Thủ tướng: Thi chung phải đảm bảo kết quả trung thực, có chất lượng
“Quá trình chuẩn bị tổ chức kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia phải lường hết các khó khăn và có phương án xử lý, không để bị động, không được chủ quan với mục tiêu đảm bảo tổ chức kỳ thi tốt nhất” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh yêu cầu.
Tại trụ sở Chính phủ, chiều 9/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp, nghe lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp về chuẩn bị kỳ thi chung quốc gia. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Kết quả xét tuyển cập nhật công khai trên mạng
Báo cáo với Thủ tướng những công việc đã tiến hành nhằm chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2015, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã nêu lên một số điểm mới. Cụ thể năm nay sẽ có 38 cụm thi liên tỉnh (ít nhất 2 tỉnh, thành phố) dành cho các thí sinh thi tốt nghiệp THPT có nguyện vọng xét tuyển Đại học, Cao đẳng (ĐH, CĐ); các cụm thi tỉnh dành cho các thí sinh chỉ có nguyện vọng thi tốt nghiệp. Việc tổ chức tại các cụm thi đều theo quy trình giống nhau.
Thí sinh được xét công nhận tốt nghiệp phải thi 3 môn bắt buộc (Toán, Văn, Ngoại ngữ) và 1 môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Kết quả thi 4 môn tối thiểu đồng thời được sử dụng để xét tuyển vào các ngành phù hợp của các trường ĐH, CĐ. Thí sinh có thể đăng ký thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển ĐH, CĐ. Riêng thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký thi các môn phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ…
Đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng kiến thức, các câu hỏi mở, v.v…
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết tinh thần của quy chế thi, quy chế tuyển sinh là tạo thuận lợi tối đa cho học sinh. Đáng chú ý, đến nay đã có 125 trường ĐH, CĐ được Bộ GD&ĐT phê duyệt phương án tuyển sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT ở cả cụm thi tỉnh (vốn dành cho thí sinh chỉ có nguyện vọng thi tốt nghiệp) và cụm thi liên tỉnh; 300 trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp ở cụm thi liên tỉnh. Việc thí sinh sau khi biết kết quả mới đăng ký xét tuyển các trường ĐH, CĐ giúp các em có nhiều cơ hội hơn, và chủ động lựa chọn những khoa, ngành phù hợp với năng lực, sở thích của mình.
Video đang HOT
“ Các phương án tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ đều có ngưỡng để đảm bảo chất lượng. Toàn bộ kết quả thi và kết quả tuyển sinh của các trường được cập nhật công bố công khai trên mạng“, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc tổ chức 1 kỳ thi THPT quốc gia không chỉ tiết kiệm kinh phí cho ngân sách Trung ương, địa phương, các trường ĐH, CĐ mà lớn nhất là chi phí của từng gia đình học sinh cũng như toàn xã hội. Bộ GD&ĐT cần tiếp tục phối hợp với các địa phương để tiến hành rà soát để việc tổ chức các cụm thi liên tỉnh cũng như các cụm thi tại từng tỉnh sao cho phù hợp, tạo thuận lợi, giảm tối đa rủi ro trong quá trình đi thi của học sinh và gia đình; khẩn trương thông tin về cơ cấu đề thi, đưa mẫu đề để các trường, học sinh có thời gian chuẩn bị; quy định rõ ràng về việc cử cán bộ, giáo viên về trông thi, chấm thi tại cụm thi liên tỉnh, có cơ chế giám sát chéo; điều chỉnh quy định về việc nộp phiếu báo điểm thi để xét tuyển ĐH, CĐ bằng cả bản giấy lẫn qua mạng để tránh việc thí sinh đổ về các thành phố lớn nộp phiếu báo điểm trong các đợt tuyển sinh.
“ Điều cốt tử là lãnh đạo các tỉnh phải chủ động, tích cực tham gia, tạo mọi điều kiện trong quá trình tổ chức kỳ thi, bởi đây không là kỳ thi của riêng Bộ GD&ĐT mà cả nước cùng làm thì mới giúp được ngành Giáo dục“, Phó Thủ tướng nói.
Lường trước khó khăn, không để bị động
Thủ tướng yêu cầu lường trước các khó khăn, có phương án xử lý, không để bị động trong kỳ thi quốc gia.
