Thủ tướng Anh cảnh báo trừng phạt nghiêm khắc các CLB gia nhập Super League
Thủ tướng Anh Boris Johnson thất vọng về sự ra đời của Super League, khẳng định sẽ trừng phạt nghiêm những CLB ở Premier League gia nhập giải đấu này.
Trả lời The Sun, Thủ tướng Anh Boris Johnson cam kết sẽ “làm tất cả mọi thứ” để ngăn 6 CLB ở Premier League- Manchester United, Manchester City, Liverpool, Arsenal, Chelsea và Tottenham- tham gia Super League.
Thủ tướng Anh Boris Johnson. (Ảnh: Sky News)
Ông Boris Johnson nói đây là kế hoạch “lố bịch”. Chính phủ Anh đang xem xét một số biện pháp như yêu cầu 6 đội trả lại khoản vay hỗ trợ COVID-19, không hỗ trợ an ninh cho các trận đấu Super League, thậm chí thay đổi luật sở hữu các câu lạc bộ để người hâm mộ có quyền quyết định lớn hơn.
Hoàng tử Anh William trong khi đó cũng bày tỏ lo ngại, cảnh báo đề xuất này có thể “hủy hoại trò chơi chúng ta yêu quý”. “Giờ hơn lúc nào hết chúng ta phải bảo vệ toàn bộ cộng đồng bóng đá, từ cấp cao nhất, cũng như giá trị của sự cạnh tranh và công bằng”.
Nhiều người hâm mộ giận dữ đòi phế truất chủ sở hữu 6 CLB, còn các cổ động viên đối thủ đốt vật dụng liên quan đến 6 đội bóng.
Tiền vệ Man Utd, Bruno Fernandes, là cầu thủ đầu tiên từ nhóm 6 CLB công khai phản đối Super League. “Không thể mua được những giấc mơ”, anh viết trên mạng xã hội. Các cầu thủ khác ở MU, theo Dailymail, cũng bày tỏ ý kiến của mình với Phó Chủ tịch Ed Woodward hôm 19/4.
Video đang HOT
Căng thẳng càng có dấu hiệu nóng lên khi UEFA, FIFA xem xét cấm cầu thủ ở những CLB dự Super League đá Euro hay World Cup.
Bên cạnh đó, cũng có thông tin rằng UEFA đang xem xét phạt 12 CLB Super League ngay lập tức. Cụ thể là loại Real, Chelsea, Man City khỏi bán kết và trao thẳng chức vô địch Champions League cho PSG. Án phạt tương tự dự kiến cũng dành cho Man Utd ở Europa League.
Chính phủ Anh trước đó thông báo khởi động một cuộc rà soát “từ trên xuống dưới” nền bóng đá.
Tuy nhiên 6 đại gia bóng đá Anh không hề nao núng. Theo Dailymail, Super League sẽ mang về cho nhóm đội bóng sáng lập hàng tỷ USD để khắc phục hậu quả từ đại dịch. Thậm chí, lãnh đạo Super League sẵn sàng để cầu thủ đá giải đấu tầm thế giới thay Euro, World Cup.
Hiện tại, lãnh đạo UEFA, FIFA, Premier League, Serie A, La Liga đang họp khẩn để tìm cách ngăn Super League khởi tranh.
12 đội bóng sáng lập Super League là: AC Milan, Arsenal FC, Atlético de Madrid, Chelsea, Barcelona, Inter Milan, Juventus, Liverpool, Manchester City, Manchester United, Real Madrid và Tottenham Hotspur.
Ngoài ra, 3 CLB nữa cũng đang xem xét làm đơn sớm gia nhập giải đấu được xem là đối chọi lại Champions League này.
Thể thức thi đấu của Super League
- Super League gồm 20 CLB, bao gồm 15 CLB sáng lập và 5 CLB khách mời.
- Giải đấu diễn ra vào giữa tuần để các CLB vẫn tham gia giải đấu VĐQG như bình thường, đảm bảo lịch thi đấu phù hợp với nguyên tắc các giải VĐQG là “trái tim của CLB”.
