Thủ phạm gây suy tinh hoàn mọi chàng trai cần cảnh giác
Em tìm hiểu biết mình mắc bệnh suy tinh hoàn, xin bác sĩ cho biết nguyên nhân và có thể chữa khỏi không? (Nam).
Ảnh minh họa: Menshealth.
Trả lời:
Chào bạn,
Suy tinh hoàn còn gọi là suy chức năng tinh hoàn hay suy chức năng tuyến sinh dục ở nam giới. Đặc trưng của bệnh là sự suy giảm nội tiết tố testosterone. Testosterone được sản xuất chủ yếu tại tinh hoàn và một ít tại tuyến thượng thận. Đây là nội tiết tố sinh dục nam cần thiết cho hoạt động tình dục và sinh sản.
Nguyên nhân gây suy sinh dục ở nam giới gồm có 2 nhóm chính: Nguyên phát và thứ phát. Nguyên nhân nguyên phát thường gặp như không có hoặc mất tinh hoàn hai bên, nhiễm virus quai bị, điều trị phóng xạ, hội chứng Klinefelter, tinh hoàn ẩn, teo tinh hoàn… Nguyên nhân thứ phát thường gặp là suy chức năng tuyến yên và hạ đồi, u hố sọ sau, đái tháo đường, xơ gan, hội chứng suy testosterone.
Triệu chứng của bệnh suy tinh hoàn phụ thuộc vào thời gian bắt đầu suy sinh dục. Nếu xảy ra trước tuổi dậy thì, các trẻ trai bị rối loạn hoặc không dậy thì với các đặc tính sinh dục đặc trưng ở nam giới có bất thường như không mọc râu, cơ không phát triển, không vỡ giọng, bộ phận sinh dục không phát triển, phân bố lông sinh dục thưa…
Đối với trường hợp khởi phát sau tuổi dậy thì có thể gây suy giảm chức năng tình dục và vô sinh. Một số triệu chứng thông thường của suy sinh dục nam như mất ham muốn tình dục, mất khả năng cương dương, xuất tinh sớm, không xuất tinh, giảm nhạy cảm ở đầu dương vật. Một số triệu chứng kèm theo như mất ngủ, mất sức mạnh tinh thần, mệt mỏi, có những cơn bốc hỏa, mỡ phát triển vùng bụng, đau xương, thậm chí có thể trầm cảm.
Dù vậy, các triệu chứng trên đều không đặc hiệu với bệnh nên cần làm xét nghiệm chẩn đoán bắt buộc như xét nghiệm về nội tiết sinh sinh dục, đặc biệt là testosterone. Đồng thời, nếu cần thiết bác sĩ sẽ chỉ định thêm một số xét nghiệm tìm nguyên nhân.
Việc điều trị bệnh suy sinh dục ở nam giới tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Với những dữ kiện bạn tìm hiểu không thể xác định chắc chắn bị suy tinh hoàn. Bạn cần đi kiểm tra sức khỏe tại các cơ sở y tế chuyên sâu về nam khoa. Từ đó mới có thể chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị thích hợp nhất.
Video đang HOT
Thân ái.
Bác sĩ Trà Anh Duy
Theo Vnexpress.net
Khám phá bí mật 'con giống' của nam giới
Khoảng 70% trường hợp được chẩn đoán là vô tinh vẫn có thể có con của chính mình với kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.
70% trường hợp được chẩn đoán vô tinh vẫn có con 'chính chủ'
Theo bác sĩ Hồ Mạnh Tường- Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản TP.HCM: Không có tinh trùng hay còn gọi là vô tinh là thuật ngữ chuyên môn để mô tả các trường hợp không tìm thấy tinh trùng trong tinh dịch sau ít nhất 2 lần xét nghiệm tinh dịch đồ, cách nhau ít nhất 2 tuần.
Không có tinh trùng có thể do cơ thể không sản xuất tinh trùng hay do tinh trùngvẫn được sinh ra nhưng không đi ra được bên ngoài.
Nếu hai tinh hoàn vẫn sinh tinh nhưng tinh trùng không ra được tinh dịch, bác sĩ phải làm thủ thuật (tiểu phẫu) để lấy tinh trùng và thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (thụ tinh trong ống nghiệm). Trong một số ít trường hợp, bác sĩ có thể thực hiện một số phẫu thuật phục hồi đường dẫn tinh hay phục hồi khả năng sinh tinh.
Thực tế, đa số nam giới khi đi thử tinh dịch đồ nhận được kết quả là 'không có tinh trùng' rất lo sợ vì nghĩ rằng mình sẽ vĩnh viễn không thể có con được. Song với các tiến bộ hiện nay của y học ở Việt Nam, khoảng 70% trường hợp được chẩn đoán là vô tinh vẫn có thể có con của chính mình với kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.
Một số ít trường hợp đặc biệt (khoảng 1-2%) có thể điều trị hồi phục bằng phẫu thuật và có thai tự nhiên. Tuy nhiên, cách này chỉ áp dụng cho các trường hợp người vợ trẻ tuổi, có khả năng sinh sản tốt.
