Thủ tướng: Tiếp tục cách ly xã hội đến 15/4
Thủ tướng yêu cầu từ nay đến ngày 15/4 phải tiếp tục cách ly xã hội và không để vấp phải sai lầm do chủ quan, coi thường.
Chiều 6/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19 khi việc cách ly toàn xã hội bước sang ngày thứ 6.
Thủ tướng cho rằng, có tín hiệu tích cực khi những ngày qua, số ca nhiễm mới ít, số ca ra viện tăng và trong xã hội xuất hiện nhiều tấm gương tương thân, tương ái. Chỉ thị số 15, 16 làm cuộc sống của người dân thay đổi.
Ở giai đoạn này, sự chấp hành của người dân là yếu tố quan trọng nhất. Và thời gian qua, người dân đã tuân thủ tốt, nhờ đó, công tác chống dịch đạt một số kết quả tích cực.
Đặt vấn đề về việc tiếp tục các Chỉ thị nêu trên, Thủ tướng yêu cầu từ nay đến ngày 15/4 tiếp tục cách ly xã hội, cần tiếp tục tập trung thực hiện giải pháp đưa ra, không được chủ quan, không để vấp phải sai lầm do chủ quan, coi thường, nhất là khi xảy ra việc tái nhiễm ở một số nơi trên thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19. (Ảnh: VGP)
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia, trên thế giới ghi nhận hơn 1,23 triệu người mắc tại 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, gần 70.000 người chết.
Tại Việt Nam, tính đến 12h hôm nay, ghi nhận 241 ca mắc với 150 người từ các ổ dịch nước ngoài (chiếm trên 62% số người mắc) và 91 người lây nhiễm thứ phát. Có 91/241 trường hợp khỏi bệnh. 4 bệnh nhân nặng đang có tiến triển tốt.
Liên quan đến ca bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai, tính đến 5/4/2020 đã thực hiện 8.683 xét nghiệm virus SARS-CoV-2, trong đó có 8.652 mẫu âm tính, 22 mẫu dương tính đã công bố, chủ yếu từ công ty Trường Sinh. Thực hiện rà soát 52.239 người. Các địa phương đã thực hiện việc cách ly và kiểm soát hết người đến Bệnh viện Bạch Mai.
Liên quan đến ca bệnh tại quán bar Buddha, chung ta đã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm 4.397 người, trong đó có 18 trường hợp dương tính virus corona. Đến nay đang tổ chức cách ly, theo dõi 222 người liên quan có tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính.
Nhận định tình hình dịch tại Việt Nam, Ban chỉ đạo quốc gia cho biết, trong 2 tuần qua, số ca mắc Covid-19 đã tăng gấp đôi từ 121 (23/3) lên 241 (5/4). Trong cùng thời gian đó, số ca mắc trên thế giới tăng gần 4 lần từ 341.632 (23/3) lên 1.273.709 (5/4). Việt Nam hiện chưa có ca tử vong nào trong khi trên thế giới trong 2 tuần qua, con số tử vong do Covid-19 tăng lên gần 5 lần.
Video: Virus gây dịch Covid – 19 đã ‘tiến hóa’ thành 2 nhóm khác hẳn nhau
XUÂN TRƯỜNG
Thủ tướng: Cần lăn xả, không ngồi chờ khi chống dịch Covid-19
Khi thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan cần lăn xả vào, cùng góp sức, không ngồi chờ, không có cơ chế xin - cho.
Chỉ đạo trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra khi chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ chiều 2/3 về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh tại một số quốc gia như Hàn Quốc, Italy, Iran diễn biến phức tạp.
Tính mạng dân là ưu tiên hàng đầu
Theo người đứng đầu Chính phủ, Việt Nam thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, nhưng ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là kiên quyết chống dịch để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân.
"Kinh tế có khó khăn, có thể tìm giải pháp hỗ trợ nhưng tính mạng của người dân thì không thể thay thế. Chúng ta chấp nhận tiếp tục hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo đảm an toàn cho người dân", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân trong dịch Covid-19. Ảnh: VGP.
Thủ tướng cho biết Việt Nam đã chuẩn bị nhiều biện pháp cụ thể cách ly tại chỗ, cách ly tập trung; huy động nhiều lực lượng tham gia phòng, chống dịch, nhưng những công việc này cần phải được đẩy mạnh hơn nữa.
