Thừa Thiên Huế: Mưa lớn, thủy điện xả lũ, nhiều tuyến đường sạt lở
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, do ảnh hưởng của mưa lớn và dự báo còn kéo dài nên nhiều hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn được lãnh đạo tỉnh yêu cầu vận hành điều tiết nhẹ xả lũ về hạ lưu; mưa lớn đã gây ngập lụt tại nhiều tuyến đường, nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đã lệnh vận hành điều tiết, xả lũ tại hồ chứa Tả Trạch (thị xã Hương Thủy)
Để ứng phó với mưa lũ, hiện các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương triển khai công tác phòng, chống nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản và tính mạng của nhân dân.
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, trong 24 giờ qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với rìa Bắc của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Nam Trung Bộ kết hợp với trường gió Đông nên tại Thừa Thiên Huế đã có mưa rất to trên diện rộng.
Mưa lớn trên diện rộng đã gây sạt lở, ngập úng tại nhiều nơi. Lượng mưa phổ biến từ 250 – 350 mm, một số nơi ghi nhận lượng mưa lớn như: Bạch Mã 505 mm, A Lưới 628 mm, Tà Lương 507 mm.
Theo dự báo, từ hôm nay đến ngày 10-10 tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa ngày 8-10 đến hết ngày 10-10 phổ biến từ 150 – 350 mm, có nơi trên 400 mm.
Vùng ven biển Thừa Thiên Huế có gió mạnh, triều cường gây khó khăn cho thoát lũ. Trước diễn biến bất lợi của thời tiết, ngày trong ngày 8-10, toàn bộ học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế phải nghỉ học.
Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Phan Thanh Hùng cho biết, để đối phó với tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp, trong sáng 8-10, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản gửi Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 5 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về lệnh vận hành hồ chứa Tả Trạch tại Dương Hòa, thị xã Hương Thủy.
Video đang HOT
Theo đó, căn cứ tình hình thực tế lưu lượng đến hồ, thực hiện theo Điều 8 Quy trình vận hành liên hồ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1606/QĐ-TTg ngày 13-11-2019; Quy trình vận hành hồ Tả Trạch đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kèm Quyết định 3955/QĐ-BNN-TCTL ngày 4-10-2017, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 5 vận hành điều tiết hồ Tả Trạch điều tiết qua cống tháo sâu và tua-bin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 140- 900 m3/s.
Thời gian bắt đầu mở cửa cống tháo sâu lúc 11 giờ 30 phút ngày 8-10. Thực hiện lệnh vận hành hồ chứa Tả Trạch, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 5 phải thường xuyên cập nhật thông tin báo cáo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh để có sự chỉ đạo.
Hồ chứa Tả Trạch nằm ở thượng nguồn sông Hương hiện có dung tích chứa hơn 500 triệu m3 nước. Hồ Tả Trạch có nhiệm vụ chống lũ tiểu mãn, lũ sớm và giảm lũ chính vụ cho hệ thống sông Hương. Đây là công trình hồ chứa lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế và hồ thủy lợi lớn thứ hai khu vực miền trung, chỉ sau hồ Cửa Đạt (tỉnh Thanh Hóa).
Trước đó, trong chiều 7-10, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có lệnh vận hành điều chỉnh điều tiết hồ thủy điện A Lưới gửi Công ty CP Thủy điện miền Trung.
Theo đó, do tình hình diễn biến lưu lượng tăng đột biến, để đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu thủy điện A Lưới điều tiết về hạ du huyện Ka Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào) với lưu lượng tăng dần từ 1.000-2.500 m3/s.
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, không khí lạnh tăng cường gây mưa lớn đã khiến hàng nghìn m3 đất đá từ phía ta-luy dương sụt trượt xuống đoạn km76 380 trên tuyến Quốc lộ 49 từ TP Huế lên A Lưới (thuộc xã Phú Vinh, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) gây ách tắc giao thông.
Ngay trong sáng 8-10, Chi cục Quản lý Đường bộ II.6 (Cục Quản lý Đường bộ II) đang huy động lực lượng và phương tiện để dọn dẹp. Đến 14 giờ chiều cùng ngày cơ bản đã thông tuyến trở lại.
Ngoài vị trí sạt lở gây chia cắt giao thông tại điểm nói trên, tuyến Quốc lộ 49 từ Huế đi A lưới cũng bị sạt lở nhiều điểm cục bộ. Mưa lớn cũng đã khiến các hộ dân thôn Tam Lanh (xã Lâm Đớt) và thôn A Hưa (xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới) bị ngập nước, cô lập.
Chính quyền địa phương đã tổ chức di dời 16 hộ dân ở A Sáp và Hồng Thượng, cùng hai hộ dân xã Đông Sơn và xã A Ngo, huyện A Lưới. Hệ thống nước sinh hoạt bị gián đoạn trên toàn huyện. Tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua đèo Hải Vân ( huyện Phú Lộc) cũng bị sạt lở một số điểm.
Một diễn biến khác, tuyến Quốc lộ 49B đoạn qua xã Phong Bình, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) bị ngập úng một số điểm với độ sâu từ 0,3 – 0,5 m. UBND huyện Phong Điền đã tổ chức di dời tại chỗ 75 hộ với 206 nhân khẩu, chủ yếu người già, trẻ em và các hộ ven sông, thấp trũng tại các xã: Phong Hòa (48 hộ, 146 khẩu), Phong Bình (14 hộ, 38 khẩu), Phong Thu (5 hộ, 6 khẩu) và thị trấn Phong Điền (8 hộ, 16 khẩu).
