Thủ tướng: Công tác phi chính phủ nước ngoài là nhiệm vụ đối ngoại quan trọng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng và cần có nhiều nguồn lực, Việt Nam cần chủ trương khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động phi chính phủ nước ngoài, góp phần phát triển đất nước và thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sáng ngày 5/7
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh điều đó trong bài phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết hoạt động giai đoạn 1996-2017 của Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (gọi tắt là Ủy ban) được tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 5/7.
Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá những kết quả đã đạt được, đồng thời đề ra phương hướng hoạt động trong thời gian tới của Ủy ban.
500 tổ chức hoạt động, giải ngân 4,3 tỷ USD
Báo cáo của Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (TCPCPNN) cho biết, Việt Nam có quan hệ với trên 1.000 TCPCPNN khắp thế giới. Trong đó, khoảng 500 tổ chức hoạt động thường xuyên tại Việt Nam hàng năm hỗ trợ khoảng 3.000 chương trình, dự án và khoản viện trợ với giá trị viện trợ giải ngân trong hơn 20 năm qua đạt trên 4,3 tỷ USD không hoàn lại.
Hoạt động của các tổ chức được triển khai trên nhiều lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu hợp tác như y tế, giáo dục, phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Sự hỗ trợ của các TCPCPNN đã giúp giải quyết một số vấn đề bức thiết của người dân ở vùng khó khăn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ và người dân vùng hưởng lợi dự án, hỗ trợ các mô hình, chuyển giao kỹ thuật tiên tiến, thúc đẩy hiểu biết và quan hệ giữa nhân dân Việt Nam với bạn bè quốc tế…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá công cuộc xây dựng và phát triển đất nước của Việt nam đã đạt những thành tựu quan trọng là nhờ phát huy tối đa nguồn lực trong nước và tranh thủ khai thác nguồn lực từ bên ngoài, trong đó có sự đóng góp của của bạn bè quốc tế, bao gồm các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Bên cạnh khía cạnh về kinh tế, Thủ tướng cho rằng các TCPCPNN đóng vai trò tích cực trong việc ủng hộ Việt Nam hội nhập quốc tế, tuyên truyền quảng bá hình ảnh, thành tựu của Việt Nam ra thế giới, thúc đẩy quan hệ giữa nhân dân ta và nhân dân các nước trên thế giới; đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc, chống phá Việt Nam.
“Trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng và cần có nhiều nguồn lực, chúng ta cần có chủ trương khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động phi chính phủ nước ngoài, góp phần phát triển đất nước và thúc đẩy quan hệ ngoại giao hữu nghị hợp tác giữa nhân dân ta với các nước. Đây cũng là nguyên tắc trong đường lối đối ngoại của Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đánh giá cao những kết quả mà Ủy ban và các bộ, ngành, địa phương đã đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định hoạt động của Ủy ban đã góp phần tích cực vào những thành tựu xây dựng và phát triển đất nước nói chung và của công tác đối ngoại nói riêng.
Video đang HOT
Thủ tướng đánh giá, ngoài vấn đề viện trợ tài chính, thì kinh nghiệm, cách tiếp cận, kỹ năng mà các TCPCPNN đem đến cho các địa phương, các bộ ngành cũng rất quan trọng và thiết thực. Cách làm của họ về phát triển bền vững, hỗ trợ người hưởng lợi, bức xúc hàng ngày của dân, lắng nghe nguyện vọng người dân, bố trí dự án… rất quan trọng.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo bộ ngành, địa phương học tập kinh nghiệm và cách làm của các TCPCPNN.
“Những chuyện gắn liền với đời sống thiết thực của người dân dù nhỏ cũng cần quan tâm. Làm những gì có lợi cho số đông, cho người dân là quan trọng nhất”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Hội nghị sáng nay có sự tham dự của đông đảo các lãnh đạo bộ, ban, ngành, tổ chức.
Xử lý hài hòa cả 3 khía cạnh về kinh tế, an ninh, đối ngoại
Bên cạnh việc nhất trí với những kết quả đã đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu hội nghị hôm nay thảo luận, phân tích và làm rõ các tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong hoạt động phi chính phủ nước ngoài và giải pháp cho các vấn đề này.
