Thủ tướng không cho phép lùi tiến độ ban hành văn bản của Chính phủ
Chỉ đạo trên được đưa ra tại văn bản của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hanh văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 15/7/2015, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và 13 Bộ, cơ quan ngang Bộ còn để chậm ban hành 105 văn bản (38 nghị định, 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 52 thông tư và 13 thông tư liên tịch) quy định chi tiết đối với 27 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, chiếm 67% số lượng văn bản phải ban hành.
Riêng đối với 10 luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, đến nay mới chỉ ban hành được 10 văn bản (3 nghị định, 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 5 thông tư) trong tổng số 59 văn bản phải ban hành.
Việc xây dựng, ban hành văn bản như vậy là rất chậm, số văn bản chưa được ban hành còn rất lớn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc triển khai thi hành các quy định của các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực.
Nguyên nhân chủ yếu là do Thủ trưởng các bộ, ngành chưa thực sự quan tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt việc soạn thảo, ban hành hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản; việc phối hợp giữa các Bộ, ngành chưa chặt chẽ, thường xuyên và thiếu hiệu quả.
Thủ tướng chỉ rõ nguyên nhân chậm ban hành văn bản là do Thủ trưởng các bộ, ngành chưa thực sự quan tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt.
Để khẩn trương khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ được giao chủ trì soạn thảo văn bản phải trực tiếp chỉ đạo sâu sát việc soạn thảo, trình các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh.
Từng bộ, cơ quan phải có kế hoạch cụ thể, phân công và xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân trong nghiên cứu, soạn thảo, trình văn bản; đồng thời, phân công một đơn vị đầu mối giúp Thủ trưởng cơ quan theo dõi, đôn đốc, nắm tình hình.
Đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý trách nhiệm nghiêm minh, kịp thời đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân để xẩy ra tình trạng chậm tiến độ và không bảo đảm chất lượng văn bản.
Video đang HOT
Giải quyết dứt điểm văn bản nợ đọng trước 15/9
Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, trước ngày 15/9/2015 các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền số văn bản nợ đọng thuộc trách nhiệm của từng Bộ, cơ quan.
Đặc biệt, các Bộ: Lao động – Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Tài chính, Ngoại giao, Công an và Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẩn trương hoàn thành việc nghiên cứu xây dựng 23 văn bản quy định chi tiết thi hành Luật hộ tịch, Luật bảo hiểm xã hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật căn cước công dân sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2016 để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền bảo đảm chất lượng, tiến độ, có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, từ nay, Thủ tướng Chính phủ không xem xét, cho phép lùi tiến độ trình ban hành văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh theo đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Đối với những dự thảo văn bản đã được các bộ, cơ quan ngang bộ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ tập trung ưu tiên thẩm tra, hoàn tất các thủ tục trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.
Những vấn đề còn ý kiến khác nhau, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ chủ trì, tổ chức các cuộc họp với các cơ quan, tổ chức liên quan để thống nhất xử lý. Trường hợp không thống nhất phải kịp thời báo cáo Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực chỉ đạo xử lý.
Đối với những dự thảo nghị định đã hoàn thành thủ tục lấy ý kiến thành viên Chính phủ gửi lại cho cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, Văn phòng Chính phủ kịp thời đôn đốc bảo đảm tiến độ theo quy định và chủ động phối hợp với các cơ quan chủ trì soạn thảo chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Cải tiến việc xây dựng, hoàn thiện văn bản
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng công tác phối hợp trong việc xây dựng, hoàn thiện văn bản. Tùy từng trường hợp cụ thể mà có hình thức phối hợp cho phù hợp; không nhất thiết dự thảo văn bản nào cũng phải lấy ý kiến phối hợp bằng văn bản của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan.
Thực hiện nghiêm túc quy định về thời hạn trả lời theo quy chế làm việc của Chính phủ, quá thời hạn quy định, nếu không có ý kiến trả lời thì coi như đồng ý với dự thảo văn bản của cơ quan chủ trì soạn thảo.
Bộ Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ tăng cường hơn nữa công tác thẩm định, thẩm tra và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra; nắm tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp chỉ đạo việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra của Bộ Tư pháp không chỉ tập trung vào tình hình nợ đọng văn bản, mà còn phải theo dõi, nắm tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết đang trong tiến độ khi luật, pháp lệnh chưa có hiệu lực để chủ động đề xuất các biện pháp xử lý kịp thời, có hiệu quả.