Đánh giá cao quá trình của Bộ GD&ĐT trong việc xây dựng và ban hành Quy chế thi THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng công tác chuẩn bị đổi mới thi cử đã đáp ứng các yêu cầu cơ bản, tạo sự đồng thuận cao trong phương án tổ chức; trong đó, học sinh và gia đình đã được tạo điều kiện thuận lợi tối đa, giảm tốn kém cho xã hội. Việc đổi mới thi cử lần này căn cứ vào Nghị quyết của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, trong đó có đổi mới về thi cử với mục tiêu tổ chức một kỳ thi chung duy nhất (thay cho 4 kỳ thi trước đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT; 2 kỳ thi Đại học và 1 kỳ thi Cao đẳng) nhằm vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ xét tuyển ĐH, CĐ.
Việc đổi mới này đảm bảo chất lượng học tập và thi cử; đồng thời giảm căng thẳng trong tổ chức và thi cử, tạo thuận lợi cho các thí sinh tham dự kỳ thi, giảm chi phí của các gia đình và của cả xã hội, từng bước hội nhập với cách thức tổ chức học và thi của các nước tiên tiến trên thế giới. Đặc biệt, đổi mới những vẫn đảm bảo quyền cũng như nguyện vọng học tập và thi cử của mọi học sinh trong cả nước.
“ Đổi mới trong kỳ thi THPT quốc gia đảm bảo các cháu đã học thì phải thi có chất lượng, kết quả học tập trung thực để làm căn cứ để xét tuyển ĐH, CĐ cũng như những cháu chỉ muốn tốt nghiệp THPT rồi đi làm việc. Ngay cả những cháu ban đầu chỉ muốn thi tốt nghiệp nhưng sau đó lại có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ thì chúng ta cũng đều đáp ứng. Đồng thời đảm bảo quyền tự chủ của các trường ĐH, CĐ trong tuyển sinh; quyền quản lý của Nhà nước về chất lượng giáo dục, đào tạo“, Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương hoàn thiện phương án tổ chức; ban hành các văn bản hướng dẫn cần thiết; dự báo những khó khăn, phức tạp nảy sinh và có phương án giải quyết; đặc biệt làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích để Nhân dân, các thí sinh hiểu rõ, đầy đủ mục đích, ý nghĩa, lợi ích của kỳ thi này, những khó khăn có thể gặp phải và hướng xử lý.
Thủ tướng đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan truyền thông chủ động, tích cực vào cuộc tuyên truyền giải thích cho các em học sinh và gia đình, tránh tình trạng không hiểu, không biết mình phải làm gì theo quy chế thi, tuyển sinh mới. Đồng thời lãnh đạo các trường ĐH tham gia tổ chức các cụm thi phải nêu cao trách nhiệm trong tổ chức kỳ thi, bảo đảm các điều kiện cho các cán bộ, giáo viên tham gia trông thi, chấm thi.
“ Quá trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia phải lường hết các khó khăn và có phương án xử lý, không để bị động, không được chủ quan nhằm mục tiêu đảm bảo tổ chức kỳ thi tốt nhất. Từ nay cho đến trước khi tổ chức kỳ thi, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện các quy định sao cho hợp lý nhất, tạo sự đồng thuận cao nhất trong nhân dân và toàn xã hội“, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.
P.Thảo
Theo Dantri
Đổi mới giáo dục đại học: Người dân muốn công bằng, bớt mọi tốn kém, nhiêu khê
Ngày 15-8, hơn 300 hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ cả nước cùng hiến kế cho đổi mới giáo dục đại học. Trong đó, vấn đề được tập trung nhiều nhất là các phương án kỳ thi quốc gia 2015. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đối với việc thi cử, người dân chỉ muốn công bằng, bớt nhiêu khê và tạo động lực học tập.
Phó Thủ tướng yêu cầu dù thi theo phương án nào thì cách tổ chức
phải đảm bảo trung thực, khách quan
Địa phương khó đảm đương kỳ thi quốc gia
Là người góp ý đầu tiên, ông Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội đã nhận xét về căn bản 3 phương án Bộ đưa ra không khác nhau nhiều lắm và nội dung thi vẫn nặng nề. Ông Nguyễn Kim Sơn đề xuất: "Để giản tiện và có thể sử dụng vào tuyển sinh ĐH thì có phương án thi gồm 2 khối kiến thức Toán và Ngữ văn. Môn thứ 3 là Ngoại ngữ có thể được tiến hành đa dạng hoá, không nhất thiết thi trong kỳ thi quốc gia, mà có thể thi thành nhiều đợt, có tính tới yếu tố vùng miền. Tương lai sẽ tích hợp hai môn Toán và Ngữ văn thành một bài thi.