- Super League bắt đầu từ tháng 8. 20 CLB chia thành 2 bảng, mỗi bảng 10 đội, thi đấu vòng tròn 2 lượt. 3 CLB đừng đầu mỗi bảng sẽ vào thẳng tứ kết. Hai đội đứng thứ 4 và thứ 5 mỗi bảng sẽ đấu play-off chọn ra 2 suất còn lại vào tứ kết.
Từ tứ kết, các CLB sẽ đá theo thể thức loại trực tiếp, với 2 lượt đấu tại sân nhà và sân khách. Trận chung kết diễn ra vào tháng 5 trên sân trung lập.
- Ngay khi Super League dành cho nam diễn ra, giải đấu tương tự dành cho nữ cũng được khởi tranh.
Tổ chức nào hậu thuẫn 6 tỷ USD cho Super League?
Tổ chức đứng sau hậu thuẫn tài chính cho siêu giải đấu này là ngân hàng lâu đời đặt trụ sở tại New York (Mỹ) - JP Morgan.
Theo Guardian , ngân hàng này sẽ hỗ trợ 6 tỷ USD để tổ chức giải đấu. "Tôi xác nhận JP Morgan đang hoàn tất các thương thảo nhưng không có bình luận gì vào thời điểm này", người phát ngôn của ngân hàng có trụ sở tại New York lên tiếng.
Theo Nationalworld , người kết nối JP Morgan với các CLB hàng đầu châu Âu để lên kế hoạch cho Super League là Phó chủ tịch MU, Ed Woodward. Ông Woodward vốn là một nhân viên cũ của JP Morgan.
Super League nhận chỉ trích từ những nhân vật kỳ cựu của bóng đá thế giới. Đồ họa: Minh Phúc.
Phóng viên Kaveh Solhekol của Sky Sport chia sẻ: "Một thành viên của 6 CLB hàng đầu tại Anh nhấn mạnh: Đây không phải nội chiến, mà là chiến tranh hạt nhân. Thật sự thì các ông chủ của CLB không lo lắng việc hình ảnh bị vấy bẩn, họ đã lường trước được điều đó. Tối đa hóa lợi nhuận là mục tiêu quan trọng nhất. Lợi ích của bóng đá chỉ là thứ yếu".
Sau khi thông tin về Super League bùng nổ, giá cổ phiếu của những CLB tham gia có niêm yết trên sàn đều tăng mạnh. Giá cổ phiếu của Juventus tăng 14,68% trong phiên ngày 19/4. Giá cổ phiếu của MU tăng lên mức 16,41 USD, cao nhất trong 5 ngày qua.
Metro đưa tin, Manchester United cùng hàng loạt đội bóng lớn như Arsenal, Milan, Inter, Tottenham,...đã rời Hiệp hội CLB châu Âu (ECA). Quyết định được các đội bóng này đưa ra ngay sau thông báo về việc tổ chức Super League.
"Chúng tôi muốn bóng đá có vị thế xứng đáng. Đây là môn thể thao có sức ảnh hưởng lớn nhất, được hơn 4 tỷ người quan tâm. Trách nhiệm của chúng tôi là đáp ứng nhu cầu từ người hâm mộ", Mundo Deportivo dẫn lời Chủ tịch Perez về Super League.
Mỗi đội dự Super League sẽ nhận 400 triệu euro trong một mùa giải, nhiều gấp 4 lần số tiền có được nếu vô địch Champions League.
Chủ tịch UEFA: Cầu thủ dự Super League bị cấm cửa ở EURO Chủ tịch UEFA, ông Aleksander Ceferin, xác nhận sẽ có trừng phạt cho các cầu thủ thi đấu tại Super League. "Các cầu thủ thi đấu tại Super League sẽ bị cấm dự World Cup và EURO. Họ cũng không được khoác áo đội tuyển quốc gia", nhà báo Fabrizio Romano dẫn thông điệp từ Chủ tịch Caferin tối 19/4 (giờ Hà Nội)....