Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói chuyện với bà con kiều bào tại Thụy Điển
Thủ tướng khẳng định, sẽ tiếp tục có các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.
Thủ tướng khẳng định, sẽ tiếp tục có các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đóng góp xây dựng quê hương, đất nước và nhấn mạnh tinh thần vươn lên, ý chí đổi mới, khắc phục tồn tại, bất cập, đưa đất nước vươn lên.
Bà con kiều bào tại Thụy Điển đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu).
Tối 26/5, (giờ Việt Nam), tại Stockholm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng đoàn cấp cao Việt Nam đã tới thăm hỏi, nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và bà con cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Điển.
Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển Đoàn Thị Phương Dung cho biết, cộng đồng người Việt có khoảng 18.000 người, tập trung ở các thành phố lớn. Bà con đều chăm chỉ làm ăn, sống ổn định. Hiện có 15 doanh nghiệp lớn và hàng trăm cửa hàng, doanh nghiệp của bà con ở Thụy Điển. Có một số doanh nghiệp lớn nhập nhiều nông sản của Việt Nam đưa vào chuỗi siêu thị ở Thụy Điển.
Ý kiến của bà con cũng thể hiện tinh thần luôn hướng về Tổ quốc. GS Bùi Thế Hùng, làm việc trong ngành y, cho biết, sau khi về hưu, ông trở lại Hà Nội nhiều hơn và hiện ông giảng dạy tại Đại học Y Hà Nội. Ông cũng tích cực kết nối các đồng nghiệp tại Đại học Stockholm và Đại học Y Hà Nội.
Chị Nguyễn Tiểu Lưu, giáo viên dạy tiếng Việt, cho biết, bà con người Việt hội nhập rất tốt. Hiện nay nhiều người trẻ đang học các ngành đầu não của Thụy Điển. “Các cháu học hành chăm chỉ, lẽ phép với thầy cô giáo, được các trường khen ngợi”, chị Lưu nói. Cộng đồng người Việt gây được lòng tin với người bản địa với tính cần cù, chịu khó, có nghĩa có tình.
Bà con mong muốn Nhà nước hỗ trợ việc dạy tiếng Việt, tạo điều kiện cho bà con trở lại quốc tịch Việt Nam.
Video đang HOT
Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và bà con kiều bào tại Thụy Điển. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu).
Bày tỏ cảm động trước tình cảm của bà con, trong đó có nhiều người lớn tuổi không quản đường sá xa xôi tới dự cuộc gặp mặt cũng như lắng nghe tiếng nói từ trái tim, tấm lòng của bà con, Thủ tướng nhấn mạnh sự giúp đỡ to lớn, vô tư của Chính phủ, người dân Thụy Điển đối với Việt Nam, nhất là trong thời gian chiến tranh gian khổ, ác liệt trước kia.
Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (1969), cũng là nước phương Tây có phong trào ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam mạnh nhất, sớm nhất (tháng 8/1966). Khi chiến tranh ở Việt Nam kết thúc, Thụy Điển tiếp tục là nước phương Tây đi đầu trong việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới ngay từ những năm đầu tiên trong các lĩnh vực cải cách kinh tế, hành chính, luật pháp… Thụy Điển tích cực hỗ trợ Việt Nam khai thông quan hệ với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế (IMF, WB…). Ngoài ra, Thụy Điển còn là nước Tây Bắc Âu viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam.
Thủ tướng cũng nhắc lại hình ảnh cố Thủ tướng Olof Palme và đông đảo người dân Thụy Điển đã biểu tình chống chiến tranh tại Việt Nam, từ đó, lan tỏa ra toàn châu Âu. Nhiều công trình Thụy Điển giúp đỡ như Bệnh viện nhi Thụy Điển, Nhà máy giấy Bãi Bằng… rất có ý nghĩa với Việt Nam.
Thủ tướng cho biết, trong các cuộc hội đàm, hội kiến với các nhà lãnh đạo Thụy Điển, Thủ tướng sẽ chuyển lời cảm ơn sâu sắc về sự giúp đỡ quý báu của Thụy Điển và nhắc bà con sống xứng đáng với tấm lòng người Thụy Điển đối với Việt Nam.
Thủ tướng nhìn nhận, cộng đồng người Việt ở Thụy Điển luôn hướng về Tổ quốc như Giáo sư Hùng hay giáo viên Lưu…
Thủ tướng tặng quà cho Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu).
