Thủ tướng: Đưa VN vào nhóm 15 quốc gia phát triển về nông nghiệp
Tại Hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mục tiêu dài hạn, ngành nông nghiệp phải khơi gợi được khát vọng của dân tộc, phải phấn đấu trong 10 năm nữa, Việt Nam lọt vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất.
Nhìn nhận bức tranh nông nghiệp năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ngành đã đạt kết quả vượt bậc, có nhiều điểm sáng, điểm mới, có những bứt phá ngoạn mục, đạt thành tích xuất sắc, toàn diện. Và điều quan trọng nhất là đời sống người dân được nâng lên, mà theo Thủ tướng, “cái đó mới là cuối cùng”.
Tái cơ cấu đúng hướng nên nhiều loại sản phẩm có sản lượng lớn đã xuất hiện ở Việt Nam. Từ đó, ngành nông nghiệp đóng góp vào xuất khẩu vượt mức kế hoạch và đứng thứ 2 Đông Nam Á về xuất khẩu nông nghiệp. Đi liền với đó là thị trường tiêu thụ được mở rộng. Đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã được củng cố và đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp lớn. Điều đáng mừng là có 18 nhà máy chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp được đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP.
“Điều chúng ta cần quan tâm và đã làm được một phần quan trọng trong tổ chức là tiêu thụ trong nước. Chúng ta đã chủ động xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn”, Thủ tướng nói và dẫn số liệu, có 1.096 chuỗi cho hơn 1.400 sản phẩm. Đã tổ chức nhiều diễn đàn quảng bá nông sản cho người dân. Nhiều thể chế quan trọng cho ngành nông nghiệp được sửa đổi, ban hành. Bộ đã cắt giảm 173/345 điều kiện đầu tư kinh doanh (đạt 50%), đúng với yêu cầu của Chính phủ.
Đánh giá cao nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp, Thủ tướng biểu dương lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đứng đầu là Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đã “miệng nói tay làm, kề vai sát cánh, chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, hiệu quả, đề xuất kịp thời, có quan hệ chặt chẽ với các tỉnh, thành phố, các bộ, chỉ đạo có uy tín, trách nhiệm”.
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ ra các mặt tồn tại, bất cập như tỷ lệ lao động nông nghiệp còn lớn (khoảng 38%). Cơ cấu lại nông nghiệp được triển khai chưa đồng đều ở các địa phương. Các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu. Kinh tế hộ nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ cao. Môi trường nông thôn còn là vấn đề lớn. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kế hoạch đề ra. Thất thoát sau thu hoạch còn có tỷ lệ cao.
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến tổng kết hoạt động ngành NNPTNT năm 2018.
Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu: Ngành nông nghiệp phải khơi gợi được khát vọng của dân tộc, phải phấn đấu trong 10 năm nữa, Việt Nam lọt vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, riêng lĩnh vực chế biến nông sản, phải vào tốp 10 của thế giới. Phải phấn đấu trở thành trung tâm chế biến, xuất khẩu đồ gỗ, lâm sản hàng đầu thế giới, là nơi sản xuất tôm lớn của thế giới.
Video đang HOT
Thủ tướng nêu rõ, tăng trưởng nông nghiệp phải đạt cao, ít nhất là 3%, xuất khẩu khoảng 42-43 tỷ USD. “Tôi đề nghị các đồng chí tìm tòi mọi cách, phát huy mọi sáng tạo để thực hiện đạt cao hơn mục tiêu đưa ra”.
Gợi ý các giải pháp để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng nhấn mạnh, việc đầu tiên là phải có thể chế pháp luật tốt, phải xóa bỏ những quy định lạc hậu để nông nghiệp Việt Nam có bước tiến.
Thứ 2 là tái cơ cấu mạnh mẽ hơn mô hình tăng trưởng nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, trong đó có việc xây dựng sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, sản phẩm chủ lực của địa phương.
