Thủ tướng Nhật thăm Mỹ: Một giai đoạn mới trong mối quan hệ đồng minh
Theo các quan chức Nhà Trắng, Mỹ lên kế hoạch chào đón đặc biệt chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản lần này.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 26/4 đến Mỹ trong chuyến thăm một tuần nhằm củng cố mối quan hệ đồng minh truyền thống. Đáng chú ý, trong chuyến thăm này, Thủ tướng Abe sẽ có bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ. Đây sẽ là bài phát biểu đầu tiên của một vị Thủ tướng Nhật Bản trước Quốc hội Mỹ.
Theo các quan chức Nhà Trắng, Mỹ lên kế hoạch chào đón đặc biệt chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản lần này. Ông Shinzo Abe sẽ có vinh dự lần đầu tiên tham gia một cuộc họp chung của Quốc hội Mỹ. Lần cuối cùng một người đứng đầu Nhật Bản phát biểu trước các nghị sĩ Mỹ là vào năm 1961, khi cựu Thủ tướng Nhật Bản Hayato Ikeda phát biểu trước các thành viên của Hạ viện Mỹ.
Hình minh hoạ: Nhật Bản và Mỹ đang đứng trước một giai đoạn mới trong mối quan hệ liên minh xuyên Thái Bình Dương. (Ảnh: financialpost.com)
Các quan chức Mỹ đánh giá, chuyến thăm Mỹ lần này của Thủ tướng Nhật Bản là lịch sử, báo hiệu một giai đoạn mới trong mối quan hệ liên minh xuyên Thái Bình Dương, cùng nhau đối mặt với sức mạnh quân sự và kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Một chuyên gia của Cơ quan nghiên cứu vấn đề châu Á quốc gia Meredith Miller cho biết: “Tôi nghĩ một trong những điều Mỹ muốn làm hiện nay đó là gửi đi một thông điệp mạnh mẽ không chỉ với Trung Quốc mà còn các nước khác trong khu vực cũng như người dân Nhật Bản về giá trị của đồng minh. Đây là bước đi thật sự để biến những lời nói thành hành động rằng Mỹ và Nhật Bản đều có chung những cam kết về thách thức an ninh”.
Nhật Bản gần đây nhiều lần bày tỏ lo ngại việc Trung Quốc mở rộng hoạt động quân sự cùng những tranh chấp lãnh thổ liên quan đến quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư.
Năm ngoái, các nhà lãnh đạo Nhật Bản hoan nghênh tuyên bố của Tổng thống Obama khi tái khẳng định cam kết của Mỹ theo Hiệp ước An ninh 1951 giữa Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, việc Mỹ cắt giảm ngân sách quốc phòng cùng nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm gần đây khiến nhiều người dân Nhật Bản lo ngại về những cam kết “tái cân bằng” châu Á.
Giới chức Nhật Bản cho biết, trong chuyến thăm Mỹ lần này, Thủ tướng Nhật Bản muốn có sự bảo đảm rằng, Mỹ sẽ giúp đỡ Nhật Bản nếu có xung đột xảy ra với các nước trong khu vực. Thủ tướng Shinzo Abe cũng sẽ đưa ra một thông điệp rằng, Nhật Bản sẵn sàng đóng vai trò lớn hơn về an ninh trên trường quốc tế, đặc biệt là khi tình hình thế giới đã thay đổi.
Còn đối với Mỹ, chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản lần này vừa khẳng định mối quan hệ đồng minh truyền thống, qua đó khẳng định chiến lược “tái cân bằng” châu Á. Thủ tướng Abe là một trong những nhà lãnh đạo tại châu Á bao gồm Hàn Quốc và Trung Quốc thăm Mỹ trong năm nay- một dấu hiệu cho thấy Mỹ đang gia tăng sự quan tâm đến khu vực.
Video đang HOT
Chuyên gia phân tích chính trị Mỹ nhận định, có một số chỉ trích tại Mỹ và châu Á rằng chính quyền Mỹ gần đây không quan tâm đến việc tái cân bằng châu Á. Vì vậy, chuyến thăm của Thủ tướng Abe là thông điệp của chính quyền Mỹ gửi đi rằng nước này vẫn đang có mối quan hệ chặt chẽ với các đồng minh tại châu Á và đang hướng về châu Á.