Trao đổi một số kết quả trong quá trình phát triển của đất nước như có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần, ý chí đổi mới của Chính phủ, các cấp, các ngành, khắc phục các khuyết điểm, tồn tại, bất cập như bệnh quan liêu, xa dân, tham nhũng, tiêu cực… để đưa đất nước vươn lên. Đây là cam kết đối với bà con, Thủ tướng nói.
Ghi nhận ý kiến của bà con, Thủ tướng khẳng định, sẽ tiếp tục có các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đóng góp xây dựng quê hương, đất nước, trong đó có vấn đề trở lại quốc tịch, hỗ trợ dạy tiếng Việt và cho biết, thời gian qua có 500 lượt nhà khoa học gốc Việt về nước làm việc.
Thủ tướng mong muốn bà con đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, nhất là lúc “tắt lửa tối đèn”, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật nước sở tại, luôn hướng về Tổ quốc, làm sao “mỗi bà con là một đại lý tiêu thụ hàng Việt”, qua đó, thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương, không chỉ ở mức 1,5 tỷ USD hiện nay mà tăng lên nhiều lần. Đây là những hành động cụ thể đóng góp cho quê hương; hay việc góp ý chính sách, nỗ lực học hành, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng là yêu nước.
Thủ tướng nêu rõ, Đảng, Nhà nước luôn coi bà con kiều bào là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Đại sứ quán cần quan tâm công tác cộng đồng, bảo hộ công dân.
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ
Theo VTC
Bầu cử Nghị viện châu Âu khóa mới: Ngày quyết định cuối cùng
Ngày 26/5 được coi là có ý nghĩa quan trọng khi cử tri các nước lớn của Liên minh châu Âu như Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha đi bỏ phiếu.
Cử tri tại 21 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 26/5 tham gia ngày bỏ phiếu quyết định trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu (EP) - cuộc bầu cử được kỳ vọng có thể tạo sức mạnh đoàn kết của các đảng phái ủng hộ châu Âu, qua đó tạo đà cho hành động tập thể trong việc triển khai và thực hiện chính sách kinh tế và đối ngoại trong khối. Mặc dù 7 trong 28 nước Liên minh châu Âu đã tiến hành cuộc bầu cử này, song ngày 26/5 được coi là có ý nghĩa quan trọng khi cử tri các nước lớn của Liên minh châu Âu như Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha đi bỏ phiếu.
Ngày 26/5 được coi là có ý nghĩa quan trọng khi cử tri các nước lớn của EU như Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha đi bỏ phiếu. Ảnh: Financial Times
Phần lớn các điểm bầu cử tại 21 nước đã mở cửa từ khoảng 6-7 giờ sáng (giờ châu Âu, tức đầu giờ chiều nay giờ Việt Nam), trong khi tại 6 quốc gia Hy Lạp, Hungary, Bulgaria, Romania, Litva và CH Síp, các điểm bỏ phiếu đã mở cửa lúc 11 giờ ngày 26/5 (theo giờ Hà Nội). Trước đó, từ ngày 23-25/5, lần lượt cử tri Hà Lan, Anh, Ireland, Malta, Slovakia, Latvia và CH Séc đã đi bỏ phiếu để bầu ra những người đại diện cho quốc gia mình tại cơ quan lập pháp châu Âu.
Các cuộc thăm dò trước thềm bầu cử đều cho thấy phe dân túy và cực hữu phản đối nhập cư có thể sẽ giành được số lượng lớn phiếu ủng hộ. Tại Pháp, 34 đảng sẽ tham gia tranh cử, và các cuộc thăm dò đang cho thấy đảng có xu hướng hoài nghi Liên minh châu Âu của bà Marine Le Pen có thể giành được nhiều sự ủng hộ hơn đảng cầm quyền của Tổng thống Emmanuel Macron. Nếu kết quả đúng như dự đoán, đây sẽ là cú sốc đối với Tổng thống Macron, vốn đã rất đau đầu sau 6 tháng phải đối phó với phòng trào "biểu tình Áo vàng" trong nước.
Ông Macron vốn là người đấu tranh chính cho các cải cách hội nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu, với những ý tưởng tạo bạo về ngân sách chung. Nếu thất bại trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu lần này, khả năng thực hiện cải cách của ông Macron sẽ bị suy yếu.
Ngoài Pháp, các đảng hoài nghi Liên minh châu Âu, các đảng cực hữu cũng đang có xu hướng gia tăng ở nhiều quốc gia châu Âu khác như Thụy Điển, Italy, Hungary và Áo. Theo đánh giá của giới chuyên gia, điều này sẽ có tác động lớn tới cuộc bầu cử nghị viện châu Âu lần này.
