Thủ tướng phê duyệt Đề án tái cơ cấu VNPT, chuyển MobiFone về Bộ TT&TT
MobiFone, Bưu điện Trung ương và Học viện BCVT được chuyển nguyên trạng về trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông – đây là một nội dung quan trọng trong Quyết định 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/6/2014, phê duyệt Đề án tái cơ cấu VNPT.
Trong Quyết định 888/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ TT&TT ban hành các quyết định điều chuyển các đơn vị này.
Thủ tướng cũng quyết định điều chuyển các bệnh viên đa khoa, bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng ở Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM, các trường trung học BCVT và CNTT tại Hà Nam, Tiền Giang, Thái Nguyên về các địa phương quản lý.
Trước đó, ngày 7/4/2014, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tái cơ cấu VNPT. Theo đó, đề án tái cơ cấu VNPT có nội dung như sau: tách MobiFone ra khỏi VNPT; điều chuyển Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và Bưu điện Trung ương về Bộ TT thành lập Công ty VNPT-Net, công ty VNPT-Media, công ty VNPT-VinaPhone trực thuộc VNPT (không thành lập các tổng công ty). Điểm lưu ý là VNPT-Net là công ty hạch toán phụ thuộc, VNPT-VinaPhone và VNPT-Media là công ty con 100% vốn của VNPT.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT&TT xây dựng phương án cổ phần hóa MobiFone, làm rõ và kiến nghị việc sử dụng số tiền thu được từ cổ phần hóa, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa công ty này. Thủ tướng cũng chỉ đạo không chuyển quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại 62 công ty cổ phần nêu trong Đề án và hệ thống vệ tinh VINASAT 1, VINASAT 2 ra khỏi VNPT.
Trong buổi giao ban quản lý nhà nước mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là xây dựng phương án bàn giao nguyên trạng MobiFone và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông từ VNPT về Bộ TT&TT quản lý, đồng thời xây dựng phương án cổ phần hóa MobiFone để thực hiện trong năm 2014. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng chỉ đạo phải xây dựng Điều lệ hoạt động của VNPT, MobiFone, VietnamPost căn cứ theo Điều lệ mẫu của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Video đang HOT
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son từng chia sẻ rằng, về mặt tâm tư tình cảm và cả về kinh tế thì VNPT không muốn tách mạng nào. Tách MobiFone ra khỏi VNPT là sự hi sinh lớn của tập đoàn. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, hiện VNPT có 76 công ty cổ phần mà VNPT đóng góp dưới 50% vốn điều lệ. Trong phương án tái cơ cấu VNPT mà Bộ và VNPT trình lên Chính phủ là MobiFone sẽ tách kèm với 62 đơn vị và 2 vệ tinh VINASAT. Sở dĩ, phải đề xuất như vậy bởi MobiFone đang chiếm 48% doanh thu, nhưng chiếm đến hơn 70% lợi nhuận của tập đoàn này, khi xây dựng phương án phải tính đến các yếu tố đỡ gánh nặng cho VNPT. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng vấn đề mấu chốt là cổ phần hoá vì vậy phải tách MobiFone ra để thực hiện chủ trương này và không kèm bất cứ đơn vị nào của VNPT.
Thực tế khi tách VinaPhone hay MobiFone ra thì VNPT sẽ bị yếu đi. Nhưng VNPT không thể không thực hiện vì luật quy định sẽ không được sở hữu 2 mạng di động. Một bài toán đặt ra là tách mạng di động nào để vẫn có thể phát triển được là vấn đề mà cả VNPT và cơ quan quản lý phải tính toán. Nếu tách VinaPhone cũng sẽ khó khăn bởi mạng lưới và kinh doanh của VinaPhone gắn chặt với các viễn thông tỉnh. Vì vậy, phương án tách MobiFone để tạo thị trường cạnh tranh ở thế VinaPhone – MobiFone – Viettel.
