Thưa mẹ, con đi!
Bà nhìn theo bóng đứa con gái khuất dần sau ngõ. Tụi nó về, lao xao được vài bữa, rồi cũng đi mất.
Đứa con gái út thưa mẹ xong, kéo va li đi. Ngôi nhà trở lại vẻ vắng lặng như một năm qua đã thế. Mà không, 5 năm qua đã thế, kể từ ngày đứa con gái út vào Sài Gòn học, như 2 người anh của nó. Cả 3 anh em, học xong rồi ở lại làm việc trong thành phố, không đứa nào quay về. Đứa con trai lớn của bà, lập gia đình xong cũng trụ lại Sài Gòn. Chỉ còn bà là không thể rời nhà, mỗi ngày ra vô ngôi nhà trống tênh. Cái ti vi màn hình phẳng thằng con thứ hai mua cho, để mẹ xem đỡ buồn, nhiều lúc bà cầm remote bật tới bật lui mà không biết mình nghĩ gì.
(Ảnh minh hoạ)
Tết, tất cả ùa về. Ngôi nhà cứ như ngày nào, ngày chúng nó chưa đứa nào từng rời đi, đầp ắp tiếng người. Đứa bảo mới mua cho mẹ cái áo khoác, mẹ khoác vào mỗi lúc đi chúc Tết bà con kẻo lại lạnh. Miền Trung ngày Xuân lúc nào cũng có gió nhiều. Đứa hối hả gọi cửa hàng điện lạnh trên phố, đổi cái tủ lạnh mới, để mẹ giữ thức ăn cho được lâu, cái tủ lạnh này dễ đã 5-6 năm rồi… Bà cười suốt ngày, nhìn đứa con gái và cô dâu cả lay hoay trong bếp chiên bánh tét, bất giác bà cũng mỉm cười. Thật kỳ lạ, chỉ sự hiện diện của chúng thôi mà bà thấy như mình vừa được tái sinh lần nữa, sau một năm quạnh hiu, đêm chỉ biết nằm nghe tiếng côn trùng mà đoán ngày mai mưa hay nắng.
Nhưng mấy ngày Tết qua mau. Bà chưa kịp nhớ ra mình vừa cười thì đã đến ngày chúng nó chuẩn bị vào lại thành phố. Biết làm sao được, nơi này chúng lớn lên nhưng thành phố nhiều đèn hoa kia mới là nơi chúng sống, tương lai của chúng là ở đó. “Cuộc sống này, mình phải đi lên chứ không thể đi xuống, mẹ ạ!”- đứa con trai lớn đã nói thế, khi bà ngỏ ý con về làm việc ở quê.
Sáng nay, bà ngồi tỉ mẩn xếp nào hũ kiệu chua, nào cây bánh tét bà để dành… vào thùng giấy nhỏ, để đứa con gái mang vào Sài Gòn. Hôm kia thì 2 thằng anh đã vào trước, cho kịp ngày làm việc. Tiếng xe đỗ ở đầu dốc, nếu như hôm trước Tết bà mong ngóng biết bao nhiêu thì bây giờ bà lại sợ hãi bấy nhiêu. Những chuyến xe mang con bà đi mất, bà không thể níu giữ. Những chuyến xe chở con bà đến với tương lai, cũng mang đi mất tiếng cười của bà.
Sau mấy ngày Tết nhà lao xao, rồi chúngnos cũng đi mất… (Ảnh minh hoạ)
“Vào với chúng con, mẹ nhé!”, cậu con trai thứ hai đề nghị. Đây là lần thứ bao nhiêu bà không nhớ nữa, các con mình đã đề nghị thế. Nhưng bầu trời này, mảnh vườn này bà hít thở đã quen, rồi còn nhang khói, mồ mả của ba chúng nó? Bà đã từng vào thành phố vài lần thăm con, nhưng ở chưa quá một tuần bà đã thấy quá ngột ngạt, như thể không khí nơi đấy không thuộc về bà. Rồi, bà không thể để bàn thờ ba chúng nó nguội lạnh quá lâu, ông ấy sẽ buồn.
