Thu tiền phạt tại chỗ: Giảm được phiền hà cho dân vẫn hơn!
Tổ chức, cá nhân vi phạm có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người ra quyết định xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt. Đó là quy định tại dự thảo lần 1 Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 171/2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt ( có hiệu lực từ ngày 1.1.2014), vừa được Bộ Công an đưa ra.
Đã có nhiều phản ứng trái chiều đối với quy định mới này. Nhưng tranh cãi vẫn xoay quanh vấn đề lo ngại nảy sinh tiêu cực, tham nhũng trong lực lượng cảnh sát giao thông.
Từ trước đến nay, người bị xử phạt vì có hành vi vi phạm Luật Giao thông rất khổ sở vì chuyện đi nộp phạt. Những trường hợp phải nộp phạt xa địa phương nơi cư trú càng khổ sở hơn. Người bị xử phạt vừa tốn tiền nộp phạt, vừa tốn kém chi phí đi lại. Cho nên, quy định cho phép nộp phạt tại chỗ sẽ giảm phiền hà và tốn kém cho dân.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên – Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt (Bộ Công an) – cho rằng, việc nộp phạt tại kho bạc hiện nay có một số phiền hà do đi lại nhiều lần nên dễ sinh tiêu cực, vì người vi phạm “xin xỏ”, tác động xấu tới lực lượng cảnh sát. Cho nên, nộp phạt thẳng sẽ giảm tiêu cực.
Nhưng lại có không ít ý kiến trái ngược, khi cho rằng: Do nộp phạt trực tiếp, người vi phạm càng có điều kiện “xin xỏ” hơn, và cảnh sát giao thông cũng dễ dàng “cầm” tiền hơn, bởi khi người ngoài nhìn vào, không biết “giao dịch” giữa hai bên là tiền tiêu cực hay tiền nộp phạt.
Ngoài ra, người vi phạm có thể thỏa thuận với cảnh sát giao thông, thay đổi hành vi vi phạm để hạ mức nộp phạt thấp hơn.
Người bị phạt giảm bớt tiền phạt, cảnh sát có “tiền bỏ túi”, chỉ có Nhà nước là thiệt.
Nếu suy xét kỹ, nộp phạt tại kho bạc hay nộp trực tiếp cho người ra quyết định xử phạt vi phạm thì cách nào cũng có “cửa” phát sinh tiêu cực. Vậy thì chọn cách nào mà giảm được phiền hà cho dân vẫn hơn. Còn kiểm tra, giám sát, giáo dục để lực lượng cảnh sát giao thông không tiêu cực lại là chuyện khác!
Nhiều cuộc khảo sát của các tổ chức khác nhau trong hai năm vừa qua đều đưa ra kết quả: Cảnh sát giao thông nằm trong nhóm tham nhũng nhiều nhất. Điều này cho thấy, đóng tiền nộp phạt trực tiếp hay qua kho bạc không phải là cách hạn chế tham nhũng. Căn bệnh tham nhũng đòi hỏi toa thuốc khác.
Video đang HOT
Thực tế, cảnh sát giao thông rất vất vả trong thi hành công vụ, nhưng tiền hỗ trợ chỉ đủ mua ổ bánh mì và chai nước lọc. Vậy thì cần bao nhiêu “ổ bánh mì” mới hạn chế được tham nhũng? Câu hỏi này không chỉ đặt ra cho riêng lực lượng cảnh sát giao thông.
Theo LĐ
Nộp phạt thẳng cho CSGT: Vừa tuýt còi vừa nhận tiền thì...
Không đồng tình với quan điểm "nộp phạt trực tiếp sẽ giảm tiêu cực" các ĐBQH cho rằng, hình thức này sẽ gây nhũng nhiễu, tiêu cực tăng lên.
Dễ lạm dụng chức vụ, trục lợi cá nhân
ĐBQH Lê Như Tiến khẳng định, với quy định cho phép nộp phạt trực tiếp cho CSGT không những không giảm tiêu cực mà còn dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng chức quyền, trục lợi cá nhân.
Theo ông Tiến, cải tiến thủ tục hành chính, giúp người dân tránh bị phiền hà là chủ trương đúng của Chính phủ và các bộ ngành, nhưng phải cải cách thế nào để tránh tình trạng lạm dụng chức quyền đề trục lợi cá nhân.
Nộp phạt trực tiếp cho CSGT dễ lạm dụng chức vụ, trục lợi cá nhân
Nếu nói cho người vi phạm giao thông được nộp phạt trực tiếp để giảm phiền hà thì có rất nhiều cách.
Tuy nhiên, theo quy định mới của Bộ Công an, người trực tiếp phạt lại là người trực tiếp thu tiền, rồi lại đôi khi lại được hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động đó thì hoàn toàn không hợp lý.
Bởi theo quy định của Luật Kế toán, phải có kế toán trưởng, kế toán và thủ quỹ. Kế toán trưởng ký quyết định, kế toán là người thực thi và thủ quỹ là người thu tiền.
"Một CSGT vừa tuýt còi, vừa nhận tiền đút túi sẽ dẫn đến tình trạng lạm dụng chức vụ để trục lợi. Nó chẳng khác nào tay phải ký quyết định phạt, tay trái nhận tiền thì chẳng khác nào rút hóa đơn túi bên phải đút tiền sang túi trái. Cả hai túi đều là của anh cả", ông Tiến phân tích.