Thủ tướng cho rằng, tuy có những tiến bộ, nhưng nhận thức về công tác phi chính phủ chưa đồng đều, một số nơi còn thiên lệch khi quá coi trọng khía cạnh kinh tế, hoặc quá lo lắng về an ninh. Các các văn bản pháp quy liên quan còn thiếu các quy định tài chính của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, thiếu các chế tài để xử lý vi phạm. Việc xử lý các thủ tục hành chính còn chậm, công tác quản lý còn nặng tính hành chính.
Khẳng định tầm quan trọng của công tác phi chính phủ nước ngoài, Thủ tướng đề nghị Ủy ban, các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện để các TCPCPNN hoạt động tại Việt Nam, phù hợp với các ưu tiên của nước ta và theo đúng quy định của pháp luật. Trong mọi chương trình, kế hoạch hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các bộ ngành địa phương địa phương phải luôn chú trọng xử lý hài hòa cả 3 khía cạnh về kinh tế, an ninh và đối ngoại.
“Tôi đề nghị các bộ, ngành, địa phương là bên cạnh nâng cao cảnh giác trách nhiệm, chúng ta tiếp tục tăng cường công tác vận động hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội, chủ động đề xuất đổi mới phương pháp và cách thức hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài giai đoạn tới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cuối bài phát biểu tại hội nghị.
An Bình
Theo Dantri
Thủ tướng: Chú trọng xem xét, xử lý hài hòa 3 khía cạnh kinh tế, an ninh, đối ngoại
Trong mọi chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các bộ, ngành, địa phương phải luôn chú trọng xem xét xử lý hài hòa trên cả 3 khía cạnh về kinh tế, an ninh, đối ngoại. Bộ, ngành, địa phương nào làm chưa tốt, để xảy ra sai phạm, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương đó chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Hôm nay, 5.7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị tổng kết hoạt động giai đoạn 1996-2017 của Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (Ủy ban).
Vận động được 4,3 tỷ USD trong 20 năm là đáng quý
Theo báo cáo của Ủy ban, hiện nay, Việt Nam có quan hệ với trên 1.000 tổ chức phi chính phủ nước ngoài, trong đó, khoảng 500 tổ chức hoạt động thường xuyên tại Việt Nam hàng năm hỗ trợ khoảng 3.000 chương trình, dự án và khoản viện trợ với giá trị viện trợ giải ngân trong hơn 20 năm qua đạt trên 4,3 tỷ USD không hoàn lại.
Hoạt động của các tổ chức được triển khai trên nhiều lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu hợp tác như y tế, giáo dục, phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường,... đã giúp giải quyết được một số vấn đề bức thiết của người dân ở vùng khó khăn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ và người dân vùng hưởng lợi dự án, hỗ trợ các mô hình, chuyển giao kỹ thuật tiên tiến, thúc đẩy hiểu biết và quan hệ giữa nhân dân Việt Nam với bạn bè quốc tế...
Nhất trí với báo cáo của Ủy ban, Thủ tướng cho rằng, công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đạt nhiều thành tựu quan trọng nhờ chúng ta phát huy tối đa nguồn lực trong nước và tranh thủ khai thác nguồn lực bên ngoài, trong đó có phần đóng góp quý báu của của bạn bè quốc tế, bao gồm các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Đảng, Nhà nước xác định công tác đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài là một bộ phận của công tác đối ngoại nhân dân nói riêng và công tác đối ngoại nói chung, được gắn kết chặt chẽ với đối ngoại an ninh, đối ngoại kinh tế.
Bày tỏ vui mừng về kết quả rất lớn trong 20 năm qua với con số khoảng 4,3 tỷ USD, trong đó, năm cao nhất vận động được 300 triệu USD và năm 2017, đạt 280 triệu USD, Thủ tướng cho rằng, "trong bối cảnh khó khăn, chúng ta vận động được số tiền như vậy cho nhân dân, cho đồng bào của chúng ta thì quý lắm". "Đặc biệt, các đồng chí tập trung vào các lĩnh vực mà Việt Nam còn nhiều khó khăn, có nhu cầu hợp tác thực sự như y tế, giáo dục, xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh, ứng phó biến đổi khí hậu...".
