Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước (ảnh minh họa)
Trong những năm qua, công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Doanh nghiệp nhà nước đã giảm mạnh về số lượng, từ năm 2016 đến tháng 11/2018, cả nước đã cổ phần hóa được 147 doanh nghiệp trong đó có nhiều doanh nghiệp quy mô vốn nhà nước lớn, riêng trong năm 2017, tổng quy mô vốn nhà nước được xác định lại tại các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đạt trên 160.000 tỷ đồng, bằng 81,5% tổng giá trị phần vốn nhà nước ở các doanh nghiệp được cổ phần hóa giai đoạn 2011 – 2015; thực hiện thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp, thu về được gần 155 nghìn tỷ đồng.
Các doanh nghiệp nhà nước được cơ cấu lại đã tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực quan trọng, thực hiện vai trò, nhiệm vụ làm nòng cốt điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô; hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp sau cổ phần hóa được nâng lên.
Để đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn tới, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước tăng cường chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về tiêp tuc cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội khóa XIV để nhận thức đúng, đầy đủ theo nguyên tắc thị trường, tuân thủ pháp luật đảm bảo công khai, minh bạch, kiên quyết đẩy lùi các hạn chế, tiêu cực làm chậm quá trình cổ phần hóa, thoái vốn.
Các cơ quan cũng cần hoàn thành việc xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành Quyết định phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 làm cơ sở để các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện; đẩy nhanh công tác cổ phần hóa, phấn đấu hoàn thành kế hoạch theo danh sách ban hành tại văn bản số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các doanh nghiệp không có khả năng hoàn thành kế hoạch do lý do khách quan cần kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các khó khăn, vướng mắc để xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo kế hoạch đề ra.
Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, người đại diện phần vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước xây dựng lộ trình, thời gian cụ thể để triển khai việc thoái vốn tại doanh nghiệp theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ; rà soát, điều chỉnh lại danh sách các đơn vị thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2018 – 2020.
Video đang HOT
Các doanh nghiệp (bao gồm cả các doanh nghiệp thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước) đã cổ phần hóa nghiêm túc thực hiện việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán và việc thu, nộp tiền thu phát sinh từ cổ phần hóa, thoái vốn về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp (Quỹ) theo quy định…
Trước 15/1/2019 hoàn thành phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp
Để thực hiện tốt mục tiêu, yêu cầu nêu trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tập trung chỉ đạo và triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Trong đó, cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật phục vụ quá trình cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước trong năm 2019.
Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trước ngày 15/1/2019 hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định tại Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017, trong đó nêu rõ tiến độ, cơ quan tổ chức thực hiện, người chịu trách nhiệm.
Trường hợp cần điều chỉnh danh mục, tiến độ cổ phần hóa, thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/1/2019, trong đó nêu rõ tiến độ thực hiện, cơ quan thực hiện, làm cơ sở để Thủ tướng phê duyệt, các cơ quan liên quan đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện.
Trường hợp không triển khai thoái vốn đúng tiến độ đối với những danh mục đã được duyệt, thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương có trách nhiệm chuyển giao về SCIC trước ngày 31/3/2019 để tổ chức thoái vốn theo quy định.
Các doanh nghiệp nhà nước thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.
Kiên quyết xử lý dứt điểm các dự án đầu tư chậm tiến độ, thua lỗ
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và quản lý, sử dụng vốn nhà nước.
Đồng thời, phải kiên quyết xử lý dứt điểm các doanh nghiệp nhà nước, các dự án đầu tư chậm tiến độ, hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả theo cơ chế thị trường; xem xét, thực hiện phá sản doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật; thực hiện cơ cấu lại và chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế khác.
Làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra tình trạng doanh nghiệp nhà nước, dự án đầu tư thua lỗ, thất thoát, lãng phí lớn.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước định kỳ công bố công khai thông tin về cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước làm cơ sở để theo dõi, đánh giá tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
PV
Theo TTXVN
Nhìn từ thương vụ Vinaconex: Tiền trong nước rất nhiều!
Những thương vụ thoái vốn gần đây của Nhà nước thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước tham gia cho thấy tiền trong tư nhân còn rất nhiều và sẵn sàng tham gia nếu 'món hàng' đưa ra đủ sức hấp dẫn.
Thị trường chứng khoán èo uột cùng với động thái bán ròng của khối ngoại trong thời gian gần đây làm dấy lên lo ngại công cuộc thoái vốn Nhà nước bị chậm lại và không đạt kỳ vọng khi thị trường không đủ vốn để hấp thụ nguồn cung khổng lồ. Những thương vụ thoái vốn đình đám như Sabeco, Vinamilk, Nhựa Bình Minh được các đại gia nước ngoài mạnh tay rót vốn sẽ khó tiếp diễn trong bối cảnh thị trường như hiện nay. Tuy nhiên, sự thành công trong bán vốn thời gian gần đây cho thấy nguồn tiền đến từ các nhà đầu tư trong nước cũng rất dồi dào, chỉ cần Nhà nước mạnh tay thoái vốn và 'món hàng' đưa ra đủ hấp dẫn để có thể kích thích dòng vốn này.