“Thưa mẹ, con đi!”. Giọng con gái út trộn trong thanh âm lao xao của ngày Tết. Bà “ừ”, nhẹ tênh, mắt ráo hoảnh mà có cái gì đó thắt trong ngực. Kể từ ngày mai, bà lại vào ra một mình. Kể từ ngày mai, bà lại hàng ngày xé từng tờ lịch, đếm xem còn bao nhiêu ngày nữa chúng sẽ về. Bà cũng biết, bà không còn nhiều thời gian nữa, bà sẽ không còn đếm được bao nhiêu chuyến xe nữa. Lưng bà giờ đã còm, tiếng ho của bà mỗi đêm đã nhiều lên.
Bà với tay, đốt nén nhang trên bàn thờ, nói nhỏ: “Tụi nó lại đi rồi, nhà giờ chỉ còn tôi với ông thôi, ông ạ!”. Tiếng bà hẫng trong tiếng gió chiều tà.
Hạnh Phước
Video đang HOT
Theo phunuonline.com.vn
Hạnh phúc không tính bằng số năm tháng bên nhau mà là những điều cùng nhau trải qua
Hạnh phúc không phải là thứ xa vời cũng chẳng phải là thứ gì đó quá cao sang. Chỉ cần chúng ta biết cách và quyết tâm nắm giữ thì dù có gian nan thế nào cánh cửa hạnh phúc vẫn mở rộng đón chờ chúng ta.
Hôm nay, cô cố tình mặc chiếc váy hoa màu xanh ra khỏi nhà. Hai bím tóc xinh xinh cứ đong đưa đong đưa trên lưng trông thật đẹp mắt.
Trên tay cô cầm chặt lá thư, thỉnh thoảng lại mở ra nhìn một cái. Theo những gì trong lá thư viết, qua hai khúc quanh thì cô phải lên xe buýt công cộng. Ngồi năm trạm rồi xuống xe, băng qua đường lớn sẽ có một con sông. Hãy đi dọc theo con sông đó, từ xa cô sẽ nhìn thấy một cây cầu dài. Đối diện cầu là một con ngõ nhỏ, chính là nơi mà cô cần đến.
Cô nhoẻn miệng tươi cười, thật xinh đẹp làm sao.
Hai tháng trước, lá thư này cô xem vẫn không hiểu gì vì chưa được đi học lớp xoá mù chữ. Dĩ nhiên càng chưa quen biết người một bụng đầy chữ như anh.
Hôm qua sau giờ tan học, anh đưa cho cô một phong thư. Trong đó anh vẽ một bức tranh người đàn ông đứng ở đầu cầu bên kia, phía trên có 3 chữ - là tên của anh. Anh sẽ ở đó chờ cô đến.
Thế nhưng khi cô vẫn chưa kịp đến nơi thì bỗng nhiên có một đôi tay kéo cô trở lại. Là anh trai của cô. Anh ta nói:
- Mẹ kêu em về nhà.
- Về nhà làm gì cơ?
- Anh không biết, nhưng em nhất định phải về.
Năm đó cô 18 tuổi. Từ nhỏ cô đã được bố mẹ hứa hẹn kết thông gia, đối tượng không ai xa lạ - chính là con trai của dì cô ở Thượng Hải. Chuyện hôn sự này đã được bố mẹ cô đồng thuận 100%. Cô chẳng thể nào từ chối, cho dù trong lòng đã yêu thầm thầy giáo trẻ tuổi của lớp xoá mù chữ mà cô đang theo học.
Cô nghe lời bố mẹ gả đến Thượng Hải xa xôi, cứ thế mười năm sinh bốn đứa. Vốn dĩ cô đã có thể làm mẹ hiền vợ đảm, gia đình ấm no như thế cả đời, nhưng chồng cô là nhân viên kỹ thuật cốt cán của công trường. Lúc đó công trường xây dựng dây chuyền thứ 3 cần người chi viện, thế là cả gia đình cô phải theo công trường mà chuyển đến vùng núi Vân Quý.
Điều kiện sống khi đó rất gian khó, nhưng cô vẫn một tay lo liệu trong nhà trên dưới chu toàn. Cô chỉ có một ước nguyện duy nhất, đó là đợi con gái út lớn hơn một chút thì cả nhà có thể rời khỏi nơi núi non hiểm trở này. Về Thượng Hải thì quá tốt, hoặc về nhà cô ở Hàng Châu cũng không sao.
Thời gian thấm thoắt trôi đi, cô gái năm nào giờ đã thành bà lão già yếu, người chồng cũng đã bỏ bà mà ra đi trước. Những năm tháng cuối đời, bà cùng con gái út trở về Hàng Châu sinh sống.