Các thông tin về tiến độ, lý do ban hành chậm văn bản cần được công bố công khai tại Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp để các cơ quan, tổ chức và công dân biết.
Ngọc Quang
Theo giaoduc
Nếu có gì không đúng, không tốt thì nhân dân sẽ đánh giá Chính phủ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ rõ như vậy, đồng thời yêu cầu quyết tâm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, đặc biệt phải quan tâm tới công tác cán bộ.
Ngày 21/7, Đảng bộ Văn phòng Chính phủ tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XXV nhiệm kỳ 2015-2020.
Để xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu phải hết sức quan tâm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí trong đảng; thực hiện tốt các nguyên tắc trong sinh hoạt đảng... trong đó phải đặc biệt quan tâm tới công tác tổ chức cán bộ; tuyển dụng, đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm, xử lý cán bộ phải thực sự công tâm, khách quan, dân chủ, theo đúng nguyên tắc, quy định, quy trình; đồng thời tiếp tục chú trọng công tác giáo dục, xây dựng phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên; không để xảy ra những hành vi sai phạm, tiêu cực, nhũng nhiễu.
"Mỗi việc làm, mỗi ý kiến của các đồng chí chí ảnh hưởng rất rộng lớn. Nếu có gì không đúng, không tốt xảy ra thì nhân dân, doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương không chỉ đánh giá, phê phán cá nhân các đồng chí mà sẽ đánh giá cả Văn phòng Chính phủ, Chính phủ", Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng yêu cầu chú trọng công tác tuyển chọn cán bộ. ảnh: Quang Hiếu/VGP.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý, Văn phòng Chính phủ phải đặc biệt coi trọng công tác thông tin, truyền thông vì đây là một trong những chức năng, nhiệm vụ chính của Văn phòng Chính phủ.
Nhấn mạnh công tác thông tin truyền thông thời gian qua đã được Văn phòng Chính phủ triển khai thực hiện hiệu quả, nhưng Thủ tướng cho rằng cần phải làm tốt hơn nữa công tác này. Phải cung cấp nhanh chóng, chính xác, kịp thời thông tin về chủ tương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, những giải pháp chỉ đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ trên các lĩnh vực, nhất là những thông tin được xã hội, người dân quan tâm, từ đó tạo sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất cao trong toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội đề ra.
Bên cạnh việc chủ động cung cấp thông tin, Văn phòng Chính phủ cần phải tạo lập các kênh để tiếp nhận thông tin của xã hội, người dân, doanh nghiệp nhằm bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Đã là lãnh đạo, quản lý, điều hành thì phải ban hành quyết định, đã ban hành quyết định thì toàn dân phải biết để thực hiện. Do đó, chúng ta phải cung cấp đầy đủ, nhanh chóng, chính xác, kịp thời những thông tin liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân; điều chỉnh hoạt động của toàn xã hội; đáp ứng quyền được thông tin của người dân đã được Hiến định".
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ phải là cơ quan đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin; đồng thời đi đầu tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tiễn cuộc sống, tiến tới thực hiện Chính phủ điện tử.
"Phải ứng dụng tối đa công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành. Chỉ có ứng dụng thông tin chúng ta mới có điều kiện để nâng cao năng lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành; bảo đảm xử lý công việc nhanh, tiết kiệm công sức, tiền bạc, thúc đẩy cải cách hành chính và ngăn ngừa tiêu cực, phiền hà" - Thủ tướng yêu cầu.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Văn phòng Chính phủ tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo đảm hậu cầu kỹ thuật phục vụ cho hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ với yêu cầu chặt chẽ, phù hợp và hết sức tiết kiệm; làm đúng pháp luật và các quy định của Nhà nước về mua sắm công, đầu tư trang thiết bị, không để bất cứ một vụ việc tiêu cực nào xảy ra.
Ngọc Quang
Theo Dantri
Đã có hơn 1000 xe điện 4 bánh tại Việt Nam, quản lý thế nào? Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo về quản lý hoạt động đối với xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện. Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã có Công văn số 4638/BGTVT-VT gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo, đề xuất về quản lý hoạt động đối với xe 4 bánh có gắn động cơ....