Nhật Bản hiện cũng là một trong những đối tác quan trọng, góp phần vào việc hoàn thành Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) – một thỏa thuận kinh tế chiến lược của Mỹ trong khu vực. Mặc dù vậy, giới quan sát cho rằng, những vấn đề lịch sử đang phủ bóng lên chuyến thăm của ông Abe tới Mỹ. Trong khi đó, một trong những thử thách của Mỹ hiện nay đó là ngoài hợp tác với Nhật Bản, Mỹ cũng muốn tăng cường hợp tác với Hàn Quốc và Trung Quốc. Điều này đặt Mỹ vào “thế khó” trong các tuyên bố về những bất đồng nảy sinh giữa các quốc gia này./.
Theo Phạm Hà/VOV- Trung tâm Tin (tổng hợp)
Liên minh Mỹ-Nhật và bài toán kiềm chế Trung Quốc
Từ 26/4-3/5, Thủ tướng Nhật Bản sẽ thăm Mỹ và sẽ thảo luận với Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhằm tăng cường và củng cố hợp tác an ninh giữa 2 nước.
Những kỳ vọng trong chuyến thăm Washington
Trong chuyến công du đến Washington của Thủ tướng Shinzo Abe vào ngày 26 tháng 04 sắp tới, kỳ vọng củng cố liên minh Mỹ-Nhật sẽ là một trong những chủ đề quan trọng trong các cuộc đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo của 2 quốc gia.
Các nhà phân tích cho rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc phải chăng là một mối đe dọa đối với an ninh của Nhật Bản vì thế mà Hoa Kỳ ngày càng có khuynh hướng ngả theo lập trường của Tokyo. Ngoài ra, cũng có nhận định cho rằng, trong tương lai gần, chưa chắc Bắc Kinh đã là mối đe dọa thực sự duy nhất đối với liên minh giữa 2 nước.
Làm thế nào để củng cố liên minh Mỹ-Nhật, đặc biệt là làm thế nào để mở rộng vai trò của Nhật Bản trong liên minh này? Đây sẽ là một trong những chủ đề chính trong chuyến công du đến Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lần này.
Trong một cuộc Hội thảo về an ninh Mỹ-Nhật được tổ chức tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu các vấn đề châu Á và Nhật Bản Michael Green nhận định, đối mặt với sự trỗi dậy của Trung Quốc, một sự đồng thuận sẽ đạt được trong chiến lược Mỹ-Nhật Bản.
"Washington và Tokyo luôn cho rằng sự trỗi dậy của Bắc Kinh là một thách thức mang tính chiến lược đối với liên minh Mỹ - Nhật". Hai năm trước, vấn đề này vẫn chưa mang tính cấp bách, mặc dù sau khi Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền nhiệm kỳ thứ hai, nội bộ chính phủ cũng bắt đầu có các cuộc tranh luận.
"Hiện nay, để chẩn bị cho chuyến công du tới Mỹ của ông Abe, chúng tôi có thể thấy rằng mình phải có một chiến lược và quan điểm nhất quán để đối phó với thách thức từ Trung Quốc" - ông Michael Green cho biết.
Tương lai của sự hợp tác Mỹ-Nhật dường như đã được định sẵn để ngăn chặn sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
Nhật Bản kỳ vọng củng cố Liên minh với Mỹ để chống Trung Quốc
Ngày 27 tháng 3, tại Trung tâm nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương, ông David B. Shear cho biết, 2 nước sẽ tăng cường xây dựng và phối hợp năng lực ở Biển Đông.
Ông nhấn mạnh, khối đồng minh giữa hai nước vẫn là nền tảng của hòa bình và ổn định khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Nội dung được sửa đổi trong "Phương châm hợp tác phòng vệ Nhật - Mỹ" là mở rộng vai trò phòng vệ của Nhật Bản để đối trọng với với sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc.
Dự kiến, trong chuyến công du lần này ông Abe cũng sẽ thúc đẩy tiến trình cụ thể để sớm đạt được một một bản "phương châm" mới.