Về chính trị đối ngoại, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đóng vai trò tích cực trong việc ủng hộ Việt Nam hội nhập quốc tế, trong tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, thành tựu của Việt Nam ra thế giới, thúc đẩy quan hệ giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước và đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc, chống phá Việt Nam.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng đánh giá cao những kết quả Ủy ban và các bộ, ngành, địa phương đã đạt được trong thời gian vừa qua, trong đó có việc tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách, từng bước hình thành, hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao hiệu quả quản lý và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
Đề nghị Hội nghị tập trung thảo luận, phân tích, làm rõ các mặt tồn tại, hạn chế, vướng mắc và các giải pháp khắc phục, Thủ tướng chỉ ra, tuy có tiến bộ, nhưng nhận thức công tác này chưa đồng đều, một số nơi còn sự thiên lệch khi quá coi trọng khía cạnh kinh tế hoặc quá lo lắng về vấn đề an ninh. Các văn bản pháp quy liên quan còn thiếu quy định về quản lý tài chính của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, thiếu chế tài xử lý vi phạm. Công tác quản lý còn nặng tính hành chính.
Cho biết 21 tỉnh, thành phố có ban chỉ đạo và có đến 3 đầu mối là ngoại vụ, kế hoạch và ủy ban công tác tổ chức phi chính phủ nước ngoài, Thủ tướng đề nghị cần thực hiện tinh thần đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tất cả địa phương, bộ, cơ quan đều rà soát lại công tác tổ chức, có cơ chế liên ngành theo nguyên tắc mỗi việc có mộ cơ quan chủ trì thực hiện. Với tinh thần đó, Thủ tướng đồng ý việc sửa Nghị định 12 về công tác này.
Để xảy ra sai phạm, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm
Theo Thủ tướng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cần có nhiều nguồn lực, chúng ta có chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, góp phần phát triển đất nước, thúc đẩy quan hệ ngoại giao hữu nghị hợp tác giữa nhân dân ta và nhân dân các nước.
Các bộ, ngành, địa phương cần xác định công tác về tổ chức phi chính phủ nước ngoài là nhiệm vụ đối ngoại quan trọng, không chỉ của riêng Ủy ban và của tất cả các cấp chính quyền. Trong mọi chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các bộ, ngành, địa phương phải luôn chú trọng xem xét xử lý hài hòa trên cả 3 khía cạnh về kinh tế, an ninh, đối ngoại. Bộ, ngành, địa phương nào làm chưa tốt, để xảy ra sai phạm, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương đó chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng đề nghị, cần có cơ chế liên ngành đủ mạnh để phối hợp quản lý, phát huy vai trò trách nhiệm của từng ủy viên Ủy banvà cơ quan giúp việc, tạo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời trong công việc thường xuyên và các vấn đề đột xuất, phức tạp, nhạy cảm.
Tiếp tục điều chỉnh, bổ sung quy chế làm việc của Ủy ban và các bộ phận giúp việc. Chủ động nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình về hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng để tham mưu tích cực, có hiệu quả hơn nữa cho Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, trong đó, cần chú ý các hoạt động lợi dụng để chống phá, gây mất ổn định.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Cần tiếp tục đổi mới công tác quản lý, kiểm tra, giám sát theo quy định các hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Một mặt, cắt giảm thủ tục hành chính, mặt khác, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, làm sao bảo đảm khoa học hơn, chặt chẽ hơn; đừng để tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng", nhất là ở những địa bàn nhạy cảm.
Tiếp tục tăng cường công tác vận động hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Chủ động đề xuất đổi mới phương pháp và hình thức hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia về hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài giai đoạn tới.
Theo Đức Tuân (Báo điện tử Chính Phủ)
Agriseco đặt kế hoạch lợi nhuận 82,4 tỷ năm 2018, đi ngang so với 2017 Agriseco đang trong giai đoạn tái cơ cấu, mục tiêu là tập trung củng cố, ổn định tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản trị điều hành và kiểm tra, giám sát... Theo nội dung nghị quyết, Công ty Cổ phần Chứng khoán Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ đổi tên thành Công...