Thứ 3 là làm tốt hơn nữa công tác thị trường, bao gồm cả dự báo, cả cân đối cung cầu, cả phát triển thị trường mới và đặc biệt là xây dựng thương hiệu trong nông nghiệp, từ gạo đến tôm, đến giống lúa, cá tra…
Thứ 4, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, ưu tiên công nghệ cao, công nghệ sinh học, đặc biệt là ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn, không phải nông nghiệp ở ngoài cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhấn mạnh việc xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng lưu ý, cần chú trọng tiêu chí thu nhập của người dân, “đừng bị bệnh thành tích, chỉ có hình thức mà chính là đời sống của người dân ở các vùng chúng ta xây dựng nông thôn mới như thế nào”.
Xuất khẩu nông sản, trong đó có trái cây tăng trưởng ấn tượng trong năm 2018. Ảnh: IT.
Thủ tướng đề nghị, theo dõi diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động làm công tác tham mưu chỉ đạo ứng phó với thiên tai, không để bị động bất ngờ. Phải tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng về quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp, khắc phục những tồn tại mà năm 2018 chúng ta chưa làm tốt.
“Về vấn đề đóng cửa rừng tự nhiên cùng với phát động trồng rừng, rất quan trọng để không những cung cấp gỗ cho chế biến lâm sản mà còn là vấn đề môi trường sống. Mỗi nhà, mỗi người, mỗi địa phương phải làm mạnh mẽ hơn việc trồng rừng, phủ xanh đất trống”, Thủ tướng nói.
Cán bộ làm nông nghiệp cần có tinh thần là phải cùng nông dân, sống trong lòng nông dân để làm cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp, nông thôn. “Cán bộ nông nghiệp phải sát dân, đừng có xa dân, nắm được tâm tư nguyện vọng, nắm được nhu cầu của người dân, đừng có hời hợt trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp”.
Phải phát huy vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng mạnh mẽ hơn để đưa các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Quan tâm đào tạo cán bộ khoa học công nghệ cho nông nghiệp, cán bộ quản lý nông nghiệp, cán bộ am hiểu về công nghệ chế biến, công nghệ thực phẩm, nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao…
“Với kết quả vừa qua và qua Hội nghị hôm nay, một niềm tin mới, nhận thức mới, một hành động quyết liệt vì nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, hướng về tiêu dùng, xuất khẩu để nông dân nước ta, doanh nghiệp nước ta về nông nghiệp khá hơn, giàu hơn”, Thủ tướng bày tỏ. “Vì thế, tôi xin nói lại, thể chế chính sách, tạo môi trường đầu tư vào nông nghiệp cùng với hành động, chỉ đạo cụ thể, quyết liệt của cán bộ nông nghiệp các cấp sẽ đóng góp vào thành công của nông nghiệp Việt Nam năm 2019″.
Theo Danviet
Nhìn lại nông nghiệp năm 2018: Những con số kỷ lục
Dù gặp không ít khó khăn và rào cản, năm 2018 vẫn được đánh giá là năm thắng lợi rực rỡ của xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nói chung khi giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều tăng; thị phần xuất khẩu được duy trì, củng cố, mở rộng.
Khó khăn chất chồng
Theo Bộ NNPTNT, bối cảnh năm 2018 có nhiều biến động, tiêu biểu là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; sự gia tăng bảo hộ thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của các thị trường nông sản lớn bao gồm Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... đối với các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu. Thị trường nông sản thế giới năm 2018 ghi nhận sự sụt giảm mạnh về giá cả các mặt hàng cây công nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu khiến cho nguồn cung tăng nhanh trong khi nhu cầu thế giới giảm hoặc tăng trưởng chậm.
Lọc cá phi lê xuất khẩu.
Không chỉ khó khăn về giá cả và nhu cầu, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam ngày càng đặt ra các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe đối với nông sản nhập khẩu. Cụ thể như: Thị trường Trung Quốc không chỉ nâng cao tiêu chuẩn về chất lượng nông sản nhập khẩu mà còn tăng cường quản lý và siết chặt thương mại biên giới.
