Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Vụ TQ đâm chìm tàu cá VN là vô nhân đạo
Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNN, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh nói rằng việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam là hành động có chủ ý và vô nhân đạo.
Thứ trưởng Phạm Quang Vinh trả lời phỏng vấn hãng tin CNN.
Biên tập viên Kristie Lu Stout: Việt Nam nghĩ như thế nào về các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa?
Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Tôi phải nói rằng quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam. Đây là một sự thật lịch sử và pháp lý. Các bạn cũng biết là vào năm 1974, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm Hoàng Sa và chúng tôi không thể chấp nhận điều đó. Điều này là vi phạm luật pháp quốc tế.
Việt Nam sẽ làm gì để bảo vệ tuyên bố chủ quyền của mình đối với vùng lãnh thổ này?
Chúng tôi tái khẳng định rằng chúng tôi rất kiên định trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và chúng tôi sẽ tiếp tục làm vậy và thực hiện tất cả các biện pháp hòa bình tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS), để bảo vệ chủ quyền của chúng tôi.
Vậy Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam đã liên lạc với người đồng cấp Trung Quốc về vấn đề này và về các căng thẳng trên biển hay chưa?
Video đang HOT
Kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam, chúng tôi thường xuyên liên lạc với Trung Quốc yêu cầu họ đưa giàn khoan và các tàu của họ ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam đã liên lạc với người đồng cấp Trung quốc, trong đó có 2 cuộc điện đàm để yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu của họ ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Tuần qua, có thông tin về việc các tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam. Đây được xem là một hành động khiêu khích. Vụ việc có khiến Việt Nam tức giận không?
Trước hết, tôi phải nói rằng vào ngày 26/5, một tàu cá của Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Đây là một hành động leo thang căng thẳng trong khu vực, và là hành động có chủ ý. Chúng tôi đã phản đối hành động này và coi đây là hành động vô nhân đạo. Chúng tôi yêu cầu những hành động vô nhân đạo như vậy phải chấm dứt trong tương lai.
Ông gọi đó là hành động vô nhân đạo. Có phải Trung Quốc đang ức hiếp Việt Nam trên biển?
Tôi nghĩ các bạn đã chứng kiến những gì đang xảy ra hiện nay trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Đã có sự leo thang căng thẳng và những hành động đe dọa đối với tàu Việt Nam cũng như an ninh hàng hải và tự do đi lại ở Biển Đông. Tôi phải nói rằng những hành động đó xảy ra trong vùng biển Việt Nam vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS).
Trung Quốc đang trở thành một cường quốc về kinh tế và quân sự. Nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, đang ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc về thương mại và duy trì hoạt động kinh tế. Vậy Việt Nam có kế hoạch như thế nào để đối phó với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và để tuyên bố chủ quyền hợp pháp với những gì thuộc về Việt Nam?
Tôi đã nói rằng Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và vùng biển của mình. Chúng tôi sẽ thực hiện tất cả các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện điều đó. Chúng tôi đã và đang đối thoại với Trung Quốc, đang trao đổi với các nước trên thế giới và chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền phù hợp với luật pháp quốc tế. Các quốc gia dù lớn dù nhỏ phải tôn trọng luật pháp quốc tế. Đó là thế giới của chúng ta ngày hôm nay.
Theo Dantri
"Hành động của Trung Quốc là vô nhân đạo, thiếu văn minh"
Vừa nghỉ hưu từ đầu tháng 5 vừa qua, ông Đặng Công Ngữ đã có trên 1.800 ngày giữ cương vị Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa. Trong thời gian này, ông đã đấu tranh quyết liệt trên nhiều mặt trận để khẳng định Hoàng Sa là một phần không thể thiếu của Việt Nam.
Trước khi nghỉ hưu, trong một buổi tiệc nhỏ chia tay ấm cúng, ông đã trải lòng tâm sự về những điều ông trăn trở đối với phần lãnh thổ đang bị Trung Quốc chiếm đóng này. Những ngày qua, khi Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan "khủng" tiếp tục lấn vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam, ông cũng đã chia sẻ những suy nghĩ của mình với PV.
Ông Đặng Công Ngữ - nguyên Chủ tịch huyện Hoàng Sa trả lời phỏng vấn
Ông đánh giá thế nào về hành động của Trung Quốc khi đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam và sử dụng tàu đâm vào tàu kiểm ngư của Việt Nam?
Ông Đặng Công Ngữ: Lịch sử nghìn năm qua và kể cả thời hiện đại, ta thấy Trung Quốc từng thời kỳ họ có chiến lược bành trướng, đặc biệt lần này họ muốn thâu tóm biển Đông, điều đó đã được chứng minh qua việc tự vẽ đường lưỡi bò từ lâu nay.