Trước đó, ông Mai Liêm Trực, Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ BCVT cũng thẳng thắn nói: “Bản thân tôi nếu ở cương vị VNPT, tôi không muốn tách anh nào hết, tôi muốn để cả 2 vì bản thân MobiFone cũng là công sức của VNPT bao nhiêu năm nay, gây dựng nó lên thành đứa con cả trong nhà VNPT, đứa con làm ăn tốt nhất, chiếm tới khoảng 70% lợi nhuận của VNPT. Phải nói rằng đứng về tâm lý mà nói thì VNPT không muốn tách ra, mà tách ra là một thiệt thòi cho VNPT. Tất nhiên là của Nhà nước cả, nhưng phải nói rằng đấy là công sức của VNPT, cho nên vạn bất đắc dĩ mới tách ra. Nếu tách ra thì VNPT đương nhiên khó khăn. Đó là thực tế”.
Theo ICTnews
Tại sao MobiFone được chọn để tách khỏi VNPT?
Theo Đề án tái cơ cấu Tập đoàn VNPT được Bộ TT&TT trình lên Thủ tướng mới đây, mạng MobiFone sẽ tách khỏi Tập đoàn để thành lập Tổng công ty Thông tin di động, tiến tới cổ phần hóa. Vậy đâu là cơ sở để lựa chọn tách MobiFone?
Theo bài viết trên báo VietnamNet, tại Tọa đàm "Tái cơ cấu thị trường viễn thông Việt Nam", diễn ra chiều 14/2/2014 tại Hà Nội, Ông Trần Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT đã đưa ra câu trả lời cho câu hỏi mà dư luận và các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm lúc này là tại sao giữa hai mạng MobiFone và VinaPhone, VNPT lại quyết định đề xuất tách MobiFone?
"VNPT đã tiến hành phân tích rất kỹ việc nên tách mạng nào, đánh giá ưu và nhược điểm của từng lựa chọn trên góc độ tài chính, kinh tế, sự ảnh hưởng đến khách hàng.... Sau nhiều lần tham vấn và thảo luận cùng Bộ TT&TT, hai bên đã đã thống nhất tách MobiFone cùng một số đơn vị khác. Lựa chọn này vừa đảm bảo cho MobiFone có thể tiếp tục phát triển, vừa tạo điều kiện cho phần còn lại của Tập đoàn VNPT, trong đó có mạng VinaPhone phát triển lành mạnh", ông Hùng giải thích.
Ông Trần Mạnh Hùng phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: VietnamNet
Trong khi đó, ông Lê Ngọc Minh, Chủ tịch MobiFone cho rằng: "Sau khi chia tách, MobiFone sẽ triển khai đa dịch vụ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thay vì chỉ giới hạn trong kinh doanh viễn thông di động như trước đây".
Đồng tình với ông Hùng, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) nhấn mạnh: tái cơ cấu Tập đoàn VNPT nói riêng và thị trường viễn thông nói chung là một nội dung mà Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm tại thời điểm này. Bản thân Thủ tướng cũng đã trực tiếp chủ trì một số cuộc họp liên quan đến vấn đề tái cơ cấu VNPT. Vì thế, khi Tập đoàn trình lên Bộ phương án tách MobiFone, Bộ đã hoàn thiện đề án này và gửi lên Chính phủ.
Theo phân tích của ông Hải thì việc tách MobiFone có nhiều điểm lợi như mạng này đang có sẵn thương hiệu khá mạnh. Một khi tách ra, MobiFone sẽ có thể tiến hành cổ phần hóa nhanh hơn, giúp tăng tốc cho chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp trọng yếu của Chính phủ. Hơn nữa, MobiFone đang hoạt động khá độc lập với Tập đoàn so với doanh nghiệp còn lại là VinaPhone. Một doanh nghiệp mạnh như MobiFone cũng sẽ sớm vượt qua các khó khăn ban đầu để ổn định hoạt động, kinh doanh và trở nên tương đối mạnh để cạnh tranh với hai doanh nghiệp viễn thông lớn là Viettel, VNPT (tức VinaPhone), tạo nên thế chân vạc cho thị trường viễn thông.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhấn mạnh việc tách MobiFone ra để cổ phần hóa là "chuyện rõ ràng" và thị trường hiện đang ở thời điểm cực kỳ quan trọng: Tái cơ cấu không chỉ là chuyện bắt buộc mà còn mang tính sống còn, nếu như Việt Nam không muốn bị lạc hậu về công nghệ viễn thông, kìm hãm lợi ích của người dùng và va chạm với thông lệ quốc tế khi hội nhập.
