Thủ tướng giao 5 nhiệm vụ trọng tâm cho các trường đại học
Sáng 15-9, Đại học Quốc gia Hà Nội đã long trọng tổ chức Lễ khai giảng năm học 2014-2015. Tới dự buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã giao 5 nhiệm vụ trọng tâm cho trường Đại học Quốc gia nói riêng và các trường đại học, cao đẳng trong cả nước nói chung.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh trống khai giảng năm học 2014 – 2015
Trong Lễ khai giảng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất vui mừng khi thời gian qua ĐH Quốc gia Hà Nội tiếp tục đổi mới và phát triển tốt theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu của đất nước.
Năm 2014, uy tín và chất lượng đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội đã không ngừng được khẳng định trong khu vực và trên thế giới. Trường đã được tổ chức xếp hạng ĐH uy tín trên thế giới (QS) đưa vào nhóm 161 các đại học hàng đầu châu Á. Trong đó ba lĩnh vực khoa học tự nhiên; khoa học xã hội và quản lý; công nghệ và kỹ thuật của trường được xếp vào nhóm 100 trường hàng đầu châu Á.
Sinh viên nghiên cứu khoa học tại ĐH Quốc gia Hà Nội
Cũng trong năm học vừa qua, ĐH Quốc gia Hà Nội đã có một số chính sách đặc biệt để phát triển hai trường THPT chuyên thuộc trường nhằm tạo nguồn học sinh giỏi và sinh viên đại học tài năng. Trường đã cho phép tuyển thẳng các học sinh THPT chuyên có thành tích học tập xuất sắc lên đại học. Những học sinh xuất sắc được tích luỹ sớm một số tín chỉ phù hợp với chương trình đào tạo bậc đại học, tạo điều kiện rút ngắn thời gian nhưng vẫn đảm bảo khối lượng và chất lượng đầu ra.
“Vừa qua, trường đã tích cực đổi mới phương thức tuyển sinh đại học và sau đại học, chủ động xây dựng phương án tuyển sinh tiên tiến bằng một bài thi tổng hợp để đánh giá toàn diện năng lực người học. Tôi rất hoan nghênh và đề nghị ĐH Quốc gia Hà Nội chủ động làm việc với Bộ GD-ĐT để xem xét, thí điểm thực hiện phương án tuyển sinh này”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương
Video đang HOT
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại Lễ Khai giảng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Đảng và Nhà nước ta luôn xác định phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Đại hội XI của Đảng cũng đã xác định 3 khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước nhanh và bền vững, trong đó việc đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học và công nghệ là chìa khóa có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ năm học 2014-2015 là năm học có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình thực hiện Nghị quyết 20 và 29 của Ban chấp hành Trung ương về phát triển khoa học và công nghệ và về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển kinh tế tri thức, giáo dục đại học nói chung, Đại học quốc gia Hà Nội nói riêng, có trách nhiệm đóng góp tích cực vào việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2015, tạo đà bước vào kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 với mục tiêu chiến lược là phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, hiệu quả hơn, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham quan Phòng truyền thống của ĐHQG Hà Nội
Chỉ ra một số mặt hạn chế của giáo dục đại học Việt Nam như chất lượng, nội dung đào tạo, tỷ lệ sinh viên thất nghiệp cao… Thủ tướng Chính phủ đã nêu ra 5 nhiệm vụ lớn đối với Đại học Quốc gia Hà Nội cũng như các trường đại học, cao đẳng trong cả nước, gồm đổi mới quản trị đại học; đổi mới chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý; và hiện đại hóa cơ sở vật chất.
Đánh lên tiếng trống rộn rã khai giảng năm học mới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu: “Năm học này ĐH Quốc gia Hà Nội cũng như tất cả các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân cần đặc biệt quan tâm chăm lo giáo dục, bồi dưỡng học sinh, sinh viên toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, nhất là chăm lo xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống đẹp”.
“Cả nước đồng lòng, toàn dân chung sức, nhất định chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đưa nền giáo dục Việt Nam tiến lên tầm cao mới – đưa đất nước ta, dân tộc ta tiến kịp và tiến cùng thời đại” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.