Tại huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên Huế), ở khu vực đường đi vào thủy điện Thượng Nhật nước chảy lớn do cống ngầm qua đường Ma Gon bị xói lở, lực lượng chức năng đã rào chắn không cho người dân qua lại để đảm bảo an toàn. Cũng trên địa bàn huyện Nam Đông, sạt lở đất mái ta-luy dương tại xã Hương Lộc, đến nay đã khắc phục xử lý đảm bảo các phương tiện lưu thông.
Mưa lớn cũng làm ngập úng hàng chục ha hoa màu… tập trung ở xã Quảng Thọ, Quảng Thành (huyện Quảng Điền). Tại TP Huế, xuất hiện ngập úng một số tuyến đường đô thị khu vực khu Đông Nam Thủy An, một số đường ở nội thành.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của triều cường, bờ biển của tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục bị sạt lở nặng với chiều dài khoảng hơn 9 km tập trung ở các đoạn qua xã Giang Hải (huyện Phú Lộc); các xa Phú Thuận, Phú Diên, Phú Hải (huyện Phú Vang) và xã Hải Dương (thị xã Hương Trà). Bên cạnh đó, bờ sông Hương qua xã Hương Thọ (thị xã Hương Trà) bị sạt lở với chiều dài khoảng 50 m.
Mưa lớn làm sạt lở tuyến giao thông tại huyện miền núi A Lưới, Thừa Thiên Huế.
Một số tuyến đường tại TP Huế ngập sâu do mưa lớn, gây khó khăn cho người dân đi lại.
Điểm sạt lở trên Quốc lộ 49A tại xã Bình Tiến (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế)
Do ảnh hưởng của triều cường, bờ biển tại Thừa Thiên Huế tiếp tục bị sạt lở nặng với chiều dài khoảng hơn 9 km tập trung ở các đoạn qua xã Giang Hải (huyện Phú Lộc).
Quảng Bình: Trung tá biên phòng gặp tai nạn hy sinh khi giúp dân tránh lũ
Mưa lớn khiến nhiều bản làng ở Quảng Bình bị cô lập. Trong lúc giúp dân, 1 trung tá biên phòng không may gặp tai nạn hy sinh.
Ngầm Khe Ngang, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh bị ngập sâu trong nước lũ
Chiều 7/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cho biết, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn huyện này đang có mưa to khiến 1 số sông, suối dâng cao gây cô lập, chia cắt nhiều nơi.
Cụ thể, tuyến đường về xã Xuân Hóa (đoạn qua ngầm Bến Sú) đã ngập sâu khiến người và phương tiện không thể qua lại. Nước lũ trên sông Rào Nan dâng lên nhanh gây ngập cục bộ ở xã Minh Hóa và cô lập địa phương này.
Tại các tuyến đường vào các bản Ón, Yên Hợp... của đồng bào Rục (xã Thượng Hóa); bản vùng Lòm (xã Trọng Hóa); bản Ka Ai (xã Dân Hóa)...bị ngập sâu, gây chia cắt bởi nước từ các khe suối dâng cao.
Ngầm tràn huyện Minh Hóa đã ngập sâu, nước chảy xiết
Ông Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết, Trung tá Hồ Ngói cùng đồng đội cắm chốt tại lán trại phòng chống dịch Covid-19 ở sâu trong rừng Giăng Màn. Đêm 6/10, trời mưa to, trung tá Hồ Ngói nhận nhiệm vụ giúp người dân tránh lũ. Trên đường đi trơn trượt, anh bị ngã xe máy, chấn thượng nặng và qua đời ngay sau đó.
Ông Đinh Tuấn Anh - Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Minh Hóa, cho biết do mưa lớn gây ngập lụt ở nhiều tuyến đường nên từ trưa nay (7/10), toàn bộ học sinh các cấp trên địa bàn huyện phải nghỉ học. Riêng học sinh 2 Trường PTDT bán trú và Trường THCS ở Trọng Hóa và Dân Hóa, học sinh được lệnh ở lại tránh trú ngay tại trường, không trở về nhà trong thời điểm này vì không bảo đảm an toàn do nước lũ ở các khe suối đã dâng cao.
Cùng thời điểm, ông Phạm Văn Quang - Chủ tịch UBND xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) cho biết, trên địa bàn xã do mưa lớn đã gây ngập khiến hai bản Hang Chuồn - Trường Nam và bản Khe Ngang với hơn 270 hộ cùng gần 1.000 nhân khẩu bị chia cắt, cô lập.
Ông Nguyễn Ngọc Giàu - Phó Giám đốc Trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, cho biết trước tình hình mưa lớn kéo dài, mực nước tại các sông Son, sông Chày và các khe suối đang lên nhanh, Trung tâm đã tạm ngừng đón khách tại một số tuyến, điểm du lịch kể từ ngày 7/10.
Cụ thể, các điểm du lịch sẽ tạm dừng đốn khách: tham quan động Phong Nha, Tiên Sơn; điểm du lịch sông Chày - hang Tối; suối Nước Moọc... Việc tạm ngừng đón khách nhằm đảm bảo an toàn cho du khách đến tham quan tại khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng trong thời điểm mưa lũ diễn biến phức tạp.
Cà Mau: Hơn 1.400 ha lúa đổ ngã, đê biển bị uy hiếp do mưa lớn Mưa lớn kèm thời tiết cực đoan những ngày qua đã gây nhiều thiệt hại lớn trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Hơn 1.400 ha lúa hè thu chuẩn bị thu hoạch đã bị đổ ngã. Đê biển Tây tiếp tục bị uy hiếp do sạt lở. Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Cà Mau, thiệt...