Một trong số các phương pháp điều trị vô sinh cho các trường hợp không có tinh trùng hiệu quả nhất hiện nay là thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản với tinh trùng lấy được từ mào tinh hoặc tinh hoàn.
Một số ít trường hợp có thể điều trị bằng nội tiết nếu nguyên nhân vô tinh là do thiếu nội tiết tuyến yên. Các trường hợp có thể điều trị bằng phẫu thuật như thông nối hay mổ giãn tĩnh mạch thừng tinh có khả năng thành công thấp, chỉ nên áp dụng cho những trường hợp người vợ trẻ tuổi, dễ có thai.
Thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản với tinh trùng lấy được từ mào tinh hoặc tinh hoàn. (Ảnh minh họa: Internet)
Chỉ suy tinh hoàn hoàn toàn mới không thể có con
Trong các nhóm nguyên nhân gây vô tinh ở nam giới, chỉ có những trường hợp suy tinh hoàn hoàn toàn là không thể có con của chính mình. Bởi vì nếu nam giới bị suy tinh hoàn, các ống sinh tinh trong tinh hoàn sẽ không sản xuất được tinh trùng.
Tình trạng này có thể là do ở các ống sinh tinh không có loại tế bào để tạo tinh trùng hay quá trình sinh tinh bị gián đoạn nửa chừng, không sản xuất được tinh trùng trưởng thành. Những trường hợp này nếu muốn có con, cần phải xin tinh trùng ở ngân hàng tinh trùng.
Một điều quan trọng khác là dù nguyên nhân vô sinh chính trong các trường hợp này là do nam giới, nhưng sự thành công khi điều trị phụ thuộc rất lớn vào khả năng sinh sản của người vợ.
Nếu người vợ lớn tuổi (trên 35 tuổi) hay có những nguyên nhân hiếm muộn khác, thì khả năng thành công khi điều trị sẽ giảm nhiều.
Do đó, phải lưu ý đến các yếu tố thuộc về người vợ khi quyết định điều trị, không điều trị vô sinh chỉ dựa trên người chồng và tinh trùng.
Những nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới
Không có ống dẫn tinh 2 bên bẩm sinh: Trong những trường hợp này, hai tinh hoàn vẫn sản xuất tinh trùng nhưng không có đường dẫn ra ngoài.
Tắc đường dẫn tinh mắc phải: Do nhiễm trùng, biến chứng sau mổ, sau chấn thương cơ quan quan sinh sản khiến đường dẫn tinh bị tắc.
Xuất tinh ngược dòng: Tinh trùng thay vì được phóng ra ngoài, lại đi ngược vào bàng quang (nơi chứa nước tiểu). Tình trạng này có thể xảy ra ở những trường hợp biến chứng sau khi mổ ở vùng lân cận, chấn thương cột sống, bệnh tiểu đường... Những trường hợp này sẽ tìm thấy tinh trùng trong nước tiểu sau khi xuất tinh.
Tinh trùng sản xuất quá ít, không tìm thấy trong tinh dịch: Hai tinh hoàn suy giảm chức năng nặng và sản xuất rất ít tinh trùng. Tuy nhiên, khi sinh thiết tinh hoàn có thể tìm thấy ít tinh trùng ở một số nơi trong tinh hoàn.
Suy tinh hoàn: Đây là tình trạng các ống sinh tinh trong tinh hoàn không sản xuất được tinh trùng. Tình trạng này có thể là do ở các ống sinh tinh không có loại tế bào để tạo tinh trùng hay quá trình sinh tinh bị gián đoạn nửa chừng, không sản xuất được tinh trùng trưởng thành. Trong đa số trường hợp, cả hai tinh hoàn teo nhỏ và không hoạt động. Các nguyên nhân này có thể có liên quan đến di truyền hoặc teo tinh hoàn mắc phải.
Nguyên nhân nội tiết: Bình thường, nội tiết từ tuyến yên (ở não) kích thích tinh hoàn sản xuất ra tinh trùng. Nếu không có hoặc không đủ nội tiết tuyến yên, tinh hoàn sẽ không sản xuất được tinh trùng. Đặc biệt nếu nam giới sử dụng nội tiết tố nam (androgen) nhiều quá, cũng có thể làm tuyến yên không tiết nội tiết và tinh hoàn không sản xuất tinh trùng. Các trường hợp này có thể điều trị bằng thuốc để giúp tinh hoàn sản xuất tinh trùng.
Giãn tĩnh mạnh thừng tinh: Một số ít trường hợp giãn tĩnh mạnh thừng tinh cũng có thể gây vô tinh. Những trường hợp này sau mổ giãn tĩnh mạch thừng tinh, quá trình sinh tinh có thể hồi phục một phần.
Trong sinh lý bình thường, cần ít nhất hàng chục triệu tinh trùng di động trong một lần xuất tinh để nam giới có khả năng có con tự nhiên.
Tuy nhiên, với các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện nay, nam giới có thể có con của chính mình chỉ với một ít tinh trùng tìm thấy trong tinh hoàn. Càng khám, chẩn đoán và điều trị sớm thì khả năng thành công càng cao.
BS. Hồ Mạnh Tường
Theo Khoeplus