Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương làm rõ nguyên nhân cá chết
Khẳng định cá chết hàng loạt là vấn đề khoa học chuyên sâu, Thủ tướng giao Bộ Khoa học chủ trì, huy động các nhà khoa học, trường hợp cần thiết mời chuyên gia quốc tế khẩn trương làm rõ nguyên nhân, bảo đảm khách quan, khoa học.
Ngày 28/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về việc hải sản chết bất thường tại một số tỉnh ven biển miền Trung. Tham dự có Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, đại diện lãnh đạo các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Công an và Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phát biểu của đại biểu, Thủ tướng khẳng định, việc hải sản chết tại một số tỉnh miền Trung những ngày qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xác định nguyên nhân và thực hiện các giải pháp phù hợp để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.
“Tuy nhiên, đây là sự cố môi trường biển trên diện rộng, phức tạp, lần đầu tiên xảy ra ở nước ta, mặc dù các cơ quan chức năng đã khẩn trương vào cuộc, nhưng đến nay vẫn chưa làm rõ được nguyên nhân, chưa đáp ứng được yêu cầu, gây bức xúc xã hội”, thông báo của Văn phòng Chính phủ nêu rõ.
Cá chết dạt bờ biển Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng.
Trước tình hình đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế tiếp tục khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại 6 văn bản trước đó.
Khẳng định đây là vấn đề khoa học chuyên sâu, Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng huy động các nhà khoa học, trường hợp cần thiết mời chuyên gia quốc tế khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây chết hải sản, bảo đảm khách quan, khoa học.
Video đang HOT
Bộ Công an được giao nhiệm vụ tập trung thu thập tài liệu chứng cứ, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật hình sự thì xử lý nghiêm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, UBND 4 tỉnh nói trên rà soát, thống kê và đề xuất chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại, không để người dân bị thiếu đói.
Bộ Y tế được giao trách nhiệm chỉ đạo các địa phương thu gom, xử lý hải sản chết, bảo đảm vệ sinh môi trường; nghiêm cấm việc vận chuyển, kinh doanh hải sản chết; phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn địa phương, người dân trong việc tiếp tục nuôi trồng, khai thác và sử dụng hải sản an toàn.
“Bộ Tài nguyên và Môi trường là đầu mối cung cấp thông tin chính thức cho các cơ quan truyền thông liên quan đến vụ việc”, Văn phòng Chính phủ thông báo.
Đầu tháng 4, cá nuôi lồng bè của người dân gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đồng loạt chết. Hiện tượng này sau đó lan dọc hơn 200 km bờ biển từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tới Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế). Thống kê đến ngày 25/4, 4 tỉnh ven biển phát hiện gần 70 tấn cá tự nhiên chết dạt bờ, chủ yếu là các loài sống ở tầng đáy. Riêng Thừa Thiên – Huế có tới 35 tấn cá nuôi bị chết.
Tối 27/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả điều tra sơ bộ nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung. Theo đó, độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và hiện tượng tảo nở hoa được khoanh vùng. Tuy nhiên thông tin này vấp phải sự phản ứng của giới khoa học và người dân.
Xuân Hoa
Theo VNE
Hội nghề cá lên tiếng về nguyên nhân thuỷ triều đỏ gây chết cá
Cho rằng các biểu hiện đặc trưng của tảo nở hoa (thuỷ triều đỏ) đều không có trong thực tế, Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị làm rõ có bao nhiêu ống xả thải ra vùng biển Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Ngày 27/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố hai hướng điều tra nguyên nhân cá chết là chất độc do hoạt động xả thải của con người và tảo nở hoa.
Trong văn bản gửi Chính phủ và các Bộ hôm qua, Hội nghề cá đồng tình với nguyên nhân cá chết do chất độc, còn "tảo nở hoa nên bị loại trừ". "Những biểu hiện đặc trưng của hiện tượng này như lượng tảo phát triển nhiều gây đổi màu nước biển, cá tầng mặt chết hàng loạt, xác tảo dạt bờ từng mảng lớn gây ô nhiễm, hôi thối... đều không được ghi nhận trong thực tế", văn bản nêu.
Nhiều tấn cá chết ở ven biển miền Trung. Ảnh: Đức Hùng.
Theo Hội nghề cá, giả thiết chất độc do con người gây ra thảm họa tương đối có cơ sở. Nếu cá chết do chất độc có nghĩa là toàn bộ sinh vật biển đã bị hủy diệt, trong khi người dân chỉ thấy sinh vật cỡ lớn và nổi lên mặt nước. Do đó, việc làm tiếp theo là xác định chất độc ấy tồn dư trong đất và nước biển bao lâu.
Trong khi chưa xác định được nguyên nhân, để sớm khắc phục tình trạng trên, Hội nghề cá kiến nghị các bộ chỉ đạo các tỉnh bố trí lực lượng thu gom cá chết để tiêu hủy, tránh tình trạng người dân tự gom cá đi bán hoặc chế biến thành thực phẩm.
Hội cũng đề nghị các bộ chỉ đạo địa phương thống kê thiệt hại, từ đó có chính sách hỗ trợ ngư dân.
Đầu tháng 4, cá nuôi lồng bè của người dân gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đồng loạt chết. Hiện tượng này sau đó lan dọc hơn 200 km bờ biển từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tới Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế). Thống kê đến ngày 25/4, bốn tỉnh ven biển phát hiện gần 70 tấn cá tự nhiên chết dạt bờ, chủ yếu là các loài sống ở tầng đáy. Riêng Thừa Thiên - Huế có tới 35 tấn cá nuôi bị chết.
Tối 27/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả điều tra sơ bộ nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung. Theo đó, độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và hiện tượng tảo nở hoa được khoanh vùng. Tuy nhiên thông tin này vấp phải sự phản ứng của giới khoa học và người dân.
3 câu hỏi của Hội nghề cá với cơ quan chức năng:
Thứ nhất, tại vùng biển Kỳ Anh - nơi phát sinh cá chết đầu tiên có bao nhiêu đường ống xả thải ra biển, gồm cả đường ống công khai và do nhà máy tự làm có nước thải chưa qua xử lý?
Thứ hai, kết quả kiểm kê 300 tấn hóa chất được nhập về nhà máy Formosa đã sử dụng bao nhiêu và dùng vào mục đích gì. Sau khi sử dụng chúng có qua đường ống xả thải ra biển hay không?
Thứ ba, kết quả phân tích chất độc của mẫu ở cuối nguồn các ống xả và kết quả phân tích chất độc lấy từ mang và dạ cá có đi đến kết luận cá chết vì chất độc không?
"Nếu kết quả cho thấy cá chết không phải do độc tố, các nhà máy ở Kỳ Anh không thải ra chất độc hoặc có thải ra nhưng không làm chết cá, thì mới đi tìm nguyên nhân theo hướng khác".
Phạm Hương
Theo VNE
Hà Tĩnh hỗ trợ 750 triệu cho người dân bị ảnh hưởng bởi cá chết Ngoài ra, tỉnh còn cấp phát 180 tấn gạo hỗ trợ người dân của 6 xã ven biển bị ảnh hưởng bởi cá chết hàng loạt. Ngày 28/4, Hà Tĩnh có quyết định tạm cấp ứng số tiền 750 triệu đồng từ nguồn dự phòng ngân sách, đồng thời phân bổ 180 tấn gạo hỗ trợ các hộ dân nuôi trồng thủy sản...