Thị trường EU vẫn giữ cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản khai thác nhập khẩu từ Việt Nam, đồng thời dự thảo các quy định mới về các chất sử dụng trên sản phẩm giống cây trồng.
Trong khi đó, thị trường Hoa Kỳ tiếp tục duy trì và gia tăng các biện pháp bảo hộ thông qua áp thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng thủy sản Việt Nam; tiếp tục chương trình thanh tra đối với cá da trơn theo Đạo luật Nông nghiệp (Farm Bill); đang triển khai mạnh mẽ việc áp dụng Đạo luật Lacey Act đối với nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ.
Ngoài ra, trong năm 2018, thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc cũng thường xuyên rà soát, điều chỉnh các quy định về an toàn thực phẩm và gia tăng tần suất kiểm tra hàng nông, thủy sản nhập khẩu, gây bất lợi đến tiến độ xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường này.
Những con số kỷ lục
Vượt lên khó khăn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nói chung trong 11 tháng năm 2018 đạt 36,3 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2017. Ước tính cả năm con số này sẽ đạt trên 40 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục của ngành nông nghiệp Việt Nam, khẳng định vị thế cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới (đứng thứ 15 và đã xuất sang thị trường hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới).
Đại diện Bộ NNPTNT cho hay: Một trong những điểm nổi bật của xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 2018 là thị phần xuất khẩu đều duy trì, củng cố và mở rộng. 5 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chính của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, ASEAN và Hàn Quốc chiếm thị phần lần lượt là 22,9% (tăng 3,6% so với năm 2017); 17,9% (tăng 9,4%); 19,1% (tăng 7,1%); 10,64% (tăng 11,0%) và 6,9% (tăng 29,4%). Các thị trường mới nổi, thị trường ngách (Trung Đông, châu Phi, Đông Âu) đều được lực chọn phát triển bài bản, có tính bổ trợ cho các thị trường trọng điểm.
Chế biến điều khô xuất khẩu.
Bên cạnh đó, điểm nổi bật phải kể đến là giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều tăng, điển hình là gạo, rau quả, cá tra, đồ gỗ và lâm sản. Cụ thể: Đối với mặt hàng gạo, khối lượng gạo XK 11 tháng năm 2018 ước đạt 5,7 triệu tấn và 2,9 tỷ USD, tăng 5,6% về khối lượng và tăng 17,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Tiếp đó là rau quả với giá trị XK 11 tháng năm 2018 ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017...
Đánh giá về những kết quả đạt được trong năm 2018, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Có được thành tích trên là nhờ cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, từ người nông dân tới doanh nghiệp, các hợp tác xã... Việt Nam đã chủ động từng bước nâng cao chất lượng nhiều mặt hàng nông sản theo các tiêu chuẩn quốc tế. Mặt khác, Việt Nam cũng đã tích cực, chủ động trao đổi, đàm phán để tháo gỡ các rào cản kỹ thuật lẫn thương mại đối với các thị trường lớn là EU, Mỹ, Trung Quốc.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: Thời gian tới, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất gắn với chuỗi giá trị, theo các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; tập trung khuyến khích chế biến sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa. Trong đó, ngành cần tổ chức, xây dựng được các chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm với nòng cốt, trung tâm là các chủ thể: Nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp; đẩy mạnh việc xây dựng, quảng bá thương hiệu từng loại nông sản hàng hóa.
Theo Danviet
Thủ tướng muốn nghe 'hiến kế' gỡ nút thắt trong ngành nông nghiệp Mở đầu Hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, năm ngoái, xuất khẩu nông nghiệp đạt 40,02 tỷ USD, là một kỷ lục, vậy năm nay hơn là bao nhiêu, chủ trương, biện pháp mới nào để tạo nên cái hơn...