Bài học gần nhất cho chúng ta thấy từ năm 1956, trong lúc Việt Nam đang chiến đấu với thực dân Pháp, lúc bấy giờ Tưởng Giới Thạch xâm chiếm các đảo phía Đông của Hoàng Sa. Năm 1974, trong lúc Việt Nam đang chiến đấu thì họ chiếm nốt các đảo phía Tây. Năm 1988, Trung Quốc lại chiếm đảo Gạc Ma của chúng ta.
Lần này Trung Quốc lại sử dụng giàn khoan "khủng" khai thác ngay tại thềm lục địa vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại tọa độ 15-29 độ Vĩ Bắc và 111-12 độ Kinh Đông hoàn toàn thuộc về chủ quyền của UBND huyện Hoàng Sa quản lý với thái độ rất hung hăng. Theo thông tin, có hơn 80 tàu hỗ trợ việc này, trong đó có cả máy bay và tàu quân sự. Đây là âm mưu và hành động rất có chủ ý rõ ràng, ngang ngược, thô bạo nhất là khi tàu Cảnh sát biển, tàu kiểm ngư Việt Nam ngăn cản thì họ đâm thẳng vào tàu chúng ta và dùng vòi rồng khống chế. Đấy là sự tuyên chiến, một hành động cường quyền. Mọi người dân Việt Nam kể cả các nhà khoa học Trung Quốc và người dân thế giới đều cực lực lên án, coi Trung Quốc làm việc này là phi pháp.
Chủ tịch huyện Hoàng Sa - ông Đặng Công Ngữ (ảnh trái) trong lần ra mắt cuốn Kỷ Yếu Hoàng Sa vào tháng 1/2012
Nguyên là Chủ tịch huyện Hoàng Sa và hiện nay là một người dân, ông đánh giá thế nào về công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền?
Trên cương vị người dân Việt Nam cũng như Nhà nước Việt Nam phải bảo vệ chủ quyền lãnh thổ toàn vẹn và ai xâm chiếm lãnh thổ coi như là "giặc". Trách nhiệm các cơ quan chức năng là ngăn chặn không để Trung Quốc cắm giàn khoan, nếu cắm được là họ đã lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam. Đã lấn chiếm thì họ càng leo thang những bước tiếp theo mà lịch sử cho thấy đòi lại không thể dễ dàng.
Trước hết, để bảo vệ chủ quyền thì chúng ta phải dùng biện pháp hòa bình và các biện pháp quốc tế. Nếu đàm phán không được thì phải sử dụng các biện pháp khác để bảo vệ chủ quyền. Tôi nghĩ mọi người dân Việt Nam cũng đều mong muốn hòa bình, tôn trọng và không xâm phạm lãnh thổ của nhau.
Ngoài đấu tranh trên vùng biển Trung Quốc đặt giàn khoan, theo ông chúng ta cần phải có biện pháp đấu tranh mạnh mẽ nào trong thời gian tới đây?
Mình phải khẳng định rằng nước Việt Nam so với Trung Quốc là nước nhỏ hơn về diện tích lãnh thổ nhưng tinh thần bảo vệ tổ quốc của Việt Nam cả ngàn năm cho thấy mọi triều đại ngoại bang xâm lược Việt Nam đều phải trả giá. Tôi nghĩ thời đại hiện tại vẫn thế, nhân dân Việt Nam không bao giờ bị khuất phục. Còn việc làm thế nào để bảo vệ trong thời gian tới thì chúng ta phải dựa vào tinh thần đoàn kết của toàn dân, toàn quân.
Là một người dân, ông rất phẫn nộ trước sự việc đã diễn ra trên biển Đông trong vài ngày qua?
Trung Quốc thể hiện một chủ nghĩa bành trướng, hiếu chiến, không tôn trọng luật pháp quốc tế, kể cả họ cũng chẳng tôn trọng họ khi họ đặt bút ký những văn kiện đối với quốc tế tuyên bố ứng xử các bên trên biển Đông cũng như văn kiện hợp tác giữa hai nước. Người dân bình thường ai cũng phẫn nộ khi thấy họ hung hăng tấn công tàu Cảnh sát biển cũng như tàu kiểm ngư Việt Nam. Đây là một hành động vô nhân đạo, thiếu kiềm chế và hành xử thiếu văn minh.
Theo Dân Trí
Nghị sĩ Mỹ đòi phanh phui các biện pháp tra tấn 'vô nhân đạo' của CIA Các thượng nghị sĩ thuộc Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ đã kêu gọi giải mật một số phần trong báo cáo về chương trình tra tấn của Cục Tình báo T.Ư Mỹ (CIA) sau vụ khủng bố 11.9.2001. Nhà hoạt động Maboud Ebrahimzadeh trong một vụ tra tấn bằng nước giả lập bên ngoài Bộ Tư pháp Mỹ vào năm 2007,...