"Việc tái cơ cấu, sắp xếp lại thị trường phải trên nguyên tắc: không lấy việc bảo vệ một người chơi trên thị trường làm chính mà phải tạo ra được áp lực cạnh tranh cho những người chơi đó", ông Thành cho biết.
Tại thời điểm này, MobiFone cần cổ phần hóa để tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, đổi mới công nghệ và quay lại gây áp lực cho hai ông lớn còn lại. Chỉ như vậy thì thị trường mới có sự cạnh tranh đích thực, theo đúng quy luật kinh tế thị trường.
Ông Lê Ngọc Minh khẳng định MobiFone hoàn toàn sẵn sàng với việc cổ phần hóa. Ảnh: VietnamNet
Bản thân MobiFone cũng khẳng định họ hoàn toàn sẵn sàng, chủ động nếu phương án VNPT đề xuất được Chính phủ phê duyệt. "MobiFone không chỉ là một tổ chức đã thành danh mà còn có quy mô doanh thu, lợi nhuận tương đối lớn, nhân lực ổn định, đông đảo, cạnh tranh tốt trên thị trường", ông Lê Ngọc Minh chia sẻ. "Một doanh nghiệp như vậy có nhu cầu tự chủ, độc lập ngày càng cao để có thể chủ động phát triển, tìm kiếm đa dịch vụ".
Nói như lời ông Minh thì việc tách ra khỏi VNPT cũng là một cơ hội tốt để MobiFone phục vụ người dùng tốt hơn và mang lại nhiều giá trị cho Nhà nước hơn.
Sẽ tách MobiFone cùng các doanh nghiệp đang thua lỗ
Theo đề án chia tách, MobiFone sẽ không ra đi một mình mà còn phải gánh theo một số doanh nghiệp đang làm ăn kém hiệu quả, như công ty Tài chính bưu điện, hệ thống vệ tinh Vinasat 1 và 2... (đều đang thua lỗ hàng trăm tỷ đồng). Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp mà VNPT tham gia góp vốn cũng sẽ được chuyển về MobiFone để thực hiện thoái vốn theo quy định của pháp luật. Một số doanh nghiệp trong số này là SACOM, SPT, Vinacap, VNPT Epay, Nhiệt điện Dầu khí Nhơn Trạch 2....
Còn VNPT sẽ tái cấu trúc một số đơn vị thành viên thành các tổng công ty quản lý 3 lĩnh vực chính là hạ tầng mạng, dịch vụ viễn thông và truyền thông. Đó là Tổng công ty Hạ tầng mạng (VNPT-NET) quản lý hạ tầng mạng viễn thông của VNPT; Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT-Vinaphone) thực hiện chức năng quản lý, điều hành kinh doanh dịch vụ viễn thông thống nhất trong toàn tập đoàn VNPT và Tổng công ty Truyền thông (VNPT-Media) thực hiện chức năng kinh doanh các dịch vụ công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tin và các dịch vụ giá trị gia tăng.
Ông Phạm Hồng Hải cho rằng, VNPT sau khi tách MobiFone và các doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả cũng sẽ trở nên năng động hơn, thích ứng nhanh hơn với môi trường cạnh tranh hội nhập.
Tuy nhiên, lời giải thích này cho thấy có vẻ như cơ quan quản lý đang cố "cứu" VNPT. Sau nhiều năm đầu tư trải rộng, góp vốn vào rất nhiều doanh nghiệp nhưng không mấy hiệu quả, VNPT chỉ chịu "nhả" MobiFone nếu mạng này chịu gánh theo các cục nợ của họ. Chưa biết MobiFone sẽ làm thế nào để tiếp tục duy trì tăng trưởng với những khoản thua lỗ khổng lồ, nhưng không ai dám chắc VNPT sau khi đẩy được các doanh nghiệp thua lỗ đi lại có thể vươn vai phát triển vững mạnh.
Theo Vnreview
Phó Tổng giám đốc MobiFone sắp được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Vinaphone? Ông Cao Duy Hải, Phó Tổng Giám đốc MobiFone có thể sẽ được điều chuyển sang Vinaphone nhận nhiệm vụ Tổng giám đốc, một số nguồn tin nội bộ tiết lộ với trang GenK. Ông Cao Duy Hải, Phó Tổng giám đốc Mobifone (phải). Ảnh: Thanh Niên. Ông Hải là người có thâm niên hoạt động lâu năm trong ngành viễn thông và...