Theo ANTD
Sinh viên ĐH Quốc gia HN thi theo kiểu Mỹ
Các tân sinh viên dự thi vào hệ đào tạo tài năng, tiên tiến, chất lượng cao, chuẩn quốc tế sẽ phải làm bài thi đánh giá năng lực tương tự như SAT của Mỹ.
Trong hai ngày 10-11/9, trên 1.200 tân sinh viên của ĐH Quốc gia Hà Nội đã bước vào vòng dự thi vào các hệ đào tạo tài năng, tiên tiến, chất lượng cao, chuẩn quốc tế theo phương thức đánh giá năng lực.
Sinh viên làm bài thi đánh giá năng lực (Ảnh: ĐHQG).
Bài thi đánh giá năng lực chung được xây dựng theo mô hình đề thi trắc nghiệm bao gồm phần bắt buộc và phần tự chọn với tổng số 140 câu hỏi, thời gian làm bài là 195 phút, được thực hiện trên máy tính. Tổng điểm tối đa là 140 điểm.
Phần bắt buộc bao gồm hai hợp phần: phần 1 gồm 50 câu hỏi cho kiến thức toán học (tư duy định lượng) và phần 2 gồm 50 câu hỏi cho kiến thức Ngữ văn (tư duy định tính).
Phần tự chọn, thí sinh có thể lựa chọn 1 trong 2 hợp phần kiến thức Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc kiến thức Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân), mỗi hợp phần gồm 40 câu.
Bài thi sẽ bao gồm 20% số câu ở cấp độ dễ, 60% số câu cấp độ trung bình và và 20% ở cấp độ khó. Mỗi câu trả lời đúng được 1 điểm, sai hoặc bỏ qua không bị trừ điểm.
Đề thi gồm 3 phần riêng biệt với thời gian hạn định. Thí sinh làm lần lượt từng phần như sau:
Phần 1: Kiến thức toán (tư duy định lượng), gồm 50 câu hỏi với thời gian hạn định là 80 phút. Các câu hỏi của phần này có dạng câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn hoặc câu hỏi điền giá trị số;
Phần 2: Kiến thức ngữ văn (tư duy định tính), gồm 50 câu hỏi với thời gian hạn định là 60 phút. Tất cả các câu hỏi của phần này đều có dạng câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn; phần 3 có hai nội dung kiến thức khoa học tự nhiên và kiến thức khoa học xã hội.
Thí sinh lựa chọn một trong hai nội dung (sau thời gian 2 phút nếu thí sinh không chọn một trong hai nội dung, máy tính sẽ mặc nhiên chọn nội dung tư duy định lượng).
Mỗi nội dung có 40 câu hỏi trắc nghiệm lựa chọn, thời gian hạn định là 55 phút. Hệ thống sẽ đếm giây theo thời gian hạn định của từng phần, kể từ lúc đề thi được hiển thị và tự động chuyển sang phần khác khi hết thời gian quy định.
Bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội được xây dựng là sự tích hợp các nội dung kiểm tra trên cơ sở khoa học về năng lực, đó không phải sự tổng hợp một cách cơ giới kiến thức của các môn, đồng thời những kiến thức cơ bản cũng không nằm ngoài chuẩn kiến thức kỹ năng của bậc phổ thông, nhưng tập trung đánh giá các năng lực cốt lõi như năng lực nhận thức, năng lực tổng hợp, phân tích, sáng tạo, năng lực thẩm mỹ và khả năng tư duy.
Để thực hiện kỳ thi này, ĐH Quốc gia Hà Nội đã huy động 110 cán bộ tham gia coi thi, bố trí 459 máy tính tại 14 phòng tại 2 khu vực Xuân Thủy và Thanh Xuân.
Năm 2015 ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ áp dụng bài thi này để tuyển sinh đại học. Sau khi xem xét đề án này, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết có thể tạo điều kiện cho những thí sinh dự thi vào ĐH Quốc gia Hà Nội được xét tốt nghiệp dựa trên kết quả bài thi đánh giá năng lực này.
Theo Zing
Sinh viên có thể nhận học bổng 30 triệu một năm ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ cấp học bổng liên tục trong 4 năm dành cho sinh viên suất sắc với mức tiền tổng cộng 120 triệu đồng. Sinh viên xuất sắc của ĐH Quốc gia có thể nhận học bổng 30 triệu đồng mỗi năm. Chiều 4/4. tại buổi tọa đàm trực tuyến về tuyển sinh vào ĐH Quốc gia Hà Nội...