Với 3 phương án của Bộ GD-ĐT, ông Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, cho rằng phương án 2 là phù hợp. Ông Đặng Kim Vui đề nghị Bộ GD-ĐT cần khẩn trương tổ chức xây dựng quy chế thi mới, giao quyền tổ chức cho các địa phương. Trong kỳ thi, có thể đưa các trường ĐH, các cán bộ ĐH tham gia quản lý, thanh kiểm tra, chấm thi. "Nếu tiến hành tại địa phương thì vấn đề gay gắt đặt ra là kết quả thi như thế nào, các trường đại học có yên tâm sử dụng hay không?" - ông Vui nhận định - "Chắc chắn không ít trường sẽ đặt vấn đề đánh giá riêng để yên tâm và chọn được đúng thí sinh".
Phản biện ý kiến này, ông Nguyễn Đình Tư, Phó Hiệu trưởng ĐH Thành Tây nhấn mạnh: "Phải chấp nhận hiện thực và tin tưởng những người làm giáo dục. Không lấy số ít để rồi bi quan và ngăn cản". Ông Nguyễn Đình Tư cho rằng thế giới đang chấp nhận bằng tốt nghiệp THPT của ta: "Người ta tin được, sao chúng ta không tin?" - ông Tư đặt vấn đề - "Hãy bỏ kỳ thi đại học, dùng kỳ thi quốc gia để xét tuyển cho đỡ tốn kém. Bộ GD-ĐT không cần tập trung vào mấy kỳ thi, mà hãy tập trung quản lý, kiểm tra dạy học và đào tạo. Cần thấy rằng yếu tố quyết định là quá trình dạy và học ở trường. Không có cạnh tranh ở đầu ra khiến chất lượng đào tạo kém, điều này cũng phải thay đổi".
Phải đảm bảo trung thực, khách quan
Trước nhiều ý kiến về phương án cho kỳ thi quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Vấn đề chuyên môn thi cử khó là phần việc các thầy cô lo, người dân chỉ mong rõ ràng. Phương án thi cần được công bố trước ngày khai giảng, như vậy thời gian cũng không còn nhiều. Thi gì không quan trọng bằng đảm bảo trung thực, khách quan, bớt nhiêu khê". Phó Thủ tướng lưu ý Bộ GD-ĐT kỳ thi cần mang tính tương đối ổn định. "Cần tính toán kỹ trong giai đoạn trước mắt, kỳ thi quốc gia này nên thiết kế để làm căn cứ đáng tin cậy cho kỳ thi ĐH. Lâu dài, khi ĐH tốt lên, các trường tự chủ, siết chặt đầu ra, thì như thế giới cứ tốt nghiệp phổ thông là được ghi danh đại học. Lúc đó kỳ thi quốc gia lại tập trung cho việc xét tốt nghiệp THPT" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước ý kiến của Phó Thủ tướng và các hiệu trưởng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua, nhân dân có ý kiến phản ánh rằng, đã hội đủ điều kiện để tiến hành một kỳ thi "2 trong 1". "Cũng rất nhiều ý kiến chuyên gia, cán bộ nhắc nhở Bộ GD-ĐT phải khẩn trương làm, không được chậm trễ. Nói như vậy để thấy rằng, những phương án mà chúng ra đang thảo luận đã được chuẩn bị và triển khai từng bước, từ năm 2011 đến nay. Những phương án đó trước khi công bố đã được nghiên cứu công phu, lấy ý kiến không chỉ trong nội bộ khối phổ thông, đại học, các cán bộ quản lý, thầy cô giáo trong toàn ngành..." - Bộ trưởng cho biết.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, tại thời điểm này Bộ không có ý kiến kết luận về phương án kỳ thi quốc gia. Hiện Bộ GD-ĐT đã thành lập các tổ, nhóm để tập hợp ý kiến rộng rãi về 3 phương án thi, từ đó xử lý thông tin một cách đầy đủ. "Bộ GD-ĐT mong muốn sau hội nghị sẽ tiếp tục nhận được ý kiến góp ý nhằm có thêm nhiều thông tin hơn nữa để xử lý phương án cho kỳ thi quốc gia" - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ.
Theo ANTD
Đi ôn thi đại học, nam sinh rơi lầu tử vong Nghe tiếng "bịch" mạnh, hàng trăm học viên đang luyện thi đại học chạy ra kiểm tra thì tá hỏa phát hiện một thanh niên nằm bất động.... Đến hơn 22h00', ngày 25/6, Công an quận Thủ Đức cùng các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của một thanh niên tại trường Đại học Sư...