Không thể nói sẽ giảm tiêu cực
ĐBQH Nguyễn Sĩ Cương lại cho rằng không có cơ sở nào để nói hình thức nộp phạt nào giảm tiêu cực hơn hình thức nào.
Ông Cương phân tích, quy định cho phép nộp phạt trực tiếp nhằm tạo thuận lợi cho người vi phạm đỡ phiền hà, tránh tiêu cực là đúng. Nó sẽ giúp người dân tránh đi lại nhiều lần, giảm phiền hà, thủ tục hành chính. Đây là hình thức trước đó đã thực hiện rồi nhưng sau đó lại quay lại hình thức nộp phạt qua kho bạc nhà nước.
Tuy nhiên, ông Cương cho biết, ý kiến cho rằng nộp phạt trực tiếp để giảm tiêu cực hay tăng tiêu cực cũng không có một cơ sở nào.
"Nói là nộp phạt trực tiếp để giảm tiêu cực cũng không phải. Từ trước tới nay chưa có một điều tra, đánh giá nào cho thấy thực trạng tiêu cực, tham nhũng trong ngành CSGT.
Như vậy, làm sao có cơ sở để nói nộp phạt theo hình thức nào ít tiêu cực hơn hình thức nào", ông Cương nói.
Theo ông Cương, giải pháp để giảm tiêu cực chỉ có thể là thay đổi được yếu tố con người. CSGT phải tự làm trong sạch đội ngũ cán bộ, phải biết từ chối với tiêu cực.
Ông Cương cho rằng "khi ý thức không thay đổi, khi mà người ta vẫn luôn nhăm nhăm nghĩ tới việc lấy tiền bỏ túi thì bất cứ hình thức nào cũng không thể cải thiện được".
Tùy tiện
"Tôi không hiểu lãnh đạo CSGT nói giảm tiêu cực theo hình thức nào, nhưng cá nhân tôi tôi cho rằng không giảm mà tăng tiêu cực", đó là ý kiến của DDBQH Nguyễn Thị Khá.
Bà Khá lấy ví dụ, với lỗi vi phạm giao thông phải phạt 1 triệu đồng, nhưng giữa người vi phạm có sự thống nhất, thỏa thuận đưa 500.000 rồi cho đi thì đó là tiêu cực chứ sao lại nói là giảm.
Hơn nữa, nếu quy định này đi vào cuộc sống bà Khá cho rằng sẽ có nhiều vấn đề phát sinh.
Đầu tiên phải đặt câu hỏi phạt ở đâu, phạt trực tiếp cho CSGT hay phạt ở phòng CSGT. Nếu phạt trực tiếp sẽ có hai trường hợp một là: phải có một bộ máy nhân sự đi kèm như kế toán, thủ quỹ, người lập biên bản, người xử phạt... nếu vậy thì bộ máy nhân sự sẽ bị phình ra đồng thời việc phiền hà, phức tạp không giảm đi mà sẽ gây tốn kém, lãng phí cho ngân sách nhà nước.
Hình thức thứ hai, người xử phạt là người thu tiền đồng thời ghi biên lai sẽ xảy ra tình trạng tùy tiện, thích phạt bao nhiêu thì phạt, phạt thế nào cũng được, không ai quản lý, không ai giám sát.
Như vậy, tình trạng tiêu cực càng tăng lên, hoạt động công khai hơn.
"Nghĩa là chỉ thay đổi hình thức nộp phạt, thay vì nộp phạt vào kho bạc nhà nước thì nay người dân chỉ việc nộp thẳng vào túi CSGT", bà Khá nói.
Tóm lại tôi cho rằng, với hình thức nào cũng không thể giảm được tiêu cực để thay đổi được tình trạng này chỉ có thay đổi yếu tố con người.
Chỉ áp dụng nơi xa xôi, hẻo lánh Trao đổi với báo chí, Trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, Bộ Công an cho biết, hình thức nộp phạt trực tiếp cho Cảnh sát giao thông chỉ được áp dụng trong trường hợp địa điểm xảy ra vi phạm ở nơi xa xôi hẻo lánh, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn và ngoài giờ hành chính, khi kho bạc không làm việc. Trung tướng Đỗ Đình Nghị khẳng định không có chuyện Bộ Công an sẽ tiến hành đại trà hình thức thu tiền phạt trực tiếp đối với người vi phạm pháp luật về an toàn giao thông. Cũng theo Trung tướng Đỗ Đình Nghị, mục đích của việc ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Theo Dự thảo Thông tư, trường hợp hành vi vi phạm có mức phạt tiền trên 250.000 đồng đối với cá nhân, trên 500.000 đồng đối với tổ chức, xảy ra tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt cho người có thẩm quyền xử phạt. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm thu tiền phạt tại chỗ và nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn không quá 7 ngày, kể từ ngày thu tiền phạt. Mọi trường hợp thu tiền phạt, người thu tiền phạt có trách nhiệm giao chứng từ thu tiền phạt cho cá nhân, tổ chức nộp tiền phạt.
Theo Báo Đất Việt
Bỏ ghi tên cha, mẹ trên chứng minh nhân dân từ 2/11 Nhiều chính sách, quy định mới sẽ có hiệu lực thi hành từ đầu tháng 11/2013, trong đó có quy định bỏ ghi tên cha, mẹ trên chứng minh thư. Bỏ ghi tên cha, mẹ trên chứng minh nhân dân, tự ý cơi nới chung cư bị phạt đến 60 triệu đồng; quy định về tạm nhập, chuyển nhượng xe ngoại giao; tăng...