Ông Sylvain Kahn - chuyên gia Pháp về địa chính trị học và lịch sử nhận xét: "Trong nhiệm kỳ trước của nghị viện châu Âu, phe cực hữu và chủ nghĩa dân tộc chỉ dành được 140 trong số 751 ghế. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử năm nay, số ghế của họ sẽ tăng lên 180-190 ghế. Nếu họ liên danh với 1 hay 2 đảng khác, họ sẽ có nhiều ảnh hưởng hơn và trở thành đảng lớn thứ 3 trong nghị viện châu Âu. Phe cực hữu tin rằng, nếu họ có thể thành lập liên minh, họ có thể kiểm soát Ủy ban châu Âu và thay đổi đường lối chính sách của khối phục vụ cho mục tiêu chính trị của họ. Chiến lược của họ có thể sẽ khiến Liên minh châu Âu gặp nguy hiểm.
Tuy nhiên, trước đó, tại Hà Lan và Ireland, kết quả bầu cử đều gây bất ngờ khi các đảng thân châu Âu giành chiến thắng. Khảo sát bên ngoài phòng bỏ phiếu tại Hà Lan hôm 23/5 cho thấy, phe cánh tả ủng hộ Liên minh châu Âu đã thành công bất ngờ và giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử Ủy ban châu Âu, qua đó đánh bại đảng Tự do của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và một nhóm mới nổi theo đường lối dân túy.
Kết quả cuộc thăm dò do hãng Ipsos tiến hành cho kênh truyền hình NOS cho thấy Công đảng của Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), ông Frans Timmermans được dự báo sẽ giành được 5/26 ghế phân bổ cho Hà Lan tại nghị viện châu Âu. Ông Timmermans cũng là một trong những ứng viên sáng giá thay thế ông Jean-Claude Juncker đảm nhận vị trí Chủ tịch Ủy ban châu Âu, cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu.
Còn tại Anh, đảng Brexit mới thành lập năm nay do nghị sĩ châu Âu Nigel Farage lãnh đạo với tư tưởng hoài nghi Liên minh châu Âu, được dự đoán sẽ giành chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử năm nay. Tuy nhiên, việc các nghị sĩ Anh sẽ xuất hiện trong nghị viện châu Âu phụ thuộc nhiều vào tiến trình Brexit hiện đang rất mơ hồ khi hạn chót rời liên minh vào cuối tháng 10 tới nhưng nước Anh vẫn chưa thể thống nhất thông qua thỏa thuận với Liên minh châu Âu.
Đức, là quốc gia lớn nhất châu Âu cả về dân số và quy mô nền kinh tế, Đức được phân bổ nhiều ghế nhất tại nghị viện châu Âu. Năm nay, có tổng cộng 41 đảng tại Đức tham gia chạy đua giành 96 ghế. Tuy nhiên, cử tri Đức cũng không mấy hào hứng với cuộc bầu cử khu vực này. Mặc dù về lý thuyết, nước Đức sẽ có gần 61 triệu cử tri đi bỏ phiếu, song trong 4 cuộc bầu cử châu Âu gần đây, tỷ lệ cử tri Đức đi bỏ phiếu luôn ở mức dưới 50%, cho thấy người dân Đức không còn dành nhiều sự quan tâm đến các vấn đề mang tính khu vực. Đặc biệt hơn, thăm dò trước bầu cử chỉ ra rằng, phần đông cử tri vẫn do dự, chưa quyết định bầu cho đảng nào.
Đây là cuộc bầu cử nghị viện châu Âu lần thứ 9 kể từ khi lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1979, trong đó số cử tri tham gia bỏ phiếu thu hẹp dần và đạt mức 43% vào năm 2014. Các chính phủ châu Âu lo ngại số lượng các nghị sĩ có tư tưởng bài châu Âu được bầu nếu ở mức cao có thể sẽ tác động tới khả năng thống nhất quyết định tại cơ quan lập pháp châu Âu. Trong cuộc bầu cử năm nay, cử tri trên toàn châu Âu sẽ bỏ phiếu để bầu 751 thành viên nghị viện châu Âu và kết quả chính thức sẽ được công bố cuối ngày hôm nay./.
Theo Hồng Nhung/VOV1
Quan hệ Việt Nam Thụy Điển: Yêu nhau vạn sự chẳng nề... Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân và Đoàn cấp cao Việt Nam sang Thụy Điển là một phần trong chuỗi hoạt động đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Điển. Nhận lời mời của Thủ tướng Thụy Điển Stepfan Lofven, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và phu...