà Nội Bánh cuốn là một trong những món ăn sáng được nhiều người yêu thích ở Hà Nội. Nếu bạn cũng ưa thích món ăn này, hãy đến những địa điểm dưới đây để thưởng thức. 1. Bánh cuốn Thanh Trì - Phường Thanh Trì, Hoàng Mai, Hà Nội Bánh cuốn là món ăn được nhiều người ưa thích Bánh cuốn ở đây nổi...