Hôm nay, bà cố tình thắt chiếc khăn màu xanh hoa vỡ ra khỏi nhà. Mái tóc buông lơi được chải chuốt cẩn thận.
Bà bước đi rất chậm, thỉnh thoảng lại dừng bước ngẩng đầu trầm ngâm. Qua hai khúc quanh rồi lên xe buýt công cộng. Cũng không biết mình đã ngồi qua bao nhiêu trạm rồi, bà chậm rãi xuống xe. Đúng là có dòng sông thật này, bà men theo bờ sông mà đi, nước vẫn chảy dưới chân cầu. Những ngôi nhà tường trắng ngói đen, hương thơm ngào ngạt, thì ra ngõ nhỏ đó chính là một con phố ẩm thực.
Bà nhoẻn miệng cười, những nếp nhăn trên khuôn mặt cũng theo nụ cười mà giãn ra.
Hôm đó từ sáng đến tối, trên con phố ẩm thực người đến kẻ đi vô cùng tấp nập. Chẳng ai chú ý đến một bà lão già cứ đi rồi dừng lại ngồi xuống, không ăn không uống, lưu luyến cả ngày dài.
Cho đến khi trời tối hẳn, người thưa dần, ông chủ của một tiệm mì nhỏ nhìn thấy bà như thế mà quá đỗi đau lòng, liền bước đến thăm hỏi.
- Bà ơi, vào đây ăn bát mì nhé.
Ăn xong bát mì nóng, bà cũng chẳng hề có ý định rời đi, bất giác lẩm bẩm:
- Anh ấy nói sẽ ở đây chờ tôi mà.
Ông chủ quán mì không biết phải làm sao, chỉ có thể gọi cảnh sát tới giúp đỡ. Khi xe cảnh sát đến rồi, bà lão từ chối lên xe, miệng vẫn không ngừng nói:
- Anh ấy nói sẽ ở đây chờ tôi mà...
Bà gần như đã sắp khóc. Vị nữ cảnh sát với vẻ mặt ôn hoà cất tiếng hỏi:
- Bà ơi bà, bà cố nhớ lại xem là ai nói đợi bà? Chúng cháu sẽ giúp bà đi tìm họ.
Bà đưa tay vào túi mò mẫm gì đó, rồi như chợt nhớ ra, à lúc ra cửa bà có mang theo một mảnh giấy. Trên đó vẽ một bức tranh, người đàn ông đứng ở đầu cầu bên kia, phía trên có 3 chữ - là tên của ông ấy. Ông ấy sẽ ở đó chờ bà đến...
Thế nhưng con đường này lại quá dài, bà đã đi hết một đời người rồi...
Vị nữ cảnh sát đầy cảm thán kể cho tôi nghe: "Bà lão chỉ mới học lớp xoá mù chữ có vài buổi mà có trí nhớ như vậy đúng là kinh ngạc. Ông lão trong lá thư quả thực cũng từng sống ở khu vực này. Nhưng tiếc là khi chúng tôi tìm được đến nhà thì ông ấy đã qua đời mất rồi..."
Người đi cùng bạn những năm tháng thanh xuân chưa chắc sẽ đi cùng bạn đến cuối cuộc đời. Nhưng người đi cùng bạn đến cuối cuộc đời chưa chắc là người khiến bạn cảm thấy hạnh phúc nhất. Vốn dĩ không có chuyện sai người hay sai thời điểm, quan trọng là trong lòng bạn yêu ai nhiều nhất. Đừng mãi sống vì hi vọng của người khác mà bỏ qua cảm xúc của chính mình, bởi vì:
"Đôi khi lỡ hẹn một giờ,
Lần sau muốn gặp phải chờ trăm năm"
Hạnh phúc chính là thứ mà chỉ cần ta biết cách nắm giữ thì cho dù có gian nan thế nào, những điều tốt đẹp đến sau cùng vẫn sẽ luôn hiện hữu mà thôi.
Theo guu.vn
Cả đời mẹ chỉ sống với những ước mơ cho gia đình Ngắm nhìn mái tóc mẹ giờ đã pha sương, đôi bàn tay da đã nhăn nheo, lốm đốm những chấm đồi mồi, lòng tôi cứ dấy lên một cảm xúc mênh mang. Cả đời mẹ chỉ biết sống với những ước mơ cho gia đình. *** Ngày còn nhỏ, bên mẹ, tôi thường nghĩ đến những đòi hỏi của mình, những mong ước...