Tia hy vọng cải thiện quan hệ căng thẳng Trung-Nhật trong tương lai
Ngày 31/03, Tư lệnh Hạm đội 7/Hải quân Mỹ, Đô đốc Robert Thomas một lần nữa cho rằng, sau khi Tokyo thông qua luật về phòng thủ tập thể, hải quân nước này và Nhật Bản cần phải tăng cường hợp tác để đối phó lại những thách thức tiềm tàng trên toàn vùng châu Á.
Trong khi đó, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề châu Á và Nhật Bản Michael Green cho rằng, Tokyo ngày càng nhận thức được sự cần thiết phải duy trì vai trò lãnh đạo và vị trí đơn cực của Washington trên thế giới, trong khi vào những năm 1990, họ không chấp nhận quan điểm này.
Còn Giáo sư Akio Takahara thuộc Đại học Tokyo của Nhật Bản cho rằng, "biến số" lớn nhất trong tương lai ở châu Á là Trung Quốc, mặc dù cũng chưa thể khẳng định chắc chắn rằng, Bắc Kinh là đối thủ duy nhất gây ra những thách thức đối với liên minh Mỹ-Nhật.
Trung Quốc đã trải qua quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và thị trường hóa phức tạp, xã hội nước này đang trải qua sự thay đổi lớn, rất nhiều người dân Trung Quốc vẫn chưa cảm nhận được phương hướng phát triển trong tương lai như thế nào, Akio Takahara giải thích.
Hy vọng cải thiện quan hệ Nhật - Trung thật là mong manh
Akio Takahara nhận định với sự suy giảm tăng trưởng kinh tế cộng thêm tình trạng ổn xã hội bất tại Trung Quốc gia tăng. Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ không lựa chọn phương án cải cách, mà sẽ tìm kiếm một biện pháp khác.
"Ông Tập sẽ tiếp tục làm những việc như trước đây đã từng làm, đó chính là khuấy động tinh thần dân tộc để nâng cao sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc và duy trì sự thống nhất của Trung Hoa đại lục". Nó có tác động rất lớn đến chính sách ngoại giao của nước này và ảnh hưởng nghiêm trọng tới mối quan hệ Trung - Nhật, Akio Takahara nhấn mạnh.
Ngoài ra, vị giáo sư này cho rằng, những hành vi và cách làm hiện nay của Bắc Kinh trên biển Hoa Đông và Biển Đông sẽ không chỉ tạo ra những mâu thuẫn với các nước láng giềng mà còn gây nên căng thẳng với Hoa Kỳ bởi Washington và đồng minh đều có lợi ích chiến lược ở đây.
"Rõ ràng, chưa thật chắc chắn khẳng định Trung Quốc là mối uy hiếp duy nhất đối với Mỹ và Nhật Bản cùng liên minh giữa 2 nước. Quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo vẫn còn tia hy vọng được cải thiện bởi thế hệ trẻ của Trung Quốc rất năng động và cởi mở, họ có thể chấp nhận những giá trị chung toàn cầu" - Akio Takahara bày tỏ.
Tuy nhiên, ý kiến của vị chuyên gia này là chuyện rất khó xảy ra bởi những mâu thuẫn cả về ý thức hệ và tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản là rất khó, thậm chí có thể nói là không thể điều hòa được.
Và mối quan hệ giữa liên minh Mỹ-Nhật với Trung Quốc và giữa mỗi nước với nhau vẫn phát triển theo xu thế vừa hợp tác vừa đấu tranh. Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ Nhật Bản trên danh nghĩa nhưng vẫn duy trì mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc để bảo đảm những lợi ích của mình.
Anh Lan
Theo_Báo Đất Việt
Trung Quốc "mắng" Nhật chuyện chi tiêu quốc phòng Trung Quốc hôm nay đã gọi các lo ngại của Nhật Bản về chi tiêu quốc phòng của Bắc Kinh là "lố bịch", sau khi Nhật đưa vào sử dụng tàu sân bay trực thăng lớn nhất của nước này. Phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Ảnh: Youtube) Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều đang gia tăng chi...