Theo chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, những khu vực cách ly tập trung cần phải phòng ngừa kỹ việc lây nhiễm chéo; cần trung tâm thông tin kết nối hiện đại; bổ sung một số trang thiết bị cần thiết, hạn chế việc di chuyển bệnh nhân, hỗ trợ bệnh nhân tại nơi bị bệnh, có thể chẩn đoán, điều trị từ xa.
"Không để dịch bệnh lây lan, kiên quyết khoanh vùng, dập dịch", Thủ tướng chỉ đạo.
Ông nhấn mạnh phương châm chống dịch của Chính phủ là khẩn trương, kiên quyết nhưng bình tĩnh, đúng mức, không chủ quan. Bên cạnh đó, thông tin đến người dân, cộng đồng quốc tế phải minh bạch, chuẩn xác, công khai và kịp thời.
Ngoài ra, Thủ tướng lưu ý từng người dân, từng địa phương, đơn vị phải chủ động ứng phó tốt nhất với những biện pháp thông thường như rửa tay, tránh tụ tập đông người, dừng các hoạt động không cần thiết.
"Các tổ chức, cá nhân có liên quan cần lăn xả vào, cùng góp sức, không ngồi chờ, không có cơ chế xin cho", Thủ tướng nói.
Đến nay có gần 70 nước và vùng lãnh thổ có ca nhiễm, Thủ tướng yêu cầu khi chưa có phương tiện phát hiện sớm, đối với người nhiễm bệnh thì cách ly là phương pháp tốt nhất. Theo ông, do dự trong việc cách ly sẽ vấp phải sai lầm nghiêm trọng trong vấn đề bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam sẽ làm hết sức mình để có môi trường tốt nhất một cách lâu dài. Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao áp dụng đúng quy định pháp luật về chính sách visa với tinh thần hạn chế người từ vùng dịch vào Việt Nam.
Quân đội chăm lo chu đáo cho hơn 10.000 người bị cách ly
Thông tin về công tác cách ly, thượng tướng Trần Đơn - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết đến nay quân đội đã tiếp nhận 10.398 người.
Theo thượng tướng Trần Đơn, quân đội chăm lo chu đáo người bị cách ly, từ bữa ăn đến giấc ngủ. "Khi họ hết cách ly, đi về thì chúng tôi đưa ra tận bến xe, bến tàu", thượng tướng Trần Đơn nói.
Cuộc họp của Thường trực Chính phủ. Ảnh: VGP.
Về sản xuất, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết trong 2 tháng qua, sản xuất công nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng 6,2%.
Tuy nhiên, trước khó khăn về nguyên phụ liệu cho ngành sản xuất nếu dịch kéo dài, tất cả thương vụ của Bộ Công Thương tại các nước đang tập trung tìm nguồn nhập khẩu nguyên phụ liệu cũng như tìm thị trường xuất khẩu cho hàng Việt Nam.
Về sản xuất khẩu trang, ông An cho hay Việt Nam có trên 10 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn và đưa ra thị trường trên 11 triệu khẩu trang.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay Việt Nam là một trong số cường quốc dệt may, năng lực sản xuất khẩu trang vải của Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu cho 100 triệu dân.
"Chúng ta làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất, xử lý kháng khuẩn, kháng nước cho khẩu trang", lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Trong khi đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia, cho rằng cần có sách lược mới để ứng phó tình hình mới khi thế giới có thêm các "điểm nóng" về dịch như Hàn Quốc, Italy, Iran.
Theo ông, công tác phòng chống dịch cần chuyển dần sang trạng thái mới, bên cạnh ngăn chặn lây nhiễm từ bên ngoài thì tích cực phòng ngừa lây nhiễm trong cộng đồng, nhất là khâu phát hiện bệnh.
Theo news.zing.vn
Em trai cô dâu bay cùng chuyến bệnh nhân số 17: 'Nhà tôi tự nguyện cách ly nhưng hàng xóm vẫn dị nghị, chị gái tôi khóc rất nhiều' 'Chị gái mình hiện đã phải khoá facebook. Chị ấy đã khóc rất nhiều sau khi đọc những bình luận không hay trên mạng. Bản thân mình là em trai mà bất lực không thể làm gì giúp chị', em trai cô dâu chia sẻ. Như đã đưa tin, cô gái tên Đ.T.K.A (SN 1998 ở phường Tân Thành, quận Dương Kinh, TP...