Thương vụ thoái vốn Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HNX: VCG) do Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) sở hữu thành công ngoài mong đợi khi giá trúng thầu của lô cổ phần do SCIC chào bán đạt 7.366 tỷ đồng, vượt kỳ vọng ban đầu 1.936 tỷ đồng và giá trúng lô cổ phần do Viettel chào bán đạt 2.002,4 tỷ đồng.
Nhiều ý kiến cho rằng điểm hấp dẫn của Vinaconex được nhà đầu tư đánh giá cao có lẽ là tài sản đất đai lớn 3,2 triệu m2 đất, trong đó có nhiều khu đất chưa được khai thác hiệu quả. Tuy nhiên trên sàn có nhiều doanh nghiệp vận hành khu công nghiệp có quỹ đất lớn như Kinh Bắc, ITA nhưng giá cổ phiếu các doanh nghiệp này cũng rất bèo bọt. Do đó, việc nhà đầu tư trả giá cao hơn 2.000 tỷ so với giá tham chiếu gây bất ngờ cho toàn thị trường. Cũng có thể, nhà đầu tư kỳ vọng vào việc Nhà nước rút vốn hoàn toàn tạo điều kiện cho tư nhân nắm quyền kiểm soát giúp Vinaconex có được cơ chế thông thoáng hơn, quyết định nhanh gọn hơn cùng nguồn lực mới sẽ tạo nên bộ mặt mới cho doanh nghiệp.
Ảnh minh họa
Không chỉ thương vụ lớn như Vinaconex, buổi đấu giá 99,27% vốn CTCP Đầu tư phát triển nhà và hạ tầng - TKV (Vinacomin Land) do Tập đoàn Công ty Than - Khoáng sản Việt Nam diễn ra vào 22/11 cũng đạt tỷ lệ thành công 100% giúp Nhà nước thu về hơn 195 tỷ đồng. Buổi đấu giá thu hút 6 nhà đầu tư trong nước tham gia với khối lượng đăng ký 29,6 triệu cp, gấp 1,7 lượng chào bán.
Ngoài ra, buổi đấu giá cổ phần của CTCP Giấy Việt Trì do Tổng công ty Giấy Việt Nam - Công ty TNHH sở hữu sắp tới đây (30/11) cũng được kỳ vọng thành công tốt đẹp. Tổng công ty Giấy Việt Nam đăng ký chào bán 2,13 triệu cp Giấy Việt Trì (ứng 29% vốn) nhưng có đến 11 nhà đầu tư cá nhân trong nước đăng ký mua 6,39 triệu cp, gấp 3 lần. Mặt khác, giá khởi điểm chào bán 27.100 đồng/cp, gấp 2,7 lần mức giá đang giao dịch trên thị trường UPCoM là 10.000 đồng/cp.
Giấy Việt Trì duy trì mức vốn góp chủ sở hữu 73,45 tỷ đồng nhiều năm nay nhưng doanh thu đạt khoảng 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận ròng trên chục tỷ đồng mỗi năm. Kết quả kinh doanh công ty khá ổn định trong giai đoạn 2014-2016 và tăng trưởng khoảng 30% trong năm 2017. Nửa đầu năm 2018, công ty tiếp tục có bước tiến đáng kể khi doanh thu thuần đạt 584 tỷ đồng, tăng 11% và lãi ròng 11 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, Giấy Việt Trì có điểm hạn chế là nợ vẫn còn lớn dù đã giảm đáng kể trong những năm gần đây. Tính đến cuối quý II, nợ gấp 4,3 lần vốn chủ sở hữu, trong đó riêng nợ vay là 211,3 tỷ gấp 2,3 lần vốn chủ sở hữu. Do vậy, chi phí lãi vay vẫn là gánh nặng lớn của Giấy Việt Trì khi ghi nhận trên 25 tỷ đồng mỗi năm, ngốn từ 25-30% lợi nhuận gộp.
Các thương vụ bán vốn trên đa phần từ nguồn vốn trong nước, cho thấy dòng vốn tư nhân khá dồi dào và luôn tìm cơ hội tham gia. Do vậy, ngoài đẩy mạnh thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài thì việc kích hoạt dòng vốn tư nhân trong nước cũng là điểm cần lưu ý. Do đó nếu mức định giá hợp lý, sát với giá trị doanh nghiệp, cùng với lượng chào bán cho phép nhà đầu tư có tỷ lệ chi phối doanh nghiệp sẽ là các yếu tố tạo nên sự thành công của các đợt bán vốn Nhà nước tiếp theo.
Theo Ngọc Điểm
Người đồng hành
Hiệu ứng ngoài kỳ vọng từ đợt thoái vốn Vinaconex Phiên giao dịch cuối tuần ngay sau buổi đấu giá thoái vốn nhà nước tại Vinaconex thành công đã diễn ra ngoài dự đoán của các nhà đầu tư. "Liều ăn nhiều", phe ủng hộ mua vào cổ phiếu VCG chờ đón sóng thoái vốn đang có vẻ thắng thế. Quan trọng là con sóng này sẽ kéo dài đến đâu? Buổi đấu...